| Hotline: 0983.970.780

Con nghé chết

Thứ Tư 07/08/2013 , 10:50 (GMT+7)

Vừa chạy vào trụ sở Hợp tác xã, bà Bản vừa bù lu bù loa khóc: Khổ thân con Huê nhà tôi quá, các ông các bà ơi. Hôm qua nó còn tung ta tung tăng quanh mẹ, nó ăn nó chơi, nó đùa nó nghịch. Tối hôm qua tôi còn tắm cho nó. Thế mà sáng nay nó đã chết rồi...

Vừa chạy vào trụ sở Hợp tác xã, bà Bản vừa bù lu bù loa khóc:

- Khổ thân con Huê nhà tôi quá, các ông các bà ơi. Hôm qua nó còn tung ta tung tăng quanh mẹ, nó ăn nó chơi, nó đùa nó nghịch. Tối hôm qua tôi còn tắm cho nó. Thế mà sáng nay nó đã chết rồi, các ông các bà ơi là các ông các bà ơi...hu hu...hu hu hu...

>> Mối tình ''cơm cháy''
>> “Hùng chỉ”

Ông Hệ, Chủ nhiệm Hợp tác xã, tròn mắt:

- Chết vì bệnh gì? Làm sao nó chết?

- Nào tôi có biết. Sáng nay dậy đã thấy nó chết rồi...hu hu...hu hu hu...

- Ấy à, cháu nó chết hồi nào. Dưng mà nó chết, thì bà phải lên báo cáo với uỷ ban, làm thủ tục khai tử rồi tổ chức mai táng, chứ sao lại đến đây.

- Không phải con tôi. Con Huê nhà tôi cơ mà. Các ông các bà ơi...

- Sao con Huê nhà bà, rồi lại không phải con bà? Bà ăn nói lằng nhà lằng nhằng thế, chúng tôi biết đằng nào mà lần...


Quầy bán lương thực thời bao cấp (ảnh Trần Anh)

May quá, ông Tèng, đội trưởng đội sản xuất số 8 của bà Bản vừa đến:

- Con Huê, tức là con... nghé cái nhà bà ấy. Lúc nó mới đẻ, bà ấy gọi nó là “nghé Bông nghé Huê”, rồi sau bà ấy gọi nó là con Huê, chứ không phải con gái bà ấy. Sáng sớm nay bà ấy cũng báo cáo với tôi chuyện nó chết. Tôi bảo bà ấy là phải lên báo cáo với Chủ nhiệm Hợp tác xã để ông ấy cho thú y xuống khám.

Lát sau, ông Hệ, ông Tèng và cán bộ thú y, trạm trưởng trạm xá xã cùng có mặt ở nhà bà Bản. Con nghé 8 tháng tuổi bị chết vẫn nằm trong chuồng, còn trâu mẹ thì đã được dắt ra ngoài. Người xúm đến đông đặc. Nhìn con nghé, không ít những cái miệng phải nuốt thầm nước dãi.

Vừa khóc, bà Bản vừa kể lể những nào là công chăm sóc nghé ra sao, giờ nó chết thì bà thiệt hại thế nào. Trâu là của Hợp tác xã, nhưng xã viên nào được giao nuôi trâu nái mà trâu đẻ được nghé, thì đến khi nghé trưởng thành, xã viên đó sẽ được Hợp tác xã trả thêm công điểm, quy ra thóc được chừng 2 tạ. Hai tạ thóc hồi ấy là một tài sản rất lớn. Thấy bà Bản dai mồm, ông thú y gắt:

- Bà có im đi để chúng tôi khám nghiệm không nào.

Một tiếng sau, biên bản được lập xong. Thú y kết luận con nghé nhà bà Bản chết vì bệnh nhiệt thán. Phải chôn chứ không thể mổ thịt vì sợ lây bệnh. Năm xã viên được điều động lôi con nghé chết đến bãi tha ma, đào hố, rắc vôi bột xuống rồi chôn, với mức khoán 5 điểm mỗi người (năm điểm hồi ấy tương đương với 4 lạng thóc). Giao cho cán bộ thú y giám sát việc chôn nghé, ông Hệ dặn:

- Phải đào sâu, chôn chặt, nghe chưa.

Nhìn con nghé bị lôi ra bãi tha ma, anh Nồi tiếc đứt ruột. Đắn đo một lát, anh sai con đi gọi mấy người bạn. Lát sau, anh Tôn, anh Xuyên, anh Hành và anh Phê lần lượt đến. Nghe Nồi thì thầm kể chuyện con nghé chết, cả 4 cùng sáng mắt lên. Nồi bảo:

- Nó mới chết đêm qua. Chôn buổi sáng, nửa đêm nay đào về, chắc chắn thịt vẫn chưa có mùi. Mà có mùi chăng nữa thì cứ cho tỏi vào là bay hết.

Và họ thống nhất rất nhanh: Đêm nay sẽ đào xác con nghé lôi về, mổ thịt đánh chén. Nói là làm. Khoảng 10 giờ đêm hôm ấy, 5 anh lặng lẽ vác mai, cuốc ra tha ma. Chỉ hơn tiếng sau, con nghé đã được 5 lực điền khiêng về bếp nhà Nồi.

 Ở nhà, vợ Nồi đã đun sẵn một nồi nước lá sả. Rửa sạch con nghé, dội nước sôi làm lông xong, Nồi ra lệnh che kín cửa bếp rồi chất rơm thui. Sợ lửa to thì ánh sáng sẽ lọt ra ngoài, nên họ chỉ đốt từng nắm rạ nhỏ một và dùng quạt mo quạt. Đang thui thì Thuần, con trai ông Tèng, lò dò đến. Cả bọn xanh mắt, nhưng Thuần bảo:

- Tôi chỉ đến xem thôi.

Được lời như cởi tấm lòng, cả 5 rối rít:

- Tốt quá! Cậu ở đây, chốc nữa uống rượu với chúng tớ.

Lúc mới làm lông xong, thịt con nghé chết nhẽo nhèo, xám ngoét, bốc mùi tanh khủng khiếp vì đang ở giai đoạn sắp phân huỷ. Sau khi thui, da nghé trở thành màu vàng nghệ rất bắt mắt nhưng mùi tanh vẫn khá đậm. Anh Tôn bảo:

- Mùi tanh là ở ruột gan nó bốc ra đấy. Mổ nhanh lên, đem gan ruột ra vườn mà chôn.

Nồi cười:

- Dạo đi dân công ở Thái Mỹ (thuộc huyện Thái Ninh cũ, nay là huyện Thái Thuỵ, Thái Bình), thấy con chó chết ở mương nước dễ đến ba ngày, chúng tao vớt lên đem thui. Thịt nó cũng vàng như thế này nhưng mùi vẫn thum thủm. Mổ ra, ruột gan nó đã nát hết. Thế mà vứt ruột gan đi, thịt mang ướp với riềng mẻ mắm tôm, xào kỹ ăn vẫn chẳng làm sao. Con này thì ăn thua mẹ gì. Khoét lấy miếng đùi, xào lên, làm mấy chén cái đã.

Hơn 2 tiếng sau, khi anh nào anh ấy đã ngà ngà, họ mới bắt tay mổ con nghé. Nhưng khổ nỗi nhà Nồi không có cái nong hay cái nia nào, mà sân thì sân đất, nền nhà cũng nền đất, không thể mổ được. Bốn anh kia nhà cũng không hơn gì nhà Nồi.

Lúc đó đã gần 3 giờ sáng, nhà nào cũng đã ngủ say. Gọi họ dậy mà mượn nong hay mượn nia lúc này thì khác nào “lạy ông tôi ở bụi này”, mà để trời sáng thì một là thịt con nghé sẽ ươn thêm, hai là cũng sẽ bị lộ. Nhà Thuần thì có nong, nhưng nếu bảo Thuần về lấy nong mà ông Tèng đội trưởng, bố Thuần biết thì “thôi rồi Lượm ơi”. Cả bọn thuỗn mặt ra. Đang bí thì Thuần hăng hái:

- Để tôi về tôi lấy nong cho.

- Nhỡ ông bà biết thì sao?

- Không lo. Tôi có cách của tôi, thầy bu tôi không biết được đâu mà sợ.

Lát sau, mang nong đến, Thuần thì thầm bảo Nồi:

- Thầy tôi bảo anh để phần thầy tôi một miếng.

Cả 5 anh như bị phỏng lửa:

- Thầy cậu biết à? Chết rồi, ông ấy bảo vậy là để cầm được miếng thịt làm bằng chứng, rồi ông ấy mới trị. Làm thế nào bây giờ?

- Không phải vậy đâu. Tôi đi rất khẽ vào buồng, lấy nong không gây ra tiếng động. Nhưng vừa mang nong ra khỏi cửa buồng thì thầy tôi hỏi: "Mày mang nong cho nhà Nồi mượn phải không”? Tôi sợ quá. Nghe giọng nói, tôi biết thầy tôi thức từ lâu rồi chứ không phải lúc ấy mới thức. Tôi đành nói thật.

Nhưng vừa nói được một câu thì thầy tôi cắt lời, bảo rằng thầy tôi biết ngay từ lúc các anh vác mai ra tha ma cơ. Thầy tôi bảo, ban sáng thầy tôi cũng định giữ con nghé lại, mổ thịt. Con nghé gần một tạ, mổ ra cầm chắc bốn chục cân thịt, chưa kể đầu, lòng, xương. Chia đều cho cả đội, mỗi nhà cũng được vài ba lạng. Từ đầu năm đến giờ có nhà ai được miếng thịt nào đâu. Nhưng mà xưa nay ông Hệ ông ấy chẳng ưa gì thầy tôi, nên nói ra sợ ông ấy quy chụp này nọ thì lôi thôi lắm...

Xem thêm
Sống lại ký ức hào hùng trên tuyến đường 1C huyền thoại

KIÊN GIANG Tuyến đường 1C nối đường Hồ Chí Minh trên bộ nhằm vận chuyển hàng hóa, vũ khí, thuốc cứu thương, nhu yếu phẩm và đưa rước cán bộ chi viện cho chiến trường miền Nam.

Syngenta tập huấn kỹ thuật, sử dụng drone an toàn, hiệu quả tại ĐBSCL

Vĩnh Long Ngày 26/4, tại Vĩnh Long, Công ty TNHH Syngenta Việt Nam tổ chức tập huấn cho 230 người điều khiển máy bay phun thuốc BVTV, cách sử dụng an toàn và hiệu quả tại ĐBSCL.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Bưu điện Việt Nam sẵn sàng 18.000 tỷ đồng chi trả lương hưu tháng 5

Bưu điện Việt Nam chuẩn bị nguồn lực sẵn sàng phục vụ chi trả lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội (BHXH) tháng 5/2024 cho hơn 3,3 triệu người sau kỳ nghỉ lễ 30/4.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm