Sáng 26/3, Toà án Nhân dân (TAND) TP Hà Nội tiếp tục mở phiên xét xử sơ thẩm vụ án "Vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng" và "In, phát hành, mua bán trái phép hóa đơn, chứng từ thu nộp ngân sách nhà nước" liên quan đến ba doanh nghiệp lớn: Công ty TNHH Thành An Hà Nội, Công ty TNHH Thiết bị y tế Danh và Công ty TNHH Thiết bị y tế Tràng Thi.
Trong tổng số 38 bị cáo bị truy tố, hai người hiện đang bỏ trốn và bị xét xử vắng mặt là Nguyễn Đăng Thuyết (Giám đốc của ba công ty trên) và Nguyễn Thị Hòa (Giám sát kế toán của ba công ty trên). Nguyễn Đăng Thuyết, được xác định là người chủ mưu, trực tiếp điều hành toàn bộ hoạt động của cả ba công ty nêu trên.

Các bị cáo tại phiên toà xét xử sơ thẩm vụ án "Vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng" và "In, phát hành, mua bán trái phép hóa đơn, chứng từ thu nộp ngân sách nhà nước". Ảnh: Công an nhân dân.
Vắng mặt ở tòa, "ông trùm" gửi đơn xin nhẹ tội cho đồng phạm
Trước khi bước vào phần xét hỏi buổi sáng, Chủ tọa phiên tòa đã công bố nội dung lá đơn do Nguyễn Đăng Thuyết gửi từ nước ngoài, đề ngày 1/3/2025, thông qua đường bưu điện đến TAND TP Hà Nội. Trong đơn, bị cáo Thuyết thừa nhận toàn bộ hành vi phạm tội như cáo trạng đã nêu, đồng thời cam kết sẽ sớm quay về nước để thi hành bản án khi hoàn tất việc cá nhân và giải quyết trách nhiệm nuôi con nhỏ.
Nguyễn Đăng Thuyết trình bày rằng do hoàn cảnh khách quan, cụ thể là đang là người giám hộ duy nhất của các con đang học tập ở nước ngoài, nên chưa thể về Việt Nam để tham dự phiên tòa. Tuy nhiên, ông khẳng định tôn trọng kết luận điều tra, không có ý định khiếu nại cáo trạng, đồng thời chấp nhận toàn bộ phán quyết của Hội đồng xét xử.

Bị cáo Nguyễn Đăng Thuyết và bị cáo Nguyễn Thị Hòa bị xét xử vắng mặt tại phiên tòa. Ảnh: Công an nhân dân.
Đáng chú ý, bị cáo Thuyết không chỉ nhận phần trách nhiệm về mình mà còn khẩn thiết đề nghị tòa xem xét giảm nhẹ hình phạt cho các đồng phạm. Theo ông, các nhân viên, đồng nghiệp tại ba công ty đều làm theo sự chỉ đạo trực tiếp của mình, phần lớn không được hưởng lợi cá nhân và cũng không nhận thức đầy đủ về tính chất sai phạm trong công việc hàng ngày, họ đã tin tưởng bị cáo, tin tưởng các công ty do bị cáo điều hành nên mới vi phạm. Bị cáo Thuyết hứa sẽ khắc phục tối đa thiệt hại của Nhà nước do các công ty của bị cáo đã gây ra.
Bị cáo Thuyết cũng cam kết sẽ thu xếp công việc riêng để trở về Việt Nam chấp hành bản án. Thuyết mong cơ quan tố tụng xem xét toàn diện vụ án, cân nhắc các tình tiết giảm nhẹ cho bị cáo, đồng thời đề nghị Hội đồng xét xử khoan hồng cho các bị cáo khác.
Lập hệ thống kế toán kép, trốn thuế hơn 743 tỷ đồng
Theo cáo trạng của Viện kiểm sát, 3 doanh nghiệp gồm Công ty TNHH Thành An Hà Nội, Công ty TNHH Thiết bị y tế Danh và Công ty TNHH Thiết bị y tế Tràng Thi đều được thành lập và đặt dưới sự điều hành trực tiếp của Nguyễn Đăng Thuyết, người hiện đang bỏ trốn và bị truy nã đặc biệt. Trong suốt giai đoạn từ năm 2017 đến 2022, ông Thuyết cùng vợ là Nguyễn Nhật Linh đã xây dựng và vận hành một cơ chế gian lận tài chính tinh vi tại các công ty này.
Cụ thể, vợ chồng Thuyết đã chỉ đạo cấp dưới sử dụng song song hai hệ thống sổ sách kế toán trong cùng một kỳ báo cáo. Một hệ thống được lập để đối phó với cơ quan chức năng, còn hệ thống còn lại mới phản ánh phần nào thực tế hoạt động kinh doanh. Mục đích của thủ đoạn này là nhằm che giấu doanh thu thật, giảm thiểu lợi nhuận trên giấy tờ, từ đó trốn tránh nghĩa vụ nộp thuế và thu lợi bất chính.

Nguyễn Đăng Thuyết cùng vợ là Nguyễn Nhật Linh. Ảnh: Bộ Công an.
Ngoài việc gian dối về sổ sách, các bị cáo còn tiến hành ký hàng loạt hợp đồng mua bán hàng hóa không có thật. Để hợp thức hóa các giao dịch khống, nhóm bị cáo đã thực hiện mua hóa đơn đầu vào từ 110 công ty và hộ kinh doanh khác nhau. Những hóa đơn này sau đó được hạch toán vào chi phí nhằm làm tăng giá vốn hàng bán, đẩy chi phí lên cao để giảm lợi nhuận doanh nghiệp. Đây là chiêu thức nhằm né thuế thu nhập doanh nghiệp và thuế giá trị gia tăng.
Cơ quan tố tụng xác định, tổng số hóa đơn được mua bán trái phép lên tới hơn 19.160 tờ, gây thiệt hại nghiêm trọng cho ngân sách Nhà nước. Tổng số tiền thuế bị trốn lên tới hơn 743 tỷ đồng, trong đó bao gồm hơn 62 tỷ đồng thuế giá trị gia tăng và hơn 680 tỷ đồng thuế thu nhập doanh nghiệp.
Vợ bị cáo: “Chỉ làm theo chỉ đạo của chồng”
Tại tòa, Nguyễn Nhật Linh, Phó Tổng Giám đốc Công ty Thành An, đồng thời là vợ của Thuyết khai nhận, bản thân phụ trách bộ phận hành chính, kế toán và nhân sự, nhưng không biết rõ về hai hệ thống kế toán song song của doanh nghiệp cho đến đầu năm 2019, khi chồng mình đề nghị ký các giấy ủy quyền tài khoản.
"Khi anh Thuyết bỏ trốn, công việc vẫn diễn ra như cũ. Thời điểm đó anh Thuyết chưa bị khởi tố trong vụ án nào nên anh Thuyết nói sang Mỹ để chăm sóc các con, liên hệ với bị cáo qua Viber, Microsoft và vẫn giao nhiệm vụ cho mọi người", bị cáo Linh khai.
Theo bị cáo Linh, sau khi biết việc dùng hóa đơn khống, bị cáo đã khuyên chồng mình dừng lại. Sau đó, thì công ty cũng có thay đổi, trên số liệu công ty qua các năm thể hiện việc hạn chế dùng hóa đơn khống. Ngày trước mức mua hóa đơn khoảng 30%-40%, sau đó bị cáo ý thức được sai phạm nên muốn dừng nhưng cần có lộ trình vì những người khác bảo không thể dừng ngay được, định là trong 3-5 năm sẽ dừng lại hoàn toàn.
Trước đó, khi vụ án xảy ra, Nguyễn Đăng Thuyết đã rời Việt Nam trốn sang nước ngoài từ năm 2021 và đã bị phạt 30 tháng tù trong vụ án vi phạm đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng liên quan Công ty AIC của Nguyễn Thị Thanh Nhàn. Đây là lần thứ hai, Nguyễn Đăng Thuyết bị xét xử vắng mặt.