Ngày trước, sau khi làm lễ cưới, chàng trai người dân tộc Xinh Mun khăn gói về nhà vợ. Trong 8-12 năm ở rể dài đằng đẵng, người đàn ông mặc dù đã bị cắt mác trai tân, nhưng vẫn chưa thể trở thành “người lớn”, bởi luật tục hôn nhân của dân tộc cấm đôi vợ chồng trẻ động phòng hoa trúc.
>> Run rẩy rừng ma người Khơ Mú
10 năm mới được động phòng
Bản Puông, xã Chiềng Khương, huyện Sông Mã (Sơn La), bản của người Xinh Mun, nằm trên một dải đất có địa thế đặc biệt. Án ngữ ở phía tây là đỉnh Pha Lanh cao ngút ngát, nơi một giọt nước trời rơi xuống bị chẻ làm đôi, một nửa chảy về Việt Nam, một nửa ngấm vào đất Lào; phía đối diện là dòng Mã giang hung dữ, cục cằn, đêm ngày gầm gào như muốn phá nát vùng trời yên ả.
Cây cầu tre ọp ẹp bắc qua sông Mã dẫn vào bản Puông
Muốn đến được bản Puông phải luồn qua những con đường mòn rậm rạp dẫn lối ra bờ sông Mã, sau đó “nghênh chiến” với tử thần khi đi qua chiếc cầu tre èo ọt, nổi lềnh phềnh trên mặt nước nhờ những chiếc thùng phuy sắt gắn phía dưới.
Dấu ấn của một cộng đồng nhát người và lười ngoại giao vẫn còn lồ lộ trước mắt tôi. Đối diện với người lạ nhập vào bản, từ già đến trẻ đều cúi gằm mặt. Ở đây, tìm được một người lớn tuổi nói “sõi” tiếng Kinh hơi khó. Thế nên, khi gặp được ông Lường Văn Cấu (53 tuổi), Bí thư chi bộ bản Puông, tôi mừng như thợ rừng tìm thấy trầm hương nơi rừng thiêng nước độc.
Ông Bí thư chi bộ bản Puông kể về những phong tục kỳ lạ của dân tộc mình
Ông Cấu kể: Trước đây, người Xinh Mun chưa quen sống tập trung thành bản. Họ thích lang thang trên rừng hay chui rúc hang sâu hủm xa đều được, sống tự do vô pháp luật. Năm 1980 trở về trước, cả bản mù chữ. Dân tộc chưa có hệ chữ viết riêng nên cứ như người bị câm khi tiếp xúc các dân tộc khác. Không có giấy khai sinh, CMTND, do đó, muốn nhớ họ tên, ngày sinh, họ phải nhờ người xăm mực tàu bằng tiếng Việt lên tay, chân, bả vai, lưng.
Sau này, khi cán bộ hộ tịch xã đến điều tra thông tin làm giấy tờ tuỳ thân, dân bản cứ ngẩn tò tè, hỏi gì cũng lắc đầu nguầy nguậy vì chẳng ai biết khai thế nào, chỉ chìa vết xăm cho cán bộ nhìn mà đoán.
Bản Puông là “thành trì” riêng của người Xinh Mun. Ngày trước, chúng tôi sợ tiếp xúc với dân tộc khác. Nhiều người cả đời không dám vượt dòng nước dữ sang phía bên kia sông Mã.
Thế nên, mỗi khi có người Thái, người Kinh ở bản Tiên Giang, Tiên Mã đến xin quả chuối, con gà,… nghe thấy tiếng chó sủa, trẻ con mặt tái nhợt, sợ hãi nấp vào chỗ khuất hoặc ba chân bốn cẳng chạy thục mạng vào rừng. Người lạ dứ dứ ngón tay chỉ vào cái gì thì người lớn lấy cho họ.
Đến nay, bản Puông có 101 hộ, 664 nhân khẩu, đa số là hộ nghèo và cận nghèo. Trong đó có 14 hộ không có một thứ gì ngoài căn nhà lợp mái tranh rách nát. Theo cuốn sổ điều tra trình độ dân trí của trưởng thôn Lường Văn Cấu, 99% những người sinh trước năm 1986 đều mù chữ, đến chữ ký cũng không biết, phải điểm chỉ hoặc nhờ con cái ký thay vào các văn bản giấy tờ.
Mặc dù đã quen thuộc với tục hôn nhân ở rể của nhiều dân tộc vùng cao Tây Bắc như Thái, Dao, Tày... , nhưng sự hà khắc và những quy định “trần đời có một” trong tục ở rể truyền thống của người dân tộc Xinh Mun vẫn khiến tôi lấy làm lạ lùng.
Khi cái bụng của chàng trai và cô gái đã ưng nhau bố mẹ chàng trai sẽ mang một chai rượu đến nhà gái hỏi vợ cho con. Nếu được nhà gái đồng ý, nhà trai sẽ rót rượu chung vui và bàn ngày cưới hỏi.
Lễ cưới hỏi của người Xinh Mun đơn giản đến bất ngờ. Nhà trai chỉ cần mang một con lợn hoặc 1 đôi gà (miễn là phải có đủ 1 chân) cùng 2 vò rượu cần sang nhà gái, sau đó tổ chức mâm cơm cúng tổ tiên và làm tằng cẩu cho cô dâu (tằng cẩu là mái tóc dài búi ngược, mang một thông điệp ý nghĩa, rằng từ nay cô gái đã có chồng, bông hoa rừng đã có chủ. Bất cứ chàng trai nào cũng không được tăm tia, chọc ghẹo).
Lễ cưới đơn sơ ấy phản ánh cái nghèo đến xơ xác của người Xinh Mun. Nhà gái chịu thiệt về vật chất, nhưng bù lại, họ được sở hữu một chàng rể sức vóc, đảm đương những việc nặng nhọc nhất, từ phát nương trồng ngô đến chăn trâu cắt cỏ; đan lát các vật dụng trong gia đình… từ 8 đến 12 năm.
Chẳng nói đâu xa, trước đây bố ông Cấu - cụ Lường Văn Ngót (94 tuổi) muốn rước được bà Vì Thị Khọ (một cô gái cùng bản xinh như hoa ban rừng, sắc nước khó bằng, hương trời khó sánh, khiến bao chàng trai phải ngây ngất) về nhà cũng phải trải qua một quá trình ở rể đầy lâm li bi đát đúng 12 năm.
Ông Vì Văn Ngói và người con trai đều xăm họ tên và năm sinh của mình lên tay để nhớ
Trong suốt 12 mùa trăng dài lê thê ấy, ông Ngót phải ngủ cách ly trong một căn phòng bé xíu ở đầu hồi, tuyệt đối không được nằm cùng giường với vợ vì chưa trả đủ công ơn của bố mẹ nàng dâu.
Khi con gà rừng mới cất tiếng thứ tư, trời vẫn mờ tối, chàng rể lại lục tục dậy mài dao, cắt cỏ cho trâu ăn rồi cuốc bộ lên nương cầm gậy chọc lỗ tra hạt ngô, gánh nước tưới. Thời điểm bắp ngô bắt đầu phun những sợi râu đỏ tia tía đến khi thu hoạch, ông không được về nhà mà phải khuân nồi, niêu và gạo lên lán nương tự nấu ăn và canh giữ.
Một cán bộ vận động quần chúng, Đồn biên phòng Chiềng Khương, cho biết: Truyền thống trong sinh hoạt của người Xinh Mun là ở không vệ sinh, mỗi năm họ chỉ dọn nhà 1 lần để đón mùa ban nở. Dù cán bộ đã nhiều lần tuyên truyền nếp sống mới cho bà con, nhưng vẫn không có hiệu quả. |
Mãi đến năm 34 tuổi, ông Ngót mới trả xong nợ công nhà vợ và rước nàng dâu về nhà mình. Bố vợ trả ơn chàng rể chăm ngoan 2 con lợn giống, 2 cái chăn, 2 cái gối và một cái đệm. Có lẽ, vì đã chờ đợi cái giây phút được cùng chung chăn gối với vợ suốt 12 mùa ban nở, thế nên, vợ chồng ông Ngót cứ thế đẻ sòn sòn liên tục 5 người con.
Đến lượt ông Cấu lấy vợ, vì có ít chữ nghĩa trong người, lại được làm cán bộ của bản nên bố mẹ nàng dâu chỉ bắt ông ở rể 6 năm, 2 năm còn lại phải trả bằng 6 đồng bạc trắng thời Việt Nam Dân chủ Cộng hoà.
Ông Cấu chia sẻ: “Những ngày ở nhà vợ, dù có làm cực nhọc như con trâu, con ngựa cũng chẳng tiếc sức lực, nhưng có vợ trẻ ngay trong nhà, nhìn hơn hớn thế kia mà vẫn phải nằm vò võ một mình thì mới là sự đày đoạ ghê gớm đối với một người đàn ông”.
Có cặp vợ chồng không kiêng được chuyện giường chiếu, xé rào luật tục bị dân bản tẩy chay, gia đình từ mặt, phải bỏ bản đi nơi khác sinh sống. May thay, tục lệ hôn nhân hà khắc này dần dần được giảm bớt.
Khổ như làm lễ cúng lúa mới
Ngày trước, đất bản Puông tháng ngày không có lịch, thế nên chẳng ai quan tâm khi nào đến rằm, bao giờ đến Tết, ngày nào phải làm giỗ tổ tiên. Đối với người Xinh Mun, “Tết” (ngày vui chung của cả cộng đồng) – chính là ngày cúng ma bản nhằm xua đuổi mọi tai ương, đến bây giờ vẫn được duy trì thường niên.
Người Xinh Mun có truyền thống ở bẩn, mỗi năm chỉ dọn nhà 1 lần để đón mùa ban nở
Mỗi gia đình phải đóng góp rượu, gạo và tiền để mua một con lợn làm lễ cúng, sau đó hát hò nhảy múa linh đình. Theo một số cụ cao niên kể lại, và được chính ông trưởng bản Lường Văn Cấu nói ra, thì từ xa xưa, vào đúng ngày cúng ma bản, thầy mo sẽ làm bùa ngải để giết chết một người đi theo hầu hạ ma bản. Nhưng hành vi tàn nhẫn này đã bị xoá bỏ rất lâu rồi.
Khi những bông lúa chín nhuộm vàng nương ruộng cũng là lúc các gia đình người Xinh Mun cúng hồn lúa. Nếu chưa làm nghi lễ này, thì lúa chín rụng cũng không được thu hoạch, đói đến mấy cũng không được phép cầm liềm gặt, phải ăn củ nâu, củ mài sống qua ngày đoạn tháng.
Bởi, tổ tiên chưa được ăn thì con cháu chưa đến lượt. Lễ cúng phải có ít nhất 7 con vật sống trên rừng (như: chuột dúi, gà rừng, chim, sâu măng - cây măng nhú cao đến đầu gối có sâu đục bên trong, lợn rừng, rắn, thằn lằn); ít nhất 7 con vật sống dưới nước (tôm, cua, cá, ốc, lươn, hến, trai); tất cảc cá loại dưa trồng trên nương; 4-5 ống cơm lam và một quả dừa.
Phải còn rất lâu nữa, cái đói ăn, nghèo chữ và những tập tục lạc hậu của người Xinh Mun mới cải thiện được.