Phiên tòa xử vụ phá rừng lớn nhất Bình Định |
Theo cáo trạng của Viện KSND tỉnh, từ tháng 7/2015, Lê Văn Thiệt (SN 1962) ở xã Hoài Sơn (huyện Hoài Nhơn), nguyên Chủ tịch HĐQT kiêm TGĐ Cty CP Đầu tư và kinh doanh tổng hợp Thương Thảo, cùng Nguyễn Văn Ri (SN 1975), Lê Hồng Đức (SN 1977), Lê Xuân Hậu (SN 1986) Nguyễn Nguyên Thực, Võ Dần (SN 1949), Võ Ngọc Triển, Nguyễn Cứ và Phan Dễ (cùng ở huyện Hoài Nhơn) đã có hành vi phá rừng trái phép tại khoảnh 7 và khoảnh 8, tiểu khu 1, xã An Hưng (huyện An Lão).
Cụ thể, đối với nhóm Lê Văn Thiệt và Nguyễn Văn Ri, dưới sự chỉ đạo của Thiệt, Ri đã thuê người chặt phá 37,53ha rừng sản xuất, trữ lượng rừng bị phá 2.868,10m3, giá trị rừng bị thiệt hại là 1.942.177.500 đồng.
Nhóm Lê Hồng Đức, Lê Xuân Hậu, Nguyễn Nguyên Thực và Võ Dần, từ tháng 7/2015 đến tháng 8/2017 đã cùng góp tiền thuê nhân công phát thực bì, cưa hạ cây rừng trái phép tại khoảnh 7 và khoảnh 8, tiểu khu 1 xã An Hưng (huyện An Lão) với 17,81ha rừng phòng hộ; trữ lượng rừng bị thiệt hại 1.791,70m3, gây thiệt hại 1.934.700.300 đồng, người khởi xướng phá rừng của nhóm này là Lê Hồng Đức.
Nhóm Nguyễn Ngọc Triển và Nguyễn Cứ từ tháng 8/2016 đến tháng 8/2017 đã cùng góp tiền thuê người thực hiện phá rừng tại 7 khu vực thuộc khoảnh 7 và khoảnh 8, tiểu khu 1, xã An Hưng để trồng keo với 6,99ha, trong đó rừng có chức năng phòng hộ là 6,21ha và 0,78ha rừng có chức năng sản xuất, trữ lượng rừng bị thiệt hại là 676,30m3, giá trị rừng bị thiệt hại là 714.957.300 đồng.
Riêng cá nhân Phan Dễ từ tháng 3/2017 đến tháng 8/2017 đã tự phát rừng để trồng keo tại khoảnh 7, tiểu khu 1, xã An Hưng; diện tích rừng phòng hộ bị phá là 1,85ha, trữ lượng rừng là 186,10 m3, giá trị rừng bị thiệt hại là 200.965.500 đồng.
Theo Viện KSND tỉnh Bình Định, căn cứ kết quả thẩm vấn công khai tại phiên tòa diễn ra vào sáng 22/10 đã đủ cơ sở kết luận: Từ tháng 7/2015 đến tháng 8/2017, Lê Văn Thiệt, Nguyễn Văn Ri, Lê Hồng Đức, Lê Xuân Hậu, Nguyễn Nguyên Thực, Võ Dần, Võ Ngọc Triển, Nguyễn Cừ và Phan Dễ đã có hành vi phá rừng trái phép tại khoảnh 7 và khoảnh 8 TK 1 xã An Hưng (huyện An Lão) với tổng diện tích 64,18ha rừng, trong đó có 28,85ha rừng có chức năng phòng hộ và 38,31ha rừng có chức năng SX, trữ lượng rừng bị thiệt hại 5.522,20m3. Theo kết quả định giá, tổng giá trị rừng bị thiệt hại là 4.792.800.600đ.
Tại phiên tòa, 9 bị cáo nói trên đã khai nhận đầy đủ hành vi phạm tội. Các bị cáo đều khai rằng đã biết việc phá rừng khi chưa được cấp có thẩm quyền cấp phép là vi phạm pháp luật, nhưng các bị cáo vẫn thực hiện vì mục đích lấy đất trồng keo.
Bị cáo Lê Văn Thiệt người chịu mức án cao nhất 12 năm tù giam |
Căn cứ vào các tình tiết đánh giá nêu trên, xét thấy có đủ cơ sở xác định hành vi của 9 bị can là nguy hiểm cho xã hội, xâm phạm chế độ quản lý rừng của Nhà nước, xâm phạm nghiêm trọng đến môi trường sinh thái, gây ảnh hưởng xấu đến trật tự trị an tại địa phương...
Tuy nhiên, trong giai đoạn điều tra cũng như tại phiên tòa các bị cáo đã thành khẩn khai báo hành vi phạm tội. Bị cáo Lê Văn Thiệt đã nộp tiền khắc phục hậu quả 500 triệu đồng, Nguyễn Nguyên Thực nộp 70 triệu, Lê Hồng Đức nộp 20 triệu. Các cha mẹ các bị can Lê Văn Thiệt, Lê Hồng Đức, Lê Xuân Hậu, Nguyễn Nguyên Thực, Võ Ngọc Triển, Nguyễn Văn Ri là người có công với nước; bi cáo Nguyễn Cừ, Lê Xuân Hậu có cha mẹ là thương binh nên được xem xét giảm nhẹ 1 phần hình phạt.
Hội đồng xét xử TAND tỉnh Bình Định tuyên phạt Lê Văn Thiệt 12 năm tù giam, Nguyễn Văn Ri 11 năm tù giam, Lê Xuân Hậu 10 năm tù giam, Lê Hồng Đức 9 năm tù giam, Võ Dần 8 năm tù giam, Võ Ngọc Triển 8 năm tù giam, Nguyễn Cừ 8 năm tù giam, Nguyễn Nguyên Thực 8 năm tù giam và Phan Dễ 7 năm tù giam. HĐXX cũng buộc các bị cáo bồi thường thiệt hại cho chủ rừng là UBND xã An Hưng tổng số tiền hơn 4,79 tỉ đồng.