Tiên Phước là huyện miền núi điển hình của tỉnh Quảng Nam trong việc phát triển kinh tế vườn từ cây ăn quả. Tại địa phương này, các loại cây ăn quả đặc sản như lòn bon, thanh trà, sầu riêng, chuối… đã giúp cho nhiều hộ gia đình vượt qua khó khăn, vươn lên khá giả.
Đặc biệt, nhiều năm trở lại đây, một số vùng trong huyện đã tập trung đầu tư để phát triển cây măng cụt. Thực tế cho thấy, loại cây này rất phù hợp với điều kiện tự nhiên tại đây của huyện Tiên Phước và phát triển rất tốt. Những vụ thu hoạch vừa qua, nhiều nhà vườn trong huyện thu lãi hàng chục đến hàng trăm triệu đồng.
Thấy hiệu quả kinh tế từ loại cây này mang lại, mỗi năm diện tích trồng cây măng cụt trên địa bàn huyện Tiên Phước đều tăng lên đang kể. Nếu như khoảng hơn 10 năm về trước, chỉ có 1 vài hộ trồng bây giờ đã lên đến vài trăm hộ với diện tích hàng trăm ha. Trong đó, tập trung chủ yếu ở các xã Tiên Mỹ, Tiên Kỳ, Tiên Châu, Tiên Thọ…
Bà Lê Thị Thanh (trú thôn 6, xã Tiên Mỹ, huyện Tiên Phước) cho biết, măng cụt không phải là loại cây mới ở địa phương. Bởi trong xã cũng có một số cây có tuổi đời đến hơn 100 năm. Khi những cây này có trái, bà con trong vùng đưa về ăn rồi lấy hạt trồng.
“Hồi đó họ chỉ nghĩ cây này có tán rộng, trồng lấy bóng mát rồi hái quả ăn cho vui vậy thôi chứ không nghĩ đến chuyện trồng để phát triển kinh tế. Sau này, thấy cây phát triển tốt, cho rất nhiều quả và giá trị cao. Có thời điểm giá bán lên đến gần 200.000 đồng/kg nên nhiều người mới đầu tư mua giống về trồng”, bà Thanh nói.
Hiện, vườn nhà bà Thanh cũng đang trồng khoảng hơn 70 cây măng cụt có tuổi đời từ 5 đến trên 10 năm. Hầu hết, các loại cây này đều phát triển xanh tốt. Vụ măng cụt vừa qua, nhà bà có khoảng hơn 10 cây cho trái, trung bình mỗi cây thu 30kg. Với giá bán gần 100.000/kg, bà Thanh cũng thu được khoảng 30 triệu đồng.
“Cây măng cụt từ lúc trồng đến lúc thu hoạch phải mất thời gian rất dài, đến gần 10 năm. Nhưng bù lại là chi phí chăm bón rất thấp. Từ lúc trồng đến giờ nhà tôi chỉ thỉnh thoảng bón 1 ít phân chuồng thôi, không tốn kém bao nhiêu. Năm vừa rồi là năm cây cho quả đầu tiền nên sản lượng chưa được nhiều chứ cây càng lâu năm càng nhiều trái. Hơn nữa, loại trái này rất dễ bán, thương lái đến tận vườn mà không đủ cho họ mua. Hy vọng, vài năm tới, vườn cây của tôi sẽ cho sản lượng nhiều hơn. Lúc đó, hiệu quả kinh tế mang lại sẽ rất cao”, bà Thanh chia sẻ.
Tại Tiên Phước, vụ vừa qua nhiều cây măng cụt của một số hộ có tuổi đời hàng chục năm, cho sản lượng lên đến hơn 100kg. Như gia đình ông Nguyễn Đức Hùng (trú thôn 7, xã Tiên Mỹ). Vườn ông Hùng có trên dưới 10 cây như vậy. Tuy nhiên, năm nay do ảnh hưởng của dịch bệnh nên giá bán giảm xuống chỉ còn chưa tới 100.000 đồng/kg. Đỉnh điểm như năm 2019, giá mỗi kg lên đến gần 200.000 đồng chỉ cần 1 cây cũng mang lại nguồn thu đến vài chục triệu đồng.
Ông Tống Phước Thuần, Cán bộ Phòng NN-PTNT huyện Tiên Phước cho biết, thống kê đến thời điểm hiện tại toàn huyện có khoảng 150ha trồng cây măng cụt, trong đó có 50ha đã cho thu hoạch. Năm 2020, sản lượng măng cụt của huyện đạt 200 tấn, doanh thu gần 300 tỷ đồng.
“Măng cụt là cây không những mang lại hiệu quả cao mà còn có tính bền vững, thị trường tiềm năng. Do đó, UBND tỉnh Quảng Nam đã thống nhất cho huyện Tiên Phước thực hiện đề án phát triển cây loại cây này trên diện rộng hướng đến cung ứng sản phẩm ra thị trường cả nước và xuất khẩu đi nước ngoài", ông Thuần nói.
"Dự kiến đến năm 2025 diện tích trồng măng cụt trên toàn huyện sẽ đạt 500ha và năm 2030 là trên 1.000ha. Bên cạnh đó, huyện cũng đang vận động các Hợp tác xã địa phương cũng như doanh nghiệp để liên kết sản xuất, tiêu thụ với các hộ dân cũng như đăng ký thương hiệu và quảng bá sản phẩm. Về lâu dài, Tiên Phước sẽ quy hoạch các vùng sản xuất măng cụt theo hướng hữu cơ, VietGAP”, ông Tống Phước Thuần, Cán bộ Phòng NN-PTNT huyện Tiên Phước.