| Hotline: 0983.970.780

Di hoạ "Cty Một cây"

Thứ Sáu 31/07/2009 , 14:30 (GMT+7)

Vài chục năm trước đây, khi chưa cấm trồng cây thuốc phiện thì khắp các huyện vùng cao Tây Bắc, không nơi nào là không trồng thuốc phiện. Nhất là vào những năm tám mươi của thế kỷ trước, tại huyện Mù Cang Chải thành lập Cty Một cây chuyên thu mua nhựa cây thuốc phiện...

Sự tích về cây thuốc phiện được người Mông kể lại: Ngày xưa ở làng kia có một cô gái xấu xí, mặc dù đã đến tuổi lấy chồng nhưng chẳng chàng trai nào ngó ngàng tới. Cha mẹ cô lần lượt khuất núi, còn cô thui thủi một mình một bóng trong ngôi nhà ẩm thấp không tiếng người. Trước khi nhắm mắt theo cha mẹ về với tổ tiên, cô nguyền rằng: Khi ta chết sẽ bắt những chàng trai phải say đắm và đau khổ vì ta…

>> Những chuyện lạ ở vùng cao Tây Bắc

 I. Sau khi cô gái chết, trên nấm mộ của cô người ta thấy mọc lên một cây hoa lạ, màu sắc sặc sỡ. Khi chích vào quả, thấy chảy ra một thứ nhựa màu nâu, nếu lấy nhựa đó hút thì người cứ lâng lâng tựa như đi trên mây, trên gió. Người nào đã hút thứ nhựa đó thì khó mà dứt ra được, bởi người cứ bứt rứt, tay chân như có kiến bò, tâm trí trở nên phiền muộn, u sầu. Người ta gọi cây hoa đó là nàng A Phiền, hay là cây hoa thuốc phiện.

Vài chục năm trước đây, khi chưa cấm trồng cây thuốc phiện thì khắp các huyện vùng cao Tây Bắc, không nơi nào là không trồng thuốc phiện. Nhất là vào những năm tám mươi của thế kỷ trước, tại huyện Mù Cang Chải thành lập Cty Một cây chuyên thu mua nhựa cây thuốc phiện để chế biến tân dược, thì thuốc phiện được trồng bạt ngàn. Sau Tết âm lịch, trên khắp các triền núi hoa thuốc phiện nở tím đất. Huyện Mù Cang Chải có năm người ta thống kê cứ 10 người dân thì có 1 người nghiện. Ngày ấy nhiều cán bộ các xã vùng cao cũng nghiện, đi họp huyện họ phải mang bàn đèn theo, lúc nghỉ giải lao họ trải chiếu ra phía sau hội trường để hút.

Trung tâm trồng cây thuốc phiện của tỉnh Yên Bái là hai huyện vùng cao Trạm Tấu và Mù Cang Chải. Nơi hàng năm vẫn diễn ra tình trạng tái trồng cây thuốc phiện nhiều nhất. Các xã: Bản Mù, Sà Hồ, Bản Công, Phình Hồ, Làng Nhì, Tà Xi Láng được ví như là “Vương quốc cây thuốc phiện”. Có năm Trạm Tấu phát hiện và phá bỏ 137,1ha, huyện Mù Cang Chải niên vụ 1998- 1999 phá bỏ là 3,5ha.

Cuộc chiến xoá bỏ cây thuốc phiện quyết liệt và dai dẳng. Bởi trồng thuốc phiện thu lợi nhuận rất cao, mỗi ha thu bình quân 4-5kg nhựa, tính ra mỗi ha trồng thuốc phiện thu nhập từ 350-400 triệu đồng, không có loại cây nào cho thu nhập cao như vậy. Mặc dù bị phá bỏ, nhưng người dân vẫn lén lút trồng ở những khu vực giáp gianh, hay trong rừng sâu ít người qua lại. Cây thuốc phiện chưa thể được xoá hết, nhưng diện tích đã được thu hẹp đáng kể. Những nô lệ của nàng A Phiền mặc dù đã giảm nhưng chưa thể từ bỏ được thứ nhựa cây chết người ấy.

II. Nhà Giàng Vảng Lẩu nằm phía sau trụ sở UBND xã La Pán Tẩn, nhưng ở tít tận trên cao phải mất một thôi leo núi. Khi tôi đến Giàng Vảng Lẩu đang vơ vẩn hái rau bên hàng rào, thấy khách thì dẫn lên nhà. Căn nhà thấp lè tè tối om om, nhìn gương mặt vàng khè của Lẩu tôi đoán ngay đây là một con nghiện. Ông gật đầu: Mình nghiện hút từ năm 1977, bây giờ già rồi không bỏ được nữa, ngày nào thiếu thuốc thì bị sốt, tức ngực, đau hết ở bụng rồi đau sang lưng, trong xương như có dòi bò…không chịu nổi phải tìm thuốc hút. Từ sáng tới giờ chưa hút điếu nào, còn một tí sái khi nào đau quá mới hút thôi...

Ngồi trong bóng tối một lúc mắt tôi mới quen, nhìn căn nhà chẳng có gì đáng giá, chiếc giường của ông được chôn bằng gốc cây trên đó nhầu nhĩ một đống chăn đen đúa, cáu bẩn ngai ngái mùi khói thuốc phiện. Theo Bí thư Hờ Chờ Sử thì La Pán Tẩn còn gần 80 người nghiện hút, chủ yếu là những người già. Giàng Vảng Lẩu cho hay nếu có tiền mua thuốc thì mỗi ngày hút 6-7 bi, giá mỗi bi 20.000đ, bây giờ hết tiền nên mỗi ngày ông chỉ hút một bi. Ông không nhớ mình bao nhiêu tuổi, cũng như ông chẳng biết mỗi năm gia đình ông thu bao nhiêu tải lúa, ông chỉ biết sau Tết người Mông ít ngày nhà ông đã hết thóc ăn, tháng 9 mới có ngô, bây giờ thì đang đói lắm.

Di hoạ mà Cty Một cây để lại cho nhiều huyện vùng cao Tây Bắc cũng như Mù Cang Chải vô cùng nặng nề, không xã nào là không có người nghiện. Xã Cao Phạ có số người nghiện hút ít, nhưng theo Chủ tịch Sùng A Dê thì Cao Phạ hiện còn 50 người nghiện, mới đây vừa chết một người. Từ cuối tháng 6/2009 Cao Phạ tổ chức cai nghiện tại cộng đồng cho 20 đối tượng, trong đó có 7 nữ. Theo Lý A Lử, công an phụ trách địa bàn, trong lớp cai nghiện đợt này có 6 người đã đi cai nghiện tại TT cai nghiện của tỉnh Yên Bái, khi trở về lại tái nghiện.

III. Trong 20 đối tượng đang cai nghiện tại Cao Phạ có 3 cặp vợ chồng cùng đến cai. Đó là các cặp vợ chồng Giàng A Phà- Vàng Thị Khua, Giàng A Sinh- Hờ Thị Bầu, Vàng A Sang- Lý Thị Mào. Giàng A Sinh ở bản Trống Tông Khúa cùng vợ viết đơn tự nguyện đi cai nghiện. Sinh năm nay 48 tuổi, anh chả cần giấu giếm: Mình có 5 con, mình nghiện hút lâu rồi không nhớ nữa, trước kia có nhiều thuốc phiện thì hút. Thấy người ta hút thì mình cũng hút theo, thế là nghiện thôi…

Tôi hỏi Sinh: Vợ nghiện theo mình à? Sinh gật đầu: Đúng chứ, cùng nằm trên giường, nó thấy mình hút thì cũng hút theo. Nó se thuốc cho mình, mình se thuốc cho nó, cả hai cùng hút, cả hai cùng nghiện.  Bây giờ không tìm thấy thuốc đen hút đâu, mình thì chích vợ thì hít. Chẳng có tiền thì đi làm thuê, vợ mình cũng đi làm thuê, ai thuê việc gì thì làm, chặt cây, cuốc ruộng hay vác cây…mỗi ngày được trả năm mươi ngàn, mình chích hết năm mươi ngàn, vợ nó hít hai lần mỗi lần hai mươi ngàn...

Tôi ngạc nhiên hỏi lại: Thế lấy tiền đâu nuôi con? Ngẩn người ra một lát, gương mặt Sinh vàng bủng cười như mếu: Các con nó tự tìm ăn thôi. Nhà mình năm nào cũng đói ăn 6-7 tháng đấy. Khổ lắm, nhà lại mới bị cháy, giờ làm một cái nhà bé để ở.

Lời nguyền của nàng A Phiền vẫn rất thiêng đối với bất cứ ai đam mê cái màu hoa sặc sỡ, họ sẽ không thoát khỏi sự cám dỗ của nó, chính họ sẽ tự biến mình thành nô lệ của nàng A Phiền không dễ dàng thoát được sự quyến rũ của nàng…

Vợ Sinh ngồi dưới hiên nhà thêu váy, áo thuê cho người ta, 20 ngày thì được một vạt, được trả công 150 ngàn. Tôi hỏi, chị lắc đầu “tri pâu à” (không biết đâu), rồi cười rất hồn nhiên, hai hàm răng gãy mấy cái răng cửa nom rất ngộ. Ngồi cạnh vợ Sinh là bà Giàng Thị Sua, người cùng bản Trống Tông Khúa, bà Sua không nói được tiếng kinh, tôi nói chuyện với bà phải qua lời phiên dịch của Lý A Lử. Bà bảo: Mình mới nghiện hút 3 năm nay thôi, mới đầu hút vì thấy trong người nhiều bệnh quá. Đau bụng: hút, đau chân tay: hút, đi ngoài: hút…

Lử cho tôi hay: Người dân vùng cao nghiện hút nhiều là họ có thói quen dùng thuốc phiện để chữa bệnh. Lâu dần thành nghiện. Bà Sua chìa hai cánh tay gầy guộc, nom như cành cây khô cho tôi xem, bà bảo: Mình bị phù à, hai tay này sưng to, trong xương như có con gì đang bò, chẳng biết uống thuốc gì cho khỏi, mình hút thuốc phiện để chữa bệnh à…Bà che mặt: Trước đây thì hút thuốc đen, bây giờ thì hít thuốc trắng, mỗi ngày hít 2 lần, hết 40 mươi ngàn đấy. Mình đến đây cai lần thứ hai rồi, xấu hổ quá…Tôi hỏi vài người, sau ba tháng cai nghiện tại đây, về nhà có còn hút nữa không. Mọi người đều lắc đầu: Không biết đâu à, có khi hút lại, có khi không hút nữa…

Lý A Lử bảo tôi: Bây giờ khá rồi chú ạ, mấy hôm mới vào, nhiều người thèm thuốc vật vã, miệng phè bọt mép thảm hại lắm…

Xem thêm
Thái Nguyên có thêm 2 Phó Giám đốc Sở

Sở Lao Động - Thương binh và Xã hội, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Thái Nguyên vừa có tân Phó Giám đốc.

Sóc Trăng thay đổi từ tư duy ứng phó sang thích ứng với hạn mặn

ĐBSCL Dù hạn mặn trong mùa khô 2023 -2024 cao hơn trung bình nhiều năm, Sóc Trăng chưa ghi nhận thiệt hại nghiêm trọng đến sản xuất, kinh doanh do hạn mặn gây ra.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Cơn mưa bất chợt 'giải nhiệt' ở Bình Dương

Sau nhiều ngày nắng nóng liên tục, cơn mưa bất chợt xuất hiện đã làm dịu đi cái nóng gay gắt cho người dân ở Bình Dương.