| Hotline: 0983.970.780

Ai chịu trách nhiệm vụ sập kè sông Phó Đáy?

Thứ Sáu 29/09/2023 , 08:00 (GMT+7)

Dự án kè sông Phó Đáy tại tỉnh Vĩnh Phúc được chỉ định thầu và đã tiêu tốn gần 20 tỉ đồng ngân sách. Vậy nhưng, vừa làm xong đã sạt lở nghiêm trọng...

Theo thông tin, tài liệu Báo Nông nghiệp Việt Nam có được, ngày 28/10/2022 ông Nguyễn Văn Khước, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc đã ký quyết định xây dựng công trình khẩn cấp xử lý sạt trượt sông Phó Đáy khu vực Đền Mẫu và trạm bơm Phú Bình II xã Sơn Đông, huyện Lập Thạch.

Dự án khẩn trương, cấp bách chống sạt lở trên sông Phó Đáy do Ban quản lý dự án NN-PTNT tỉnh Vĩnh Phúc làm chủ đầu tư đã bị sạt lở ngay khi chưa bàn giao. Ảnh: HA.

Dự án khẩn trương, cấp bách chống sạt lở trên sông Phó Đáy do Ban quản lý dự án NN-PTNT tỉnh Vĩnh Phúc làm chủ đầu tư đã bị sạt lở ngay khi chưa bàn giao. Ảnh: HA.

Đây là công trình nông nghiệp cấp IV, nhóm C và Ban quản lý dự án NN-PTNT tỉnh Vĩnh Phúc được giao làm chủ đầu tư với mục tiêu xử lý, khắc phục tình trạng sạt lở tuyến kè tại khu vực Đền Nhị vị Thánh Mẫu xã Sơn Đông, khu vực trạm bơm Phú Bình II để kịp thời ngăn chặn hiện tượng sạt lở diễn tiến rất mạnh, đảm bảo an toàn cho Đền Mẫu xã Sơn Đông, tuyến đường dân sinh, tuyến đường dây truyền tải điện 220KV và tài sản, tính mạng của người dân gần khu vực sạt lở. Dự kiến kinh phí đầu tư dự án là 19,5 tỷ đồng và thời gian thực hiện xong trước tháng 3/2023, thời điểm trước lũ tiểu mãn. Tổng chiều dài thực hiện dự án vào khoảng 350m.

Quyết định của UBND tỉnh Vĩnh Phúc nêu rõ: Ban quản lý dự án NN-PTNT tỉnh Vĩnh Phúc có trách nhiệm triển khai thực hiện các thủ tục đầu tư đúng quy định. Tổ chức khảo sát, chuẩn xác quy mô, giải pháp xây dựng… nhằm đáp ứng nhiệm vụ, tiết kiệm kinh phí và phù hợp với quy định hiện hành, không trùng lặp với các hạng mục đã và đang xây dựng.

Trong quá trình thực hiện hạng mục khẩn cấp phải xin ý kiến và được sự đồng ý cho phép của Sở NN-PTNT về quy mô, giải pháp kỹ thuật nhằm triển khai thi công công trình đảm bảo an toàn tuyệt đối cho tuyến đê và các công trình lân cận.

Nhiều hạng mục trong dự án bị hư hỏng nghiêm trọng chỉ sau vài trận mưa hồi tháng 6/2023. Ảnh: HA.

Nhiều hạng mục trong dự án bị hư hỏng nghiêm trọng chỉ sau vài trận mưa hồi tháng 6/2023. Ảnh: HA.

Thực hiện quyết định của UBND tỉnh Vĩnh Phúc, từ tháng 11 đến hết tháng 12/2022, ông Nguyễn Tuấn Vũ, Giám đốc Ban quản lý dự án NN-PTNT tỉnh Vĩnh Phúc đã ký một loạt các quyết định chỉ định thầu phê duyệt nhiệm vụ khảo sát, thi công xây lắp, tư vấn giám sát thi công… để triển khai thực hiện dự án Xử lý sạt trượt sông Phó Đáy khu vực Đền Mẫu và trạm bơm Phú Bình II. Theo đó, Liên danh Công ty cổ phần Đầu tư xây dựng và phát triển Phú Thành An - Công ty TNHH Thương mại và đầu tư xây dựng Long Khánh được chỉ định thầu thi công xây lắp với giá tạm tính hơn 16,232 tỷ đồng. Trung tâm kiểm định, giám sát công trình NN-PTNT Vĩnh Phúc được chỉ định thầu gói thầu tư vấn giám sát thi công với giá gần 400 triệu đồng. Cả hai gói thầu này đều được tính thời gian thực hiện là 112 ngày.

Trước khi thực hiện dự án, Sở NN-PTNT tỉnh Vĩnh Phúc cũng đã có văn bản gửi Ban quản lý dự án NN-PTNT tỉnh Vĩnh Phúc về việc tham gia ý kiến quy mô, giải pháp kỹ thuật… trong đó có nội dung thường xuyên liên tục giám sát, kiểm tra cập nhật thông tin diễn biến sạt lở, nếu có bất thường cần báo cáo ngay cấp có thẩm quyền… "Ban quản lý dự án NN-PTNT tỉnh Vĩnh Phúc chịu trách nhiệm trong việc lựa chọn đơn vị tư vấn thiết kế, tư vấn giám sát, nhà thầu thi công xây dựng công trình khẩn cấp đảm bảo năng lực, kinh nghiệm…", văn bản của Sở NN-PTNT tỉnh Vĩnh Phúc nêu.

Người dân Sơn Đông chưa kịp vui mừng vì dự án sắp được bàn giao thì xảy ra sự cố nghiêm trọng. Ảnh: HA.

Người dân Sơn Đông chưa kịp vui mừng vì dự án sắp được bàn giao thì xảy ra sự cố nghiêm trọng. Ảnh: HA.

Mặc dù vậy, chỉ một thời gian ngắn sau khi thực hiện xây dựng dự án cấp bách chống sạt lở, người dân chưa kịp vui mừng vì dự án chuẩn bị được nghiệm thu, bàn giao thì công trình này đã xảy ra sự cố nghiêm trọng. Chỉ sau một đợt mưa từ ngày 25 đến ngày 27/6/2023 công trình cấp bách chống sạt lở liên tiếp gặp phải sự cố sụt lún, sạt trượt, sập đổ và hư hỏng nghiêm trọng. Đền Mẫu và cây di sản trong khuôn viên đáng ra được xây kè để bảo vệ thì nay có nguy cơ sụp xuống bất cứ lúc nào do tác động của sự cố sập kè.

Một người dân thôn Phú Hậu, xã Sơn Đông lo ngại: Dự án tiêu tốn của nhà nước gần hai chục tỷ đồng mà không hiểu sao lại ra nông nỗi này. Đền Mẫu mới được xây dựng khoảng 5 năm vậy mà bây giờ có nguy cơ phải di dời. Kể từ khi xảy ra sự cố người dân chúng tôi luôn cảm thấy lo lắng bất an vì tính mạng, tài sản bị đe dọa.

Đền Mẫu và cây Đề di sản đáng ra được công trình gần 20 tỷ đồng bảo vệ thì nay bị ảnh hưởng nặng nề bởi sự cố sập kè sông Phó Đáy. Ảnh: HA.

Đền Mẫu và cây Đề di sản đáng ra được công trình gần 20 tỷ đồng bảo vệ thì nay bị ảnh hưởng nặng nề bởi sự cố sập kè sông Phó Đáy. Ảnh: HA.

Ngay sau khi xảy ra sự cố sập kè sông Phó Đáy, Ban quản lý dự án NN-PTNT tỉnh Vĩnh Phúc đã phối hợp với các cơ quan, đơn vị triển khai các giải pháp tạm khắc phục đồng thời xác định nguyên nhân sự cố. Trong đó có các nội dung như ký kết hợp đồng với đơn vị kiểm định sự cố theo yêu cầu của Sở NN-PTNT tỉnh Vĩnh Phúc. Phối hợp cung cấp đầy đủ hồ sơ để phục vụ công tác giám định thực hiện. Phối hợp với đơn vị kiểm định lấy mẫu ngoài hiện trường, khảo sát địa chất, địa hình theo đề cương được Sở NN-PTNT phê duyệt. Lập hồ sơ sự cố công trình theo quy định của pháp luật… UBND tỉnh Vĩnh Phúc cũng đã có chỉ đạo các cơ quan liên quan khẩn trương hoàn thiện các thủ tục để xử lý theo quy định liên quan đến sự cố nghiêm trọng này. 

Và vấn đề được dư luận tỉnh Vĩnh Phúc hết sức quan tâm là nguyên nhân xảy ra sự cố sập kè sông Phó Đáy là gì, ai phải chịu trách nhiệm?. Tuy nhiên đến thời điểm hiện tại, các văn bản chỉ đạo, thông tin của cơ quan chức năng ở tỉnh Vĩnh Phúc thể hiện, các đơn vị hiện đang phải chờ kết quả kiểm định, đánh giá nguyên nhân sự cố, xác định trách nhiệm tổ chức, cá nhân liên quan và triển khai các bước tiếp theo. Điều đó có nghĩa, sau hơn 3 tháng xảy ra sự cố, nguyên nhân sập công trình cấp bách chống sạt lở và vấn đề tổ chức, cá nhân nào phải chịu trách nhiệm về sự cố này vẫn chưa được làm rõ.

Kiến nghị cơ quan chức năng tỉnh Vĩnh Phúc sớm làm rõ trách nhiệm của tổ chức, cá nhân để xảy ra sự cố nghiêm trọng sập kè sông Phó Đáy. Ảnh: HA.

Kiến nghị cơ quan chức năng tỉnh Vĩnh Phúc sớm làm rõ trách nhiệm của tổ chức, cá nhân để xảy ra sự cố nghiêm trọng sập kè sông Phó Đáy. Ảnh: HA.

Tại buổi làm việc với Báo Nông nghiệp Việt Nam, ông Trần Đức Minh, Phó Giám đốc Ban quản lý dự án NN-PTNT tỉnh Vĩnh Phúc cho biết, hiện vẫn đang có nhiều cơ quan liên quan vào cuộc làm rõ sự việc. Sở NN-PTNT là đầu mối tuy nhiên trong phạm vi dự án liên quan đến nhiều cơ quan khác như Sở Xây dựng, Sở Văn hóa - Thể thao - Du lịch… cũng phải theo dõi.

“Đến thời điểm hiện tại, theo quan điểm cá nhân tôi khả năng giữ lại được Đền Mẫu và Cây di sản là khá ổn. Tuy nhiên, trong trường hợp bất khả kháng không thể giữ lại được Đền Mẫu thì phải có phương pháp vận động, tuyên truyền bà con”, ông Minh nói. Cũng theo Phó Giám đốc Ban quản lý dự án NN-PTNT Vĩnh Phúc, hiện cơ quan kiểm định đang tiến hành kiểm tra, kiểm định, dự kiến trong 2 tháng sẽ có kết quả.

Như vậy, tổ chức, cá nhân nào phải chịu trách nhiệm về sự cố nghiêm trọng sập kè sông Phó Đáy vẫn là điều dư luận đang chờ đợi cơ quan chức năng tỉnh Vĩnh Phúc trả lời. 

Xem thêm
Sai phạm ở loạt dự án liên quan đại gia Nguyễn Duy Hùng ở Phú Thọ

PHÚ THỌ Trong hàng loạt dự án liên quan ông Nguyễn Duy Hùng ở Phú Thọ, có nhiều dự án Báo Nông nghiệp Việt Nam và cơ quan chức năng chỉ rõ sai phạm.

Kích điện giun đất có thể bị xử phạt tới 300 triệu đồng

Theo Luật sư Dương Lê Ước An (Đoàn Luật sư TP Hà Nội), kích điện giun đất có thể bị xử phạt tối đa 300 triệu đồng hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Trường học thành nơi tập kết rơm rạ, rác thải

Trường Tiểu học và Trung học cơ sở Quang Giao (huyện Quảng Xương, Thanh Hóa) bị bỏ hoang nhiều năm, hiện đang xuống cấp nghiêm trọng, gây lãng phí lớn.

Thái Nguyên: Câu chuyện bi thảm của một vận động viên

Đó là câu chuyện về số phận bi thảm của anh Nguyễn Hồng Quang xóm Phả Lý, xã Văn Hán, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên khi không may bị phóng điện tại nương chè.