Gia đình chị Ma Thị Nguyên, thôn Lang Đán, xã Phù Lưu (huyện Hàm Yên) đưa cây măng tây vào trồng từ đầu năm 2022 trên diện tích 8 sào. Chị Nguyên cho biết, để cây có năng suất và chất lượng, trước hết cần phải nhập được giống chuẩn, có nguồn gốc xuất xứ của đơn vị cung ứng uy tín.
Sau 6 tháng chăm sóc, vườn măng tây của gia đình chị Nguyên bắt đầu cho lứa thu hoạch đầu tiên, tuy năng suất chưa cao. Tính từ tháng thứ 7 trở đi, vườn măng tây cho năng suất khá cao. Trung bình mỗi sào thu 3 - 5 kg/ngày tùy thuộc vào thời tiết và chăm sóc. Một năm vườn măng tây cho thu hoạch đều từ tháng 2 đến tháng 10, trừ lúc dưỡng cây và thời tiết khô hạn không dưỡng ẩm thì năng suất sẽ thấp hơn.
Theo chị Nguyên, để cây măng tây cho năng suất và chất lượng tốt nhất, người trồng phải tỷ mỷ và chịu khó, mất nhiều công. Từ công làm đất, đánh luống, lên giàn, làm cỏ, bón phân. Bởi nếu để cây phát triển tự nhiên thì sẽ không đạt năng suất, sản lượng. Riêng gia đình chị ngoài các công đoạn kể trên còn đầu tư hệ thống tưới nước tự động, vừa tiết kiệm được nước, vừa đảm bảo độ ẩm cho cây.
Hiện nay, trung bình giá măng tây bán trên thị trường đạt 50.000 - 60.000 đồng/kg, có thời điểm 100.000 đồng/kg. Việc tiêu thụ cũng tương đối thuận lợi bởi sản phẩm có đến đâu thương lái ở Bắc Giang đặt hàng tiêu thụ hết đến đó. Trung bình 1 sào trồng măng tây cho gia đình chị Nguyên nguồn thu khoảng 4 triệu đồng/tháng, so với trồng ngô, lúa thì trồng măng tây hiệu quả kinh tế cao hơn gấp 5 đến 7 lần, có vườn cao hơn gấp 10 lần.
Ông Đỗ Đình Quý, Phó Chủ tịch UBND xã Phù Lưu, huyện Hàm Yên cho biết, mô hình trồng măng tây của gia đình chị Ma Thị Nguyên là mô hình cây trồng mới trên địa bàn xã nhưng cho hiệu quả kinh tế khá cao.
Cây măng tây thường được nông dân ở Tuyên Quang gieo trồng tốt nhất ở 2 vụ trong năm: Gieo cuối tháng 8 đến đầu tháng 9 rồi trồng tháng 2, tháng 3; và gieo cuối tháng 2 đến tháng 4 để trồng từ tháng 4 đến tháng 6 dương lịch. Đến khi cây từ 6 tháng trở đi, gần như ngày nào người dân cũng được thu hoạch. Một năm cây thường cho thu hoạch tới 9 tháng, trong đó riêng dịp tháng 9 và các tháng thời tiết thuận lợi cây cho năng suất đạt 5 kg/sào/ngày. Trong năm có 2 tháng mùa đông rét đậm và 1 tháng mùa hè nắng nóng cây thường ít cho thu hoạch.
Hiện nay trên địa bàn toàn tỉnh Tuyên Quang cây măng tây đã phát triển diện tích ở một số địa phương như huyện Sơn Dương, TP Tuyên Quang, huyện Hàm Yên. Tuy diện tích còn nhỏ lẻ nhưng bước đầu các hộ dân đều thấy hiệu quả kinh tế rõ rệt.
Tại xã Thiện Kế, huyện Sơn Dương, cây măng tây đã gắn bó với người dân nơi đây được hơn 3 năm nay. Nhiều hộ gia đình đã có nguồn thu ổn định. Ông Nguyễn Văn Lợi, Chủ tịch UBND xã Thiện Kế cho biết, so với cây lúa và cây màu, cây măng tây có ưu thế nổi bật về hiệu quả kinh tế.
Nếu chăm sóc tốt, nhiều gốc vừa thu hoạch hôm trước hôm sau vườn măng tây đã có măng mầm mới chuẩn bị cho thu hoạch lứa tiếp. Bởi vậy, nhiều ruộng trồng măng tây bà con đạt năng suất từ 3 đến 5kg/sào/ngày. Tuy nhiên, loài cây này đòi hỏi công chăm sóc nhiều, nếu không để ý có thể cây không sinh trưởng phát triển tốt. Hiện tại, xã Thiện Kế sẽ tiếp tục duy trì diện tích đạt 2ha.
Qua hiệu quả kinh tế từ những mô hình trồng măng tây trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang có thể thấy loài cây này có khả năng thích nghi tốt với đồng đất của địa phương. Cây măng tây phát triển và cho hiệu quả kinh tế đã góp phần thay đổi tư duy của nông dân trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng, nâng cao giá trị sử dụng đất...