| Hotline: 0983.970.780

'100 kẻ bị truy nã đỏ' trong chiến dịch săn cáo của Trung Quốc

Thứ Tư 02/08/2017 , 12:50 (GMT+7)

“Chiến dịch săn cáo” là tên chỉ hoạt động của giới chức Trung Quốc nhằm truy bắt quan chức, doanh nhân nước này trốn ra nước ngoài sau khi phạm pháp.

Sau khi Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình phát động chiến dịch “đả hổ, diệt ruồi”, diệt trừ nạn tham nhũng trong bộ máy chính quyền, chiến dịch săn cáo ra đời.

Trung Quốc bắt "cáo" Lý Hoa Ba, cựu quan chức phụ trách xây dựng huyện Bà Dương, tỉnh Giang Tây hồi tháng 5/2015 sau khi ông này trốn 4 năm ở Singapore. Ảnh: Wall Street Journal.

Giới phân tích ở Trung Quốc nhìn nhận vụ nữ kế toán Hoàng Hồng nộp mình trước cơ quan điều tra hôm 31/7 sẽ góp phần vạch mặt các quan tham cỡ bự hơn.

Tờ Asia Today đánh giá chiến dịch săn cáo của Trung Quốc đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận. Trung Quốc đã bắt được 381 người đào tẩu ra nước ngoài sau khi bị điều tra, thu hồi 1,24 tỷ nhân dân tệ (khoảng 184 triệu USD), trong nửa đầu năm nay.
 

Săn cáo

Trong chiến dịch săn cáo, Trung Quốc xếp danh sách “100 kẻ bị truy nã đỏ”, gồm các quan chức, doanh nhân sừng sỏ nhất, đã trốn ra nước ngoài. Với việc Hoàng Hồng (Huang Hong) được truyền thông Trung Quốc nói là “tự đầu thú” trước cơ quan điều tra, đã có 43 người trong lệnh truy nã đỏ bị Bắc Kinh bắt về nước.

Vụ bắt được Hoàng Hồng sẽ hé lộ nhiều quan chức cấp cao hơn hoặc những kẻ chưa bị lộ trong quá trình điều tra án biển thủ công quỹ tại Tập đoàn Hào Môn, một đơn vị quốc doanh thuộc huyện Ngọc Điền, tỉnh Hà Bắc, Trung Quốc.

Hoàng Hồng trốn sang Mỹ tháng 8/1998, sau khi bị điều tra về tội chiếm dụng công quỹ. Người chồng của Hoàng là Hạ Nghiệp Quân (He Yejun) cũng nằm trong danh sách truy nã đỏ. Hai vợ chồng được cho là lẩn trốn ở Mỹ. Số phận của ông Hạ có thể cũng sẽ giống vợ khi cơ quan điều tra Trung Quốc bắt được bà Hoàng.

Hạ Nghiệp Quân là cựu Tổng giám đốc, Bí thư Đảng ủy của Tập đoàn Hào Môn. Vụ việc vợ chồng Hạ - Hoàng được chú ý bởi Trung Quốc bởi ông Hạ từng được nằm trong danh sách bình chọn “10 thanh niên tiêu biểu kiệt xuất” của nước này.

Ông Hạ từng có thời được báo chí Trung Quốc tung hô bởi thành tích “cải tử hoàn sinh” Tập đoàn Hào Môn, từ đơn vị nợ nần chồng chất thành một trong những cơ quan huy hoàng ở tỉnh Hà Bắc với thành tích tăng trưởng 36 lần, lợi nhuận tăng 62 lần, tổng lợi nhuận và thuế đạt mức 320 triệu nhân dân tệ.

Hào Môn từng là một trong 10 xưởng sản xuất bia lớn nhất Trung Quốc, liên tục 5 năm vào Top 500 đơn vị kinh doanh lớn nhất nước này.

Tháng 10/1998, tờ People’s Daily, cơ quan ngôn luận đảng Cộng sản Trung Quốc, từng đăng bài viết về Hạ Nghiệp Quân, khi ông này vào danh sách 10 thanh niên kiệt xuất. Tuy nhiên, chỉ một năm sau, hai vợ chồng Hạ - Hoàng lẩn sang Mỹ.

Tờ Sina cho biết vợ chồng Hạ - Hoàng trốn sang Mỹ khi cơ quan kiểm toán phát hiện họ đã biển thủ công quỹ, thậm chí ngụy tạo con số lợi nhuận của Hào Môn. Đánh hơi thấy dấu hiệu không lành, hai vợ chồng lần lượt ôm một số lượng tài sản lớn trốn sang Mỹ. Con số cụ thể chưa được báo chí Trung Quốc tiết lộ, song giới thạo tin cho rằng nó phải là hàng trăm triệu nhân dân tệ.
 

Thách thức pháp lý

Hầu hết “cáo” Trung Quốc đều lẩn trốn ở các nước nói tiếng Anh tại phương Tây, trong đó Mỹ và Canada là hai điểm đến ưa thích nhất. Hai nước này đều không có hiệp ước dẫn độ với Trung Quốc, do lo ngại về án tử hình, vi phạm nhân quyền và các tiến trình pháp lý, theo Wall Street Journal. Điểm này từng gây khó khăn cực lớn cho Trung Quốc khi săn “cáo”.

Các yêu cầu dẫn độ của Trung Quốc với nghi phạm đang sống ở Mỹ thường bị từ chối, trừ trường hợp đặc biệt vào năm 2004 như Dư Chấn Đông (Yu Zhendong), cựu trưởng chi nhánh Quảng Đông của Ngân hàng Trung Quốc. Khi đó, Bắc Kinh đã cam kết không tra tấn hoặc xử tử hình với Dư.

Canada cũng thường từ chối yêu cầu dẫn độ của Trung Quốc. Ngoại lệ hiếm hoi là Lại Xương Tinh (Lai Changxing), cựu chủ tịch một đơn vị kinh doanh giải trí lớn ở Trung Quốc. Ông Lại đã tị nạn ở Canada 12 năm trước khi bị trục xuất về Trung Quốc với cam kết của Bắc Kinh về việc không xử tử.

Mấu chốt của "Chiến dịch săn cáo" được mở ra vào năm 2014, theo Wall Street Journal, với việc Tuyên bố Bắc Kinh về Chống Tham nhũng, thông qua bởi các thành viên thuộc Diễn đàn Kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC). Đây được coi là sáng kiến quan trọng của Bắc Kinh nhằm tăng cường hợp tác chống tham nhũng giữa các nước. Cả Mỹ và Canada đều bày tỏ sẵn sàng hợp tác, dù còn thận trọng, về mặt pháp lý với Trung Quốc để tạo thuận lợi cho nước này điều tra nghi phạm lẩn trốn ngoài lãnh thổ.

Trong khi Canada ít nhiều tỏ ra thận trọng với việc dẫn độ, chính quyền Mỹ dường như đang hành động mạnh hơn để phối hợp với Trung Quốc. Theo Los Angeles Times, hồi tháng 1, bà Triệu Thế Lan (Zhao Shilan) và chồng cũ Kiều Kiến Quân (Qiao Jianjun) đã phải ra tòa vì tội đưa tiền có nguồn gốc không rõ ràng vào Mỹ. Nếu bị kết tội, nhiều khả năng bà Triệu và ông Kiều sẽ phải về Trung Quốc.

Thống kê năm ngoái của Bộ Công an Trung Quốc cho biết trong số 634 đối tượng bị dẫn độ về nước này có 50 trường hợp phạm tội liên quan đến chức vụ và 31 đối tượng buôn lậu; 205 đối tượng phạm tội với số tiền từ 10 triệu nhân dân tệ trở lên; 59 trường hợp phạm tội với số tiền hơn 100 triệu nhân dân tệ.

48 đối tượng đã trốn truy nã trong hơn 5 năm, và 17 đối tượng trong số này không để lại dấu vết trong vòng hơn 10 năm.

 

Xem thêm
Tìm thấy virus dịch tả lợn châu Phi trong xác lợn rừng

Thủ phạm virus gây dịch tả lợn châu Phi (ASF) đã được phát hiện trong xác một con lợn rừng vừa được tìm thấy ở phía tây bắc Singapore.

Tổng thống Putin xác nhận việc sản xuất hàng loạt tên lửa Oreshnik mới

Tổng thống Nga Vladimir Putin hôm 22/11 xác nhận quyết định cho phép bắt đầu sản xuất hàng loạt hệ thống tên lửa siêu vượt âm Oreshnik mới.

Nga: Cây cầu 60 tấn bị trộm đem bán phế liệu

Cảnh sát Nga đang điều tra vụ trộm một cây cầu đường sắt khổng lồ ở phía tây đất nước dường như đã được bán phế liệu với giá chỉ hơn 15.000 USD.