| Hotline: 0983.970.780

Dấu tích phu cao su

Thứ Tư 07/12/2011 , 11:51 (GMT+7)

Chỉ còn một vài dấu tích ít ỏi về cuộc đời họ còn tản mát, lẩn khuất đâu đó giữa những vùng cao su bạt ngàn ở Đông Nam Bộ.

Ông Thắng giới thiệu về ngôi nhà phu công tra mà mấy thế hệ gia đình ông đã ở từ hơn 80 năm nay

"Lỡ lầm vào đất cao su/ Chẳng tù thì cũng như tù chung thân". Đó là một trong những câu ca dao đầy xót xa về thân phận phu đồn điền - lớp công nhân cao su đầu tiên ở Việt Nam đầu thế kỷ 20. Thời gian đã lùi xa, những phu đồn điền từ lâu thân xác đã lẫn vào cát bụi. Chỉ còn một vài dấu tích ít ỏi về cuộc đời họ còn tản mát, lẩn khuất đâu đó giữa những vùng cao su bạt ngàn ở Đông Nam Bộ.

1.Ở ấp Hoà Hiệp, xã Minh Hoà (Dầu Tiếng, Bình Dương), có những chỗ nhà cửa, đất đai không có vẻ lộn xộn, đất nhà này rộng, đất nhà kia hẹp, đất nhà này méo, đất nhà nọ vuông…, như ở nhiều làng quê khác hay thậm chí là như ở nhiều chỗ khác trong ấp, trong xã. Mà phần đất nhà nào nhìn cũng khá vuông vắn, đều đặn như đất nền ở mấy khu dân cư, khu đô thị mới vậy.

Ông Hồ Văn Thắng, một người dân ấp Hoà Hiệp lý giải “là do người Pháp đó. Ngày xưa, họ đưa phu cao su đến đây, vạch ra từng lô đất vuông như nhau. Trên mỗi lô đất, họ xây nhà cho phu cao su ở, gọi là nhà phu công tra. Mỗi nhà có có diện tích 28 mét vuông, cho từ 1 đến 2 hộ phu ở. Nhà phu công tra được xây tường bằng đá khai thác từ núi Cậu ở huyện Dầu Tiếng, ngói lợp được chở từ Pháp sang”.

Nói rồi, ông Thắng dẫn tôi đi xem ngôi nhà phu công tra được xây dựng cách nay khoảng 80 năm mà đến giờ gia đình ông vẫn đang sử dụng. Đó là một ngôi nhà nhỏ bé xây bằng đá, tường dày tới 40 cm, nhưng chiều cao của bức tường chưa tới 3m. Mái ngói cũ của ngôi nhà đã bị hỏng và thay từ lâu bằng một cái mái tôn. Bên trong ngôi nhà, một số chi tiết xây dựng vẫn còn giữ nguyên dạng như 80 năm trước. Đó là những bức tường trát vôi vữa lâu đời, đang tróc lở từng mảng vì thời gian.

Ông Thắng bảo nhà này ngày xưa người Pháp ngăn làm đôi, cho 2 hộ ở. Mỗi hộ làm cửa ra vào ở mỗi đầu nhà. Nền nhà ngày xưa trát xi măng. Ngôi nhà chỉ có 28 mét vuông, chia làm đôi, mỗi hộ chỉ được 14 mét, mà lại làm nên xi măng, tường thì thấp, chẳng có cửa sổ gì cả, thành ra ăn ở rất chật chội, nóng nực, khó chịu. Ông Thắng đùa: “Chẳng biết có phải vì nóng nực, chật chội, ban đêm đâm ra khó ngủ, nên cặp vợ chồng phu cao su nào cũng… đông con. Nhà ít thì 5 đứa. Nhà nhiều tới trên 10 đứa. Nhà tôi ngày xưa cũng thế, anh em đông lắm”. 

Một ngôi nhà phu công tra ở ấp Hòa Hiệp, xã Minh Hòa

2. Ông Thắng là đời thứ 3 của một gia đình phu công tra đầu tiên ở Dầu Tiếng. Ông bà nội của ông, nghe đâu là dân gốc Hà Nam Ninh (cũ). Dân vùng chiêm trũng, đói khổ quá, chịu không nổi, nên khi thấy mấy hãng cao su của Pháp ra Bắc mộ phu, các cụ đã đăng ký vô đây làm phu cao su và được ở trong một nửa ngôi nhà phu công tra nói trên.

Ông Thắng nhớ lại, chủ đồn điền người Pháp quản lý dân phu ngặt nghèo lắm. Đồng lương chỉ đủ để công nhân có cái ăn, giữ sức lao động để tiếp tục làm thuê cho họ. Không nhà nào để dành được tiền. Đã thế, công nhân còn hay bị đánh đập rất tàn bạo. Đàn ông bị đánh theo kiểu đàn ông, đàn bà bị đánh theo kiểu đàn bà. Đám cai, ký người Việt, thậm chí cả mấy tay gác giăng mà “chức tước” chưa bằng mấy ông bảo vệ bây giờ, cũng hùa theo chủ Pháp, sẵn sàng đánh phu cao su không thương tiếc. Vì thế, đời sống của người công nhân cao su rất cơ cực.

Cuối năm ngoái, ở làng 14 thời Pháp, nay thuộc xã Định An, huyện Dầu Tiếng, Cty Cao su Dầu Tiếng đã khởi công xây dựng khu trưng bày di tích lịch sử làng cao su thời Pháp thuộc, trong đó có mô hình nhà phu công tra.

Khổ là thế nhưng phu cao su vẫn buộc phải gắn đời mình với các đồn điền, bởi không để dành ra được đồng nào, thì khi đã thoát ra ngoài, biết bám vào cái gì mà sống. Muốn trở về quê cũ cũng không thể vì đường xá quá xa xôi, mà nhà cửa, ruộng vườn ngoài quê cũng đã đem gán nợ hết rồi. Bởi vậy, cứ đời này qua đời khác buộc phải gắn mình với những ngôi nhà phu công tra nhỏ bé, nực nội, phải đổ mồ hôi, máu và nước mắt dưới những gốc cao su. Và cũng có lẽ vì thế, mà trong phong trào đấu tranh của công nhân trước Cách mạng Tháng 8, công nhân cao su luôn là những người tham gia tích cực nhất.

3. Mãi đến sau Cách mạng Tháng 8 năm 1945, phu cao su mới bắt đầu thoát ra khỏi cuộc đời cơ cực, thoát ra khỏi những làng phu công tra đã giam cầm họ từ đời này qua đời khác. Rồi mấy chục năm chiến tranh, bom đạn tơi bời, cũng xóa xổ nhiều ngôi nhà phu công tra. Nhưng theo ông Thắng, chính những ngôi nhà phu công tra đó, cũng đã cứu mạng cho khá nhiều người nhờ những bức tường đá dày tới 40 cm. Chỉ những ngôi nhà nào bị pháo chụp thẳng vào thì những ẩn nấp trong nhà mới bị ảnh hưởng tới tính mạng.

Sau năm 1975, nhất là từ khi cả nước bước vào nền kinh tế thị trường, kinh tế dần phát triển, nhiều hộ dân đã đập bỏ dần những ngôi nhà phu công tra để xây cất những ngôi nhà mới. Những nhà phu công tra còn lại cũng đã bị thay đổi ít nhiều về kiến trúc nhằm đáp ứng nhu cầu sinh hoạt của người dân.

Đến nay, ở xã Minh Hòa còn gần 20 ngôi nhà phu công tra. Ông Thắng cho biết mấy năm trước, Cty Cao su Dầu Tiếng đã vào thương lượng với người dân để mua lại một ngôi nhà phu công nhà nhằm giữ gìn dấu tích của một thời phu cao su, nhưng nghe đâu cuộc thương lượng không thành công.

Xem thêm
Bầu bổ sung 4 Ủy viên Bộ Chính trị khóa 13

Trung ương bầu bổ sung ông Lê Minh Hưng, Đỗ Văn Chiến, Nguyễn Trọng Nghĩa và bà Bùi Thị Minh Hoài vào Bộ Chính trị.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan: 'Cần có các giải pháp tiếp cận thị trường nông sản tổng quan hơn'

Đây là ý kiến kết luận của Bộ trưởng Lê Minh Hoan, Trưởng Ban Chỉ đạo chất lượng, ATTP và phát triển thị trường, tại phiên họp lần thứ nhất của ban.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Lật ghe trên sông Ba: Đã tìm thấy 1 thi thể

Sau thời gian nỗ lực tìm kiếm, lực lượng chức năng đã tìm thấy 1 thi thể trong vụ lật ghe trên sông Ba tại tỉnh Phú Yên.