| Hotline: 0983.970.780

Đổi mới thi cử: Bộ tự tin, trường lo lắng

Thứ Sáu 01/11/2013 , 11:54 (GMT+7)

Đổi mới nội dung sách giáo khoa (như bài viết trước NNVN đã nêu), đổi mới cách học, cách dạy tất yếu sẽ dẫn đến đổi mới thi cử, kiểm tra.

Đổi mới nội dung sách giáo khoa (như bài viết trước NNVN đã nêu), đổi mới cách học, cách dạy tất yếu sẽ dẫn đến đổi mới thi cử, kiểm tra.

>> Sẽ chỉ dạy những gì gần gũi

Nhiều phụ huynh cũng như học sinh và toàn xã hội đều trông đợi sẽ có đột phá để thi cử, kiểm tra đi vào thực chất, đánh giá đúng năng lực người học và phân hóa đúng đối tượng, tránh được những áp lực khủng khiếp như hiện tại từ một kỳ thi cồng kềnh, nặng nề, tốn kém, gây quá tải cho người học.

Vì thế, phương án đổi mới thi nằm trong nội dung đề án đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục đào tạo vừa được Bộ GD-ĐT công bố đã thu hút sự quan tâm của nhiều phụ huynh và học sinh.

THAY ĐỔI ĐỀ THI, CÁCH THỨC TỔ CHỨC THI

Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Vinh Hiển cho biết việc học cũng như kiến thức của học sinh sẽ có sự thay đổi mạnh mẽ sau khi đổi mới cách học, cách dạy, đổi mới nội dung sách giáo khoa (theo hướng chỉ dạy những gì gần gũi, giúp học sinh hình thành nhận thức kỹ năng xử lý vấn đề).

Vì thế, cách ra đề thi chắc chắn cũng phải chuyển biến theo hướng đề cao tính sáng tạo, hạn chế tái hiện, nhớ máy móc; tăng cường yêu cầu vận dụng tổng hợp các kiến thức và kỹ năng; hạn chế hỏi lý thuyết thuần túy; tăng cường yêu cầu học sinh vận dụng lý thuyết vào giải quyết các vấn đề, nhất là các hiện tượng, tình huống gần gũi với cuộc sống; các bài tập yêu cầu thực hành cũng được gia tăng.

“Trong những năm gần đây, Bộ GD-ĐT đã có những đề thi “mở”, đưa những sự kiện, sự việc, hiện tượng, con người có thực trong đời sống vào để thông qua đó kích thích học sinh bày tỏ nhận thức, quan điểm cá nhân, thể hiện năng lực của mình. Những đề thi đó đã được dư luận tán thành ủng hộ”, ông Hiển cho hay.

Về cách thức tổ chức thi, hiện nay mỗi năm học sinh cuối lớp 12 có 2 kỳ thi lớn là thi tốt nghiệp THPT và kỳ thi vào các trường ĐH, CĐ tổ chức cách nhau 1 tháng, gây ra nhiều áp lực cho cả xã hội. Theo dự thảo đề án đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục đào tạo vừa được Bộ GD-ĐT công bố, việc tổ chức thi - công nhận tốt nghiệp dự kiến sẽ có hai phương án gắn chặt với kỳ thi ĐH.


Đổi mới các kì thi khiến các trường băn khoăn

Phương án 1 là tổ chức thi tốt nghiệp THPT theo hướng thi ba môn bắt buộc + ba môn tự chọn bắt buộc mà mỗi học sinh đã chọn hoặc thi hai bài yêu cầu vận dụng kiến thức tổng hợp. Bài thứ nhất về các lĩnh vực toán và khoa học tự nhiên, bài thứ hai về các lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn.

Theo phương án này, việc tuyển sinh ĐH sẽ dựa vào kết quả công nhận tốt nghiệp THPT là chính, các trường ĐH có thể thi/kiểm tra thêm một hoặc hai môn có các chuyên đề chuyên sâu tùy thuộc vào yêu cầu của chuyên ngành sẽ đào tạo ở ĐH.

Phương án 2: Xét tốt nghiệp THPT dựa trên kết quả học tập của ba môn bắt buộc + ba môn tự chọn bắt buộc. Theo phương án này, việc tuyển sinh ĐH sẽ có thể là thi ba môn bắt buộc toán, ngữ văn, ngoại ngữ và thi/kiểm tra thêm 1-2 môn hoặc chuyên đề tự chọn chuyên sâu tùy thuộc vào chuyên ngành cần đào tạo của các ĐH.

Việc đưa ra 2 phương án này có thể hiểu là sẽ không còn tồn tại hai kỳ thi quốc gia là thi tốt nghiệp THPT và thi tuyển sinh ĐH-CĐ theo phương thức “ba chung” nữa mà chỉ có một kỳ thi được gắn với hai mục đích: Đánh giá kết quả học tập bậc THPT và làm căn cứ để sàng lọc, phân luồng vào các trường ĐH, CĐ.

“Tuy nhiên, đây mới chỉ là đề xuất của ban soạn thảo. Nội dung này cần phải trao đổi, xin ý kiến rộng rãi trước khi có quyết định cuối cùng”, ông Hiển cho hay.

TRƯỜNG BĂN KHOĂN

Sau khi đọc đề án đổi mới “toàn diện, căn bản” giáo dục, trong đó có riêng một mục nói về thi cử với nội dung từ sau 2015 sẽ tiếp tục giữ kỳ thi tốt nghiệp THPT, bỏ thi ĐH, ông Lê Trường Tùng, Hiệu trưởng Trường Đại học FPT (Hà Nội) cho biết quan điểm của mình về việc này: “Tuyển sinh đầu vào là công việc và trách nhiệm của từng trường ĐH, không cần thiết phải đẩy lên cấp nhà nước để bàn về vấn đề các trường ĐH, CĐ thi tuyển đầu vào thì phải thế nào”.

Theo ông Tùng, các trường ĐH đã đủ khả năng dạy hàng trăm môn học, đủ khả năng hướng dẫn đồ án cuối khóa, đủ trách nhiệm công nhận tốt nghiệp ĐH cho hàng ngàn sinh viên – thì cũng dư khả năng tuyển đầu vào phù hợp với mục tiêu đào tạo của mình.

Cùng quan điểm này, Hiệu trưởng ĐH Dân lập Hải Phòng Trần Hữu Nghị cho rằng việc tổ chức tuyển sinh đầu vào thường khiến các trường vất vả (có nơi còn lỗ) nhưng sẽ giúp các trường chủ động tìm được nguồn đầu vào phù hợp với yêu cầu đào tạo.

Hơn nữa, ngay trong cùng một trường nhưng phổ điểm cũng rất khác nhau, có khi điểm chuẩn ngành thấp nhất cách xa điểm chuẩn ngành cao nhất, vì vậy nếu chỉ căn cứ vào kết quả thi tốt nghiệp THPT để các trường xét tuyển thì cần phải có hướng dẫn rất cụ thể để tránh chồng chéo, rối rắm.

Vị hiệu trưởng cũng lo lắng nếu việc đánh giá ở cấp THPT không thực chất thì khó có thể đủ tin cậy để sử dụng cho việc tuyển sinh vào các trường ĐH, CĐ. Điều này sẽ gây ảnh hưởng lớn đến chất lượng nguồn nhân lực về lâu dài.

Trả lời về những vấn đề này, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Vinh Hiển lưu ý không có phương án thi nào là tối ưu, chỉ có phương án phù hợp nhất với từng thời điểm.

“Ở cả hai phương án trên, Bộ đều không đặt vấn đề bắt buộc các trường ĐH-CĐ phải “bỏ thi” hoặc bắt buộc phải tổ chức một kỳ thi chung có cùng cách thức, môn thi với các trường khác mà tôn trọng tính tự chủ và yêu cầu đào tạo của các trường. Trong trường hợp lấy kết quả tốt nghiệp THPT là căn cứ chính để xét tuyển ĐH-CĐ thì các trường có thể lựa chọn thêm các hình thức thi hoặc kiểm tra đầu vào phù hợp với yêu cầu đào tạo, đặc thù của lĩnh vực đào tạo”, ông Hiển nói.

Về lo ngại chất lượng tốt nghiệp THPT không đủ tin cậy để làm căn cứ xét tuyển vào ĐH, CĐ, ông Hiển cho biết Bộ GD-ĐT sẽ tăng cường thanh tra, giám sát giao cho các địa phương tăng quyền chủ động phải đi đôi với tinh thần tự giác, tự chịu trách nhiệm và năng lực thực hiện.

Khi đó nhà trường, các cơ quan quản lý phải chịu trách nhiệm trước cấp trên, trước Trung ương về kết quả giáo dục của đơn vị mình để kết quả đánh giá cuối cùng phải phản ánh đúng thực chất.

Xem thêm
Ông Đinh Thế Huynh nhận huy hiệu 50 năm tuổi Đảng

Trao quyết định và tặng hoa, ông Trần Cẩm Tú chúc mừng ông Đinh Thế Huynh đón nhận Huy hiệu 50 năm tuổi Đảng - phần thưởng cao quý của Đảng.

Trang bị kỹ năng tận dụng phụ phẩm nông nghiệp cho nông dân

Trung tâm Khuyến nông Tây Ninh vừa tổ chức lớp tập huấn về 'Quy trình sản xuất sản phẩm có giá trị gia tăng từ phụ phẩm nông nghiệp địa phương'.

Nhận quà khủng, chủ xe VF 6 chốt cọc với mức giá từ 579 triệu đồng

VF 6 đang là mẫu xe đáng mua nhất phân khúc khi chi phí bỏ ra cho chiếc xe chưa đến 600 triệu đồng nhưng giá trị nhận được thì vượt xa con số này.

Hơi ấm cộng đồng giúp người dân Lục Yên gượng dậy sau bão

Yên Bái Vượt qua những đau thương, mất mát do thiên tai càn quét, những ngày này chính quyền và người dân ở huyện Lục Yên đang gượng dậy khôi phục sản xuất, dựng lại nhà ở.