| Hotline: 0983.970.780

Giấc mơ lớn trên lòng hồ sông Đà [Bài 4]: Mỗi năm hơn 10.000 tấn cá ‘bơi’ đi đâu?

Thứ Ba 08/10/2024 , 09:00 (GMT+7)

Vùng hồ Hòa Bình hiện có gần 5.000 lồng nuôi cá; sản lượng hơn 10.000 tấn/năm. Dù đã có thương hiệu nhưng cá sông Đà vẫn loay hoay 'tự bơi' tìm người tiêu dùng...

'Cú hích' chính sách

Nghị quyết số 12 ngày 13/6/2014 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hòa Bình về phát triển nuôi cá lồng bè vùng hồ thủy điện Hòa Bình giai đoạn 2014 – 2020 đã chính thức đặt viên gạch đầu tiên cho việc khai mở tiềm năng để phát triển một lĩnh vực kinh tế mới trên lòng hồ thủy điện: nuôi trồng thủy sản nước ngọt. Ngay sau đó, năm 2015, UBND tỉnh ban hành chủ trương, chính sách hỗ trợ khuyến khích phát triển nuôi cá lồng vùng hồ thủy điện Hòa Bình giai đoạn 2015 – 2020, mỗi hộ kéo lồng bè nuôi cá ra vùng hồ được hỗ trợ tối đa 25 triệu đồng.

Với những chính sách hỗ trợ người nuôi cá lồng, Hòa Bình hiện có trên 5.000 lồng bè nuôi cá nước ngọt. ảnh: Kiên Trung.

Với những chính sách hỗ trợ người nuôi cá lồng, Hòa Bình hiện có trên 5.000 lồng bè nuôi cá nước ngọt. ảnh: Kiên Trung.

“Cú hích chính sách” đã tiếp thêm cho người nuôi cá trên sông Đà niềm tin: 17 xã, phường thuộc 4 huyện, thành phố: Hòa Bình, Cao Phong, Tân Lạc, Đà Bắc với 1.700 hộ dân, nhiều tổ chức, doanh nghiệp mạnh dạn đầu tư. Trong gần 10 năm trở lại đây (giai đoạn 2015 đến nay), nuôi trồng thủy sản trong vùng lòng hồ Hòa Bình đã có những bước tiến dài chưa từng có.

Theo Chi cục Thủy sản Hòa Bình, năm 2015, số lồng nuôi trên vùng hồ là 2.317 lồng; đến năm 2023 là 4.987 lồng, tăng 2.670 lồng, tỷ lệ tăng 115, 23% bình quân tăng 14,4%/năm. 9 tháng đầu năm 2024, diện tích nuôi trồng thủy sản duy trì ổn định 2.695 ha; sản lượng ước đạt 10.800 tấn, trong đó chủ yếu là thủy sản nuôi trồng (8.550 tấn)…

Theo nhận định của những hộ nuôi cá nhiều kinh nghiệm trên lòng hồ, chất lượng cá sông Đà so sánh với cá nuôi của các vùng nuôi trồng khác cao hơn hẳn, nếu không nói là đứng thứ hạng đầu bảng. Nguyên nhân lý giải là do nguồn nước đầu vào sạch, trong lành (vùng lòng hồ Hòa Bình rộng 8.900ha, trải dài 80km, độ sâu trung bình trên dưới 100 mét do đó dung lượng nước lòng hồ đạt 9,3 triệu m3 nước); thời gian nuôi lâu hơn nhiều lần các vùng nuôi khác (từ 2 – 3 năm mới bán cá thương phẩm so với 5 – 6 tháng của các vùng nuôi khác); thức ăn cho cá chia theo giai đoạn: năm đầu tiên có sử dụng thức ăn công nghiệp nhưng phải đảm bảo chất lượng, rõ nguồn gốc xuất xứ. Từ năm thứ 2 trở đi, người nuôi sử dụng thức ăn tự nhiên (cá tép dầu, cá tạp khai thác, đánh bắt trên chính vùng lòng hồ để làm thức ăn cho cá…).

Những lồng nuôi cá sau 2 - 3 năm mới cho thu hoạch cá thương phẩm...

Những lồng nuôi cá sau 2 - 3 năm mới cho thu hoạch cá thương phẩm...

Hòa Bình đang kỳ vọng nuôi trồng thủy sản lòng hồ sẽ phát triển thành ngành hàng. Ảnh: Kiên Trung.

Hòa Bình đang kỳ vọng nuôi trồng thủy sản lòng hồ sẽ phát triển thành ngành hàng. Ảnh: Kiên Trung.

Quy trình nuôi công phu, cầu kỳ này đã mang lại chất lượng cho cá sông Đà hơn hẳn. Thương hiệu “Tôm – Cá sông Đà” nức danh cả nước cũng bởi lý do đó. Vì những điều trên, cá sông Đà không bao giờ ra đến chợ, có đường đi riêng, kênh phân phối riêng.

Anh Bùi Quý Hoàng, Việt kiều Thụy Điển “tay ngang” trở thành ngư phủ sông Đà gần 6 năm qua cho biết: “Cá sông Đà có thể làm món sasami (ăn gỏi) như Nhật Bản được, bởi thịt cá rất dai, thơm và đậm, giàu dinh dưỡng. Hầu hết, tất cả các loại cá nuôi trên sông Đà (chẽm, lăng, ngạnh, rô phi, chép, trắm đen, trắm trắng…) tuân thủ theo đúng quy trình thức ăn, thời gian nuôi… đều đạt kích cỡ, trọng lượng khủng. Giá trị cá sông Đà rất lớn, giá bán vì thế cũng rất cao, do đó, cá sông Đà từ trước tới nay chưa bao giờ ra chợ”.

Giải thích điều này, anh Hoàng cho hay: Một kg cá rô phi nuôi ở các vùng nuôi khác, giá thu mua của thương lái 30 – 40 ngàn đồng, ra tới chợ ở mức 50 ngàn đồng/kg; cá chép, trắm… nhỉnh hơn một chút. Nhưng, cá nuôi sông Đà tại lồng đã gấp 3 lần. Cá rô phi nuôi đạt trọng lượng 4kg/con sau 3 năm, giá bán 100 ngàn đồng/kg; cá trắm đen nếu kích cỡ đạt từ 12 – 15kg trở lên, giá bán trên dưới 600 ngàn đồng/kg. Một con cá trắm đen sông Đà 20kg giá thành trên 10 triệu đồng, như thế làm sao có thể ra chợ được, vì ai dám bỏ tiền gấp 3 – 4 lần để mua nếu như họ không biết, không có thông tin để phân biệt?

Vẫn là thương hiệu từ truyền thuyết

Trong những niềm vui, dự định, kế hoạch mở rộng số lượng lồng bè nuôi cá trên hồ Hòa Bình, câu chuyện về đầu ra cho sản phẩm tôm cá sông Đà vẫn là vấn đề đau đáu.

 
Những đơn vị quy mô lớn nuôi cá ở vùng hồ Hòa Bình có thể nhắc tới những cái tên như Hải Đăng, Cường Thịnh; kết hợp đa giá trị: nuôi trồng, khai thác du lịch, chế biến thủy sản. Ảnh: Kiên Trung. 

Những đơn vị quy mô lớn nuôi cá ở vùng hồ Hòa Bình có thể nhắc tới những cái tên như Hải Đăng, Cường Thịnh; kết hợp đa giá trị: nuôi trồng, khai thác du lịch, chế biến thủy sản. Ảnh: Kiên Trung. 

Cũng bởi lý do này, nhiều năm qua, tôm cá sông Đà đều loay hoay tự tìm đường “bơi” riêng: các hộ nuôi tự làm thương hiệu, tự tìm kênh phân phối theo con đường quà cho – biếu – tặng; bán cho các nhà hàng dưới các thành phố lớn. Đặc sản cá sông Đà vì thế vẫn chưa có con đường “chính ngạch”.

Với nghề nuôi cá lồng phát triển ổn định, hằng năm, Hòa Bình cung cấp ra thị trường hàng nghìn tấn cá. Trong lĩnh vực nông nghiệp, thủy sản có đóng góp tỷ trọng khá cao trong tăng trưởng của ngành, trong đó chủ yếu là nghề nuôi cá lồng trên lòng hồ thủy điện Hòa Bình.

Năm 2023, Hòa Bình lần đầu tổ chức “Lễ hội cá, tôm sông Đà” với mong muốn đẩy mạnh việc liên kết, tiêu thụ các sản phẩm cá sông Đà ngày càng thuận lợi. Cục Sở hữu trí tuệ cũng đã cấp chứng nhận nhãn hiệu "Cá sông Đà - Hòa Bình” và "Tôm sông Đà - Hòa Bình”. Những “điều kiện cần” đã chuẩn bị cơ bản để tôm cá sông Đà bơi xa hơn, từ đó thúc đấy phát triển sản xuất, mở rộng thị trường tiêu thụ, nâng cao giá trị sản phẩm, hướng đến thị trường xuất khẩu.

 
Tôm cá vùng hồ sông Đà. Ảnh: Kiên Trung.

Tôm cá vùng hồ sông Đà. Ảnh: Kiên Trung.

Tuy nhiên, phải thừa nhận một thực trạng: đường đi của cá sông Đà vẫn là con đường tự phát, mạnh hộ nuôi nào tự tìm đầu ra, tự bao tiêu, bán hàng cho cá nuôi của lồng bè nhà mình. Số lượng những sản phẩm chế biến sâu từ cá sông Đà vẫn rất hiếm hoi, và mang tính chất sở hữu cá nhân, chưa phải là sản phẩm chung của cả vùng cá sông Đà.

Tiên phong và đi đầu ở vùng hồ Hòa Bình là một số doanh nghiệp có tiềm lực, đầu tư bài bản xây dựng hệ thống lồng bè nuôi tiên tiến, nuôi theo hình thức thâm canh và bán thâm canh một số loài cá đặc sản kết hợp chế biến. Công ty TNHH Dịch vụ và xây dựng Cường Thịnh và Công ty TNHH Thủy sản Hải Đăng là hai cái tên như thế.

Cường Thịnh hiện đang sở hữu sản phẩm cá rô phi sông Đà fillet và cá lăng fillet (hình thức hun khói, hút chân không đóng bao bì). Trong đó, sản phẩm cá rô phi sông Đà fillet đã được chứng nhận OCOP 4 sao vào năm 2019. Công ty TNHH thủy hải sản Hải Đăng HB đã chế biến sản phẩm ruốc cá trắm đen, cá lăng vàng và cá lăng đen. Các sản phẩm này cũng đã được chứng nhận OCOP 4 sao vào năm 2020.

Theo Công ty TNHH Thuỷ hải sản Hải Đăng HB, những năm qua, đơn vị đã nỗ lực trong xây dựng thương hiệu cá sạch sông Đà. Công ty đầu tư nuôi trên 200 lồng cá, liên kết với 7 thành viên để thành lập HTX cá sạch Bảy Tuyển. Trong quá trình sản xuất, HTX đã nuôi theo quy trình VietGAP nhằm hướng tới sản phẩm sạch, lấy chất lượng đặt lên hàng đầu.

Ngoài nuôi trồng, Công ty Hải Đăng còn kinh doanh dịch vụ du lịch, chế biến thủy sản.

Ngoài nuôi trồng, Công ty Hải Đăng còn kinh doanh dịch vụ du lịch, chế biến thủy sản.

Trong quy trình chăn nuôi, cá giống được nuôi hoàn toàn bằng cám dinh dưỡng chất lượng, rõ nguồn gốc xuất xứ từ các công ty cung cấp thức ăn chăn nuôi uy tín. Khi cá đạt trọng lượng từ 1 kg trở lên, khẩu phần ăn sẽ có 80% là cá tự nhiên như: tép dầu, cá mương. Ngoài ra, cá sẽ được bổ sung các chất dinh dưỡng như vitamin C, khoáng, vitamin tổng hợp và đặc biệt là men tỏi nhằm ngăn ngừa mầm bệnh…

Giữa những cái “riêng”, cá sông Đà vẫn cần tới một cái chung, bởi vựa cá sông Đà đang còn nhiều tiềm năng mở rộng, và những gì đang hiện hữu mới ở mức sơ khai! Vùng hồ Hòa Bình hiện có gần 5.000 lồng nuôi cá; sản lượng cá đánh bắt tự nhiên đạt trên 2.000 tấn/năm và gần 10.000 tấn cá nuôi. Cá sông Đà bơi đi đâu – đó là vấn đề quyết định giá trị cho ngành nghề nuôi trồng thủy sản của Hòa Bình nếu muốn vươn lên thành ngành hàng.

Xem thêm
Có những thông tin giả gây thiệt hại vốn hóa nhiều nghìn tỷ đồng

Nói về hệ lụy của tin giả, Bộ trưởng Bộ Công an Lương Tam Quang cho biết, có những thông tin gây thiệt hại vốn hóa nhiều nghìn tỷ đồng trên thị trường chứng khoán.

Cây bưởi góp phần xây dựng nông thôn mới ở Thượng Mỗ

Cách đây 30 năm một số nông dân xã Thượng Mỗ, huyện Đan Phượng, TP. Hà Nội đã tiên phong trong việc mang giống bưởi Diễn về trồng thử ở quê mình.

Nhận quà khủng, chủ xe VF 6 chốt cọc với mức giá từ 579 triệu đồng

VF 6 đang là mẫu xe đáng mua nhất phân khúc khi chi phí bỏ ra cho chiếc xe chưa đến 600 triệu đồng nhưng giá trị nhận được thì vượt xa con số này.

Vùng hoang vu Quảng Trị: [Bài 2] Bóng tối vây quanh bản làng

Tục đi sim, ảnh hưởng của mạng xã hội, bố mẹ quản lý lỏng lẻo, nhiều bé gái mang bầu bỏ cuộc chơi. Thực tế đau lòng này không hiếm ở các bản làng.