| Hotline: 0983.970.780

10 lao động kiểm ngư tái ký hợp đồng: Nghệ An giải tỏa áp lực IUU

Thứ Sáu 24/05/2024 , 17:55 (GMT+7)

Sau nhiều ngày 'ngồi chơi xơi nước', 10 lao động kiểm ngư Nghệ An đã được tái ký hợp đồng để trở lại với guồng quay, nhịp đập thường nhật.

10 lao động được ký hợp đồng theo Nghị định số 111/2022/NĐ-CP giúp hoạt động kiểm ngư Nghệ An vận hành trơn tru trở lại. Ảnh: Việt Khánh.

10 lao động được ký hợp đồng theo Nghị định số 111/2022/NĐ-CP giúp hoạt động kiểm ngư Nghệ An vận hành trơn tru trở lại. Ảnh: Việt Khánh.

Như Báo Nông nghiệp Việt Nam đã phản ánh, Chi cục Thủy sản và Kiểm ngư Nghệ An được bố trí 2 tàu Kiểm ngư mang BKS KN-688-NA và VN-93967-KN để thực hiện nhiệm vụ chuyên môn thuần túy.

Dựa theo định mức chung cần bố trí đủ 26 thuyền viên cho 2 tàu kiểm ngư nêu trên. Tuy nhiên do điều kiện không cho phép, Chi cục Thủy sản và Kiểm ngư Nghệ An chỉ có thể ký hợp đồng với 10 lao động để trực tiếp vận hành.

Những người này đều có kinh nghiệm dạn dày, có trường hợp thâm niên trong nghề trên 20 năm, dễ hiểu họ được xem là “xương sống” trong việc tuần tra, kiểm soát an ninh biển. Đồng nghĩa có đóng góp cực kỳ quan trọng trong nhiệm vụ phòng chống khai thác thủy sản bất hợp pháp (công tác IUU) theo khuyến cáo của Ủy ban Châu Âu (EC).

Việc nặng nhưng neo người, thành thử mỗi lao động kiểm ngư phải gánh vác trọng trách nặng nề trên vai, chung quy biên độ công việc nhiều gấp đôi, gấp ba quy định đặt ra. Quan trọng là thế nhưng quyền lợi của bộ phận này chưa được đảm bảo, thể hiện qua việc “không nằm trong biên chế UBND tỉnh giao cho Chi cục Thủy sản và Kiểm ngư Nghệ An”.

Để bảo vệ an toàn tài sản của Nhà nước và tránh nảy sinh những rắc rối pháp lý không đáng có, Chi cục buộc phải tính toán phương án an toàn nhất bằng cách đề xuất Sở NN-PTNT Nghệ An điều động 2 tàu kiểm ngư về âu neo đậu tàu thuyền trong thời gian tạm ngừng hoạt động. Cùng với đó, phải dừng hợp đồng với các lao động từ ngày 1/4/2024.

Vắng mặt những người truân chuyên nhất đẩy công tác kiểm ngư của Nghệ An vào tình cảnh tê liệt hoàn toàn. Nhận thấy sự thể càng kéo dài tình hình càng cam go, quá trình tháo gỡ thẻ phạt của EC sẽ khó nhằn gấp bội phần, các Sở, ngành, đơn vị liên quan đã kiến nghị UBND tỉnh khẩn trương tính toán phương án tối ưu nhất.

Anh Tạ Quang Thắng cùng đồng nghiệp chính thức được đảm bảo quyền lợi chính đáng. Ảnh: Việt Khánh.

Anh Tạ Quang Thắng cùng đồng nghiệp chính thức được đảm bảo quyền lợi chính đáng. Ảnh: Việt Khánh.

Xuất phát từ tính chất cấp thiết, tại cuộc họp vào ngày 10/4 với ngành nông nghiệp, ông Nguyễn Đức Trung, Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An đã yêu cầu các bên sớm tham mưu phương án xử lý nhằm đảm bảo quyền lợi chính đáng cho người lao động. Từ đây nút thắt dần được tháo gỡ.

Được biết, sau khi tiếp nhận Công văn của Chi cục về việc cho phép ký lại hợp đồng với lao động vận hành đội tàu kiểm ngư, Sở NN-PTNT Nghệ An có ý kiến như sau:

Tại điểm b, khoản 1, Điều 4, Nghị định số 111/2022/NĐ-CP ngày 30/12/2022 của Chính phủ quy định công việc hỗ trợ phục vụ trong cơ quan hành chính gồm: “Lễ tân, phục vụ; tạp vụ; trong giữ phương tiện; bảo trì, bảo dưỡng, vận hành trụ sở, trang thiết bị, máy móc phục vụ hoạt động của cơ quan, tổ chức, đơn vị”.

Trong khi điểm a, khoản 1, điều 12 của Nghị định số 111 cũng nêu rõ: “Kinh phí thực hiện hợp đồng từ nguồn ngân sách nhà nước, nguồn thu khác (nếu có); nằm ngoài quỹ lương của cơ quan đơn vị”.

Xác nhận với Báo Nông nghiệp Việt Nam, ông Trần Xuân Học, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Nghệ An, thông tin: "Trên cơ sở quy định hiện hành và xét tính chất công việc đặc thù của 10 hợp đồng lao động đang làm việc tại các tàu kiểm ngư, Sở NN-PTNT thống nhất để Chi cục Thủy sản và Kiểm ngư được ký hợp đồng theo Nghị định số 111/2022/NĐ-CP của Chính phủ.

Việc chi trả tiền lương và các khoản theo lương lầy từ nguồn kinh phí sự nghiệp bảo vệ nguồn lợi thủy sản do ngân sách nhà nước cấp. Điều này thực sự cấp thiết cho chính cá nhân người lao động, đồng thời góp phần giải tỏa áp lực cho ngành thủy sản địa phương”.

Đây là nội dung mang tính cấp thiết, nhất là đặt trong bối cảnh việc thực hiện IUU của Nghệ An còn nhiều tồn tại, vướng mắc. Ảnh: Việt Khánh.

Đây là nội dung mang tính cấp thiết, nhất là đặt trong bối cảnh việc thực hiện IUU của Nghệ An còn nhiều tồn tại, vướng mắc. Ảnh: Việt Khánh.

Là những người trong cuộc, hiển nhiên các lao động kiểm ngư đang phấn chấn hơn ai hết. Anh Tạ Quang Thắng, người có thâm niên 17 năm trong nghề chia sẻ những lời gan ruột: “Anh em chúng tôi luôn tâm niệm tàu là nhà, biển cả là quê hương, thời gian ở nhà chẳng thấm tháp so với thời gian trên tàu. Phần lớn đã gắn bó cả thanh xuân với nghề, thực sự nặng trĩu tâm tư khi đối diện với tình cảnh ngặt nghèo. May thay tỉnh Nghệ An, các cấp, ngành liên quan đã tạo điều kiện tốt nhất để anh em được đi làm trở lại, ai nấy đều hồ hởi, mừng vui khôn xiết”.

Công tác phòng chống IUU tại Nghệ An còn nhiều tồn tại, hạn chế. Nổi cộm phải kể đến hàng trăm tàu cá không đủ điều kiện hoạt động khai thác thủy sản nhưng chưa có phương án theo dõi giám sát chặt chẽ (247 tàu chưa đăng ký, 107 tàu chưa cấp phép, 342 tàu hết hạn đăng kiểm, 33 tàu chưa lắp VMS, 116 tàu mất kết nối VMS trên 6 tháng); còn tình trạng khai thác vùng khơi nhưng không cập cảng cá chỉ định; ý thức tuân thủ pháp luật của một số ngư dân chưa cao, nhiều trường hợp cố tình vượt lạch đi khai thác dù phương tiện không đủ điều kiện hoạt động…

Xem thêm
Một số nơi phát triển nóng nuôi cá nước lạnh

Cá nước lạnh đang có lợi thế phát triển mạnh ở nước ta. Tuy nhiên, việc sản xuất gặp không ít khó khăn về môi trường, dịch bệnh..., một số nơi phát triển nóng.

Tập huấn thực hiện đồng quản lý trong bảo vệ nguồn lợi thủy sản

CÀ MAU Ngày 19/12 tại TP Cà Mau, Cục Kiểm ngư phối hợp với Sở NN-PTNT Cà Mau tổ chức tập huấn hướng dẫn thực hiện đồng quản lý trong bảo vệ nguồn lợi thủy sản.

Xuất khẩu thủy sản Việt Nam 11 tháng đạt 9,2 tỷ USD

Với đà tăng trưởng hiện tại, ngành thủy sản Việt Nam năm 2024 có thể hoàn thành mục tiêu đạt 10 tỷ USD xuất khẩu, tăng 11,5% so với năm 2023.

Xây dựng nông thôn mới ở các làng, nơi ven biển thành nơi đáng sống

Đây là mục tiêu mà Cục trưởng Cục Thủy sản Trần Đình Luân chia sẻ về câu chuyện chuyển đổi nghề cho ngư dân vùng ven biển.