| Hotline: 0983.970.780

Mộ gió chờ chồng

Thứ Năm 05/04/2012 , 10:42 (GMT+7)

Người dân vùng biển có một tập tục, đó là những người bị nạn trên biển, không tìm được thi thể thì phải làm mộ gió...

Người dân vùng biển có một tập tục, đó là những người bị nạn trên biển, không tìm được thi thể thì phải làm mộ gió, dựng cây tre đầu làng, trên cây tre buộc mảnh vải trắng (nhìn như cây nêu) với niềm tin là gọi hồn người chết trở về nhập vào ngôi mộ.

>> Hai mươi năm chưa tìm thấy xác chồng, con
>> Bao trai tráng dồn ra biển cả
>> Tàu đi năm rưỡi chưa về

Chuyến đi cuối cùng

Về làng biển Phú Hải (huyện Phú Vang, Thừa Thiên Huế) trong một ngày biển lặng sóng êm. Trời chiều, làng chài Cự Lại Đông bình yên lạ. Ngoài xa khơi, từng chuyến tàu đã cập bến, mang theo sản vật và cả những nụ người rám nắng, dãi dầu của ngư phủ. Chiều nay, bà Lê Thị Lợi nghỉ việc ở nhà để cùng những phụ nữ trong thôn ra biển “mót” cá. Từ ngày chồng mất đến nay, một tay bà Lợi phải nuôi bốn người con, ở vậy thờ chồng. Trong ký ức không mấy bình yên của ngư dân làng biển Cự Lại Đông, vẫn nhớ rõ về cái chuyến ra khơi định mệnh của chồng bà.

Trung tuần tháng 3 năm 2009, thuyền ông Phan Bảy (thôn Cư Lại Đông) ra khơi gồm 11 thuyền viên. Trời hôm đó sóng êm biển lặng. Nhưng bà không ngờ rằng đó là chuyến đi biển cuối cùng của chồng mình, và cũng là lần cuối nhìn thấy mặt chồng. Thuyền ông Phan Bảy mang theo 11 người đánh cá trong vùng biển TT- Huế, đi xa bờ non 100 hải lý. Ông Phan Thắng, người đi bạn trên chuyến đi biển hôm đó nhớ lại: “Đi biển ròng rã suốt gần cả nửa tháng trời, đến ngày thứ 11, lúc trời chập tối, thuyền đang neo đậu để các bạn thuyền nghỉ lấy sức, anh Huỳnh Văn Trung (chồng bà Lợi) đi sau mạn thuyền bảo là lấy chai nước uống, đột nhiên trời nổi gió, sóng dữ hơn, chiếc thuyền lắc mạnh, cứ ngỡ mọi việc đều bình yên vô sự nhưng ai ngờ… Khoảng 10 phút sau, không thấy anh Trung đâu, anh em trên thuyền đều nháo nhác đi tìm. Mọi người cứ ngỡ anh vào nghỉ trong cabin tàu, nhưng tìm mãi cũng không thấy. Có lẽ lúc gió lớn, anh Trung đã bị hất văng khỏi tàu…”. 


Chị Nguyễn Thị Liễu cùng mẹ là bà Nguyễn Thị Tân (thôn Phương Diên, xã Phú Diên) nhiều năm qua vẫn chưa nguôi ngoai nỗi đau

Ông Thắng bỏ lửng câu nói, đôi mắt nhìn xa xăm ra phía biển. Suốt hơn 10 ngày sau đó, gia đình cùng những ngư dân đã trở lại nơi ông Trung mất tích, dùng lưới bủa vây tìm kiếm. Nhưng mọi cố gắng của họ đều vô vọng. Thân xác ông Trung đã vĩnh viễn nằm lại giữa trùng khơi!

Gạt giọt nước mặt chực trào ra hai gò má nhăn nheo, bà Lợi kể lại: “Chuyến đi biển đó tui như có điều gì khó nói ở trong lòng, cứ muốn đi bên chồng để nói chuyện thật nhiều. Chợt nhớ chiếc áo ấm đứa con trai vừa mua tuần trước, sáng đó ông đã lên thuyền tui vẫn mang áo chạy với theo, rồi căn dặn là mặc áo khi trời đêm xuống, sương muối lạnh. Ai ngờ chuyến đó ông đi mãi, không về với mẹ con tui nữa”.

Khi nhận được tin dữ, bà Lợi tưởng như trời đất muốn sập dưới chân mình. Nhiều lúc nghĩ quẩn, bà muốn quyên sinh theo chồng, nhưng nghĩ đến 4 đứa con đang tuổi lớn từng ngày đành gắng chút sức tuổi về chiều ngày ngày buôn thúng bán nia…

Mộ gió chờ chồng con

Từ sau chuyến đi biển mãi không trở về của chồng là ông Huỳnh Văn Trung vào năm 2009, bà Nguyễn Thị Lợi suốt nhiều ngày sau đó cứ ra biển ngóng trông rồi thất thểu đi dọc vùng biển ở huyện Phú Vang tìm kiếm. Nghe đâu có tin tức về chồng bà đều tìm đến, hớt hải hỏi thăm, nhưng thi thể người chồng vẫn bặt vô âm tín.

Người dân vùng biển có một tập tục là những người bị nạn trên biển, không tìm được thi thể thì phải làm mộ gió, dựng cây tre đầu làng, trên cây tre buộc mảnh vải trắng (nhìn như cây nêu) với niềm tin là gọi hồn người chết trở về nhập vào ngôi mộ (gọi là lễ chiêu phan nhập mộ), như một niềm an ủi với người còn sống, lấy nơi mà thờ vọng. 


Anh Nguyễn Duân (bìa phải), người sống sót duy nhất trong 5 người trên thuyền ông Nguyễn Thanh Câu, thôn Phương Diên, xã Phú Diên

Sau nhiều ngày tìm thi thể chồng trong vô vọng, bà Lợi lập ngôi mộ gió trên bãi cát gần nhà mình để thờ vọng. Từ đó đến nay, ngày kỵ giỗ chồng đều lấy ngày chồng ra biển, và ngôi mộ gió đã trở thành nơi lui tới, hương khói hàng ngày. Sau mỗi chuyến buôn thúng ban nia, phiêu bạt nhiều nơi, bà trở về đều thắp lên nấm mộ chồng nén nhang, mong hương hồn chồng mình ở xa tít trùng khơi được siêu thoát.

Dẫn chúng tôi ra hàng dương cạnh nhà, ngồi bên ngôi mộ gió của chồng, bà Lợi bảo: “Thời chiến tranh chết chóc, có khi tìm được xác, chứ thời bình đi biển, còn gian nan hơn bội phần. Đã “vận” cái nghiệp biển vào thân thì đành chấp nhận thôi chú à. Dẫu có khóc hết nước mắt thì cũng vậy thôi, có biết bao nhiêu số phận những người vợ, người chị cùng chung cảnh này, chứ phải riêng một mình tui đâu”.

Nghe bà Lợi nói, chợt thấy xót xa cho những phận người. Nhìn ra hướng biển nơi thôn Cự Lại Đông, chiều nay, từng chiếc thuyền đầy ắp tôm cá vẫn tấp nập cập bến, mới biết nghiệp biển đau thương nhưng người dân làng chài vẫn kiên trì, oằn mình bám biển mưu sinh đến dường nào. Và, suốt dải đất miền duyên hải, bên bờ biển xanh lặng sóng, còn rất nhiều những ngôi mộ gió như thế.

Nỗi đau trước biển

Đã hơn một năm trôi qua từ ngày xảy ra vụ tai nạn trên biển, nỗi đau mất chồng, con của bà Nguyễn Thị Tân (59 tuổi, thôn Phương Diên, xã Phú Diên, huyện Phú Vang) dường như vẫn còn hiện rõ trên nét mặt. Hôm chúng tôi đến nhà, bà Tân đang cặm cụi bón thức ăn cho mấy đứa cháu. Đã hơn một năm nay, bà cứ thui thủi ở nhà một mình, thỉnh thoảng lại ra biển, xem những chuyến tàu mang tôm cá của ngư dân trong thôn trở về, như tìm kiếm một cái gì đó trong dòng người nhốn nháo khi thuyền cập bến mỗi chiều hôm.


Biển ''vọng phu''

Gạt dòng nước mắt, bà kể lại chuyến đi biển đầy đau thương của người thân mình. Trong chuyến ra khơi đánh cá đầu năm 2011, trên thuyền có 5 người gồm chồng bà là ông Nguyễn Thanh Câu làm thuyền trưởng, con trai Nguyễn Duân và con rễ là Hồ Văn Chạy cùng hai bạn thuyền trong thôn Phương Diên. Khi tàu ra khơi đến bờ biển Cảnh Dương (xã Lộc Vinh, huyện Phú Lộc) lúc chừng 10 giờ sáng thì gặp sóng lớn, thuyền ông Câu gắng tấp vào bờ tránh gió nhưng không được do biển nổi sóng lớn. Đến 11 giờ cùng ngày chỉ cách cảng Chân Mây chừng 100m nhưng thuyền không cập cảng được, phải chuyển hướng vào Đà Nẵng. Khoảng 2 giờ tiếng sau, biển dậy sóng dữ dội, chiếc thuyền trong phút chốc đã bị nhấn chìm. Trên thuyền có 5 thành viên chỉ có một người duy nhất là anh Nguyễn Duân sống sót. 

“Nhiều năm qua, những vụ tai nạn, mất tích xảy ra trong mùa mưa bảo đa số đều rơi vào các loại thuyền công suất nhỏ. Những gia đình có người thân bị nạn trên biển, thường là lao động chính trong nhà nên hoàn cảnh nhiều hộ rất khó khăn. Con cái ngư phủ thường bỏ học giữa chừng, hoặc đi làm ăn xa do không có điều kiện đến trường”, ông Phan Minh Thắng, Chủ tịch UBND xã Phú Hải, cho biết.

 5 người trên thuyền đã nguyện cột tay vào nhau, để khi chết người thân dễ dàng tìm được xác, nhưng ý nguyện của họ đều không thực hiện được. Trong từng cột sóng ngập đầu, anh Duân may mắn vớ được phao bỏ sẵn trên thuyền, trôi dạt vào mũi Chân Mây Đông một ngày sau đó.

Bà Tân nói trong nước mắt: “10 giờ sáng hôm đó, tui coi thời tiết, như ngồi trên đống lửa, liền điện báo cho thằng Duân là có bão sắp vào. Suốt cả ngày hôm đó, tui đi ra biển lại vào nhà có người thân đi bạn thuyền để hỏi thăm tin tức, nhưng không thấy gì. Đến 14 giờ cùng ngày, tui nhận được tin thằng Duân nói thuyền đã bị chìm, mọi người không biết trôi dạt về phương mô, chỉ mình nó may mắn sống sót”.

Chiều hôm đó, chị Nguyễn Thị Liễu, vợ anh Chạy, nhận được tin dữ liền ôm con khóc rồi ngất lịm trong vòng tay của những người thân. Suốt nhiều ngày sau, chị Liễu cùng mẹ là bà Tân đã đi lại nhiều nơi ở mũi Chân Mây Đông, suốt chiều dài hơn 20km đến biển Lăng Cô với hy vọng tìm được thi thể chồng, con…

Xem thêm
Ông Đinh Thế Huynh nhận huy hiệu 50 năm tuổi Đảng

Trao quyết định và tặng hoa, ông Trần Cẩm Tú chúc mừng ông Đinh Thế Huynh đón nhận Huy hiệu 50 năm tuổi Đảng - phần thưởng cao quý của Đảng.

Trang bị kỹ năng tận dụng phụ phẩm nông nghiệp cho nông dân

Trung tâm Khuyến nông Tây Ninh vừa tổ chức lớp tập huấn về 'Quy trình sản xuất sản phẩm có giá trị gia tăng từ phụ phẩm nông nghiệp địa phương'.

Nhận quà khủng, chủ xe VF 6 chốt cọc với mức giá từ 579 triệu đồng

VF 6 đang là mẫu xe đáng mua nhất phân khúc khi chi phí bỏ ra cho chiếc xe chưa đến 600 triệu đồng nhưng giá trị nhận được thì vượt xa con số này.

Tìm thấy thi thể 2 nạn nhân vụ xe chở rác lao xuống sông

THỪA THIÊN - HUẾ Thi thể 2 nạn nhân trong vụ xe rác bất ngờ lao xuống sông Hữu Trạch khi di chuyển qua cầu treo Bình Thành đã được tìm thấy vào sáng nay (23/11).