Tính đến giữa tháng 3/2021, Thanh Hóa vẫn còn 50% tàu cá hoạt động trên biển nhưng chưa được lắp đặt thiết bị giám sát hành trình.
Nhiều tàu cá hoạt động các vùng khơi, vùng lộng ở các địa phương ven biển đã được lắp đặt trang thiết bị thông tin liên lạc hoạt động trên biển nhưng không đăng ký sử dụng tần số cho các loại máy bộ đàm và mỗi tàu lại sử dụng một tần số khác nhau. Một số ngư dân có đăng ký tần số nhưng không sử dụng... Vì vậy, việc quản lý tần số máy thu phát sóng của ngư dân trên biển gặp nhiều khó khăn, nhất là khi thời tiết diễn biến bất thường.
Đây là trở ngại lớn trong việc khắc phục các khuyến nghị của Ủy ban Châu Âu (EC) về chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU).
Để tháo gỡ khó khăn này, ngày 17/7/2021, HĐND tỉnh Thanh Hóa ban hành Nghị quyết số 21/2021/NQ-HĐND về việc cơ chế, chính sách hỗ trợ mua thiết bị giám sát hành trình và phí thuê bao dịch vụ thiết bị cho chủ tàu cá có chiều dài từ 15m trở lên trên địa bàn tỉnh.
Theo đó, mức hỗ trợ mua thiết bị giám sát hành trình là 10 triệu đồng/tàu cá và hỗ trợ phí thuê bao dịch vụ thiết bị thiết bị giám sát hành trình tàu cá theo hóa đơn thực tế nhưng không quá 300.000 đồng/tháng/tàu cá.
Chỉ sau một thời gian triển khai chính sách hỗ trợ, đến đầu năm 2022, 100% tàu cá thuộc diện bắt buộc đang hoạt động khai thác trên biển đã được lắp đặt thiết bị giám sát hành trình. Những tàu chưa lắp đặt hoặc đang trong quá trình cải hoán, chuyển đổi, mua bán hoặc các chủ tàu đều ký cam kết không hoạt động trên biển.
Hiện nay, Chi cục Thủy sản Thanh Hóa đang phối hợp với UBND các huyện, thị xã, thành phố ven biển đang tiếp tục triển khai thực hiện hỗ trợ kinh phí lắp đặt thiết bị; hướng dẫn, cấp giấy phép, gia hạn sử dụng thiết bị thông tin liên lạc và thiết bị giám sát hành trình cho các chủ tàu cá ngay tại địa phương theo quy định mới.
Thông qua công tác tuyên truyền, ngư dân Thanh Hóa ngày càng hiểu hơn những quy định của pháp luật về sử dụng tần số và thiết bị vô tuyến điện trên phương tiện nghề cá; cách sử dụng các tần số liên lạc trong những trường hợp cấp bách với tần số liên lạc của đồn biên phòng, các tần số gọi cấp cứu hàng hải của Việt Nam và quốc tế...; những quy định và cách thức sử dụng chung tần số trong thông tin liên lạc giữa các phương tiện nghề cá với nhau giúp cho ngư dân được sử dụng tần số một cách hợp pháp, đúng quy định góp phần đảm bảo an ninh, an toàn trên biển.
Đại diện Chi cục Thủy sản Thanh Hóa cho biết thêm, song song với việc triển khai chính sách hỗ trợ lắp đặt thiết bị giám sát hành trình, đơn vị sẽ phối hợp với các lực lượng có liên quan tổ chức kiểm tra, xử lý các tàu cá không có giấy phép sử dụng tần số vô tuyến điện và yêu cầu thực hiện các thủ tục xin cấp phép theo hướng dẫn.
Thiết bị giám sát hành trình qua vệ tinh
Ngày 13/8/2021, Bộ Thông tin và Truyền thông ban hành Thông tư số 04/2021/TT-BTTTT quy định chi tiết và hướng dẫn thủ tục cấp giấy phép sử dụng tần số vô tuyến điện; cho thuê, cho mượn thiết bị vô tuyến điện; sử dụng chung tần số vô tuyến điện. Như vậy, đài vô tuyến điện lắp đặt trên tàu cá được mở rộng bao gồm thêm thiết bị giám sát hành trình qua vệ tinh thay vì chỉ có thiết bị liên lạc HF như trước đây. Việc cắt giảm thủ tục hành chính theo Thông tư 04/2021/TT-BTTTT sẽ đem lại lợi ích thiết thực cho ngư dân và tạo điều kiện, khuyến khích lắp đặt thiết bị giám sát hành trình trên tàu cá, góp phần sớm khắc phục “thẻ vàng” về khai thác hải sản của EC.