| Hotline: 0983.970.780

20 doanh nghiệp phủ xanh gần 20ha rừng tại Đồng Nai

Chủ Nhật 20/08/2023 , 16:49 (GMT+7)

ĐỒNG NAI Hơn 1.000 người thuộc gần 20 doanh nghiệp cùng Trung tâm Bảo tồn thiên nhiên Gaia đã trồng 7.650 cây, phủ xanh 19,5ha rừng tại Khu Bảo tồn thiên nhiên - Văn hóa Đồng Nai.

Giám đốc Trung tâm Bảo tồn thiên nhiên Gaia, bà Đỗ Thanh Huyền cho biết, trong mùa hè vừa qua, với sự hỗ trợ của gần 20 doanh nghiệp đồng hành, Gaia đã trồng xong 7.650 cây xanh, phủ xanh 19,5ha rừng nghèo kiệt tại Khu Bảo tồn thiên nhiên - Văn hóa Đồng Nai.

Các loại cây được lựa chọn trồng là các loài cây bản địa, trong đó có nhiều loài quý hiếm, với chủng loại đa dạng như gõ mật, trắc đen, cẩm lai, lim xẹt, huỷnh, trường, dâu da...

Nhiều doanh nghiệp tham gia chương trình phủ xanh rừng tại Khu Bảo tồn thiên nhiên - Văn hóa Đồng Nai. Ảnh: Nguyễn Thủy.

Nhiều doanh nghiệp tham gia chương trình phủ xanh rừng tại Khu Bảo tồn thiên nhiên - Văn hóa Đồng Nai. Ảnh: Nguyễn Thủy.

"Chương trình trồng rừng Đồng Nai có ý nghĩa quan trọng trong giảm nhẹ thiệt hại thiên tai và tạo nên các bể chứa carbon tự nhiên, ứng phó với biến đổi khí hậu. Đồng thời, hoạt động trồng rừng Đồng Nai còn góp phần bảo vệ một trong những quần thể voi hoang dã cuối cùng đang sinh sống tại đây và bảo vệ an ninh nguồn nước cho TP.HCM và các tỉnh miền Đông Nam Bộ", bà Huyền cho hay.

Bà Priyamvada Srivastava, Phó Chủ tịch, Tổng Giám đốc Công ty P&G Việt Nam cho biết, phát triển bền vững luôn là trọng tâm cho các hoạt động kinh doanh của Công ty. "Sáng kiến "Vì bạn ươm mầm một Việt Nam xanh - Forests For Good” là một phần quan trọng trong nỗ lực của chúng tôi nhằm tích cực bảo vệ thiên nhiên bằng cách trồng rừng, giúp cải thiện hệ sinh thái, đa dạng sinh học tại địa phương. Qua đó, chúng tôi đồng thời kết nối người tiêu dùng và nhà sản xuất, nhà phân phối bán lẻ cùng trực tiếp, gián tiếp tham gia trồng và bảo vệ rừng", bà Priyamvada Srivastava chia sẻ.

Bà Priyamvada Srivastava cho biết, Công ty rất vinh dự được đóng góp hơn 6.000 cây rừng tại rừng Xuân Liên (thuộc Khu Bảo tồn thiên nhiên Xuân Liên, tỉnh Thanh Hóa) và rừng Cà Mau (thuộc Vườn Quốc gia Mũi Cà Mau) và trồng 500 cây tại Khu Bảo tồn thiên nhiên - Văn hóa Đồng Nai. 

Theo bà Đỗ Thanh Huyền, thời gian qua liên tiếp xảy các thảm họa thiên tai, đây là dấu hiệu báo động cho thấy nếu chúng ta không khẩn trương hành động phục hồi rừng thì cái giá phải trả cho biến đổi khí hậu là rất đắt.

"Ngày càng có nhiều doanh nghiệp đồng hành cùng Gaia triển khai chương trình trồng rừng và trải nghiệm thiên nhiên ý nghĩa. Thông qua các hoạt động này, doanh nghiệp không chỉ đồng thời thực hiện trách nhiệm xã hội, gắn kết nhân viên mà còn đóng góp cho Đề án trồng 1 tỷ cây xanh của Chính phủ và hướng đến mục tiêu Việt Nam đạt phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050”, bà Huyền nhấn mạnh.

Cũng theo bà Huyền, trong năm 2023, chương trình trồng rừng Đồng Nai nhận được đồng hành hưởng ứng của hơn 1.000 nhân viên, giảng viên, học viên, gia đình của các doanh nghiệp tham gia. Đây là những doanh nghiệp không chỉ đóng góp lớn cho xã hội qua hoạt động kinh doanh mà còn đặc biệt quan tâm đến phát triển bền vững và cống hiến cho cộng đồng như Bosch, Onsemi, Siberian, Chương trình Việt Nam - Hà Lan, KFC Việt Nam, BAT Việt Nam, CCIFV, Airbus, Wanna, Total Energies, P&G Việt Nam, Central Retail...

Các doanh nghiệp ngày càng chú trọng thực hiện trách nhiệm xã hội, đóng góp cho Đề án trồng 1 tỷ cây xanh của Chính phủ. Ảnh: Nguyễn Thủy.

Các doanh nghiệp ngày càng chú trọng thực hiện trách nhiệm xã hội, đóng góp cho Đề án trồng 1 tỷ cây xanh của Chính phủ. Ảnh: Nguyễn Thủy.

Để đảm bảo tạo ra những giá trị tích cực, lâu dài, Gaia phối hợp với Khu Bảo tồn thiên nhiên - Văn hóa Đồng Nai lên kế hoạch và triển khai thực hiện trồng, chăm sóc và giám sát rừng chặt chẽ trong vòng 4 năm.

Hoạt động chăm sóc như phát quang, cắt dây leo, làm đất, trồng dặm… được thực hiện định kỳ 2 lần/năm. Các thông số chiều cao, đường kính gốc, đường kính ngực, ảnh chụp giám sát, đo tính lượng CO2 hấp thụ, lượng O2 tạo ra… được thực hiện bởi các cán bộ chuyên trách và tổng kết trong báo cáo để gửi đến các đơn vị tài trợ hằng năm.

Để tăng thêm ý nghĩa và tác động cho chương trình trồng rừng, bà Đỗ Thanh Huyền cho biết, Gaia đặc biệt thiết kế các chương trình trải nghiệm độc đáo cho cộng đồng. Người tham gia sẽ được trải nghiệm các hoạt động như trồng rừng, tắm rừng, khám phá hệ sinh thái rừng cùng với các trò chơi thử thách kết nối vui nhộn. Đối với doanh nghiệp, đây là hình thức kết hợp thực hiện trách nhiệm xã hội và gắn kết đội ngũ nhân viên, giúp tối ưu chi phí và tối đa tác động.

Các hành trình Gaia tổ chức cho các nhân viên, doanh nghiệp, giáo viên, học viên, gia đình, bạn trẻ, người nước ngoài hay người Việt Nam đều nhận được sự phản hồi tích cực. Một ngày hòa mình cùng với thiên nhiên trong lành, khám phá thế giới xung quanh, tò mò với từng chiếc lá, hoa quả, háo hức tìm kiếm tổ chim, vết động vật hoang dã đã khiến mọi người được thực sự thư giãn, hồi phục sức khỏe và thêm yêu thiên nhiên kỳ diệu.

Thời gian tới, Gaia sẽ tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động trồng, phục hồi rừng Đồng Nai, các rừng đầu nguồn và tổ chức các chương trình trải nghiệm thiên nhiên trên khắp Việt Nam như Vườn Quốc gia Bến En, Khu Bảo tồn thiên nhiên Xuân Liên, Vườn Quốc gia Mũi Cà Mau... 

Xem thêm
Ngành gỗ Bình Định đặt mục tiêu đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD

Cục Hải quan Bình Định vừa đối thoại với Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Bình Định về những vấn đề liên quan đến thủ tục hải quan khi tham gia xuất nhập khẩu.

Phú Yên ứng dụng công nghệ quản lý, bảo vệ rừng

Chi cục Kiểm lâm tỉnh Phú Yên đang ứng dụng những giải pháp công nghệ nhằm giúp cán bộ, nhân viên trong ngành hoàn thành nhiệm vụ.

Đặc sắc lễ cúng thần rừng của người Mông Nà Hẩu

Lễ cúng thần rừng là nghi lễ độc đáo được người Mông ở xã Nà Hẩu tổ chức vào ngày cuối cùng của tháng Giêng hàng năm.

Bình luận mới nhất