| Hotline: 0983.970.780

Lại nhập nhèm giữa phân với thuốc

Thứ Hai 25/01/2010 , 09:38 (GMT+7)

Sau câu chuyện phân bón lá cao cấp Boom Flower-n chứa hoạt chất độc hại Nitro Benzen, lần này chúng tôi lại tiếp tục phát hiện thêm câu chuyện tương tự.

Sau câu chuyện phân bón lá cao cấp Boom Flower-n  chứa hoạt chất độc hại Nitro Benzen, lần này chúng tôi lại tiếp tục phát hiện thêm câu chuyện tương tự.

>> Phân bón chứa chất độc - Sự thật đang được che giấu?
>> Nông dân ''vô tư'' sử dụng phân bón lá chứa chất độc

Cuối năm âm lịch cũng là thời điểm hàng loạt các nhà vườn cao su tiểu điển “gác máng” (ngưng ca mủ) để dưỡng cây. Nhân đọc bài đăng trên NNVN về phân bón lá cao cấp Boom Flower-n, ông Lương Hoành (Phước Hòa, Phú Giáo, Bình Dương) trồng 3ha cao su mang ra chai “phân bón” Kinafon ra nói với chúng tôi: “Đây là thuốc bôi trên mặt cạo để kích thích cây cao su ra mủ, nhưng nhà SX lại “biến” nó thành phân bón từ 2 năm nay kể từ lúc mủ cao su được giá”. 

Một sản phẩm nhập nhèm giữa phân và thuốc của Cty TNHH Kiên Nam

 

PV NNVN lập tức đi xác minh. Một chủ đại lý nằm trên Đại lộ Bình Dương, TX Thủ Dầu Một cho biết: “Ở đây không ai nói Kinafon là phân bón cả, bởi nó có chất Ethaphon nên phải nói là thuốc kích thích mủ cao su thì họ mới biết mà mua”. Cứ theo nhãn hiệu bao bì thì đây là loại “phân bón làm tăng sản lượng ra mủ” do Cty TNHH Kiên Nam (84/72A Thống Nhất, P.11, Q.Gò Vấp, TPHCM) sản xuất. Thay vì phân phun trên lá, bón trên đất thì phân “Kinafon” lại bôi trên miệng cạo. Theo cách chỉ dẫn, Kinafon chỉ dùng cho cây cao su từ 7 năm tuổi trở lên, bôi vào sáng sớm cách 48 giờ trước khi cạo, 1 cây bôi 1 gr và xử lý từ 5-8 lần trong 1 mùa khai thác. Như vậy, bình quân 1 ha cao su phải dùng từ 5- 8 chai.

Chúng tôi đến Chi cục BVTV tỉnh Bình Dương muốn làm rõ hơn tính xác thực của loại phân này. Thật bất ngờ, ông Nguyễn Công Hùng (Thanh tra Chi cục) cho biết, vừa qua Chi cục sau khi kiểm tra các đại lý, cũng đã nhận thấy Kinafon có dấu hiệu nhập nhèm giữa phân và thuốc. Bởi trong thành phần Kinafon có chứa 2,5% hoạt chất Ethephon. “Chúng tôi đã làm văn bản báo cáo Sở NN-PTNT tỉnh đề nghị xử lý vì lĩnh vực phân bón do Thanh tra Sở quản lý, nhưng sau đó được nghe là Kinafon đã được Cục Trồng trọt cấp phép”- ông Hùng nói.

Sỡ dĩ Chi cục BVTV tỉnh Bình Dương có ý kiến về trường hợp Kinafon là do đầu tháng 12/2008, Cục BVTV có văn bản yêu cầu các Chi cục tăng cường thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm việc buôn bán, sử dụng các loại thuốc BVTV có hoạt chất Ethephon với mục đích làm chín các loại rau, củ, quả. Theo Cục BVTV, thuốc BVTV có hoạt chất Ethephon nếu dùng đúng cách thì ít khả năng gây độc vì nó sẽ phân hủy thành chất khí, tự bay đi. Vì vậy, Cục BVTV đề nghị các Chi cục phối hợp với HND tổ chức hướng dẫn cho người dân cách sử dụng thuốc đúng liều lượng.

Nói như vậy để thấy hoạt chất Ethephon không phải không độc. Thế mà, trong cách hướng dẫn ghi trên chai Kinafon không hề có một dòng chữ nào lưu ý đến việc độc hại. Một cán bộ có trách nhiệm của Viện Nghiên cứu Cao su VN tái khẳng định, Ethephon là một hóa chất thuộc danh mục thuốc BVTV, được sử dụng để kích thích ra mủ cao su, ra hoa các loại cây ăn quả.

Liên quan vụ phân Boom Flower-n chứa chất độc hại Nitro Benzen của Cty CP BVTV An Giang đang gây phẫn nộ trong nông dân, theo tìm hiểu của PV NNVN, thật bất ngờ “Phân bón lá cao cấp Boom Flower-n vừa qua lại được Ban điều hành GAP Sông Tiền cùng với Cty Devi và Cty CP BVTV An Giang đưa vào Hội thảo “chuỗi giá trị” về sản xuất nông nghiệp an toàn tại 2 tỉnh Tiền Giang và Đồng Nai.

Hiện nay, Ethephon trên thị trường xuất hiện dưới nhiều tên thuốc khác nhau như Sagolatex 2.5PA (Cty CP BVTV Sài Gòn), Adephone 2.5Paste, Callel 2.5Paste, Forgrow 2.5Paste...Riêng cây cao su, chất Ethephon được sử dụng bằng cách bôi vào miệng cạo để tăng sản lượng mủ. Với loại chế phẩm 2,5% dùng 1-2g/lần/cây cao su (khoảng 3 - 4 tuần/lần). Cách làm là bôi một lớp mỏng thuốc ngay trên miệng cạo tái sinh tiếp giáp với miệng cạo. Đặc biệt khi sử dụng, người lao động tuyệt đối phải mang khẩu trang và găng tay để tránh độc hại.

Cũng giống Boom Flower-n, vì sao Kinafon lại “chạy” đăng ký bên phân bón mà lẽ ra phải được quản lý bên thuốc BVTV?Ông Mai Xuân Trúc- GĐ Cty Mai Xuân chuyên SX phân bón lá cho biết, qui trình đăng ký một sản phẩm phân bón lá thường chỉ mất 1 năm, kinh phí khảo nghiệm tốn kém chừng 30 triệu đồng mỗi sản phẩm. Còn theo ông Bùi Văn Kịp (Cty Bayer VN), qui trình đăng ký 1 sản phẩm thuốc BVTV phức tạp hơn, thời gian mất hai năm. Chi phí khảo nghiệm một sản phẩm thuốc BVTV từ 100-140 triệu đồng, trong đó cây công nghiệp như cao su là 100 triệu, trên cây lúa, cây ăn quả khoảng 140 triệu. Đó là chưa tính các khoản đi lại, chi phí “ngoài luồng” khác.

Phải chăng, do qui trình đăng ký cấp phép bên phân bón lá thời gian ngắn hơn, chi phí cũng ít hơn 3,4 lần so bên thuốc BVTV nên các nhà SX, phân phối vì chạy theo lợi nhuận mà xem nhẹ yếu tố sức khỏe của con người, cộng đồng xã hội mà hai sản phẩm phân bón Boom Flower-n và Kinafon là một minh chứng?

Xem thêm
Phát hiện cơ sở chuyên xử lý lợn ốm chết ở Vĩnh Phúc

Chủ cơ sở ở Vĩnh Phúc cho biết, lợn thu mua của dân đó đều là các con bị ốm do xuất huyết hoặc yếu do nắng nóng hoặc chết không rõ nguyên nhân.

Kiểm dịch tôm giống còn gặp khó

Trước tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp trên tôm nuôi mà một phần nguyên nhân do tôm giống gây ra, ngành chức năng đã siết chặt công tác kiểm dịch.

Sầu riêng rụng quả non hàng loạt do sốc nhiệt

KHÁNH HÒA Nhiều diện tích sầu riêng ở huyện Khánh Sơn, tỉnh Khánh Hòa đang thời kỳ quả non bị rụng hàng loạt do sốc nhiệt.

Quảng Ngãi xây dựng mô hình cơ giới hóa đồng bộ trong sản xuất lúa

Các đơn vị đã phối hợp tổ chức gieo sạ bằng máy sạ cụm 12 hàng trên diện tích 5.000m2 tại mô hình ở cánh đồng lúa xã Đức Chánh (Mộ Đức, Quảng Ngãi).