| Hotline: 0983.970.780

75 năm cần một tượng đài cho triệu người chết đói: Vì sao Thái Bình hồi ấy từ chối dựng tượng đài?

Thứ Tư 17/04/2019 , 08:38 (GMT+7)

Trò chuyện với Báo Nông nghiệp Việt Nam, ông Bùi Sỹ Tiếu - nguyên Bí thư Tỉnh ủy Thái Bình, nguyên Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương giải thích vì sao tỉnh này lại chưa dựng tượng đài tưởng niệm người chết đói 1944 - 1945 dù có một số đề nghị.

I. Ông Bùi Sỹ Tiếu - nguyên Bí thư Tỉnh ủy Thái Bình: Cả lý do chủ quan lẫn khách quan


Tôi còi cọc bởi sinh sau năm đói

Tôi sinh năm 1946. Mẹ hay nói là đẻ tôi sau năm lụt tức năm 1945 vì năm đó đê vỡ ở nhiều nơi. Thêm vào đó, Nhật lại bắt phá lúa trồng đay nên đã thành một trận đói rất lớn. Mẹ tôi đậu thai tôi năm 1945, bởi đói nên sinh tôi ra cũng còi cọc chứ không như những người khác trong nhà, lớn lên chỉ cao có 1m60 còn 5 anh em cao tới 1m7.

Theo thống kê cả nước mất 2 triệu dân thì riêng Thái Bình đã mất cỡ 280.000 người, chết nhiều nhất. Trong hoàn cảnh thiếu ăn như thế, dân Thái Bình phải tha phương cầu thực nên người đói chết ở làng, người đi xin ăn chết trên đường. Chính bởi năm 1945 mà có câu: “Thái Bình là đất ăn chơi. Tay bị, tay gậy khắp nơi tung hoành”. Hồi ấy, thường bố mẹ dẫn con cái đi khất thực, tìm đến các vùng trung du, miền núi vì có sắn nhưng dọc đường thiếu ăn quá mà phải cho con để chúng khỏi chết đói.

Ông Bùi Sỹ Tiếu

Tôi có ông chú dẫn con đi, qua Hà Nội, không còn gì để ăn nên cho con ở huyện Đông Anh (ngoại thành Hà Nội) rồi tiếp tục lên Việt Bắc, mất ở đâu giờ cũng không tìm thấy. Người con của chú, tức cô em tôi, Bùi Thị Phấn được cho ở Đông Anh thì tình cờ gần 20 năm trước làng tôi có người đi công tác bên huyện này, được kể lại rằng: “Tôi được cho đi năm 1945, lúc ấy còn rất bé chẳng nhớ quê quán ở đâu mà chỉ biết cùng bố qua một con sông rất to (nơi là phà Tân Đệ), ở quê tôi có cái chợ Quán”.

Người nhà tôi từ làng Tu Trình, xã Thụy Hồng, huyện Thái Thụy nghe thấy thế mới đi tìm, đúng là con chú Huấn thật. Bà dì của cô Phấn cùng các con đi xem mặt thấy giống hệt nhau nên nhận nhau từ bấy đến giờ. Cô em họ tôi giờ đã ngoài 80 tuổi, hàng năm tôi và con cháu vẫn sang thăm”.
 

Các anh chị ấy bảo dựng tượng đài đói nó u ám

Tôi làm Bí thư Thái Bình giai đoạn 1999 - 2005, rất muốn tìm những vấn đề lịch sử hay di tích lịch sử của tỉnh nhà để phục hồi và tôn vinh. Thứ nhất là tôn tạo di tích quê hương nhà Trần ở huyện Hưng Hà, thứ hai là làm nhà thờ danh nhân Lê Quý Đôn, thứ nữa là vì tỉnh có thành tích trong kháng chiến chống Mỹ “thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người”, đầu tiên đạt 5 tấn/ha nên cũng muốn dựng một tượng đài 5 tấn. Ý muốn thì nhiều nhưng lực bất tòng tâm nên chỉ thực hiện tôn tạo được di tích nhà Trần ở huyện Hưng Hà hết 23,5 tỉ còn những thứ sau đành phải tạm gác.

Vận chuyển hài cốt về mộ tập thể (Ảnh tư liệu)

Anh Trần Chính - nguyên lãnh đạo cấp Vụ ở Bộ Giáo dục và Đào tạo - một người con của Thái Bình có trăn trở bảo với tôi rằng: “Tỉnh mình năm xưa chết đói nhiều, các anh nên xem xét dựng một tấm bia hoặc tượng đài để kỷ niệm. Tôi có xin được một ít tài trợ đây”. Lúc đó tôi đã đi khỏi Thái Bình về làm Phó trưởng ban thường trực Ban Khoa giáo Trung ương (sau này là Ban tuyên giáo Trung ương). Thế nên tôi mới bảo: “Ý này được đấy nhưng mình đi rồi thì phải đặt vấn đề với các anh lãnh đạo tỉnh bây giờ”.

Anh Bùi Tiến Dũng đang làm Bí thư, Nguyễn Hạnh Phúc đang làm Phó Bí thư, Nguyễn Duy Việt đang làm Chủ tịch, chị Cao Thị Hải đang làm Phó Chủ tịch phụ trách văn xã. Nhưng các anh chị ấy nói, bây giờ tượng đài 5 tấn ngời ngời, anh hùng như thế còn chưa làm được mà dựng tượng đài chết đói thì u ám quá nên không tán thành. Và một vấn đề nữa là kinh phí. Để làm một tượng đài hồi ấy phải mất cỡ vài chục tỉ tương đương với cả trăm tỉ bây giờ. Mà lúc đó, thu ngân sách trên địa bàn toàn tỉnh còn đang phấn đấu mốc 500 tỉ.

Thất bại trong việc thuyết phục lãnh đạo tỉnh, anh Trần Chính quay về huyện Hưng Hà định dựng tấm bia hay tượng đài ở xã anh ấy nhưng không biết có làm được không tôi cũng chẳng rõ nữa vì sau này anh em nghỉ hưu cũng ít khi gặp nhau.
 

Đừng sợ tham ô, tham nhũng mà không làm

Không có đền Hùng thì không mấy ai biết đến ngày giỗ tổ. Theo tôi, lúc chưa có điều kiện về kinh tế, chưa thể đánh dấu những mốc lịch sử oanh liệt cũng như u tối bằng các công trình thì lúc có điều kiện cũng nên làm, nhất là sự kiện chấn động 2 triệu người chết đói. Thái Bình chết đói nhiều nhất thì nên có một tượng đài ở tỉnh này, hợp lý nhất là ở Km số 3 nơi Võ An Ninh chụp bức ảnh đói nổi tiếng.

Trên đường phố Phủ Lý, Hà Nam hai người con xin được tí cháo về đổ cho bố thì cháo chảy ngược vì hàm ông đã cứng lại (Ảnh: Võ An Ninh)

Tầm quốc gia thì nên làm một cái tượng đài ở Hà Nội để khắc ghi vào lịch sử có một thời kỳ Việt Nam bị hai tầng áp bức Pháp, Nhật cộng với thiên tai, dịch bệnh hợp thành một nạn đói khủng khiếp. Tượng đài nên tạc bằng đá vừa đảm bảo tính bền vững lại vừa đỡ lo ngại về chất lượng như tượng đài Điện Biên Phủ cũng như tham ô, tham nhũng. Nhưng đừng sợ tham ô, tham nhũng mà không dám dựng tượng đài. Cái chính là ta phải có cơ chế giám sát tốt. Kinh nghiệm của Thái Bình trước đây khi làm điện, đường, trường trạm, nơi nào giao cho Hội cựu chiến binh giám sát đều có chất lượng tốt. Nếu dựng tượng đài nên có đại diện của người dân tham gia vào.

Còn về kinh phí theo tôi nên huy động bằng cách xã hội hóa. Ở tỉnh Thái Bình hồi tôi làm Bí thư chưa có những doanh nghiệp lớn nhưng bây giờ có khá nhiều mà tiêu biểu nhất là Đại Việt của ông Trần Văn Sen, Geleximco của anh Vũ Văn Tiền, Bitexco của anh Vũ Quang Hội…Có thể vận động họ đóng góp vào việc xây dựng tượng đài đói. Đó là tầm tỉnh còn tầm quốc gia thì cũng nên vận động những doanh nghiệp khác nữa.

Về nạn đói, theo tôi Pháp, Nhật phải xin lỗi vì Pháp hồi đó thì bóc lột tàn tệ còn Nhật hồi đó thì ép trưng thu lương thực và bắt dân ta nhổ lúa trồng đay. Đành rằng chính phủ Pháp, Nhật bây giờ khác với chính phủ Pháp, Nhật ngày xưa nhưng con cháu mà thấy cha ông phạm lỗi thì cũng phải xin lỗi chứ?

 

>>75 năm cần một tượng đài cho triệu người chết đói: Bài 5 - Tranh luận về số người chết và nguyên nhân nạn đói

>> 75 năm cần một tượng đài cho triệu người chết đói: Bài 4 - Đói từ khắp nơi, đói về Hà Nội

>> 75 năm cần một tượng đài cho triệu người chết đói: Bài 3 - Một đại gia đình chết đói 60 người ở Nam Định

>> 75 năm cần một tượng đài cho triệu người chết đói: Bài 2 - Những chuyến xe chở xác ở chợ Xanh, Ninh Bình

>> 75 năm cần một tượng đài cho triệu người chết đói: Bài 1 - Nơi chết đói nhiều nhất miền Bắc

 

II. Ông Trần Mạnh Báo - Tổng Giám đốc Cty CP TCty Giống cây trồng Thái Bình: Mỗi khi cầm bát cơm đầy lại nhớ về thời đói kém!

Khi tôi còn nhỏ, thấy giỗ ông ngoại, bà ngoại chỉ trong vòng có 1 tuần thì tò mò hỏi: “Tại sao ông bà lại mất trong 1 tuần hả mẹ?”. Mẹ trả lời rằng: “Năm 1945, ông ngoại con bị chết đói, bà ngoại đưa ông ra ngoài đồng, chôn ở nghĩa trang sát ruộng khoai lang của nhà. Lúc đó, khoai mới trồng chỉ có rễ chứ chưa ra củ nhưng nhiều người đói vẫn tìm đến, bới rễ lên nhai sống rồi chết gục ở ruộng. Bà ngoại nhìn thấy thế về sinh ốm, phần vì đói, phần vì sợ rồi cũng chết sau đó chỉ mấy ngày… Đói đến mức người ta có thể ăn bất cứ cây cỏ gì, trừ mỗi thịt người để mong sống.Tôi vẫn thường trào nước mắt khi nghĩ về sự đói ăn của thủa ấy.

Ông Trần Mạnh Báo

Nạn đói ở miền Bắc không chỉ đến năm 1945 mà còn kéo dài rất lâu về sau, tất nhiên là không đến nỗi đói chết như trước nữa nhưng vẫn đói lay đói lắt. Sau năm 1954 tôi nhớ vẫn còn rất đói. Nhà có 10 anh em, tôi là con cả nên đảm nhiệm việc nấu cám cho lợn. Một nồi cám rất to nhưng cũng chỉ có 1 bơ cám cỡ 4 - 5 lạng còn lại toàn là bèo, rễ khoai lang to bằng cỡ ngón tay. Đói quá nên nồi cám vừa chín tới tôi lén ăn vụng hết cả rễ khoai.

Ngày ấy, tôi cũng phải nấu cơm. Buổi tối của cả nhà thường xuyên là dong giềng luộc trừ bữa còn bữa trưa thì phải nấu dong riềng độn cơm, gạo ít, dong nhiều. Dong riềng vốn nhiều nhựa, khi nấu chảy ra bọc lấy hạt gạo nên cơm thường nửa sống nửa chín. Nấu được một nồi cơm độn dong mà chín được là cả một vấn đề rất khó.

Năm 1960 nhà tôi có bao nhiêu cày cuốc, dụng cụ sản xuất đều đem nhập vào HTX vì cả miền Bắc tiến hành cuộc vận động hợp tác hóa. Thế mà vẫn đói. Đói đến mức bố tôi suốt ngày phải dầm mình trong nước biển để bắt con gion, con dắt, con tôm, con cá nuôi đàn con 10 người lúc nào bụng cũng rỗng không. Tháng 3 năm 1964 em trai tôi vì ăn khoai sống mà bị tiêu chảy, chết khi mới 8 tuổi.

Cảnh lầm than của năm đói (Ảnh: Võ An Ninh)

Lúc ấy chưa có chiến tranh phá hoại của Mỹ ra miền Bắc, một cậu bé 13 tuổi là tôi chỉ có một tâm nguyện nếu còn sống được thì về sau phải làm một cái gì đó để mà giúp cho người nông dân có thêm hạt gạo, có thêm miếng ăn cho đỡ đói. Đến nửa đầu những năm 1990 thì người dân quê tôi mới hết đói nhờ khoán 10. Mỗi khi cầm bát cơm đầy trên tay, tôi thấy hạnh phúc nhưng không bao giờ quên những ngày tháng đói khát, phải xếp hàng mua gạo và sợ nhất là mất sổ gạo...

Cũng là một sự tình cờ. Cột mốc km 3 ở Thái Bình nơi cụ Võ An Ninh chụp bức ảnh nổi tiếng về nạn đói lại cách cổng công ty của tôi chỉ 1.000m. Năm 2004 công ty tiến hành cổ phần hóa xong có người hỏi ông trả cổ tức cho các cổ đông bao nhiêu, tôi trả lời 20%/năm. Ông đó bảo, sao bèo bọt thế? Tôi trả lời, ngân hàng tối đa trả lãi 10%/năm còn tôi trả 20% đã là cao rồi.

Tôi không nghĩ đến lợi nhuận là cao nhất mà nghĩ đến lợi ích của người nông dân là cao nhất. Tôi chỉ mong mỏi mỗi sào ruộng nhờ giống của mình mà người đói có thêm mỗi bữa một bát cơm cho no còn người no có thêm được 100.000đ mỗi vụ để trả tiền học phí nuôi các con thoát khỏi cảnh khổ sở như tôi thủa trước. Ông ấy cười: “Làm kinh doanh mà không nghĩ lợi nhuận là cao nhất thì họa chỉ có là thằng điên”.

Giờ có nhiều ý kiến về an ninh lương thực nhưng theo Tổ chức Nông lương Thế giới FAO vẫn phải lo đến chuyện đó bởi hiện tại trái đất đang có cỡ 8 tỉ dân nhưng về sau thành 11, 12 tỉ thì lấy gì để ăn? Tôi đi hội thảo ở Nhật Bản họ khuyên rằng Việt Nam đừng làm hai việc sai lầm là đừng để mất đất trồng cây lương thực và đừng để mất rừng, hủy hoại môi sinh.

Người đàn bà không có quần áo mặc đang mò ốc 1945 (Ảnh: Võ An Ninh)

Ngay cả ở ta hiện nay cũng có nhiều ý kiến cho rằng đất nông nghiệp thì muốn trồng cây gì thì trồng, muốn chuyển đổi ra sao thì chuyển nhưng theo tôi, giờ ta có cỡ 94 triệu dân, đến năm 2030 sẽ có 120 triệu dân vẫn phải tính đến bài toán lương thực. Lương thực không chỉ nuôi người mà còn để nuôi vật. Không có lương thực thì lấy đâu ra thịt, ra cá, ra tôm? Ta đang xuất khẩu khẩu 6-7 triệu tấn gạo một năm nhưng lại nhập cỡ đó, thậm chí còn nhiều hơn các loại lương thực khác như ngô, như đậu… Cây lúa theo ý tôi vẫn là cây trồng thuận lợi nhất của Việt Nam nên phải giữ lấy đất lúa về lâu về dài…

Xem thêm
Ngành sắn đặt mục tiêu giá trị xuất khẩu đạt 2 tỷ USD vào năm 2030

Bộ NN-PTNT vừa phê duyệt Đề án 'Phát triển bền vững ngành hàng sắn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050' với mục tiêu đến năm 2030 xuất khẩu 1,8 - 2 tỷ USD.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Quy tụ 66.000 chậu sen để tổ chức lễ hội sen Đồng Tháp 2024

Lễ hội Sen Đồng Tháp lần thứ II năm 2024 thu hút 66.000 chậu sen, với 57 giống sen được sắp xếp, bố trí đẹp mắt sẽ tạo nên không gian trải nghiệm thú vị.

Bình luận mới nhất