| Hotline: 0983.970.780

158 giống lâm nghiệp được công nhận đi vào đời sống hiệu quả

Thứ Ba 10/11/2020 , 19:32 (GMT+7)

Trải qua 30 năm phát triển, đã có 158 giống lâm nghiệp của Viện Nghiên cứu Giống và Công nghệ sinh học Lâm nghiệp được Bộ NN-PTNT công nhận thực sự đi vào đời sống.

Thứ trưởng Thường trực Bộ NN-PTNT Hà Công Tuấn trao Cờ Thi đua của Chính phủ cho Viện Nghiên cứu Giống và Công nghệ sinh học lâm nghiệp nhân kỷ niệm 30 năm thành lập. Ảnh: Nguyên Huân.

Thứ trưởng Thường trực Bộ NN-PTNT Hà Công Tuấn trao Cờ Thi đua của Chính phủ cho Viện Nghiên cứu Giống và Công nghệ sinh học lâm nghiệp nhân kỷ niệm 30 năm thành lập. Ảnh: Nguyên Huân.

Viện Nghiên cứu Giống và Công nghệ sinh học Lâm nghiệp là đơn vị sự nghiệp khoa học công lập trực thuộc Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam được thành lập theo Quyết định số 3128/QĐ-BNN-TCCB ngày 13/12/2012 của Bộ trưởng Bộ NN-PTNT trên cơ sở nâng cấp Trung tâm Nghiên cứu Giống cây rừng.

TS. Nguyễn Đức Kiên, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Giống và Công nghệ sinh học Lâm nghiệp chia sẻ, trải qua 30 năm xây dựng và phát triển, các thế hệ cán bộ, nhà khoa học, viên chức và người lao động của Viện Nghiên cứu Giống và Công nghệ sinh học Lâm nghiệp đã luôn nỗ lực phấn đấu, vượt qua mọi khó khăn thử thách và bằng tâm huyết và nghị lực, với sự cố gắng phi thường Viện Nghiên cứu Giống và Công nghệ sinh học Lâm nghiệp đã nghiên cứu chọn tạo được hàng trăm giống các loại, trong đó 158 giống, 27 vườn giống và rừng giống đã được Bộ NN-PTNT công nhận.

Dấu ấn và niềm tự hào lớn nhất với Viện Nghiên cứu Giống và Công nghệ sinh học Lâm nghiệp là các giống của Viện được công nhận đều có năng suất cao, bình quân đạt 20 - 40 m3/ha/năm, chất lượng gỗ tốt, chống chịu sâu bệnh, thực sự đã tạo ra cuộc cách mạng cho ngành Lâm nghiệp Việt Nam.

Thứ trưởng Thường trực Bộ NN-PTNT Hà Công Tuấn, Giám đốc Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam Võ Đại Hải cùng cắt băng khánh thành trụ sở làm việc Viện Nghiên cứu Giống và Công nghệ sinh học Lâm nghiệp. Ảnh: Nguyên Huân. 

Thứ trưởng Thường trực Bộ NN-PTNT Hà Công Tuấn, Giám đốc Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam Võ Đại Hải cùng cắt băng khánh thành trụ sở làm việc Viện Nghiên cứu Giống và Công nghệ sinh học Lâm nghiệp. Ảnh: Nguyên Huân

Viện cung cấp giống gốc và đào tạo, chuyển giao quy trình công nghệ nhân giống cho nhiều cơ sở sản xuất, qua đó, góp phần nâng cao năng suất và chất lượng rừng trồng trong cả nước từ dưới 10 m3/ha/năm giai đoạn trước năm 2000 - 2010 lên đến 15 - 20 m3/ha/năm giai đoạn 2015 - 2020, nâng cao thu nhập đời sống người dân trồng rừng và phát triển các ngành kinh tế liên quan như sản xuất giấy, ván nhân tạo, xuất khẩu dăm gỗ và sản xuất đồ mộc xuất khẩu.

Thông qua việc tìm kiếm các cơ hội và giải pháp tiếp cận từ các dự án hợp tác nghiên cứu với các tổ chức quốc tế Viện đã đào tạo được nguồn nhân lực có trình độ. Viện chủ động tiếp nhận các các công nghệ, phương pháp nghiên cứu tiên tiến như tạo giống đa bội, chuyển gen, phân lập các gen mục tiêu, phát triển các phương pháp chọn giống thông qua chỉ thị phân tử... nhằm chọn tạo thêm các giống có năng suất cao, chất lượng gỗ tốt, chống chịu sâu bệnh và thích nghi với điều kiện biến đổi của khí hậu.

Nghiên cứu bảo tồn gen cho nhiều loài cây quý hiếm, đồng thời mở rộng quan hệ hợp tác với nhiều nước trong khu vực tạo thành một mạng lưới nghiên cứu để trao đổi thông tin, chia sẻ kinh nghiệm cũng như trao đổi vật liệu giống nhằm đa dạng hóa tập đoàn giống công tác cũng là một hoạt động mang lại hiệu quả rõ nét trong 30 năm qua của Viện.

Từ năm 2012, Viện Nghiên cứu Giống và Công nghệ sinh học Lâm nghiệp là thành viên sáng lập nhóm nghiên cứu về di truyền và lâm sinh của các loài keo của Liên minh các tổ chức nghiên cứu Lâm nghiệp quốc tế.

Các chuyên gia của Australia thăm vườn giống của Viện Nghiên cứu Giống và Công nghệ sinh học Lâm nghiệp. Ảnh: IFTIB.

Các chuyên gia của Australia thăm vườn giống của Viện Nghiên cứu Giống và Công nghệ sinh học Lâm nghiệp. Ảnh: IFTIB.

Trong hành trình phát triển, Viện đã tham gia đào tạo 15 tiến sỹ, liên kết đào tạo 20 thạc sỹ, bồi dưỡng nguồn nhân lực trong lĩnh vực giống, bảo tồn nguồn gen, Công nghệ sinh học Lâm nghiệp. Bên cạnh đó, Viện đã công bố 60 bài báo quốc tế và 235 bài viết trên các tạp chí khoa học trong nước.

Viện cũng đang là đơn vị sở hữu hệ thống phòng thí nghiệm hiện đại về công nghệ tế bào thực vật, sinh học phân tử, hiện Viện Nghiên cứu Giống và Công nghệ sinh học Lâm nghiệp có 5 Bộ môn, 1 Trung tâm thực nghiệm và chuyển giao giống cây rừng, quản lý 215ha ha rừng thí nghiệm cùng tập đoàn giống phong phú, đa dạng, lực lượng cán bộ đã được tăng cường gồm 8 tiến sỹ, 2 nghiên cứu sinh, trên 20 thạc sỹ.

Hoạt động nghiên cứu giống nuôi cây mô tại Viện Nghiên cứu Giống và Công nghệ sinh học Lâm nghiệp. Ảnh: IFTIB.

Hoạt động nghiên cứu giống nuôi cây mô tại Viện Nghiên cứu Giống và Công nghệ sinh học Lâm nghiệp. Ảnh: IFTIB.

Phát biểu tại Lễ kỷ niệm 30 năm thành lập Viện Nghiên cứu Giống và Công nghệ sinh học Lâm nghiệp sáng 10/11 tại Hà Nội, Thứ trưởng Thường trực Bộ NN-PTNT Hà Công Tuấn chúc mừng thành tựu Viện Nghiên cứu Giống và Công nghệ sinh học Lâm nghiệp trong 30 năm qua được thể hiện rất rõ qua bộ giống lâm nghiệp năng suất, chất lượng ngày càng cao của Việt Nam.

Theo Thứ trưởng Hà Công Tuấn, sự phát triển rất đáng tự hào của Viện trong những năm qua có sự đóng góp rất lớn của các tổ chức quốc tế, đặc là Chính phủ Australia khi mà trong 158 giống được Bộ NN-PTNT công nhận của Viện đều có hình bóng từ các cơ quan nghiên cứu lâm nghiệp của Australia.

Thứ trưởng Hà Công Tuấn lưu ý, chủ trương xuyên suốt của Việt Nam là ổn định tỷ lệ che phủ rừng 42% và giữ bằng được diện tích rừng tự nhiên hiện có, bởi bài toàn biến đổi khí hậu đặt ra với Việt Nam trong tương lai là rất lớn. Trong đó, việc nghiên cứu, phát triển các loại cây lâm nghiệp bản địa vừa hiệu quả kinh tế vừa cải thiện môi trường đòi hỏi vai trò, vị trí rất quan trọng của các nhà nghiên cứu, nhà khoa học tại Viên Nghiên cứu Giống và Công nghệ sinh học Lâm nghiệp.

“Trong tương lai Viên Nghiên cứu Giống và Công nghệ sinh học Lâm nghiệp phải là trung tâm cung cấp giống lâm nghiệp, giống gốc có chất lượng cao nhất cả nước, đồng thời, Viện cũng phải là một mô hình điểm về công nghệ sinh học trong lâm nghiệp. Để làm được điều này, Viện cần tiến hành rà soát, xây dựng chiến lược phát triển phải rất bài bản, rất khát vọng mang tầm khu vực, trong đó cần bắt đầu từ việc xây dựng đội ngũ chuyên gia, con người khoa học.” Thứ trưởng Thường trực Bộ NN-PTNT Hà Công Tuấn nhấn mạnh.

Với các thành tích to lớn đã đạt được, Viện Nghiên cứu Giống và Công nghệ sinh học Lâm nghiệp đã được Đảng và Nhà nước trao tặng Huân chương Lao động Hạng Nhì năm 2001, Giải thưởng Nhà nước về KHCN năm 2000, Giải thưởng Bông lúa Vàng Việt Nam năm 2012 và 2018, Cờ thi đua của Chính phủ năm 2020. Ngoài ra, các tập thể và cá nhân trong Viện đã được tặng nhiều giải thưởng và bằng khen của Chính phủ, của Bộ NN-PTNT cũng như của một số tổ chức quốc tế.

Xem thêm
Có nhiều hộ chăn nuôi chủ quan với bệnh dịch trên động vật hoang dã

35% người chăn nuôi động vật hoang dã không nhận thức được nguy cơ lây bệnh từ những con vật này sang người. 

Hoàn thành chi trả bồi thường cho các hộ dân có bò sữa bị thiệt hại

Lâm Đồng Công ty Navetco đã hoàn thành chi trả tiền bồi thường cho 350/350 hộ dân ở Lâm Đồng có bò sữa bị thiệt hại với số tiền hơn 41 tỷ đồng vào ngày 21/12.

Áp dụng IPHM, 5 sào bưởi cho lợi nhuận tăng thêm hơn 16 triệu đồng

Khánh Hòa Không chỉ giảm chi phí vật tư đầu vào, áp dụng quản lý sức khỏe cây trồng tổng hợp (IPHM) trên cây bưởi còn giúp nông dân tăng lợi nhuận và chất lượng sản phẩm.