| Hotline: 0983.970.780

Ai bảo kê việc lấn chiếm bãi triều trái phép?

Thứ Ba 28/11/2017 , 13:15 (GMT+7)

Hai năm trở lại đây, vùng bãi triều xã Thụy Trường, huyện Thái Thụy (Thái Bình) bị lấn chiếm trái phép, tự ý cắm cọc, vây chòi nuôi thả ngao. Vì thế, bà con không còn bãi triều để đánh bắt.

Mới đây, anh Bùi Văn Định, 1 ngư dân ở xã khi đi cào don ở vùng bãi triều bị lấn chiếm trái phép lại bị Công an huyện Thái Thụy bắt tạm giam.
 

Làm ngơ cho sai phạm

Theo khảo sát, vùng biển xã Thụy Trường có hai diện tích được cắm cọc, dựng chòi để nuôi thả ngao gồm vùng quy hoạch có phép của UBND huyện Thái Thụy cấp cho các hộ đấu giá nuôi trồng thủy hải sản với hơn 200ha. Cạnh đó, là vùng bị các đối tượng tự ý cắm vây, dựng chòi, cắm cọc khai thác ngao, don tự nhiên lấn chiếm trái phép khoảng 270ha hướng ra biển Đông.

16-47-29_nh_1_mot_khu_vuc_bi_trieu_x_thuy_truong_bi_ln_chiem
Một bãi triều xã Thụy Trường bị lấn chiếm

Tại vùng biển được huyện Thái Thụy cho các hộ thuê để nuôi thả thì bà con ngư dân vẫn có lối đi và có nơi đánh bắt thủy hải sản tự nhiên. Tuy nhiên, từ năm 2015, nhiều hộ ở các xã Thụy Xuân, Thụy Hải; huyện Tiền Hải; tỉnh Nam Định đã sang tự ý cắm cọc, dựng chòi lấn chiếm để nuôi thả ngao. Họ chặn hết lối đi ra biển là vùng ngư trường mà hàng ngày bà con ngư dân vẫn đánh bắt, mưu sinh.

Vì vậy, ngày 25/4/2016, ông Nguyễn Hồng Diên, Chủ tịch UBND tỉnh Thái Bình đã ký công điện hỏa tốc số 01-CĐ/UBND về việc quản lý bãi triều ven biển. Chủ tịch tỉnh yêu cầu huyện Thái Thụy chỉ đạo dừng việc cho thuê đất bãi triều và thu hồi đất bãi vi phạm. Vì vậy, huyện Thái Thụy đã yêu cầu các xã vùng biển, trong đó có xã Thụy Trường giải tỏa các vi phạm lấn chiếm bãi triều để nuôi ngao trái phép.

Tuy nhiên, thay bằng việc chấp hành chỉ đạo của tỉnh là giải tỏa các vi phạm lấn chiếm bãi triều, UBND xã Thụy Trường đã bàn hành 09 quyết định về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thủy sản và thu hơn 400 triệu đồng của 14 hộ vi phạm.

16-47-29_nh_2_hop_dong_thue_li_v_bn_cm_ket_thu_nhn_ln_chiem_tri_phep_cu_b_vn
Hợp đồng thuê lại và bản cam kết thừa nhận lấn chiếm trái phép của bà Vần

Để “chữa cháy” cho sai phạm của chính quyền xã Thụy Trường, UBND huyện Thái Thụy đã phải ra quyết định hủy bỏ 09 quyết định của UBND xã Thụy Trường nhưng sau đó, cơ quan này vẫn không có động thái gì để thu hồi số diện tích bị lấn chiếm trái phép. Đây là nguyên nhân khiến các hộ vi phạm vẫn cố thủ, chây ì, chống đối, không chịu giải tỏa bãi triều.
 

Dính vòng lao lý khi cào don tự nhiên

Cũng như nhiều ngư dân Thụy Trường, gia đình anh Bùi Văn Định sống bằng nghề cào don tự nhiên ở vùng triều. Đầu tháng 9/2017, anh Định đi cào don ở khu bãi triều của xã, khi di chuyển vào bến thì bị Đồn Biên phòng cửa khẩu cảng Diêm Điền dừng tàu kiểm tra. Sau 1 tháng tạm giữ, do tàu không có vi phạm nên ngày 7/10/2017, tàu của anh Định được thả. Số don trên tàu được một hộ dân mua với giá 4 triệu đồng.

Quyết định hủy bỏ 9 quyết định sai của UBND xã Thụy Trường

Gần 2 tháng sau, ngày 10/11/2017, anh Định bị Công an huyện Thái Thụy bắt tạm giam. Theo gia đình anh Định, lý do Định bị bắt giam vì bị cho là đã “công nhiên chiếm đoạt tài sản” của bà Phạm Thị Vần. Anh Định bị bắt khi CA huyện mời lên làm việc rồi không thấy về. Gia đình hoang mang đi báo chính quyền thì được UBND xã Thụy Trường cho biết, Định đã bị tạm giam.

Được biết, vùng biển mà anh Định cào don là vị trí mà bà Phạm Thị Vần lấn chiếm trái phép để thả ngao. Bà Vần, SN 1957, là công dân của xã Thụy Hải nhưng thuê lại của hơn 10 hộ dân ở xã Thụy Trường và có hành vi lấn chiếm thêm bãi triều ngoài quy hoạch, tự ‎cắm vây để nuôi nuôi ngao từ năm 2015. Hành vi của bà Vần bị UBND xã nhiều lần lập biên bản vi phạm.

Cụ thể, ngày 8/4/2016, bà Vần có biên bản thừa nhận hành vi lấn chiếm 24ha để nuôi ngao là vi phạm luật đất đai và vi phạm pháp luật. Bà Vần cam kết tự tháo dỡ vây và trả lại diện tích lấn chiếm, đồng thời đề nghị UBND xã Thụy Trường tạo điều kiện cho bà thời gian để tháo dỡ đến hết ngày 28/4/2016.

16-47-29_nh_4_thong_bo_bt_de_tm_gim_dinh_cu_c_thi_thuy_duoc_ky_voi_v_khong_kip_de_ngy
Thông báo bắt để tạm giam Định của CA Thái Thụy được ký vội vã không kịp đề ngày

“Gia đình tôi sẽ tháo dỡ toàn bộ tài sản gồm chòi coi ngao, lưới, cọc vây, ngao giống và trả lại mặt bằng đã lấn chiếm. Nếu không tháo dỡ thì gia đình tôi hoàn toàn chịu trách nhiệm trước trước pháp luật”, bà Vần cam kết. Từ đó đến nay, thời hạn để bà Vần tháo dỡ vây, trả lại bãi triều đã hơn 18 tháng.

LS Nguyễn Thanh Hoàng, Đoàn Luât sư TP Hà Nội cho rằng: “Việc anh Định bị bắt tạm giam vì bị cho là công nhiên chiếm đoạt tài sản của bà Vần là vô lý. Lý do là bà Vần đã bị xử lý vi phạm về hành vi lấn chiếm từ hơn một năm trước và bà đã cam kết trả lại diện tích lấn chiếm. Việc anh Định bị bắt tạm giam có đồng nghĩa với việc có người bảo kê cho bà Vần đã được chính bà ta thừa nhận?”.

Bà Vần hay bất cứ ai đều không được phép lấn chiếm để nuôi thả ngao ở bãi triều ngoài quy hoạch. Thủy hải sản có trên vùng biển tự nhiên là của tự nhiên, không ai có quyền nhận là tài sản của riêng mình, mọi người dân có quyền được khai thác, đánh bắt.

 

Xem thêm
Đổi đất sau 30 năm thành mất đất

Đổi đất không thông qua chính quyền, bà Nguyễn Thị Tới ở tổ 12, phường Tân Bình, TP Tam Điệp, tỉnh Ninh Bình được 'chỉ' mảnh đất không có giấy tờ chứng minh...

Kích điện giun đất có thể bị xử phạt tới 300 triệu đồng

Theo Luật sư Dương Lê Ước An (Đoàn Luật sư TP Hà Nội), kích điện giun đất có thể bị xử phạt tối đa 300 triệu đồng hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Trường học thành nơi tập kết rơm rạ, rác thải

Trường Tiểu học và Trung học cơ sở Quang Giao (huyện Quảng Xương, Thanh Hóa) bị bỏ hoang nhiều năm, hiện đang xuống cấp nghiêm trọng, gây lãng phí lớn.

Thái Nguyên: Câu chuyện bi thảm của một vận động viên

Đó là câu chuyện về số phận bi thảm của anh Nguyễn Hồng Quang xóm Phả Lý, xã Văn Hán, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên khi không may bị phóng điện tại nương chè.