| Hotline: 0983.970.780

Tiêu diệt “cò” bệnh viện: Khó!

Thứ Hai 09/07/2012 , 10:12 (GMT+7)

Đó là nội dung xuyên suốt cuộc họp liên ngành được Bộ Y tế tổ chức cuối tuần qua.

Đó là nội dung xuyên suốt cuộc họp liên ngành được Bộ Y tế tổ chức cuối tuần qua. Tại cuộc họp có thể nói hy hữu trên, Bộ Y tế hạ quyết tâm tìm cách “tiêu diệt cò” trong 6 tháng cuối năm 2012.

Bị kỷ luật vì tội chống… cò

Có lẽ chưa có cuộc họp nào mà nhiều từ ví von được dùng như tại buổi họp nói trên của Bộ Y tế. Phần lớn các lãnh đạo tủm tỉm khi nhắc đến ba chữ “cò bệnh viện” nhưng lại chẳng vị nào đưa ra được từ thay thế tương xứng.


Nằm ghép như thế này là 1 trong những nguyên nhân khiến cho “cò” bệnh viện có đất sống

Là bệnh viện luôn đứng trong hàng ngũ TOP bởi số bệnh nhân quá đông, ông Nguyễn Xuân Hiệp, Phó Giám đốc Bệnh viện Mắt Trung ương cho biết: “Có trường hợp bệnh nhân đến bệnh viện Mắt TƯ khám, đã làm đủ các thủ tục nhập viện, chỉ chờ mai mổ. Đến ca mổ, không thấy bệnh nhân đâu, nhân viên y tế tỏa đi các khoa tìm đều không thấy. Sau điều tra ra mới biết, cò đã vào tận phòng bệnh đưa người bệnh ra bệnh viện tư để mổ”. Rồi ông thừa nhận, tình trạng cò bệnh viện là rất nóng bỏng tại viện mình bởi cứ khi Ban lãnh đạo BV có giải pháp chống thì “cò” lại tìm ngay giải pháp “đỡ” rất linh hoạt.

Ví dụ như bệnh viện có hệ thống loa phát thanh cảnh báo người bệnh, có bàn hướng dẫn đặt ở cổng trước, cổng sau, có sổ khám bệnh của BV nhưng chỉ một tuần sau, sổ giả, sổ nhái in dòng chữ to uỳnh “BV Mắt Trung ương” đã được “cò” bán nhan nhản trước cổng viện. Bức xúc hơn, chỉ vì BV phối hợp với công an phường chụp ảnh các đối tượng cò và dán lên bản tin để cảnh báo cho bệnh nhân mà 1 chiến sĩ công an bị kỷ luật vì… “cò” kiện.

Nóng bỏng chuyện cò tại BV Mắt cũng được ông Phạm Đức Mục, Phó Cục trưởng Cục Quản lý khám, chữa bệnh (Bộ Y tế) chia sẻ, chính ông cũng bị cò mời trong một lần đến bệnh viện này để làm việc. Thậm chí ông còn tận mắt chứng kiến bệnh viện Phụ sản Hà Nội phải bóc hình ảnh "cò" được dán lên bản tin bởi “cò” kiện vì chưa đưa ra đủ chứng cứ. Theo ông Mục, một trong những lý do khiến “cò” có đất sống là do chế tài xử phạt “cò” chưa đủ mạnh. Nhiều khi công an bắt “cò” buổi sáng thì buổi chiều “cò” lại tới bệnh viện để “hành nghề”. Công việc “bắt” và “thả” “cò” cứ lặp đi lặp lại nên cơ quan chức năng cũng có lúc buông xuôi. “Cò” hoạt động công khai, có cả các-vi-dit “tiếp thị” trực tiếp với bệnh nhân!

Cũng tại cuộc họp, lãnh đạo các bệnh viện đã chỉ ra các loại “cò”, như “cò nội” (“cò” trong bệnh viện), “cò ngoại” (“cò” ngoài bệnh viện). Còn một loại “cò” khác mà cuộc họp trên chưa đề cập là “cò” nhà xác trong bệnh viện! Loại “cò” này là các nhân viên nhà xác câu kết với “cò ngoại” làm tiền trên xác người chết, thân nhân người chết qua các dịch vụ bán quan tài, tẩm liệm, dịch vụ xe đưa người chết về quê… Như tại BV Phụ sản TƯ, BS.TS Vũ Bá Quyết, Phó Giám đốc bệnh viện cho biết, có những nhân viên y tế đã về hưu liên tục “nhờ” bác sĩ trong viện mổ cho người thân, người nhà. Dù biết có dấu hiệu móc nối, làm tiền nhưng tâm lý ngại vì đã từng là đồng nghiệp, cùng làm việc nên nhiều người vẫn phải nhận lời.

Bao giờ “cò” bệnh viện “tiệt chủng”?

Vậy, làm thế nào để “tiêu diệt cò” trong 6 tháng cuối năm 2012? Lãnh đạo của nhiều BV cho rằng, chỉ khi nào khắc phục được các nguyên nhân như quá tải bệnh viện, nguồn nhân lực hạn chế và đẩy mạnh y đức trong mỗi bác sĩ thì lúc đó các loại “cò” bệnh viện mới “tiệt chủng”. Lãnh đạo BV Việt Đức “hiến kế”, để xử lý cò ngoại, các BV cần mở rộng khoa khám bệnh, khoa xét nghiệm từ 6h30 (sớm hơn so với quy định 1,5 giờ). Rồi hằng ngày, BV liên tục có loa nhắc nhở về tình trạng cò mồi, có nhân viên bảo vệ túc trực phát hiện cò sẽ tìm cách tiếp cận để cò không lừa được người bệnh.

Ông Nguyễn Huy Quang, Vụ phó Vụ Pháp chế - Bộ Y tế khẳng định: “Nếu không có sự tiếp tay của nhân viên y tế thì “cò” sẽ khó hoạt động". Ông cũng không đồng tình khi đại diện các bệnh viện cho rằng chưa có chế tài rõ ràng xử lý “cò nội” bởi vì rất nhiều bệnh viện “cò” nhan nhản nhưng cuối năm, các khoa có nhiều “cò” vẫn được nhận danh hiệu xuất sắc. Đại diện Bộ Y tế kiến nghị, cần nâng mức xử phạt hơn nữa thì mới mong hạn chế được vấn nạn này. Bổ sung cho các giải pháp, ông Phạm Đức Mục, Phó Cục trưởng Cục Quản lý khám, chữa bệnh cho rằng, giải pháp quan trọng nhất là giảm tải bệnh viện, đồng thời tăng hình phạt khi phát hiện sai phạm để có sức răn đe. Ngoài ra, Bộ Y tế sẽ tiếp tục xem xét lại chính sách bảo hiểm y tế khi bệnh nhân vượt tuyến vẫn được hưởng 30% viện phí nên người bệnh sẵn sàng vượt lên tuyến trên để giảm tình trạng quá tải bệnh nhân như hiện nay.

“Tại khu vực khám bệnh của các chuyên khoa quá tải, BV quá tải, Bộ Y tế yêu cầu các đơn vị phải mở rộng khu vực chờ khám có mái che, bố trí đủ ghế ngồi, tăng cường việc thông gió, quạt mát. Các BV khẩn trương hoàn chỉnh các hướng dẫn, thông báo, biển báo tại phòng khám, buồng khám để bệnh nhân dễ thấy, dễ tìm, dễ kiểm tra; có hình thức tổ chức đón tiếp và hướng dẫn người bệnh rõ ràng, tăng bàn khám, tăng giờ khám; đơn giản hóa các thủ tục hành chính khi người dân đến khám. Đặc biệt, các BV kiên quyết xử lý các trường hợp vi phạm y đức theo quy định của pháp luật, theo nội quy của cơ quan…”.

(trích công văn của Bộ trưởng Bộ Y tế đề nghị các bệnh viện rà soát, kiểm tra hiện tượng “cò” BV tại đơn vị ngày 19/6/2012)

Xem thêm
Tây Ninh phấn đấu là nơi đáng sống và động lực tăng trưởng vùng

TÂY NINH Với thiên thời, địa lợi, nhân hòa, 'nóc nhà Đông Nam bộ' đặt mục tiêu trở thành nơi đáng sống và động lực tăng trưởng cho vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.

Sóc Trăng thay đổi từ tư duy ứng phó sang thích ứng với hạn mặn

ĐBSCL Dù hạn mặn trong mùa khô 2023 -2024 cao hơn trung bình nhiều năm, Sóc Trăng chưa ghi nhận thiệt hại nghiêm trọng đến sản xuất, kinh doanh do hạn mặn gây ra.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Tân nghiên cứu sinh Harvard: Năng lượng tái tạo là nền tảng phát triển xã hội

Đối với Lê Mạnh Linh (sinh năm 2000), khả năng tiếp cận năng lượng chính là chỉ dấu quan trọng của sự phát triển xã hội, mang lại cuộc sống sung túc, đầy đủ hơn.