| Hotline: 0983.970.780

Bệnh "ma ám" nơi xã nghèo vùng biên

Thứ Sáu 12/04/2013 , 10:40 (GMT+7)

Thời gian qua, tại Trường Phổ thông dân tộc bán trú - THCS Tam Thanh (huyện Quan Sơn, tỉnh Thanh Hóa), 16 nữ sinh của một số lớp tự nhiên mắc căn bệnh lạ, bỗng dưng cười – khóc, la hét, nói nhảm và ngất lịm…

Thời gian qua, tại Trường Phổ thông dân tộc bán trú - THCS Tam Thanh (huyện Quan Sơn, tỉnh Thanh Hóa), 16 nữ sinh của một số lớp tự nhiên mắc căn bệnh lạ, bỗng dưng cười – khóc, la hét, nói nhảm và ngất lịm… Đã có nhiều lời đồn thổi ác ý rằng, các em bị ma rừng ám khiến đời sống bà con các dân tộc vùng biên bị xáo trộn…

Hàng chục học sinh bị “ma rừng” nhập

Vượt qua quãng đường gần 200 km từ Thành phố Thanh Hóa bằng xe gắn máy, sau 6 tiếng đồng hồ không nghỉ, chúng tôi đặt chân đến xã vùng biên giới Tam Thanh. Được biết, cứ men theo đường mòn, đồi núi dốc, chạy chưa đầy chục km nữa là đến biên giới Việt - Lào. Tam Thanh hiện ra trước mắt chúng tôi với những vạt rừng cây cối um tùm. Từng ngôi nhà sàn lưa thưa nép mình dưới chân núi. Trường Phổ thông dân tộc bán trú - THCS Tam Thanh được xây dựng hai tầng khang trang, nằm dưới chân quả đồi ở bản Phe (xã Tam Thanh). Đa số các em theo học tại đây là người dân tộc Thái (dân tộc Thái chiếm trên 80% dân số xã Tam Thanh). Hôm chúng tôi đến, tình hình dạy và học của nhà trường đã đi vào ổn định.

Tuy nhiên, câu chuyện hàng loạt nữ sinh lần lượt mắc bệnh lạ thì như mới xảy ra ngày hôm qua. Hiện tượng từ trước đến nay chưa bao giờ xảy ra ở xã nghèo miền biên giới này, nên vẫn là đề tài nóng bỏng và chưa có lời giải thích thỏa đáng cho cả bà con các dân tộc lẫn các thầy cô giáo nơi đây.


Một số học sinh nữ lớp 8 của trường bị mắc bệnh

Thầy giáo Hà Văn Khoa - Hiệu phó nhà trường kể lại: “Căn “bệnh lạ” bắt đầu xuất hiện ở học sinh của nhà trường vào ngày 20/1/2013. Ban đầu, 5 em học sinh lớp 8 là Lữ Thị Huyền Oanh, Hà Trang Nhung, Lữ Thị Tới, Lò Thị Nhân, Lương Thị Huyền đang ngồi học trong lớp bỗng phát bệnh. Trong khi cả lớp đang im phăng phắc để tiếp thu bài giảng, các em bỗng cười sằng sặc không dứt. Khi dừng cười các em lập tức gào khóc, rồi nói lảm nhảm như “lên đồng”. Khoảng 20 phút sau, một số em lăn ra ngất. Sau chu kỳ cười - khóc - nói nhảm - ngất xỉu như thế, các em lại quay về trạng thái bình thường như không có chuyện gì xảy ra khiến học sinh và giáo viên nhà trường ngơ ngác, tỏ ra lo lắng”.

Cũng theo thầy Khoa, căn “bệnh lạ” này còn có biểu hiện “lan” sang nhiều học sinh khác. Đến ngày 18/2/2013 có 6 nữ học sinh lớp 7 và lớp 8 cùng phát bệnh. 5 học sinh đã phát bệnh trước đó cũng bị trở lại khiến toàn trường trở nên nhốn nháo. Việc dạy và học của nhà trường bị gián đoạn để tập trung lo “cứu chữa” cho những em bị bệnh. “Bệnh lạ” chưa dừng lại, vào ngày 23/2/2013 tiếp tục có 3 học sinh lớp 6 mắc bệnh, nâng tổng số học sinh của trường mắc “bệnh lạ” lên 16 em. Trong số đó có hai em học sinh phát tác “bệnh lạ” liên tục. Điều kỳ lạ là sau mỗi lần phát bệnh, các em lại trở về trạng thái bình thường, học hành và cười nói vô tư, đúng nghĩa tuổi học trò.

Tốn kém cúng đuổi tà ma

Đã có những tin đồn ác ý sau sự việc các học sinh Trường Phổ thông dân tộc bán trú - THCS Tam Thanh bỗng mắc căn bệnh lạ nói trên. Nhiều người cho rằng, khi xây trường học người ta không cúng ma rừng; trường nằm trên khu vực miếu thờ bị phá nên các em bị “con ma rừng” làm; trường tựa lưng vào quả núi có thần linh án ngữ… nên nhiều học sinh mắc “bệnh”.

Những lời đồn ác ý đã ảnh hưởng không nhỏ tới công tác dạy và học của Trường Phổ thông dân tộc bán trú - THCS Tam Thanh cũng như an ninh trật tự tại xã vùng cao biên giới Tam Thanh. Thầy giáo Khoa cho hay: “Trước đây học sinh trong vùng rất ham học, nhiều hôm dù trời mưa to vẫn đạt 100% sĩ số lớp. Tuy nhiên, sau khi các em bị bệnh, bà con cho con em mình nghỉ học rất nhiều vì sợ con em mình lại bị “ma ám”.


Trường Phổ thông dân tộc bán trú - THCS Tam Thanh - nơi có 16 học sinh mắc “bệnh lạ”

Thầy Khoa cho biết thêm: “Phần lớn các học sinh nữ ở khối lớp 7 và lớp 8 không dám đến trường vì nhận thấy bệnh chỉ mắc trên học sinh nữ. Tin lời đồn thổi ác ý, nhiều gia đình có con mắc “bệnh lạ” cũng đã tổ chức lễ “cúng ma”, “đánh vía”, mời nhiều người ăn uống linh đình khá tốn kém, khoảng từ 1 triệu đến gần 10 triệu đồng, tùy điều kiện của mỗi gia đình.”

Bà Lữ Thị Thoa (bản Phe) - mẹ của nữ sinh Hà Trang Nhung - một trong những nữ sinh bị “bệnh lạ” vẫn còn lo âu khi nói về sự việc. Bà Thoa cho biết, gia đình đã cho cháu Nhung nghỉ học cả tháng trời để chữa trị, “cúng ma”, “lấy vía”… cho Nhung. Không biết thời gian cháu khỏi bệnh được bao lâu nên gia đình vẫn rất lo lắng… Không chỉ gia đình bà, hàng chục gia đình khác cũng cùng tâm trạng bất an.

Để đảm bảo ổn định công tác giảng dạy và an ninh trật tự, Ban giám hiệu đã báo cáo sự việc với chính quyền địa phương, bệnh viện đa khoa và trung tâm y tế huyện Quan Sơn. Đồn biên phòng Tam Thanh đóng trên địa bàn cũng cử cán bộ đến từng hộ dân tuyên truyền để nhân dân yên tâm. Đồn biên phòng phối hợp cùng chính quyền xã tổ chức họp thôn bàn biện pháp “yên dân”. Các y bác sỹ bệnh viện đã được mời về tận nhà khám chữa bệnh cho các em. Các các y, bác sỹ đã kết luận các em bị mắc hội chứng rối loạn tâm thần hàng loạt, phần lớn xảy ra ở nữ sinh. Biểu hiện của hiện tượng này là bệnh nhân cười, khóc, gào thét, cảm xúc hỗn độn, cảm thấy người yếu, ngã ra và thiêm thiếp như muốn ngủ. Tuy nhiên, hiện tượng này là biểu hiện tâm lý bình thường của tuổi mới lớn. Các em không phải dùng thuốc, gia đình cũng không phải cúng đuổi tà ma, “đánh vía” cho các em.


Một góc bản Phe, nơi có nhiều gia đình có con em theo học tại trường bị “bệnh lạ”

Nhà trường cũng được ngành y tế tư vấn tách các em ra các lớp học, vị trí ngồi khác nhau. Đây là biện pháp nhằm mục đích mỗi khi một học sinh “phát bệnh” không gây ra hiệu ứng dây chuyền sang các em khác. Ngành y tế, nhà trường và phụ huynh cũng áp dụng các biện pháp hỗ trợ tâm lý cho số học sinh mắc “bệnh lạ”.

Thời gian gần đây, qua theo dõi chưa thấy căn “bệnh lạ” tái phát. Tình hình dạy và học của thầy, trò nhà trường đã dần ổn định trở lại. Được sự phối hợp tuyên truyền của chính quyền địa phương, đồn biên phòng Tam Thanh và Ban giám hiệu trường Phổ thông dân tộc bán trú - THCS Tam Thanh, phụ huynh và học sinh đang dần ổn định tư tưởng và đồng ý để con em mình tiếp tục đến lớp.

Thượng tá Lê Văn Minh – Đồn trưởng đồn biên phòng Tam Thanh cho biết thêm: Được biết, cách đây 4 năm, tại trường Dân tộc nội trú huyện cũng đã xảy ra hiện tượng tương tự ở một số em học sinh. Cũng chưa biết tình trạng này có lặp lại không. Tuy nhiên, cán bộ đồn biên phòng vẫn phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương, giáo viên nhà trường theo dõi diễn biến ở tất cả các em; đồng thời không ngừng tuyên truyền, giải thích, tránh để bị kẻ xấu lợi dụng làm ảnh hưởng cuộc sống của người dân, mất an ninh trật tự ở xã biên giới.

Xem thêm
Thủ tướng: Kiểm tra, giám sát từ đầu, tránh tích tụ vi phạm

Họp Chính phủ thường kỳ tháng 4, Thủ tướng lưu ý tăng cường kiểm tra, giám sát ngay từ lúc bắt đầu, không để vi phạm nhỏ tích tụ lại thành sai phạm lớn.

Sóc Trăng thay đổi từ tư duy ứng phó sang thích ứng với hạn mặn

ĐBSCL Dù hạn mặn trong mùa khô 2023 -2024 cao hơn trung bình nhiều năm, Sóc Trăng chưa ghi nhận thiệt hại nghiêm trọng đến sản xuất, kinh doanh do hạn mặn gây ra.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Khát vọng Huổi Khon

13 năm trước, bản vùng cao này là một điểm nóng về trật tự xã hội, nhưng giờ thay da đổi thịt như một lời hứa nguyện theo Đảng, theo chính quyền của bà con.