| Hotline: 0983.970.780

Thi hành án Lâm Đồng bị “tố” làm sai

Thứ Hai 19/08/2013 , 10:47 (GMT+7)

Công ty Cổ phần - Tổng Cty Dâu tằm tơ Việt Nam (Viseri) đang hoàn thiện hồ sơ có liên quan để tiến hành khởi kiện Cơ quan Thi hành án (THA) tỉnh Lâm Đồng làm sai trong việc cưỡng chế thi hành án dẫn tới thất thoát của Nhà nước hàng chục tỷ đồng.

Công ty Cổ phần - Tổng Cty Dâu tằm tơ Việt Nam (Viseri) đang hoàn thiện hồ sơ có liên quan để tiến hành khởi kiện Cơ quan Thi hành án (THA) tỉnh Lâm Đồng làm sai trong việc cưỡng chế thi hành án dẫn tới thất thoát của Nhà nước hàng chục tỷ đồng.

Chấp hành viên “vi phạm pháp luật nghiêm trọng”!

Theo đơn khiếu nại của Viseri gửi NNVN, thực hiện bản án số 80/2007/DSPT-PT ngày 23/8/2007, bản án số 38/QĐ-ĐCXXPT ngày 7/8/2002 của Tòa phúc thẩm TAND TP.HCM và bản án 02/KTST ngày 28/8/1997 của TAND tỉnh Lâm Đồng, ngày 10/4/2008, Cơ quan THA dân sự tỉnh Lâm Đồng đã tiến hành kê biên tài sản của Viseri là diện tích đất và nhà xưởng gồm 1.648 m2 tại số 124 Kha Vạn Cân, quận Thủ Đức (TP.HCM) để bán đấu giá, thanh toán công nợ cho Viseri.

Cơ quan THA Lâm Đồng cho rằng, trong tổng số diện tích đất bị kê biên có 391 m2 đất vi phạm lộ giới đường Kha Vạn Cân, 425 m2 nằm trong dự án đường Tân Sơn Nhất - Bình Lợi và 831 m2 đất chuyên dùng.

Để thực hiện bảm án, THA tỉnh Lâm Đồng đã ký hợp đồng ủy quyền cho Trung tâm Dịch vụ bán đấu giá tài sản TP.HCM (thuộc Sở Tư pháp TP.HCM) đứng ra bán với giá khởi điểm 11,2 tỷ đồng (chưa tính thuế giá trị gia tăng, diện tích xây dựng).

Ngày 27/6/2008, Trung tâm dịch vụ bán đấu giá tài sản đã thông báo về việc bán đấu giá tài sản tại số 124 Kha Vạn Cân theo quy định. Tuy nhiên, mãi đến ngày 23/9/2008, Trung tâm này mới tiến hành tổ chức bán đấu giá. Ngay phiên bán đầu tiên đã xác định đối tượng trúng là Cty TNHH ĐP khi đưa ra mức giá 11,25 tỷ đồng, cao hơn giá sàn 50 triệu đồng.

Ngay sau khi phiên bán đấu giá thành công, Viseri đã có nhiều đơn khiếu nại gửi THA Lâm Đồng, Tổng cục THA dân sự (Bộ Tư pháp) và một số ngành chức năng, đề nghị xem xét lại trong việc kê biên, định giá, bán đấu giá tại 124 Kha Vạn Cân.


Viseri đã khó khăn lại càng khó khăn hơn khi THA Lâm Đồng kê biên, đấu giá tài sản sai quy định

Theo Viseri, việc kê biên, bán đấu giá tài sản là đất đai chưa được cấp GCNQSDĐ để THA là sai, bởi Khoản b, Điểm 2, Điều 2 của Nghị định số 164/2004/NĐ-CP ngày 19/4/2004 của Chính phủ quy định rõ: việc kê biên, đấu giá QSDĐ để đảm bảo THA phải có các điều kiện sau: “…Người phải THA có GCNQSDĐ được cấp theo quy định của Luật Đất đai năm 1987, Luật Đất đai năm 1993, Luật Đất đai năm 2003 hoặc GCN quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở tại đô thị theo quy định tại Nghị định số 60/CP ngày 5/7/1994 của Chính phủ…”.

Tuy nhiên, tại thời điểm thi hành án và hiện nay, tài sản của Viseri là toàn bộ diện tích đất tại 124 Kha Vạn Cân chưa có GCNQSDĐ, trong khi đó ông Phạm Đình Quý, Chấp hành viên - Chủ tịch hội đồng đấu giá - vẫn ra quyết định kê biên là không đúng. Việc này cũng đã được Thanh tra Bộ Tư pháp có ý kiến tại Công văn số 175/TTR-DTT ngày 10/6/2010: “Đoàn thanh tra phát hiện trong quá trình thanh tra vụ việc có biểu hiện Chấp hành viên vi phạm pháp luật nghiêm trọng trong việc kê biên, bán đấu giá đất đai không được phép chuyển quyền sử dụng để THA”.

Nhà nước thất thoát hàng chục tỷ

Do mảnh đất 124 Kha Vạn Cân không đủ điều kiện kê biên, đấu giá, nên việc Chấp hành viên Phạm Đình Quý vẫn ra quyết định kê biên, đấu giá càng dẫn tới những sai phạm nghiêm trọng, gây thất thoát tiền vốn và tài sản của Nhà nước.

Cụ thể, Hội đồng đã xác định giá khởi điểm để bán đấu giá đối với diện tích đất tại 124 Kha Vạn Cân như sau: Diện tích 391,2 m2 vi phạm lộ giới được áp giá khởi điểm vận dụng theo Quyết định số 144/2007/QĐ-UBND ngày 27/12/2011 của UBND TP.HCM là 2 triệu đồng/m2; Diện tích 425,8 m2 thuộc hành lang dự án đường nối Tân Sơn Nhất - Bình Lợi (không đưa vào đấu giá); Diện tích 831,4 m2 không vi phạm lộ giới được định giá là 12 triệu đồng.

Theo đó, Hội đồng định giá tài sản đã xác định giá khởi điểm bán đấu giá là 11,2 tỷ đồng, giá bán đấu giá tài sản thành công là 11,25 đồng.

Về nguyên tắc, việc xác định giá trị cho từng thửa đất có tính chất khác nhau như trên cần phải xin ý kiến giám định của các cơ quan quản lý có liên quan như Sở Quy hoạch kiến trúc, Sở TN-MT, Sở Tài chính... để tránh làm thất thoát tiền vốn và tài sản cho Nhà nước khi bán đấu giá. Tuy nhiên, Chấp hành viên Phạm Đình Quý đã không thực hiện đúng các quy định của Nhà nước về việc xác định giá đất để bán đấu giá đã làm giảm giá trị tài sản và gây thiệt hại cho Viseri hàng chục tỷ đồng.

Thứ nhất, áp giá khởi điểm bán đấu giá đối với diện tích 391,2 m2 không đúng quy định, bởi Hội đồng căn cứ vào giá đất quy định tại Quyết định số 144/2007/QĐ-UBND ngày 27/12/2007 của UBND TP.HCM về ban hành Quy định về giá các loại đất trên địa bàn TP.HCM để áp giá khởi điểm đấu giá đối với 391,2 m2/1.646 m2 vi phạm lộ giới là vi phạm quy định của Nhà nước.

Lý do được đưa ra là đất của Viseri được mua năm 1989, quy hoạch lộ giới được công bố năm 2002, do đó toàn bộ diện tích đất của Viseri không phải vi phạm lộ giới mà nằm trong lộ giới. Vì vậy, diện tích 391,2 m2 đất nằm trong lộ giới này sẽ được bồi thường theo giá chuyển nhượng đất thực tế trên thị trường.

Theo đơn khiếu nại của Viseri, Chấp hành viên Phạm Đình Quý (sau này là Chấp hành viên Nguyễn Hữu Hùng) còn chưa thanh toán xong số tiền bán đấu giá tài sản THA còn lại cho Viseri (từ năm 2008 đến nay vẫn còn 3,375 tỷ đồng tiền bán đấu giá tài sản chưa được Cơ quan THA Lâm Đồng trả lại cho Viseri). THA tỉnh Lâm Đồng cho biết, số tiền trên đã được Trung tâm dịch vụ bán đấu giá tài sản TP.HCM giữ lại để nộp thuế sử dụng đất. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện nay, Viseri chưa nhận được các chứng từ có liên quan và ý kiến trả lời thỏa đáng của Chấp hành viên về việc sử dụng số tiền còn lại này.

Thứ hai, nghiêm trọng hơn, trước khi tổ chức bán đấu giá tài sản THA, cơ quan THA Lâm Đồng đã không định giá lại tài sản trong khi trên thị trường đã có biến động lớn về giá và UBND TP.HCM đã có văn bản điều chỉnh giá từ 10,7 triệu đồng/m2 lên 15,27 triệu đồng/m2 (tăng 42,7%).

Ngày 24 và 26/9/2008, Viseri có tiếp 2 công văn đề nghị Cục THA dân sự Lâm Đồng và các cơ quan có liên quan xem xét lại giá tài sản đã kê biên, định giá (thời điểm này cũng chưa thu tiền và bàn giao tài sản cho người trúng đấu giá). Tuy nhiên, Cơ quan THA dân sự tỉnh Lâm Đồng và Chấp hành viên Phạm Đình Quý không chấp nhận đơn khiếu nại của Viseri. Đây là việc cố ý làm trái gây thất thoát tài sản của Nhà nước.

Việc áp giá, định giá không đúng theo các quy định hiện hành và không sát với thực tế giá cả trên thị trường tại thời điểm bán đấu giá gây thiệt hại đến quyền lợi của Viseri cũng đã được Sở Tư pháp Lâm Đồng khẳng định tại công văn số 88/BC-STP ngày 15/6/2009 báo cáo UBND tỉnh Lâm Đồng và gửi Tổng Cục THA dân sự, Cục THA dân sự tỉnh Lâm Đồng. Đồng thời, UBND tỉnh Lâm Đồng đã có công văn số 4199/UBND ngày 18/6/2009 gửi Bộ trưởng Bộ Tư pháp đề nghị tiến hành thanh tra, xử lý các sai phạm trong công tác thi hành án dân sự đối với Chấp hành viên Cục THA dân sự tỉnh Lâm Đồng.

Ngày 3/10/2011, Bộ Tư pháp đã có văn bản số 5887/BTP-VP về việc dự kiến thành lập Tổ công tác gồm các đại diện Văn phòng Chính phủ, Thanh tra Chính phủ, Viện KSNDTC, Bộ NN-PTNT, Bộ TN-MT.. để tham mưu giúp Bộ trưởng Bộ Tư pháp xem xét giải quyết việc khiếu nại của Viseri. Tuy nhiên, việc thành lập Tổ công tác và hoạt động của Tổ công tác như thế nào, kết quả xem xét xử lý vụ việc ra sao thì vẫn chưa có kết quả. Đến nay vụ việc này vẫn chưa được xem xét giải quyết dứt điểm.

Ký hợp đồng bán đấu giá với người không còn thẩm quyền

Ngày 27/8/2008, Chấp hành viên Phạm Đình Quý đã lập và ký hợp đồng sửa đổi lần 1 của Hợp đồng ủy quyền bán đấu giá tài sản THA số 60 đã ký ngày 24/6/2008 với Trung tâm dịch vụ bán đấu giá tài sản TP.HCM.

Tuy nhiên, trước đó ngày 14/8/2008, bà Lê Thị Bình Minh (người đứng tên ký Hợp đồng sửa đổi lần 1 với tư cách là GĐ Trung tâm dịch vụ bán đấu giá tài sản TP.HCM) đã được bổ nhiệm giữ chức Trưởng phòng Công chứng số 5. Do đó, bà Lê Thị Bình Minh không còn giữ chức vụ GĐ Trung tâm, nên không còn tư cách và thẩm quyền đại diện Trung tâm trên để ký kết Hợp đồng sửa đổi lần 1 Hợp đồng ủy quyền bán đấu giá tài sản thi hành án.

Xem thêm
Tây Ninh phấn đấu là nơi đáng sống và động lực tăng trưởng vùng

TÂY NINH Với thiên thời, địa lợi, nhân hòa, 'nóc nhà Đông Nam bộ' đặt mục tiêu trở thành nơi đáng sống và động lực tăng trưởng cho vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.

Cho vay theo chuỗi giá trị, kênh 'bơm vốn' giảm rủi ro trong sản xuất nông nghiệp

Hội thảo 'Thực trạng cho vay theo chuỗi giá trị tại Việt Nam và một số nước Đông Nam Á' thảo luận về các kinh nghiệm tín dụng nông nghiệp hiện nay.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Cựu binh Đồi A1 & ký ức 'máu trộn bùn non'

Tròn 70 chiến thắng Điện Biên Phủ nhưng những đồng đội, những nắm cơm, những chiến hào 'máu trộn bùn non'… vẫn còn mãi trong tâm trí nhà giáo ưu tú Đỗ Ca Sơn.