| Hotline: 0983.970.780

462 mô hình xanh trong xây dựng nông thôn mới ở Hà Nội

Thứ Ba 09/11/2021 , 10:31 (GMT+7)

Với 462 "mô hình xanh" Hà Nội đã đảm bảo tiêu chí nông thôn mới về môi trường, đồng thời nâng cao chất lượng sống cho người dân, tạo nên những vùng quê đáng sống

Chương Mỹ, địa phương đang chờ được công nhận huyện nông thôn mới tuy có diện tích đất nông nghiệp rất lớn nhưng 5-7 năm nay lại nổi lên trở thành điểm sáng của thành phố vì hạn chế tối đa việc dùng thuốc bảo vệ thực vật. Theo thống kê huyện có hơn 100 cửa hàng bán vật tư nông nghiệp thì rất nhiều trong số đó đã bỏ hẳn bán thuốc bảo vệ thực vật, tính bình quân toàn huyện chỉ sử dụng 0,3 kg/ha canh tác/năm và nhiều loại trong số đó là thuốc sinh học.

Chủ tịch Hội Nông dân huyện Chương Mỹ ông Chu Văn Khang cho biết từ đầu năm đến nay, nông dân trên địa bàn đã xây dựng được 40 mô hình bảo vệ môi trường trong đó có những mô hình hàng cây nông dân, những tuyến đường nở hoa, những hồ ao không rác thải, nước thải đổ xuống. Hội đã phối hợp với Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Chương Mỹ khảo sát, thí điểm triển khai mô hình "Cánh đồng không khói" trên địa bàn các xã Đồng Phú, Hòa Chính, Văn Võ, Thượng Vực…

Hội cũng đã cùng các hội cấp xã tuyên truyền, vận động hội viên thành lập các câu lạc bộ bảo vệ môi trường, triển khai các mô hình giảm thiểu thuốc bảo vệ thực vật hóa học, chuyển sang dùng thuốc sinh học, chống thuốc lậu và thu gom vỏ bao sau khi sử dụng để vào đúng nơi quy định, chờ xử lý.

Một trang trại sinh thái ở huyện Chương Mỹ. Ảnh: NNVN.

Một trang trại sinh thái ở huyện Chương Mỹ. Ảnh: NNVN.

Vợ chồng ông bà Nguyễn Đức Thọ, Nguyễn Thị Huê ở khu Tân Mai của thị trấn Xuân Mai từ mấy năm nay đã bỏ thói quen dùng thuốc bảo vệ thực vật hóa học cho khu vườn 1 ha trồng 400 gốc bưởi Diễn của mình để thay bằng thuốc bảo vệ thực vật sinh học. Họ cũng bỏ luôn thuốc diệt cỏ mà thay thế bằng cách hòa đạm với kali để phun. Dù rằng các biện pháp này có hiệu quả chậm hơn, tốn kém hơn nhưng về môi trường, sức khỏe của họ lại được đảm bảo.  

Cũng tương tự như thế là mô hình trại gà đẻ hàng chục ngàn con của chị Nguyễn Thị Hương ở thôn Phượng Nghĩa xã Phụng Châu (Chương Mỹ, Hà Nội) 3-4 tháng mới phải cào phân một lần nhờ cho ăn thảo dược và chế phẩm vi sinh. Nhờ đó con vật hấp thu dinh dưỡng tối ưu hơn, chất lượng trứng tốt hơn, chất thải ra giảm được mùi hôi, phân hủy nhanh, rất khô, xốp.

Không như trước đây, phân gà rất ướt, cào ra đem cho còn phải thêm tiền người ta mới chịu xúc nhưng giờ thì chị bán rẻ nhất cũng 18-20.000đ/bao mà những người trồng hoa, trồng cây vẫn tranh nhau mua. Không gây ô nhiễm như cách chăn nuôi công nghiệp mà mỗi năm chị Hương còn tận thu được thêm cả trăm triệu nhờ khoản chất thải của gà.

Một tuyến đường nở hoa ở huyện Gia Lâm. Ảnh: NNVN.

Một tuyến đường nở hoa ở huyện Gia Lâm. Ảnh: NNVN.

Hay ở xã Thọ An huyện Đan Phượng đang xây dựng nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu, phấn đấu đảm bảo tiêu chí môi trường bằng những mô hình xử lý chất thải sau khi thu hoạch làm phân hữu cơ, tuyên truyền cho dân không còn đốt rơm rạ, gây ra hiện tượng ngạt khói như trước nữa. Ngoài ra Hội Nông dân ở đây cũng đã phát động phong trào “Nông dân tham gia bảo vệ môi trường” gắn với nông thôn mới bằng nhiều mô hình như tuyến đường nông dân tự quản, đoạn đường nông dân kiểu mẫu, cánh đồng sạch, chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học…

Trên quy mô toàn thành phố, hội nông dân các cấp đang chịu trách nhiệm cho hơn 4.000 đoạn đường tự quản, thường xuyên tổ chức trồng và gắn biển cho các hàng cây, xây dựng 112 tuyến đường hoa nông dân và 36 mô hình cánh đồng sạch...

Từ khi có làn sóng thứ 4 của dịch Covid 19, tuy có những lúc việc đảm bảo tiêu chí môi trường cho nông thôn mới bị khó khăn bởi lệnh giãn cách xã hội suốt mấy tháng liền, nhưng ngay sau đó các cấp hội nông dân đã phối hợp với các chính quyền cơ sở đẩy nhanh tiến độ để bù lại.

Hội chủ động, linh hoạt trong việc dân vận để thực hiện các mô hình bảo vệ môi trường với sự tham gia của nhiều tầng lớp lao động. Không chỉ xây dựng những "mô hình xanh" mà hội còn tham gia vệ sinh môi trường hàng tuần trên các tuyến đường làng, ngõ, xóm và thu gom rác vào các điểm tập kết đúng nơi quy định. Nhờ vậy mà góp phần cùng với cộng đồng chung tay bảo vệ môi trường, biến các làng quê nông thôn mới ngày càng xanh, sạch, đẹp hơn.

Xem thêm
Tỉnh Phú Thọ còn 15.983 hộ nghèo

Nguyên nhân dẫn đến tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh Phú Thọ do các hộ thiếu vốn sản xuất, kinh doanh, không có lao động, gia đình có người ốm đau, bệnh tật...

Biến rác thải thành điểm tham quan hấp dẫn

QUẢNG NINH HTX Green Life Hạ Long đã trở thành điểm tham quan, trải nghiệm lối sống xanh của rất nhiều du khách, đặc biệt là du khách nước ngoài khi đến với Quảng Ninh.

Ngựa núi, gà đồi... đậm hương vị Tây Bắc được ưa chuộng dịp Tết

Các sản phẩm mang hương vị Tây Bắc giờ đây có thể tiếp cận các thị trường lớn như Hà Nội, TPHCM nhờ được chứng nhận OCOP.

Bình luận mới nhất