| Hotline: 0983.970.780

Triển vọng lâm sản ngoài gỗ

Thứ Tư 21/12/2016 , 15:05 (GMT+7)

Ngoài chức năng lưu giữ, cung cấp nguồn nước và gỗ, rừng còn cung cấp rất nhiều lâm sản ngoài gỗ (LSNG) vô cùng đáng quý.

Việt Nam nằm trong vùng khí hậu nhiệt đới gió mùa nóng, ẩm với nguồn tài nguyên động thực vật rừng phong phú đa dạng. Ngoài chức năng lưu giữ, cung cấp nguồn nước và gỗ, rừng còn cung cấp rất nhiều lâm sản ngoài gỗ (LSNG) vô cùng đáng quý.

13-02-14_tp-hun-chuyen-gio-tbkt-ti-hien-truong
Tập huấn chuyển giao tiến bộ kỹ thuật tại hiện trường
 

LSNG thường có giá trị cao, khối lượng nhẹ, vận chuyển dễ dàng hơn so với gỗ, khả năng phục hồi nhanh, cho thu hoạch sớm hơn gỗ, giá trị, năng suất kinh tế cao, ổn định, có khả năng kinh doanh liên tục, phù hợp với quy mô hộ gia đình nên dễ được người dân chấp nhận trong các chương trình xã hội nghề rừng, phát triển kinh tế hộ gia đình và cộng đồng.

Việc sản xuất LSNG hầu như không tổn hại đến rừng và môi trường sinh thái trong khi vẫn thu được nhiều lợi ích. Ước tính, có khoảng 24 triệu người đang sinh sống tại miền núi, trong đó có khoảng 1/3 là đồng bào các dân tộc thiểu số sống phụ thuộc vào tài nguyên rừng trong đó có tài nguyên LSNG.

Hoạt động bảo tồn, gây trồng, khai thác, buôn bán và sử dụng LSNG mang lại thường giá trị sản xuất gia tăng cao, không chỉ gắn liền với đời sống hàng ngày mà còn là một trong những nguồn thu nhập chính, góp phần xoá đói giảm nghèo, đảm bảo an sinh xã hội cho nhiều cộng đồng dân cư, nhất là cộng đồng dân cư miền núi. Qua đó, mang lại giá trị sản xuất của ngành lâm nghiệp tương đối lớn, đóng góp thực sự vào sự phát triển của nền kinh tế, xã hội và môi trường ở nước ta.

13-02-14_tho-qu-o-lo-ci
Cây thảo quả ở Lào Cai
 

Đồng bào dân tộc thiểu số thường sống dựa vào các LSNG, có nơi nguồn thu từ LSNG chiếm tới 30% trong thu nhập kinh tế hộ gia đình như hoạt động trồng và khai thác quế ở Nậm Đét (Bắc Hà - Lào Cai); trồng thảo quả ở Lào Cai, Hà Giang; trồng hồi ở Văn Quan (Lạng Sơn); trồng giổi ăn hạt ở Lạc Sơn (Hòa Bình)…

Nhận thức được tầm quan trọng của LSNG đối với phát triển bền vững và nâng cao giá trị gia tăng sản phẩm, giá trị sản xuất của ngành, từng bước đáp ứng nhu cầu lâm sản cho tiêu dùng trong nước và xuất khẩu, góp phần tạo việc làm, xóa đói, giảm nghèo, cải thiện sinh kế, bảo vệ môi trường sinh thái để phát triển bền vững, Bộ NN-PTNT đã ban hành Quyết định số 2366/QĐ-BNN-LN ngày 17/8/2006 về phê duyệt đề án "Bảo tồn và Phát triển lâm sản ngoài gỗ giai đoạn 2006-2020" và Quyết định số 1565/QĐ-BNN-TCLN ngày 8/7/2013 về phê duyệt đề án Tái cơ cấu ngành lâm nghiệp trong đó có nội dung trọng tâm về LSNG.

Theo TS. Phan Văn Thắng, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Lâm sản ngoài gỗ (Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam), hoạt động sản xuất LSNG không chỉ mang lại giá trị sản xuất của ngành lớn mà còn là một trong những nguồn thu nhập quan trọng trong kinh tế hộ gia đình, đáp ứng nhu cầu thiết yếu hàng ngày, góp phần tạo việc làm, xoá đói giảm nghèo, cải thiện sinh kế cho một bộ phận cư dân sống dựa vào rừng.

Gây trồng LSNG trên diện tích đất lâm nghiệp được giao hoặc thu hái LSNG từ rừng tự nhiên đã thu hút hàng triệu lao động khu vực nông thôn miền núi. Theo số liệu điều tra của Tổ chức Phát triển Hà Lan, ước tính riêng các hoạt động liên quan đến cây quế, hồi, thảo quả ở 4 tỉnh Lạng Sơn, Hà Giang, Lào Cai và Yên Bái đã thu hút và tạo việc làm cho 50.000 người lao động của gần 12.000 hộ gia đình ở địa phương.

Nhìn chung, việc sản xuất và phát triển các sản phẩm LSNG ở nước ta đóng vai trò quan trọng trong việc nâng cao đời sống cho cộng đồng người dân khu vực miền núi. Các sản phẩm này không những được sử dụng tại chỗ phục vụ cho đời sống của người dân địa phương như cung cấp thực phẩm, thức ăn chăn nuôi, cung cấp nguyên liệu làm phân bón, thuốc chữa bệnh... từ đó góp phần đảm bảo an toàn lương thực, chăm sóc sức khoẻ, cung cấp nguyên liệu, nhiên liệu phục vụ đời sống.

“Hiện nay, ước tính giá trị sản xuất LSNG chiếm khoảng 15% - 20% giá trị sản xuất lâm nghiệp hàng năm (khoảng 1,2 tỷ USD) tập trung vào một số sản phẩm chủ lực chính như quế, hồi, thảo quả, sa nhân, thông, dầu rái…và hàng thủ công mỹ nghệ.

Cho đến nay, kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng chủ yếu này có tốc độ tăng trưởng tăng trưởng bình quân cao nhất so với các nhóm hàng LSNG hàng năm từ 25 - 35%. Năm 2015, kim ngạch xuất khẩu mặt hàng quế, hồi, thảo quả là 96 triệu USD”, TS Phan Văn Thắng.

 

Xem thêm
Nhiều rào cản trong phát triển rừng gỗ lớn

Quảng Nam Phát triển rừng gỗ lớn giúp tăng hiệu quả kinh tế, hướng đến phát triển lâm nghiệp bền vững. Tuy nhiên, muốn thực hiện được điều này thì cần phải tháo gỡ những rào cản.

Những công nghệ 'chia lửa' cho lực lượng giữ rừng

Rừng đầu nguồn đóng vai trò quan trọng trong phòng chống thiên tai. Việc ứng dụng công nghệ trong bảo vệ rừng đầu nguồn giúp nâng cao hiệu quả quản lý bảo vệ rừng.

Đặc sắc lễ cúng thần rừng của người Mông Nà Hẩu

Lễ cúng thần rừng là nghi lễ độc đáo được người Mông ở xã Nà Hẩu tổ chức vào ngày cuối cùng của tháng Giêng hàng năm.