| Hotline: 0983.970.780

Xây thủy điện ồ ạt: "Ông" môi trường chỉ làm "vuốt đuôi"

Thứ Hai 26/10/2009 , 14:15 (GMT+7)

Việc xây dựng thuỷ điện một cách ồ ạt ở miền Trung- Tây Nguyên đang bộc lộ những nguy cơ không nhỏ về môi trường, dân sinh. NNVN đã trao đổi với GS.TSKH Lê Huy Bá, Viện trưởng Viện KHCN& Quản lý Môi trường.

Việc xây dựng thuỷ điện một cách ồ ạt ở miền Trung- Tây Nguyên đang bộc lộ những nguy cơ không nhỏ về môi trường, dân sinh. NNVN đã trao đổi với GS.TSKH Lê Huy Bá, Viện trưởng Viện KHCN& Quản lý Môi trường.

Là chuyên gia sinh học, môi trường, ông đánh giá thế nào về tác động của việc xây dựng hàng loạt thuỷ điện đối với môi trường khu vực MT- TN?

Nếu chỉ xây vài đập thuỷ điện thì không sao. Nhưng khi có hàng trăm, hàng ngàn đập lớn nhỏ mọc lên sẽ rất nguy hiểm. Không chỉ vùng đầu nguồn mà toàn bộ hệ sinh thái MT- TN sẽ bị ảnh hưởng. Làm thuỷ điện quá mức sẽ dẫn tới mất cân bằng sinh thái, vì để có chỗ xây một đập nước, phải phá hủy ít nhất vài trăm ha rừng. Tất cả các hệ sinh thái cũ bị phá huỷ theo. Trong khi việc hình thành hệ sinh thái mới không phải là ngày một, ngày hai, mà cần một quá trình lâu dài.

Việc hình thành một con sông ổn định về dòng chảy, về lượng phù sa lắng đọng phải mất ít nhất ngàn năm. Việc xây các đập thuỷ điện ở những chỗ có sự chênh lệch dòng chảy chi chít như thế sẽ tạo nguy cơ làm thay đổi dòng chảy. Mà trên thế giới, người ta rất sợ hiện tượng sông bị thay đổi dòng chảy, vì nó dễ gây ra những trận lụt lớn.

Vấn đề sản xuất cũng như đời sống người dân ở nhiều nơi cũng sẽ bị ảnh hưởng lớn, thưa ông?

Đúng vậy. Trước hết, các đập thủy điện làm mất nhiều đất ở và đất canh tác của nông dân miền núi. Nếu di dời họ đi nơi khác, sẽ khó đảm bảo được cuộc sống như nơi ở cũ. 

Lễ khởi công thủy điện Quảng Trị

Trước đây, khi chưa có đập thuỷ điện, nước sông chảy tương đối hiền hoà, phù sa lắng đọng, tạo nên nhiều châu thổ nhỏ ở ven các con sông miền Trung. Giờ đây, đập thuỷ điện quá nhiều, nước sông không còn mang nhiều tính tự nhiên nữa mà là nước xả ra từ các đập, có dòng chảy mạnh, không có phù sa. Nhiều châu thổ miền Trung, vì thế sẽ bị ảnh hưởng xấu về lâu dài.

Vậy phải xử lý "hậu quả" thuỷ điện như thế nào?

Phát triển thuỷ điện lẽ ra phải gắn kết với thuỷ lợi. Nhưng thuỷ điện MT- TN chưa quan tâm tới điều này. Chuyện xả lũ vừa rồi ở thuỷ điện A Vương là bằng chứng điển hình. Thuỷ điện không gắn với thuỷ lợi cũng sẽ dẫn tới nguy cơ dòng sông bị cạn kiệt ở hạ lưu, khiến cho nước mặn cho cơ hội thâm nhập sâu vào đất liền thông qua các cửa sông.

Phát triển thuỷ điện MT- TN cũng không tính tới thuỷ sản. Nhiều loài cá sông, đến mùa sinh sản thường phải đi ngược dòng chảy lên vùng thượng nguồn để sinh sản. Giờ đập thuỷ điện chắn lung tung, cá đi đâu để sinh sản đây? Nhìn chung, việc phát triển thuỷ điện ồ ạt đang phá huỷ tất cả sự tự nhiên…

Nhưng nước ta đang thiếu hụt điện, do đó phải phát triển thuỷ điện nhanh, rẻ?

Đúng là thế, nhưng phải phát triển thuỷ điện một cách đúng mức và khoa học, không thể theo kiểu nhà nhà làm thuỷ điện, người người làm thuỷ điện như hiện nay. Theo đó, chúng ta phải biết khéo léo lợi dụng thiên nhiên, để vừa tránh những tác hại do thiên nhiên gây ra, vừa làm lợi cho chính thiên nhiên và con người. Ý của tôi là phải chừa chỗ cho thiên nhiên. Không thể cứ thấy chỗ nào có sự chênh lệch dòng chảy là nhăm nhe làm thuỷ điện hết. Ngay cả trên sông Đồng Nai, có 8 bậc thềm, thì cả 8 đều đã hoặc sẽ bị chặn để xây thuỷ điện. Làm thế, còn gì là sông Đồng Nai nữa?

Nhưng bây giờ lỡ xây rồi?

Theo tôi, cần phải quy hoạch lại việc phát triển thuỷ điện MT- TN, phải có sự tham gia tích cực và chủ động của ngành môi trường, nông nghiệp. Lâu nay, trong các dự án thuỷ điện, "ông" môi trường thường tham gia theo kiểu “vuốt đuôi”. Theo đó, người ta lập dự án, xin chủ trương xong, rồi mới mời cơ quan môi trường tới đánh giá tác động về môi trường. Trong khi đó, lẽ ra, cơ quan môi trường phải đi trước, xem xét kỹ lưỡng rồi quyết định chỗ nào được làm thuỷ điện, chỗ nào không. Ở nước ta toàn làm ngược như thế đấy

Xin cám ơn ông!

Xem thêm
Tây Ninh phấn đấu là nơi đáng sống và động lực tăng trưởng vùng

TÂY NINH Với thiên thời, địa lợi, nhân hòa, 'nóc nhà Đông Nam bộ' đặt mục tiêu trở thành nơi đáng sống và động lực tăng trưởng cho vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.

Cho vay theo chuỗi giá trị, kênh 'bơm vốn' giảm rủi ro trong sản xuất nông nghiệp

Hội thảo 'Thực trạng cho vay theo chuỗi giá trị tại Việt Nam và một số nước Đông Nam Á' thảo luận về các kinh nghiệm tín dụng nông nghiệp hiện nay.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Cựu binh Đồi A1 & ký ức 'máu trộn bùn non'

Tròn 70 chiến thắng Điện Biên Phủ nhưng những đồng đội, những nắm cơm, những chiến hào 'máu trộn bùn non'… vẫn còn mãi trong tâm trí nhà giáo ưu tú Đỗ Ca Sơn.