| Hotline: 0983.970.780

Xuyên Tây Bắc cứu trợ mùa giáp hạt

Thứ Ba 27/03/2012 , 08:45 (GMT+7)

Sau loạt bài Đối mặt đói tháng ba, Quỹ Thiện Tâm và Báo NNVN lập tức lên đường đến với những địa phương khó khăn bậc nhất vùng Tây Bắc.

Sau loạt bài Đối mặt đói tháng ba, Quỹ Thiện Tâm và Báo NNVN lập tức lên đường đến với những địa phương khó khăn bậc nhất vùng Tây Bắc. 

>> Đói nghèo còn gõ cửa nhiều nơi
>> Kỳ cuối: Còn đói dài
>> Bài 5: Trở về tâm điểm đói Cao Bằng
>> Bài 4: Đói lay lắt miền tây Thanh Hóa
>> Bài 3: Đói nghèo truyền kiếp
>> Bài 2: Đói ở bản tái định cư
>> Bài 1: Mùa đói trên núi cao

Ông Phạm Nguyễn Toan - Đại diện nhà tài trợ trao quà cho các em học sinh vùng cao

Mong người dân dịu bớt cơn đói

Hành trình của đoàn công tác do Báo NNVNphối hợp với Quỹ Thiện Tâm đi trọn cung đường gần 1.000 km từ Hà Nội qua các tỉnh Yên Bái, Lai Châu và Lào Cai. Trưởng đoàn, Phó TBT Báo NNVN, ông Nguyễn Ngọc Thạch và phó đoàn Phạm Nguyễn Toan, đại diện Quỹ Thiện Tâm từng nhiều lần đến với núi rừng Tây Bắc nhưng vẫn nao cả người khi xe vượt qua những con đèo nổi tiếng như Khau Phạ, Ô Quy Hồ. Khó khăn, gian khổ không phải ít nhưng ai nấy đều nóng lòng đến với bà con bởi đây chính là thời điểm “một miếng khi đói bằng một gói khi no”.

Điểm dừng chân đầu tiên của đoàn công tác là huyện Mù Cang Chải (tỉnh Yên Bái), nơi mà dịp áp tết năm 2011 đoàn chúng tôi từng đến để hỗ trợ học sinh và bà con đón tết. Hơn một năm sau trở lại, huyện nghèo nằm trong chương trình hỗ trợ 30a của Chính phủ này vẫn khó khăn vì đường đi trắc trở, vẫn giữ nguyên bộ mặt nghèo vì gặp phải quá nhiều bất lợi từ thiên nhiên. 200 suất quà của đoàn công tác trao cho xã La Pán Tẩn lần này tuy không nhiều nhưng phần nào làm dịu đi cơn đói thường niên đang hành hạ đồng bào Mông nơi đây. 

Trao gạo cho bà con

La Pán Tẩn là một trong những xã nghèo nhất của huyện nghèo Mù Cang Chải. Xã có 621 hộ thì 90,7% trong số đó là hộ nghèo, mỗi năm thiếu ăn định kỳ mùa giáp hạt từ 3- 5 tháng. Cái đói, cái nghèo bao bủa La Pán Tẩn một phần bắt nguồn từ điều kiện quá khắc nghiệt. Trồng trọt thì đất bạc màu, chăn nuôi thì dịch bệnh. Thời điểm chúng tôi đến, những người dân La Pán Tẩn đang phải nuôi gà theo kiểu treo lồng trên ngọn cây để chống dịch cúm.

7 bản nhưng chỉ có 235 ha ruộng cấy một vụ nên Phó Bí thư Đảng ủy xã Trần Trung Kiên hạch toán: Vụ nào tốt thì sản lượng lúa được 1,5 tạ một sào, còn không chỉ được một tạ. 235 ha ruộng chia cho 621 hộ nên hộ nào nhiều cũng chỉ được vài tạ gạo một năm. 3.000 kg gạo và 1.000 gói bột canh mà đoàn công tác hỗ trợ xã lần này ít nhất cũng giúp bà con kéo dài thời gian ăn cơm thêm được khoảng một tháng.

Chung cảnh ngộ với La Pán Tẩn là các xã Mường Khoa và Phúc Khoa (huyện Tân Uyên, tỉnh Lai Châu), xã Kim Sơn (huyện Bảo Yên, tỉnh Lào Cai). Những nơi mà đói tháng ba như một nỗi ám ảnh thường xuyên, dai dẳng đến mức nghe có đoàn cứu trợ về bà con bỏ hết cả ruộng nương để đi nhận gạo.

Trong cuộc hành trình, đoàn chúng tôi trao tận tay xã La Pán Tẩn 3.000 kg gạo, xã Mường Khoa 3.000 kg, xã Phúc Khoa 3.000 kg và xã Kim Sơn 2.250 kg. Không nhiều, cũng không bao giờ có thể đủ để chống cái đói mùa giáp hạt nhưng với người dân ở những địa phương chúng tôi đến, ngày nhận gạo, bột canh, đường chẳng khác nào ngày hội. Tất cả họ đều biết, số gạo hỗ trợ cùng lắm chỉ đủ cho một tháng, nhưng chẳng sao cả, có bao nhiêu quý bấy nhiêu.

Vác gạo về nhà

Bà Lò Thị Lọ ở bản Nà Cại đến UBND xã Mường Khoa chờ gạo từ sáng tinh mơ. Đó là một người đàn bà không có tuổi. Một phần vì bà không nhớ mình sinh năm bao nhiêu, phần nữa là vì vẻ khắc khổ hằn trên khuôn mặt, trên những bộ quần áo cũ nát, trên cả căn nhà ba mẹ con bà đang sống mà nhiều nơi chỉ xứng đáng gọi là lều.

Nhà bà Lọ có ba mẹ con, chồng mất sớm, ruộng nương bà cũng chẳng biết có bao nhiêu vì đất miền núi cao, mỗi nơi một khoảnh nhỏ. Bà cũng không gọi cái đói mà gia đình bao đời nay gánh chịu là đói tháng ba bởi vì mùa giáp hạt của 3 mẹ con năm nào cũng thiếu ăn tận 5-6 tháng. Nhận 15 kg gạo, 5 gói bột canh bà phấn khởi vô cùng. Vậy là gia đình bà lại được ăn cơm sau khi hết gạo từ tháng trước.

Mong học sinh ấm bụng đến trường

Trong kế hoạch hỗ trợ bà con chống chọi với cái đói mùa giáp hạt, Quỹ Thiện Tâm và Báo NNVN dành hơn một nửa để trao cho học sinh vùng cao đang theo học ở các trường bán trú, nội trú dân nuôi. Mùa đói giáp hạt thường là mùa học sinh vùng cao nghỉ học nhiều nhất. Vì thiếu thốn, vì phải bổ sung lao động cho các gia đình.

Trường La Pán Tẩn có gần 800 học sinh nhưng chỉ có vỏn vẹn 60 em được ở nội trú nhờ nhà trường tận dụng phòng học dựng lên. Số còn lại phải trọ học trong những căn lều mà người dân địa phương dựng lên để trông coi thóc lúa khi thu hoạch. Cứ 4-5 đứa ở một túp lều như thế. Không điện, không nước, không nhà vệ sinh nhưng sự gian khổ lại có thừa.

Có gạo, đỡ đói rồi

Kể từ khi có đề án hỗ trợ của Chính phủ, mỗi học sinh được nhận 332 nghìn đồng một tháng. Chia bình quân ngày 2 bữa, mỗi bữa 5,5 nghìn đồng cho mỗi học sinh. Cô Nguyễn Thị Hiền, hiệu trưởng nhà trường phàn nàn: Khó khăn lắm, tiếng là nội trú dân nuôi, nhưng mùa giáp hạt hầu hết các gia đình đều không lo nổi gạo để ăn thì lấy gì mà đóng góp, lấy gì nuôi các em?

Đợt hỗ trợ đồng bào vùng cao chống chọi đói tháng ba lần này, tổng cộng có 750 suất quà, mỗi suất trị giá 350 ngàn của Quỹ Thiện Tâm và Báo NNVN.

Ngoài ra đoàn công tác còn trao 120 kg đường cho 3 điểm trường ở các xã La Pán Tẩn, Phúc Khoa và Mường Khoa. Phần quà này là của Lê Tâm Huy, một thanh niên trẻ người Hà Nội, khi biết tin chúng tôi lên vùng cao đã góp chút sức mình để hỗ trợ bà con. Thêm một tấm lòng như thế, đói tháng ba sẽ dịu đi một chút bởi vùng cao Tây Bắc đang rất cần những tấm lòng chung sức.

Câu hỏi của cô Hiền chẳng khác nào một lời cầu khẩn. Đi hết các xã Mường Khoa, Phúc Khoa, Kim Sơn vào mùa này đúng là người dân không thể hỗ trợ theo mô hình bán trú, nội trú dân nuôi thật. Khẩu phần ăn của học sinh chủ yếu vẫn là cơm và rau cải, chỉ thỉnh thoảng mới được cải thiện thêm bữa thịt, bữa cá.

Trường PTDT bán trú THCS xã Mường Khoa, nơi 100% học sinh nội trú người dân tộc thiểu số, dù đã chuyển theo mô hình hỗ trợ từ tháng 8/2011 nhưng đến nay học sinh vẫn phải ở ghép, chưa có bếp ăn… Riêng tiền mua gạo cho 170 học sinh, hiệu trưởng Vũ Thị Loan đã chỉ ra hàng loạt khó khăn: Vào mùa giáp hạt người dân địa phương hầu như chẳng đóng góp được gì, học sinh đi học nhưng cứ nghĩ đến gia đình đang đói quay đói quắt nên chữ nghĩa cũng chẳng vào được bao nhiêu.

Còn xã Phúc Khoa, nơi mà ông Nguyễn Thanh Văn, PCT UBND huyện Tân Uyên nói rằng “đây là trường điểm của xã đang thực hiện xây dựng nông thôn mới” thì khó khăn vẫn còn nhiều lắm. Sau khi nhận 15 kg từ đoàn cứu trợ, Hạng A Li, một học sinh lớp 6 ở xã Phúc Khoa chia làm hai bao. Một bao giữ lại để ăn dần còn một bao nữa, Li bảo, muốn gửi về cho bố mẹ ở bản Nậm Be để nấu cháo cho mấy đứa em vì nhà đã hết gạo từ hai tháng nay rồi.

Xem thêm
4,2 triệu Euro hỗ trợ nông dân ĐBSCL làm nông nghiệp sinh thái, thông minh

Trà Vinh Dự án được tài trợ bởi Liên minh Châu Âu và triển khai tại các tỉnh Đồng Tháp, Kiên Giang và Trà Vinh, với tổng vốn đầu tư 4,2 triệu Euro.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Chuyện làm du lịch ở miền núi Phú Thọ: [Bài 1] Đồi chè Long Cốc, nàng tiên không ban cho dân được mấy tiền

'Không mấy ai nhìn ra giá trị của rừng Xuân Sơn, Tân Sơn nên bỏ lỡ cơ hội phát triển du lịch', TS. Ngô Kiều Oanh tiếc rẻ.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm