| Hotline: 0983.970.780

Vào “nhà” bò tót

Thứ Bảy 01/05/2010 , 08:30 (GMT+7)

Đỉnh Pa Thiên độc đáo nằm trong dãy núi Voi Mẹp có độ cao hơn 1.700 m so với mặt nước biển, được xem là “ngôi nhà” của bò tót ở Trung Trường Sơn...

Miêu tả dấu chân bò tót vừa đi qua

Đỉnh Pa Thiên độc đáo nằm trong dãy núi Voi Mẹp có độ cao hơn 1.700 m so với mặt nước biển, được xem là “ngôi nhà” của bò tót ở Trung Trường Sơn. Để phát hiện ra “ngôi nhà” này, những cán  bộ kiểm lâm Quảng Trị đã có hàng chục chuyến “đột kích” lên đỉnh Pa Thiên. Từ xã Hướng Sơn, huyện Hướng Hoá, tỉnh Quảng Trị, đi bộ leo núi để lên đến đỉnh này phải mất gần 2 ngày đường.

Treo thưởng 1 triệu/bức ảnh bò tót

Cách nay gần 10 năm, ông Khổng Trung- PGĐ Sở NN-PTNT kiêm Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Quảng Trị đã từng “treo thưởng” 1 triệu đồng cho những ai chụp được ảnh bò tót xuất hiện ở rừng Quảng Trị. Ngày đó 1 triệu có trị giá bằng một chỉ vàng 999,9. Nhiều người xách máy ảnh lên đường không phải vì tiền thưởng, mà muốn “ẵm” danh hiệu người tiên phong phát hiện ra bò tót ở Quảng Trị, nơi duy nhất trên dãy Trung Trường Sơn (từ Quảng Bình, Quảng Trị, TT-Huế và Quảng Nam) có bò tót sinh sống.

Sở dĩ có sự treo thưởng “hậu hĩnh” vì thông tin từ người dân báo về tận mắt họ chứng kiến những con bò to tướng đi ăn trên núi cao, tiếng người dân tộc miền núi gọi bò tót là Xà-ngô-rờ. Qua mô tả của bà con, kiểm lâm Quảng Trị biết chắc những chàng Xà-ngô-rờ to tướng đó là bò tót, song chứng cứ và hình ảnh ở đâu thì chưa ai có được. Lần lượt năm này đến năm khác thông tin về bò tót xuất hiện ở các huyện Gio Linh, Vĩnh Linh rồi Đakrông...được gửi về liên tục, nhưng để thấy con bò tót ngoài thiên nhiên đúng là không dễ chút nào.

Giới chụp hình ở Quảng Trị chấp nhận bó tay trước cuộc “thách cược” quá độc của kiểm lâm Quảng Trị. Nhiều lần Chi cục trưởng Kiêm lâm Khổng Trung tâm sự rằng, ông không thể ngồi yên trước những thông tin về bò tót xuất hiện trên địa bàn mình. Một loạt giả thuyết được đặt ra lúc đó, có thể những đàn bò tót chỉ đi qua rừng Quảng Trị, còn “ngôi nhà” của chúng ở đâu vẫn chưa ai tìm được. Hay trên một vùng rừng nào đó của Quảng Trị , từ lâu đã được những chú Xà-ngô-rờ chọn làm “ngôi nhà” để trú ẩn.

Cán bộ bảo tồn của Kiểm lâm Quảng Trị chuẩn bị máy tự động ghi hình bò tót ở Pa Thiên

Những chuyến leo núi nhớ đời

Một ngày đầu năm 2008 , cán bộ Chi cục Kiểm lâm Quảng Trị lại nhận được thông tin từ bà con xã Hướng Sơn, huyện Hướng Hoá báo về, bò tót thường xuyên xuất hiện ở núi Voi Mẹp. Sau một thời gian chuẩn bị, anh Nguyễn Ngọc Tuấn và Ngô Kim Thái gùi ba lô lên đường leo núi, quyết tìm cho ra nơi sinh sống của những con bò tót. Từ chân núi Voi Mẹp thuộc địa bàn xã Hướng Sơn để leo lên đến đỉnh cao hơn 1.700m phải mất hơn ngày đường. Hôm đó sau khi lên gần đến đỉnh núi thì mặt trời đã tắt, hai anh phải dựng lán trại ngũ giữa rừng sâu, hoang vắng.

Đêm giá buốt dù lạnh cóng, song không dám đót lửa, vì bò tót là loại động vật cực kỳ thính hơi và nhạy cảm với ánh lửa. Chỉ cần một tiếng động nhỏ là có thể chúng đương đầu kháng cự lại hoặc chạy thẳng vào rừng sâu. Sáng hôm sau khi lên đến đỉnh Pa Thiên, bỗng dưng nghe tiếng ào ào như có gió lớn , hai anh chưa kịp định hình thì những con bò tót đã phóng qua trước mặt trong sự nuối tiếc vì không thể bấm kịp tấm hình. Mọi mệt nhọc đã nhanh chóng tan biến, trước mặt hai anh là vô số dấu chân của bò tót đang in hằn xuống đất.

Thực hiện công đoạn đo dấu chân lập tức cho kết quả bất ngờ. Ít nhất có sự tồn tại và sinh trưởng của 3 con bò tót với kích cỡ dấu chân khác nhau: 7- 9cm; 11-13cm và 13-15cm. Những ngày sống giữa rừng, mở rộng phạm vi tìm kiếm, hai anh phát hiện ra nhiều đống phân bò tót vừa được chúng “sản xuất” đang còn dấu co thắt và nếp nhăn của ruột.

Hình ảnh từ máy ghi hình tự động ghi lại hai con bò tót đã trưởng thành (ở 2 vòng tròn trong ảnh) đang đi ăn ở đỉnh núi Pa Thiên

Tài sản của quốc gia

Bò tót có tên khoa học Bos gaurus là loại động vật quý hiếm, sách đỏ Việt Nam xếp bậc E, thuộc nhóm 1 B, có nguy cơ bị đe doạ tuyệt chủng, sách đỏ thế giới xếp bậc VU, cần bảo vệ nghiêm ngặt. Nghị định 32/2006 của Chính phủ đã nghiêm cấm mọi hình thức khai thác bò tót vì mục đích thương mại. Ông Khổng Trung - PGĐ Sở NN-PTNT kiêm Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm khẳng định: “Bò tót là tài sản  quốc gia, cần có một dự án  để người dân địa phương có cơ hội tham gia bảo vệ bò tót ở Pa Thiên được tốt hơn”.

Tôi hỏi Hồ Văn Tùng , một người  Vân Kiều ở xã Hướng Sơn, có biết gì về bót tót không, Tùng nói vanh vách: “Bò tót to lắm, nặng cả tấn, trên trán dẹp, có đóm lông màu trắng, đặc biệt hai sừng nhô cao, to khoẻ và uốn cong như hình bán nguyệt, lông ở bụng có màu đen xám, bốn chân có lông màu trắng...Nhiều hôm bò tót xuống núi tấn công cả trâu nhà nhưng nhờ được tuyên truyền bảo vệ nên bà con không săn bắn” .

Anh Tuấn kể sự di chuyển qua lại trong lúc đi tìm thức ăn của bò tót đã tạo ra nhiều con đường mòn rất đặc trưng giữa rừng, nhìn kỹ trên thân cây bên đường mòn vẫn còn vương lại những sợi lông của bò tót. Sinh cảnh xung quanh khu vực Pa Thiên rất đặc trưng cho bò tót sinh sống, có đồng cỏ tươi xanh, nguồn nước, sình lầy và xung quanh là rừng già để bò tót ẩn nấp. Cảm giác được nhìn bò tót thoáng qua và tìm ra nơi trú ngụ của chúng đã làm cho hai anh tự hào. Sự kỳ công vượt qua nguy hiểm để tìm ra “ngôi nhà” của bò tót đã cho kết quả. Anh Nguyễn Ngọc Tuấn thốt lên: “Chọn Pa Thiên làm “ngôi nhà” trú ẩn cuối cùng, chính những con bò tót đã biết cách tự bảo vệ nó”. Trước đó nhiều bà con dân tộc ở xã Hướng Sơn cho biết đỉnh Pa Thiên trên núi Voi Mẹp là khu vực an toàn, xưa nay chưa có bóng dáng con người xuất hiện.

Chộp được...bò tót

Trở về, hai anh mang theo 4 mẫu phân bò tót mới được chúng “sản xuất” trong vòng 48 tiếng, có niêm mạc ruột đang còn dính vào phân, gửi sang Trung tâm Linh trưởng ở CHLB Đức nhờ phân tích ADN và giới tính. Chỉ một thời gian ngắn sau , Kiểm lâm Quảng Trị nhận được kết quả từ Đức gửi về: 4 mẫu phân trên là của hai cá thể bò tót đã trưởng thành, giới tính là bò cái.

Điều canh cánh trong lòng các cán bộ kiểm lâm, là vẫn chưa ghi được hình bò tót ở Pa Thiên. Nên vài tháng sau, hai anh quyết định trở lại Pa Thiên với sứ mệnh ghi cho bằng được hình bò tót ngoài thiên nhiên. Lần này anh Tuấn và anh Thái mang theo tám chiếc máy ghi hình tự động, cài đặt tại nhiều điểm khác nhau trên đỉnh Pa Thiên.

Một thời gian sau, độ ấy khoảng giữa tháng tám của năm 2008 các anh quay lại kiểm tra kết quả, nhìn vào máy, hai anh hết sức bất ngờ khi hình ảnh bò tót đang đi ăn đã được máy ghi lại. Anh Tuấn thừa nhận bò tót rất nhạy nên để bẫy được ảnh của chúng là một kỳ công. Với những bằng chứng sinh động ấy không ai có thể chối cãi về sự hiện diện và sinh trưởng của bò tót ở Pa Thiên. Thông tin ghi được hình ảnh bò tót ở đỉnh núi Pa Thiên nhanh chóng được các trung tâm khoa học trong và ngoài nước lưu ý. Bản đồ bò tót của thế giới và Việt Nam đã có thêm địa danh Pa Thiên của Quảng Trị.

Dù đã có kết quả nhưng niềm đam mê nghiên cứu bò tót đã thôi thúc hai anh trở lại Pa Thiên không biết bao nhiêu lần nữa. Anh Tuấn cho biết trong lần trở lại Pa Thiên cuối tháng ba vừa rồi thấy nhiều bãi cỏ bị bò tót dẫm tan hoang, số lượng dấu chân bò cũng nhiều lên, xuất hiện thêm nhiều lối mòn do đàn bò tót tạo ra khi đi ăn, chứng tỏ rừng ở Pa Thiên là một nơi an toàn cho bò tót sinh sống. Có mặt tại Pa Thiên trong chuyến thực địa này, chuyên gia Nguyễn Mạnh Hà -Trung tâm Tài nguyên- Môi trường của ĐH Quốc gia Hà Nội nhận định: “Ở núi Pa Thiên thuộc hệ thống đỉnh Voi Mẹp có ít nhất hơn hai đàn bò tót đang sinh sống, mỗi đàn đông từ 2 đến 3 con”.

Xem thêm
4,2 triệu Euro hỗ trợ nông dân ĐBSCL làm nông nghiệp sinh thái, thông minh

Trà Vinh Dự án được tài trợ bởi Liên minh Châu Âu và triển khai tại các tỉnh Đồng Tháp, Kiên Giang và Trà Vinh, với tổng vốn đầu tư 4,2 triệu Euro.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Thừa nắng, thiếu mưa, cả nước chuẩn bị đón mùa hè rực lửa

Nhiệt độ và nắng nóng thời điểm tháng 5/2024 trên phạm vi toàn quốc trung bình phổ biến cao hơn từ 1-2 độ C; tháng 6/2024, cao hơn từ 0,5-1,5 độ C.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm