| Hotline: 0983.970.780

32.000 hộ dân ven sông phải sơ tán khi có bão

Thứ Sáu 13/10/2023 , 06:57 (GMT+7)

Thanh Hóa có hơn 6.000 hộ dân đang sinh sống ở khu vực có thể xảy ra sạt lở đất; hơn 32.000 hộ dân sống ở ven sông cần phải sơ tán khi có bão.

Sạt lở bờ sông Mã do hút cát hay xả lũ?

Bà Vũ Thị Kiệm (thôn Nghĩa Kỳ, xã Vĩnh Hòa, huyện Vĩnh Lộc, tỉnh Thanh Hóa) có hơn 1 mẫu ruộng ven bờ sông Mã thì nay đã bị sạt lở mất gần 100m2. Người phụ nữ cầm thước, đo tỉ mỉ từng mét đất vừa bị "hà bá" nuốt chửng. Bà bảo, gia đình gắn bó gần cả đời tại khu vực bãi bồi ven sông, nhưng chưa bao giờ chứng kiến bờ sông Mã sạt lở nghiêm trọng như hiện nay.

“Hôm trước gia đình tôi mất 92m2 đất sản xuất vì nước xoáy sâu vào bờ. Gần đây nước sông lại ăn sâu vào bờ nên mất thêm mấy mét nữa. Trước đây họ xả lũ, thậm chí có năm nước ăn sâu vào khu vực dân cư, nhưng bờ sông không bị sạt lở nghiêm trọng như hiện nay. Thời gian vừa qua, xuất hiện nhiều thuyền hút cát nhiều tại khu vực này, kết hợp với việc xả lũ và mưa lớn kéo dài khiến bờ bãi mất chân nên đất bị kéo tụt ra sông. Cứ tình trạng này, chả bao lâu nữa người dân nơi đây sẽ mất đất sản xuất”, bà Kiệm cho hay.

Đất sản xuất của người dân bị ảnh hưởng nghiêm trọng do sạt lở bờ sông Mã. Ảnh: Quốc Toản.

Đất sản xuất của người dân bị ảnh hưởng nghiêm trọng do sạt lở bờ sông Mã. Ảnh: Quốc Toản.

Có hôm bà Vũ Thị Kiệm cùng nhiều người dân sống tại thôn nghĩa kỳ "mai phục" đuổi tàu khai thác cát dọc sông Mã nhưng tình hình vẫn không được cải thiện: “Tôi rình 4 bữa thì 3 bữa thấy tàu hút cát. Hôm đầu tiên có 3 thuyền hút cát, bắt vòi hút vào gần bờ. Họ không hút ban ngày mà hút đêm, để tránh lực lượng chức năng theo dõi, xử lý. Mặc dù cuối tháng 7, tỉnh đã có chỉ đạo dừng hút cát tại vị trí sạt lở do nước sông Mã dâng cao, nhưng ban đêm vẫn có thuyền hoạt động”, bà Kiệm cho hay.

Theo báo cáo của UBND xã Vĩnh Hòa (huyện Vĩnh Lộc, tỉnh Thanh Hóa) chiều dài đoạn bị sạt lở bờ sông Mã khoảng hơn 600m, trong đó đoạn đi qua khu vực mỏ cát số 18 của Công ty TNHH Minh Chung khoảng 200m; đoạn hạ lưu mỏ cát số 18 khoảng 400m thuộc các thôn Nghĩa Kỳ và Giang Đông của xã Vĩnh Hòa.

Bờ sông Mã đoạn chạy qua xã Vĩnh Hòa bị sạt lở nghiêm trọng. Ảnh: Quốc Toản.

Bờ sông Mã đoạn chạy qua xã Vĩnh Hòa bị sạt lở nghiêm trọng. Ảnh: Quốc Toản.

Tại hiện trường có 4 điểm sạt lở nghiêm trọng, mỗi điểm sạt lở từ 30 - 50m, chiều rộng từ 20 - 30m; chiều cao bờ sạt lở so với mực nước sông từ 5 - 7m. Khoảng cách từ điểm sạt lở đến khu vực dân cư đang sinh sống khoảng 120m. Mặt khác, dọc bãi bồi thôn Nghĩa Kỳ và thôn Giang Đông có nền địa chất chủ yếu là đất và cát phù sa, các mép lở thẳng đứng và có nhiều vết rạn, nứt có nguy cơ tiếp tục sạt lở khi mưa bão diễn ra.

Sau khi phát hiện sự cố, chính quyền địa phương đã thực hiện đóng cọc tre, chèn bao đất gia cố bờ sông để hạn chế tình trạng sạt lở. Tuy nhiên, đây cũng chỉ là giải pháp tạm thời. Tình trạng sạt lở bờ sông Mã khiến nhiều diện tích hoa màu của nông hộ bị kéo trượt ra phía bờ sông, gây tâm lý hoang cho cho các hộ dân sống xung quanh khu vực này.

Cùng chung cảnh ngộ mất đất sản xuất, ông Lê Ngọc Lũy (thôn Giang Đông, xã Vĩnh Hòa) cho biết: “Gia đình có hơn 2.000m2 đất sản xuất, đến nay đã sạt lở hơn 1.000m2. Cuộc sống người dân chỉ phụ thuộc vào vài sào đất, nếu cứ sạt lở như thế này thì không biết lấy gì mà ăn. Xã cũng chưa có ý kiến gì để hỗ trợ các hộ dân mất đất sản xuất”.

Theo lãnh đạo xã Vĩnh Hòa, tình trạng sạt lở bờ Sông mã là do ảnh hưởng của việc xả lũ hồ chứa thủy điện Trung Sơn cùng với mưa lớn dài ngày trước đó khiến nước sông Mã dâng cao dẫn đến tình trạng trên diễn biến nhanh hơn. Địa phương cũng tính toán phương án sơ tán dân nếu tình trạng sạt lở bờ sông Mã diễn ra nghiêm trọng hơn.

Khi được hỏi về việc tác động của tàu hút cát đối với việc sạt lở bờ sông Mã, ông Trịnh Việt Cường, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Vĩnh Lộc cho biết, chưa có căn cứ để khẳng định việc sạt lở bờ sông Mã là do tàu hút cát: “Mỏ cát khu vực này do tỉnh cấp phép. Do đó, để xác định chính xác nguyên nhân sạt lở, cơ quan có thẩm quyền cần vào cuộc xác minh làm rõ", ông Cường cho hay.

Cũng theo lãnh đạo phòng NN-PTNT huyện Vĩnh Lộc, huyện cần khoảng 30 tỷ đồng để khắc phục sự cố sạt lở bờ sông Mã: "Mức kinh phí khắc phục sạt lở vượt quá khả năng của huyện, do đó chúng tôi rất mong cấp trên hỗ trợ để khắc phục sự cố sạt lở bờ sông Mã nhằm ổn định tâm lý và đời sống nhân dân”, ông Cường đề nghị.

Hiện nay, UBND huyện Vĩnh Lộc đã báo cáo UBND tỉnh Thanh Hóa về tình trạng sạt lở bờ sông Mã để triển khai các phương án ứng phó kịp thời tình trạng trên, nhằm đảm bảo an toàn bờ sông Mã trong mùa mưa bão. Trong khi chờ phương án cụ thể và kinh phí khắc phục sự cố, hàng chục người dân tại thôn Nghĩa Kỳ và Giang Đông vẫn phải sống trong sợ hãi vì tình trạng sạt lở đang ở mức ngày một nghiêm trọng.

Thêm nhiều vị trí sạt lở

Thời gian gần đây, khu vực dọc bờ tả sông Bưởi thuộc thôn Vọng Thủy (xã Thành Trực, huyện Thạch Thành, tỉnh Thanh Hóa) xuất hiện nhiều điểm sạt lở nghiêm trọng với chiều dài hơn 1,4km, gây ảnh hưởng đến đời sống và sinh hoạt của người dân. Vị trí sạt lở tại đê tả sông Bưởi từ K34+450 đến K35+850. Khi mùa mưa bão đến dòng nước chảy xiết, xoáy vào bờ khiến điểm sạt lở ngày càng khoét sâu vào bờ sông.

Sạt lở bờ sông Bưởi ăn sâu vào mép tường bao đất sản xuất của người dân. Ảnh: Quốc Toản.

Sạt lở bờ sông Bưởi ăn sâu vào mép tường bao đất sản xuất của người dân. Ảnh: Quốc Toản.

Quá trình sạt lở bờ tả sông Bưởi diễn ra nhanh và ngày càng phức tạp. Nhiều vị trí mép sạt chỉ cách tuyến đường tỉnh lộ 523 từ 4 - 6m. Đặc biệt, tình trạng sạt lở đang gây mất an toàn đối với tuyến tỉnh lộ 523 và trực tiếp 11 hộ dân thuộc thôn Vọng Thủy, xã Thành Trực đang sinh sống dọc tỉnh lộ 523. Ngoài ra, còn ảnh hưởng đến 21 hộ khu vực lân cận, khu vực Trung tâm hành chính, khu nhà đa năng, khu nhà bia tưởng niệm các Anh hùng liệt sĩ... của xã Thành Trực.

Tại xã Thạch Định (huyện Thạch Thành) có 4 điểm sạt lở nghiêm trọng tại các thôn Định Hưng, Thạch An, Tiến Thành. Tổng chiều dài các đoạn sạt lở lên tới hơn 100m; độ sâu đoạn sạt lở tính từ mặt nước sông lên bờ khoảng 6m. Các điểm sạt lở ăn sâu vào đất hành lang ven sông khoảng 7 - 8m, đe dọa an toàn của hàng chục hộ dân sống xung quanh khu vực này.

Tại huyện Cẩm Thủy xuất hiện nhiều vị trí trọng điểm sạt lở bờ sông Mã, chủ yếu tại các xã như: Cẩm Giang, Cẩm Tú, Cẩm Ngọc, Cẩm Vân. UBND huyện Cẩm Thủy đã xây dựng phương án phòng, chống thiên tai và di dân mùa mưa lũ năm nay. Theo đó, đối với các hộ dân sống ven bờ sông Mã có nguy cơ bị sạt lở, huyện Cẩm Thủy đã tuyên truyền về nguy cơ sạt lở đất bờ sông Mã và có cảnh báo để người dân nắm được thông tin. Nếu xảy ra mưa bão, UBND huyện Cẩm Thủy sẽ di dời người dân vùng nguy hiểm sang vị trí an toàn, để đảm bảo đời sống cho người dân.

Tình trạng sạt lở bờ sông ở các địa phương nói trên nếu không được khắc phục kịp thời sẽ ảnh hưởng trực tiếp sản xuất, đời sống, đe dọa tính mạng của người dân sống xung quanh khu vực này.

Theo Sở NN-PTNT tỉnh Thanh Hóa, toàn tỉnh có hơn 6.000 nghìn hộ dân và hơn 27.000 nhân khẩu đang sinh sống ở khu vực có nguy cơ xảy ra sạt lở đất thuộc 107 xã, phường, thị trấn của 17 huyện, thị xã trong tỉnh. Ngoài ra trên địa bàn tỉnh vẫn còn hơn 40.000 hộ với gần 170.000 nghìn nhân khẩu sống tại khu vực ven biển, cửa sông; hơn 32.000 hộ với hơn 120.000 nhân khẩu sống tại khu vực ven sông cần phải sơ tán khi có bão. Hiện UBND tỉnh Thanh Hóa đã phê duyệt Đề án sắp xếp, ổn định dân cư khu vực có nguy cơ cao xảy ra lũ ống, lũ quét, sạt lở đất tại các huyện miền núi của tỉnh, giai đoạn 2021 - 2025. Tuy nhiên, người dân mong muốn về lâu dài, chính quyền địa phương cần có giải pháp di dời các hộ dân sống tại vùng nguy cơ lũ ống, lũ quét, sạt lở đất đến nơi an toàn, để ổn định cuộc sống lâu dài.

Xem thêm
Thủ tướng: Kiểm tra, giám sát từ đầu, tránh tích tụ vi phạm

Họp Chính phủ thường kỳ tháng 4, Thủ tướng lưu ý tăng cường kiểm tra, giám sát ngay từ lúc bắt đầu, không để vi phạm nhỏ tích tụ lại thành sai phạm lớn.

Sóc Trăng thay đổi từ tư duy ứng phó sang thích ứng với hạn mặn

ĐBSCL Dù hạn mặn trong mùa khô 2023 -2024 cao hơn trung bình nhiều năm, Sóc Trăng chưa ghi nhận thiệt hại nghiêm trọng đến sản xuất, kinh doanh do hạn mặn gây ra.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Lai Châu xác minh tài sản, thu nhập của 26 cán bộ

Ngày 4/5, Thanh tra tỉnh Lai Châu công bố quyết định xác minh tài sản, thu nhập năm 2024 của 26 cán bộ công tác tại 9 cơ quan.