| Hotline: 0983.970.780

15 mẫu bánh mì, giò lụa liên quan đến chùm ca ngộ độc botulinum xét nghiệm âm tính

Thứ Sáu 26/05/2023 , 21:18 (GMT+7)

TP.HCM Bác sĩ Bệnh viện Chợ Rẫy đang nỗ lực thực hiện các biện pháp điều trị tích cực, ngừa biến chứng, ngăn chặn diễn tiến bệnh xấu hơn cho hai anh em ngộ độc botulinum.

BS.CK2 Đỗ Thị Ngọc Khánh, Phó trưởng khoa Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Chợ Rẫy kiểm tra sức cơ cho bệnh nhân ngộ độc botulinum. Ảnh: BVCC.

BS.CK2 Đỗ Thị Ngọc Khánh, Phó trưởng khoa Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Chợ Rẫy kiểm tra sức cơ cho bệnh nhân ngộ độc botulinum. Ảnh: BVCC.

Tối 26/5, BS.CK2 Đỗ Thị Ngọc Khánh, Phó trưởng khoa Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Chợ Rẫy cho biết, đến hôm nay là ngày thứ 14 hai bệnh nhân là anh em ruột nhập viện do ngộ độc botulinum.

Trong đó, người em (18 tuổi) nhập viện trong tình trạng nặng, liệt cơ tứ chi, sức cơ 1/5. Đến nay, bệnh nhân này chưa có dấu hiệu cải thiện và hồi phục. Còn người anh (26 tuổi) nhập viện trong tình trạng nhẹ hơn, nhưng, diễn tiến xấu dần, liệt cơ tăng dần, sức cơ tứ chi hiện chỉ đạt 2/5 - 3/5.

Hiện anh em bệnh nhân ngộ độc botulinum này vẫn nằm ở phòng Hồi sức tích cực, Khoa Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Chợ Rẫy.

Tất cả các y bác sĩ đang hết sức nỗ lực thực hiện các biện pháp điều trị tích cực, phòng ngừa các biến chứng và ngăn chặn diễn tiến xấu hơn của bệnh.

"Đến hiện tại, chúng tôi cũng không nói trước được những diễn tiến sau đó có khả năng xảy ra với hai bệnh nhân", bác sĩ Khánh nói và cho biết thêm, dù thuốc giải độc tố botulinum đã về đến TP.HCM, nhưng hai ca bệnh này vẫn không có chỉ định truyền BAT vì quá thời gian thuốc trung hòa độc tố trong máu.

Trong khi đó, hai bệnh nhi ngộ độc botulinum điều trị ở Bệnh viện Nhi đồng 2 vẫn đang thở máy thông số thấp. Em N.V.Đ (13 tuổi) vẫn sụp mi, sức cơ tứ chi chưa cải thiện, chưa tự thở, liệt ruột. Còn em N.T.X. (10 tuổi) tự thở yếu, sức cơ yếu.

Qua hội chẩn với Bệnh viện Chợ Rẫy, bác sĩ Bệnh viện Nhi đồng 2 quyết định không chỉ định dùng thêm thuốc giải độc BAT cho 2 bé (thuốc do WHO hỗ trợ). Các em tiếp tục được điều trị nâng đỡ bằng thở máy, dinh dưỡng, chống nhiễm trùng.

Trước đó, các bệnh nhân có ăn bánh mì giò lụa mua của người bán dạo. Được biết, giò lụa này được bọc trong bao ni lông và lá chuối, bị chảy nước. Sau khi ăn 1 ngày, người bệnh có dấu hiệu rối loạn tiêu hóa, nhìn đôi, yếu cơ dần, choáng váng... Quá trình điều trị, một số bệnh nhân có triệu chứng nặng hơn, phải thở máy do suy hô hấp, liệt cơ.

Tối 24/5, các lọ thuốc giải độc BAT được Tổ chức Y tế thế giới (WHO) hỗ trợ đã về đến TP.HCM. Tuy nhiên, hiện đã qua "thời gian vàng" sử dụng thuốc, nên các bệnh nhân không có chỉ định sử dụng thuốc giải.

Bà Phạm Khánh Phong Lan, Trưởng Ban quản lý an toàn thực phẩm TP.HCM cho biết, kết quả xét nghiệm 15 mẫu bánh mì, giò lụa liên quan đến các ca ngộ độc botulinum đã cho kết quả âm tính, không phát hiện vi khuẩn C. botulinum. Đến nay, vẫn chưa thể xác nhận nguồn gây ngộ độc botulinum cho các bệnh nhân là từ đâu. Còn bào tử vi khuẩn C. botulinum đều có trong đất, cát, nước và sinh ra độc tố trong môi trường yếm khí. 

Riêng trong mẫu phân của bệnh nhân nam bệnh 45 tuổi (đã tử vong) cho thấy có độc tố botulinum type A. Bệnh nhân này đã ăn một loại mắm để lâu ngày sau đó có các triệu chứng ngộ độc botulinum.

Xem thêm
Di căn gan chiếm 25% trường hợp ung thư đại trực tràng

TP.HCM Di căn gan là di căn xa thường gặp nhất, chiếm 25% các trường hợp ung thư đại trực tràng. Mỗi năm Việt Nam ghi nhận khoảng 16.000 ca ung thư đại trực tràng mới.

Điều trị suy tim sung huyết

Mục tiêu của điều trị suy tim sung huyết là để tim đập hiệu quả hơn giúp đáp ứng nhu cầu năng lượng của cơ thể.

Đối tượng nào cần xét nghiệm tiền đái tháo đường?

Bộ Y tế khuyến cáo, phụ nữ đã được chẩn đoán đái tháo đường thai kỳ thì cần phải theo dõi lâu dài, thực hiện xét nghiệm ít nhất 03 năm/lần.

Kháu Vài Lèng bị giả mạo, Lương y Mạc Văn Minh kêu cứu

Kháu Vài Lèng, bài thuốc điều trị sinh lý nam giới của Lương y Mạc Văn Minh đang bị các đối tượng xấu làm giả, bán trục lợi, ảnh hưởng đến uy tín sản phẩm.