| Hotline: 0983.970.780

Mối tình "cơm cháy"

Thứ Ba 06/08/2013 , 10:21 (GMT+7)

Những năm bảy mươi của thế kỷ trước, chửa hoang là chuyện “động trời”. Thế nên việc chị Mên làm ở bếp ăn tập thể, chưa chồng mà có chửa, đã gây chấn động cả Xí nghiệp Cung ứng Vật tư (thuộc Tổng Cty Xây dựng Thuỷ điện Hoà Bình trên Sông Đà), chẳng khác gì sóng thần vậy.

Những năm bảy mươi của thế kỷ trước, chửa hoang là chuyện “động trời”. Thế nên việc chị Mên làm ở bếp ăn tập thể, chưa chồng mà có chửa, đã gây chấn động cả Xí nghiệp Cung ứng Vật tư (thuộc Tổng Cty Xây dựng Thuỷ điện Hoà Bình trên Sông Đà), chẳng khác gì sóng thần vậy.

>> “Hùng chỉ”

Cả xí nghiệp quay long lóc xung quanh cái bụng bầu của chị. Tổ nhà bếp họp kiểm điểm, công đoàn nhà bếp họp kiểm điểm, chi đoàn thanh niên nhà bếp họp kiểm điểm. Tiếp theo, phòng hành chính (tổ nấu ăn thuộc phòng hành chính), công đoàn, đoàn thanh niên phòng hành chính họp kiểm điểm.

Rồi những cuộc họp kiểm điểm cứ lên các cấp cao, cao hơn nữa. Những cuộc họp đều có nội dung giống hệt nhau: Sau khi tuyên bố khai mạc, người chủ trì bắt chị Mên đứng lên đọc bản tự kiểm điểm. Tiếp theo là phần mọi người góp ý kiến. Những ý kiến cũng giống hệt nhau: Thiếu tu dưỡng rèn luyện, sa sút về phẩm chất đạo đức, sa đoạ, học đòi lối sống của bọn tư sản, không xứng đáng với người chồng liệt sỹ...

Cuộc đời chị Mên khá long đong. Hai mươi mốt tuổi, chị lấy anh Hào, cưới nhau được đúng hai đêm một ngày thì anh nhập ngũ, không kịp để lại cho chị một giọt máu nào của mình, để rồi 4 năm sau chị nhận được giấy báo tử của anh. Ba năm sau ngày anh hy sinh, chị xin phép hai bên bố mẹ cho đi công nhân công trường xây dựng thuỷ điện, được phân vào tổ nấu ăn.

Chị Mên dong dỏng cao, người lẳn như một con cá trắm, nước da bánh mật, mắt lá răm, người rừng rực sức sống. Lên công trường 4 năm nhưng chị vẫn chưa có được một mảnh tình vắt vai, bởi dưới mắt mọi người, chị là vợ liệt sỹ.

Mà cái tội “léng phéng” với vợ liệt sỹ, hồi ấy, chẳng nói thì ai cũng hiểu, nó ghê gớm đến mức nào. Khi “chửa hoang”, chị 32 tuổi. Trước những con suối những lời nhục mạ trong các cuộc họp ấy, chị Mên chỉ khóc, nhất định không nói tác giả cái thai trong bụng mình là ai.


Triển lãm tư liệu về thời bao cấp tại Bảo tàng Dân tộc học (ảnh: Trần Anh)

Nhưng rồi “cái kim trong bọc lâu ngày cũng lòi ra”. Tác giả của cái thai đó, hoá ra lại là Dương, một chàng trai mới chỉ hai mươi tròn. Sự kiện này lại còn gây chấn động hơn cả việc chị Mên chửa hoang. Họp, lại liên miên những cuộc họp kiểm điểm.

Chỉ có khác là nếu chị Mên gan lỳ, kín đáo bao nhiêu thì Dương lại “thành khẩn” bấy nhiêu. Hắn khai tông tốc là “làm chuyện ấy” với chị Mên bao nhiêu lần, “làm” ở những đâu, và vì sao mà “làm”. Thì ra, chuyện cái bụng bầu của chị Mên bắt đầu từ những tảng... cơm cháy.

Tiêu chuẩn lương thực, thực phẩm của công nhân lao động nặng nhọc nhất hồi ấy là 21 kg gạo,1,8 kg thịt mỗi tháng, thứ nhì là loại 19 kg gạo, 1,2 kg thịt. Nhóm “lao động gián tiếp”, tức là từ kỹ sư cho đến cán bộ văn phòng... đều chỉ được mỗi người 13 kg gạo, 0,5 kg thịt mỗi tháng.

 Tiêu chuẩn tưởng “đóng đinh” như vậy, nhưng không phải. Mỗi lần có lụt, bão ở những địa phương khác, hay một tỉnh nào mất mùa, công đoàn phát động phong trào “lá lành đùm lá rách” là y như nhất loạt mỗi người phải bớt 1 kg gạo để ủng hộ. 21 kg hay 19 kg bớt một kg còn đỡ, chứ 13 kg mà bớt 1 kg, thì mỗi ngày còn đúng 4 lạng gạo, mỗi bữa 2 lạng. Sáng nhịn, trưa và tối được đúng mỗi bữa bằng miệng bát cơm.

Gạo mậu dịch vừa hôi vừa ải, mục, nấu cơm không hạt nào dính hạt nào. Gọi là gạo nhưng có tháng nào được cả gạo đâu, mà phải độn một phần ngô, sắn, thường thường nhất là 30%. Và cứ mỗi lần đài, báo đăng liên tiếp việc ngô, sắn nhiều chất hơn gạo, ăn ngô ăn sắn tốt hơn ăn gạo, là y như tháng tới, lượng chất độn tăng tới 40 - 50 phần trăm.

Đói, đói lăn đói lóc. Suất cơm nhà bếp ăn rồi mà nhiều khi cứ tưởng... chưa ăn. Để dằn bụng thêm, ngoài giờ làm, công nhân lũ lượt từng toán lên rừng đào sắn “mồ côi”. Thu hoạch sắn xong, bà con quăng gốc sắn vào bụi rậm. Nhiều gốc sắn tiếp xúc với đất, đâm rễ vào đất và thành củ, gọi sắn “mồ côi” là vì thế, vì nó là sắn hoang, sắn không có chủ.

Đào được mấy của sắn “mồ côi”, không phải dễ, vì củ thường bâm rất sâu, lại thường ở giữa những bụi rậm đầy gai góc. Thế nhưng bụng đói thì đầu gối phải bò. Chiều chiều sau bữa ăn, công nhân bắc bếp luộc sắn “mồ côi” tấp nập.

Nhiều anh ma lanh giấu xoong ngay trong rừng, chiều hết giờ làm là dắt một gói muối trong túi quần, vác cái xà beng ngắn, lững thững lên đồi. Đào được ít sắn mồ côi là lôi xoong từ chỗ giấu ra suối, rửa sắn, nhặt đá làm bếp, bẻ củi luộc luôn, ních no xong lại dấu xoong, lững thững ra về...

Chỉ riêng Dương chẳng bao giờ lên rừng đào sắn “mồ côi”. Cứ cơm chiều xong là hắn lỉnh đi đâu một lúc, độ tám chín giờ tối mới về, quần áo sạch tinh, mặt mũi phởn phơ, cái phởn phơ của người no đủ. Nhiều hôm hắn còn mang về một gói, cất luôn gói vào hòm rồi nửa đêm lấy ra, rúc kín trong chăn nhí nhách nhai, không ai biết là hắn nhai gì.

Chỉ sau khi phải thừa nhận mình là tác giả cái bụng bầu của chị Mên, thì cái thứ mà Dương nhai nhí nhách hàng đêm mới được “lôi ra ánh sáng”. Đó là những tảng cơm cháy. Cơm nấu bằng chảo gang to nên rất nhiều cháy. Bình thường, cơm cháy ấy cùng với nước gạo, cọng rau... được dùng để nhà bếp nuôi lợn tăng gia.

Thương “thằng em” xinh trai, đang “tuổi ăn tuổi lớn” mà lại bị đói, nên hằng ngày chị Mên bớt một ít cháy của heo để dành cho Dương, và cứ cơm chiều xong, chị lại nháy hắn ra ven đồi, dúi vào tay hắn. Thế là Dương không bao giờ bị đói.

“No cơm ấm cật, dậm dật chân tay”, những tảng cơm cháy đã khiến hai người ngày càng gần nhau, gần mãi. Và chuyện gì đến sẽ phải đến.

Nhờ “thành khẩn” nên Dương được hưởng mức kỷ luật nhẹ hơn chị Mên, không bị đuổi việc, còn chị Mên thì phải khăn gói về quê. Hai năm sau, Dương được xoá kỷ luật và được đi học khoa cơ khí ở trường công nhân kỹ thuật Việt- Bun. Học xong, hắn được điều về Cty khác.

Bẵng đi mấy năm, một hôm Dương đến chỗ chúng tôi mời đi ăn cưới hắn. Chúng tôi hỏi:

- Mày lấy vợ ở quê hay ở công trường?

- Lấy Mên. Tao cưới Mên chúng mày ạ.

- ? ? ?

- Vì tao mà Mên bị đuổi việc. Về quê, Mên sinh một đứa con gái, cuộc sống của Mên rất vất vả. Mới rồi gặp lại, nhìn con tao nhem nhuốc, tao thương quá. Thấy tao xin cưới, Mên khóc, bảo tao cứ đi lấy vợ khác đi, Mên sẽ nuôi con, và nó vẫn là con tao, tao muốn đến thăm nó lúc nào cũng được.

Nhưng tao không thể để con tao khổ. Năn nỉ suốt 2 ngày Mên mới nghe. Chúng mày nhớ về nhá. Mên vẫn nhớ từng thằng một đấy.

Xem thêm
Sống lại ký ức hào hùng trên tuyến đường 1C huyền thoại

KIÊN GIANG Tuyến đường 1C nối đường Hồ Chí Minh trên bộ nhằm vận chuyển hàng hóa, vũ khí, thuốc cứu thương, nhu yếu phẩm và đưa rước cán bộ chi viện cho chiến trường miền Nam.

Syngenta tập huấn kỹ thuật, sử dụng drone an toàn, hiệu quả tại ĐBSCL

Vĩnh Long Ngày 26/4, tại Vĩnh Long, Công ty TNHH Syngenta Việt Nam tổ chức tập huấn cho 230 người điều khiển máy bay phun thuốc BVTV, cách sử dụng an toàn và hiệu quả tại ĐBSCL.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Bưu điện Việt Nam sẵn sàng 18.000 tỷ đồng chi trả lương hưu tháng 5

Bưu điện Việt Nam chuẩn bị nguồn lực sẵn sàng phục vụ chi trả lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội (BHXH) tháng 5/2024 cho hơn 3,3 triệu người sau kỳ nghỉ lễ 30/4.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm