| Hotline: 0983.970.780

Uống sữa tươi chưa tiệt trùng, bé 3 tuổi tử vong

Thứ Hai 15/12/2014 , 15:32 (GMT+7)

Ngoài em bé chết, 4 trẻ khác bệnh nặng sau khi uống sữa bò chưa tiệt trùng được gắn mác "sữa tươi để tắm", bán ở một cửa hàng thực phẩm tại Australia.

Nạn nhân ở Mornington, bang Victoria, phía đông nam Australia. Bé đã uống một loại sữa tươi sống (chưa qua xử lý) của hãng Mountain View Farm, được bán trên thị trường với công dụng là sữa tắm. Theo kết luận ban đầu, em bé này bị ngộ độc do vi khuẩn có trong sữa.

Đại diện công ty Mountain View Farm, Vicki Jones cho biết, bà rất sốc khi biết về cái chết của em bé nhưng lại cho rằng mối nguy hiểm của sữa chưa tiệt trùng đang bị thổi phồng.

"Đây là sữa tươi dùng để chăm sóc da, chưa hề qua bước xử lý nào. Tôi không biết tại sao mọi người lại uống, có lẽ họ nghĩ nó tốt cho sức khỏe. Trên bao bì sữa không ghi dành cho người uống. Lần nào được hỏi là 'sữa này có uống được không' chúng tôi đều nói không", bà Jones phát biểu với đài Fairfax Radio 3AW.

Bà Jones cho biết, công ty sẽ ghi thêm các cảnh báo trên nhãn và cũng cân nhắc đổi bao bì đựng sữa tắm này sao cho nó ít giống với sữa đã tiệt trùng. "Chúng tôi đã đăng tải cảnh báo sức khỏe trên Facebook và gửi thư điện tử cảnh báo cho nhiều người. Mọi người cần biết về các nguy cơ khi dùng sản phẩm", bà nói.

Ba trong số những trẻ bị ảnh hưởng do uống sữa chưa tiệt trùng mắc một bệnh hiếm gặp, có khả năng gây tử vong, gọi là Hội chứng Urê huyết - tán huyết. Hội chứng này gây đau bụng, tiêu chảy ra máu, thậm chí các trường hợp nghiêm trọng còn dẫn tới suy thận và tử vong. 

sua-tuoi-song-9600-1418629066.jpg
Ảnh minh họa: Thenoblenutritionist.com.

Việc bày bán các sản phẩm sữa chưa tiệt trùng cho người ăn uống bị cấm ở bang Victoria vì nguy cơ nhiễm khuẩn cao. Nó có thể được bán vì mục đích khác, hợp pháp dưới danh nghĩa mỹ phẩm hay sữa để tắm trong các quầy thực phẩm. Giám đốc cơ quan y tế Victoria, tiến sĩ Rosemary Lester, đã đưa ra cảnh báo với người tiêu dùng trước cái chết của em bé sau khi uống sữa chưa xử lý. 

"Ai cũng có thể bị hại do những mầm bệnh có trong sữa chưa tiệt trùng, nhưng nguy cơ đặc biệt lớn với trẻ nhỏ và người già, người tiềm ẩn các vấn đề sức khỏe, người suy giảm miễn dịch hay đang mang thai", tiến sĩ Lester nói.

Bà cho rằng, nông dân chăn nuôi bò sữa không thể đảm bảo rằng sữa chưa tiệt trùng không có các vi khuẩn gây hại, dù họ có dùng cách nào. Bà đã đưa mối lo ngại này tới Hiệp hội người tiêu dùng Victoria cùng Ủy ban cạnh tranh và tiêu dùng Australia.

Kể từ năm 1940, ở Australia, sữa bò dành cho người uống phải được tiệt trùng. Quá trình tiệt trùng bao gồm đun nóng sữa trong một thời gian ngắn để diệt hết các vi khuẩn gây bệnh có thể có trong sữa, gồm có E.coli. Giám đốc hiệp hội tiêu dùng Victoria, Claire Noone cảnh báo người tiêu dùng không được uống bất cứ loại sữa tươi sống hay sữa chưa tiệt trùng nào, dù quy trình sản xuất, vắt sữa có cẩn thận đến đâu.

Bác sĩ Tony Bartone, Chủ tịch Hiệp hội Y khoa bang Victoria cho biết: “Xu hướng làm đẹp da ngày nay là thoa sữa tươi chưa xử lý hoặc thậm chí uống sữa này. Không có một chứng minh khoa học nào chỉ ra uống sữa chưa tiệt trùng là an toàn. Nó chỉ có thể được dùng để làm sữa tắm nhưng cũng không loại trừ những trường hợp bị dị ứng nếu sữa đã bị nhiễm khuẩn”.

Theo Livescience, trong lịch sử, sữa vẫn luôn là thực phẩm dễ bị ô nhiễm bởi các vi khuẩn có thể gây bệnh nghiêm trọng cho con người. Đó là các trường hợp sữa chưa qua xử lý. Cái chết bi thảm của em bé ở Australia vừa qua thêm một lần nữa nhắc nhở chúng ta chú ý tới nguy cơ này.

Hiện tượng mắc bệnh do sử dụng sữa chưa tiệt trùng từng có ở nhiều nước. Số liệu từ Mỹ cho thấy, trong giai đoạn 13 năm (tính từ năm 2011 trở về trước), có 2.384 trường hợp nhiễm bệnh, 284 ca nhập viện và 2 ca tử vong liên quan tới sữa tươi sống. Ở Australia, sữa chưa tiệt trùng bị nhiễm các vi khuẩn như salmonella gây ra ít nhất 9 lần bệnh bùng phát từ năm 1997 đến năm 2008, khiến 117 trường hợp mắc bệnh.

Tại sao người ta vẫn uống sữa tươi sống? Những người ủng hộ dùng sữa chưa xử lý thường cho rằng sữa này có lợi ích cải thiện sức khỏe và giá trị dinh dưỡng hay mong muốn có một sản phẩm chưa qua chế biến quá nhiều, giữ lại được các vi khuẩn tự nhiên có trong sữa. Nhưng chưa có bằng chứng cho thấy lợi ích về sức khỏe của sữa chưa tiệt trùng. 

Điểm khác biệt giữa sữa đã tiệt trùng và sữa chưa xử lý là sự có mặt của các vi khuẩn. Ngay sau khi sữa được tiết ra từ bầu vú, nó đã có nguy cơ chứa nhiều loại vi khuẩn khác nhau, chưa nói tới cả quá trình nó được đưa tới bàn ăn của chúng ta. Trong số này bao gồm cả các vi khuẩn có hại. Những vi khuẩn này có thể dẫn tới các bệnh nghiêm trọng cho con người, đặc biệt là ở trẻ em và người già. Tiệt trùng vẫn là một bước quan trọng để đảm bảo chúng ta sử dụng nguồn sữa dinh dưỡng, an toàn.

 

(VnExpress)

Xem thêm
Chuyển giao kỹ thuật chăn nuôi vịt cho hộ nghèo ở Thanh Hóa

Tập đoàn Mavin và Tổ chức Tầm nhìn Thế giới Việt Nam (World Vision) vừa tổ chức tập huấn, chuyển giao kỹ thuật chăn nuôi vịt tại huyện Thường Xuân, Thanh Hóa.

Số hóa quản lý chó, mèo để phòng, chống bệnh dại

Để công tác phòng, chống bệnh dại có hiệu quả, chó, mèo nuôi ở các địa phương cần được quản lý chặt chẽ, nhất là thông qua việc áp dụng số hóa.

Cao điểm phòng trừ sâu cuốn lá nhỏ hại lúa xuân vào dịp nghỉ lễ 30/4

Theo Trung tâm BVTV phía Bắc, thời điểm phòng trừ tập trung sâu cuốn lá nhỏ từ 25/4 - 5/5. Sau khi phun lần 1, nếu mật độ còn cao tổ chức phun trừ lần 2.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm