Đã hơn chục năm qua đi, kể từ ngày người dân làng Bến (xã Liên Hòa- huyện Lập Thạch - Vĩnh Phúc) phát hiện trường hợp đầu tiên trong làng nhiễm H (HIV), mảnh đất này đã phải quằn quại trong 'cơn bão H' với số người nhiễm vào loại cao nhất tỉnh, nhiều người trẻ phải lìa đời, để lại nỗi đau cho những người ở lại.
Ngày ấy...
Nằm cách trung tâm thị trấn Lập Thạch hơn chục cây số ngược về phía Tây Nam, làng Bến nằm dọc theo con sông Đáy thơ mộng.
Nhìn bề ngoài, vùng quê này cũng giống như bao làng quê ở Bắc Bộ khác, thậm chí còn có dáng vẻ yên bình, lặng lẽ hơn bởi vắng bóng thanh niên trai tráng, chủ yếu là người già, phụ nữ và trẻ em.
Nhưng đằng sau cái dáng vẻ ấy, cơn sóng ngầm mang tên ma túy, “Cái chết trắng” đã len lỏi vào hàng chục mái nhà của người dân, gieo rắc mầm mống căn bệnh thế kỉ, cướp đi nhiều số phận, để laị nhiều mảnh đời đớn đau bất hạnh.
Không khỏi giật mình vì những con số thống kê những trường hợp nhiễm H ở làng trong vòng mười năm trở lại đây trong “cuốn sổ nam tào” của anh Đỗ Văn Trường- Trạm trưởng Trạm Y tế xã Liên Hòa.
Làng Bến với hơn 300 hộ dân nhưng thời kì đỉnh điểm, phát hiện trong làng có 41 người nhiễm H (năm 2008), tính ra chưa đầy 10 hộ đã có người nhiễm H.
Theo anh Trường, trên thực tế con số đó nhiều hơn vì chưa kể đến những người họ giấu bệnh. Hiện tại còn có 33 người nhiễm H đã công khai danh tính, đang điều trị thuốc ARV để kéo dài sự sống.
Đã có tất cả 8 trường hợp đã chết vì HIV, cứ rải rác ra từng năm từ khi làng có người chết vì H đầu tiên là năm 2005; hầu như năm nào trong làng cũng có người chết vì H.
Anh Đỗ Bảo Trường- Trưởng trạm Y tế xã Liên Hòa mừng vì từ năm 2008 đến nay con số người nhiễm H ở làng Bến không tăng thêm....
Câu chuyện buồn ở vùng quê nghèo này bắt đầu từ những năm 1991- 1994, thời điểm đó trong làng nhiều thanh niên trai tráng bỏ làng đi lao động ở các mỏ vàng, mỏ quặng tận Tuyên Quang, Lai Châu, Cao Bằng… để kiếm kế sinh nhai.
Thức khuya dậy sớm lại lao động quần quật cả ngày, chủ cai cho nếm thử thuốc phiện để hồi sức cho đỡ mệt nhưng dần dần thành quen, rồi nghiện nặng. Cứ thế, từng người theo nhau mắc vào “cái chết trắng” mà không hề hay biết.
Không chỉ nghiện một mình mà họ kéo theo người thân, bạn bè cùng chung cảnh lao động nghiện theo. Những lần lên cơn nghiện, thiếu tiền, thiếu thuốc, anh em dùng chung kim tiêm, xi-ranh là chuyện bình thường.
Từ những thanh niên trai tráng, vạm vỡ đến khi suy kiệt sức lao động, bị chủ cai đuổi về quê thì đã “thân tàn ma dại” mang trong mình căn bệnh “ròi rúc trong xương”.
Sau một thời gian dài bỏ quê biệt xứ đi làm ăn xa đến khi về, kẻ thì mang theo bản án tử thần lơ lửng trên đầu, kẻ thì rước họa về cho họ hàng, làng xóm khi lôi kéo thêm bạn nghiện.
Đến lúc ốm yếu, phát bệnh tật liên miên mới đi khám ở trạm y tế xã rồi ở Trung tâm Y tế dự phòng của tỉnh… thì mới ngã ngửa người ra bị mắc HIV lúc nào không hay, nhưng mọi chuyện đã quá muộn màng.
Phát hiện người đầu tiên nhiễm bệnh, rồi cả hàng chục người bỏ quê đi làm quặng hồi ấy cũng lần lượt đi khám và kết quả xét nghiệm đều dương tính. Họ hết bàng hoàng rồi lại đau xót tột cùng.
...nhiều mái ấm tan nát
“Âu cũng là cái nghèo”- anh Hà Đức Trường, phó Công an xã Liên Hòa bảo thế. Người dân làng Bến- Liên Hòa quanh năm chỉ biết bám vào ruộng nương để sống, ngoài ra có nghề làm gạch của mấy hộ ở ven sông.
Đời sống kinh tế khó khăn. Thanh niên, người lớn trong độ tuổi từ 20- 40 kéo nhau làm ăn khắp nơi, kể cả sang biên giới Lào, Trung Quốc. Đồng tiền chẳng được bao nhiêu nhưng thói xấu, nghiện ngập cứ nhiễm vào lớp trai trẻ.
Rồi cái nghèo lại đèo thêm bệnh tật, ma túy cuốn họ vào xòng xoáy như một bi kịch luẩn quẩn… cứ âm ỉ đi qua, tàn phá những cuộc đời, những mái ấm gia đình qua nhiều năm nay.
Cơn sóng ngầm mang tên ma túy đã từng quần thảo làng quê này tan nát
Theo thông tin từ lãnh đạo công an xã cung cấp thì hiện xã có gần 20 đối tượng nghiện và khoảng hơn 30 đối tượng nghi nghiện. Bởi vì chỉ nắm được con số mà xã đã cho đi cai nghiện còn lại chuyện thanh niên đi làm ăn xa mắc nghiện, hay họ “giữ kín” thì không thể nắm được.
Hiện ở làng có khoảng hơn 400 người đi làm ăn xa ở các vùng lân cận, trong làng chỉ còn phụ nữ, người già và trẻ em.
Anh Lê Văn N., Đỗ Văn V., Lê Thế H., Bùi Văn L… đều nghiện ma túy rồi nhiễm HIV do dùng chung kim tiêm từ những ngày còn đào đãi vàng ở các mỏ trên Tuyên Quang, Cao Bằng…
Ở làng Bến, chuyện nhiều người phụ nữ trẻ đã góa chồng, đứa con nhỏ không còn cha cũng không còn là hiếm bởi những người chết vì H chủ yếu là người chồng, người bố. Có gia đình cả 2 vợ chồng đều nhiễm H như trường hợp của anh K, chị T…; nhiều gia đình người chồng có H, còn vợ thì không.
Bão tan...
Đó là chuyện cũ; còn bây giờ nhiều thứ đã đổi thay. Theo anh Đỗ Văn Trường, Trưởng Trạm Y tế xã Liên Hòa, trước đây, những người nhiễm H thường giấu bệnh, ngại ngần khi đi khám, xét nghiệm nhưng bây giờ, họ đã hiểu ra, rất tích cực đến trạm y tế xã điều trị, lấy thuốc để chữa những căn bệnh nhiễm trùng cơ hội do virut HIV gây ra.
Ở làng Bến, có một câu lạc bộ đồng cảm đã được thành lập từ năm 2009, cứ 2 tháng sinh hoạt một lần. Đó là nơi để những người nhiễm H chia sẻ, động viên nhau về những niềm vui, nỗi buồn trong cuộc sống; góp phần tích cực vào việc tuyên truyền phòng lây nhiễm hiệu quả.
Hiện tại, câu lạc bộ có 34 thành viên trong đó gồm có 33 người đang nhiễm H và một cô y tế thôn bản tự nguyện tham gia nhóm để cận kề quan tâm sát sao hơn với những người bệnh.
Anh Lê Văn Nguyên- trưởng nhóm đồng cảm không ngần ngại chia sẻ: “Bản thân mình là người nhiễm H, phải tuyên truyền để làm sao mọi người thấy được hậu quả ghê gớm khi nhiễm phải căn bệnh này, để có cách phòng chống lây nhiễm hậu quả”.
Tham gia tích cực các hoạt động ở địa phương, anh Nguyên còn là cộng tác viên sôi nổi tuyên truyền về căn bệnh H khi có chiến dịch do Trung tâm phòng chống HIV/AIDS của tỉnh phát động.
...rồi tình yêu đến
Không chỉ có câu lạc bộ đồng cảm, ở làng Bến còn có nhóm “Bạn tình âm tính” (chồng nhiễm H, vợ không nhiễm H) gồm có 15 thành viên do chị Bùi Thị Lự- vợ anh Nguyên làm trưởng nhóm.
Sự yêu thương, chia sẻ của những người vợ với người chồng nhiễm H luôn vô cùng ý nghĩa, để xây dựng mái ấm gia đình, có biện pháp phòng chống lây nhiễm H hiệu quả.
Bà Nguyễn Thị Minh- chủ tịch xã Liên Hòa cho biết: Ở làng Bến bây giờ, không có chuyện người dân kì thị, xa lánh với người nhiễm H mà họ đều nhận được sự yêu thương đùm bọc của hàng xóm, láng giềng.
Với những người bệnh, họ đã xác định sống chung với bệnh, xóa bỏ mặc cảm, hòa nhập cộng đồng. Ngày Tết, người dân đến nhà người bệnh chúc tết gia đình, vợ chồng con cái họ.
Ngày mùa, mọi người cày cấy, gặt hái đỡ đần nhau rồi ngồi nghỉ ngơi trò chuyện thân mật như không hề có khoảng cách với người nhiễm H. Hàng ngày, hầu hết họ vẫn ra lò gạch đầu làng lao động bình thường với tiền công 80 ngàn đồng/ ngày. Tính ra, một tháng cũng được hơn 2 triệu đồng, chắt chiu cũng đủ trang trải cuộc sống.
Lò gạch đầu làng đã tạo ra công ăn việc làm cho nhiều lao động có "H".
Cuộc sống của hơn 30 gia đình có người nhiễm H ở làng Bến- Liên Hòa đã không còn những xáo trộn như trước. Một vài căn nhà đã được dựng lại khang trang. Đầu làng, lò gạch ven sông lúc nào cũng nhộn nhịp người lao động.
Nhìn cảnh yên bình này, cảm nhận nơi đây chưa từng có... bão.
Anh Tuấn/ Vietnamnet