“Sống mòn” gần trại lợn
"Sông nhìn trong thế thôi nhưng là sông chết rồi" - đó là lời xót xa của nhiều người dân xã Yên Bình, huyện Hữu Lũng, tỉnh Lạng Sơn. Dọc theo con sông Trung, một số trang trại chăn nuôi mọc lên, với nguồn nước thải được đổ ra sông, khiến cuộc sống của người dân nơi đây ngày càng khốn khổ.
Ông Đ., một người dân sống gần trại lợn Vũ Viết Sơn, vẫn nhớ rõ sông Trung từng trong vắt, nhìn thấy đáy, tôm cá bơi lội đầy. Nhưng từ khi các trại lợn xuất hiện, dòng sông bắt đầu đổi màu. "Có những thời điểm nước đen ngòm cả một khúc. Tôm cá chết hết, đến ốc còn không sống nổi. Con gì nổi lên thì chết khô, con gì chìm thì chết thối...", ông Đ. bức xúc.

Nhiều bao tải không rõ nguồn gốc "mắc cạn" ngay dưới lòng sông. Ảnh: Minh Toàn.
Không chỉ cá tôm dưới sông, mà gia cầm nuôi gần bờ cũng bị ảnh hưởng. Nhiều hộ dân thả gà quanh nhà gần bờ sông Trung nhưng khi gà uống nước sông, chúng có hiện tượng khô chân, rã cánh, rồi lờ đờ chết. Người dân hoang mang đặt câu hỏi: "Liệu có phải do nguồn nước bị ô nhiễm hay không?".
Chính ông Đ. là người chứng kiến rõ nhất sự đổi thay của dòng sông. Xuôi theo con nước, nhiều bao tải trắng dạt vào bờ trước cửa nhà ông, bốc mùi nồng nặc. "Tôi lội xuống kéo lên xem thì không ít lần thấy xác lợn con chưa phân hủy, có khi cả bao tải toàn gà chết. Lần nào chạm vào nước sông là phải rửa tay chân ngay bằng xà phòng, không thì ngứa ngáy không chịu nổi...", ông Đ. kể lại.

Những bao tải chứa xác động vật liên tục dạt vào khu vực ven sông, bốc mùi hôi thối, khó chịu. Ảnh: Minh Toàn.
Không chỉ nguồn nước, mà cả không khí cũng bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Ông Đ. than thở: "Đi qua trại lợn, đoạn đường chỉ có mấy trăm mét thôi nhưng phải bịt mũi, đeo khẩu trang, không thì không thở nổi vì mùi hôi nồng nặc...".
Anh L.V.Đ., một nông dân khác tại xã Yên Bình, cũng chịu chung cảnh khổ khi nguồn nước tưới tiêu bị ảnh hưởng. Trước kia, anh thường xuyên dùng nước sông Trung tưới cây, nhưng vài năm gần đây, anh phải hạn chế tối đa. "Biết là ô nhiễm nhưng vẫn phải dùng, biết làm thế nào được...", anh ngậm ngùi.
Người dân quanh khu vực đang phải sống chung với ô nhiễm, từ nước thải đến khí thải. Dòng sông từng nuôi sống bao thế hệ nay trở thành nỗi ám ảnh, khiến họ ngày ngày lo lắng cho sức khỏe và cuộc sống của chính mình.
Nước thải đi đâu?
Trang trại Vũ Viết Sơn là một trong những cơ sở chăn nuôi khiến người dân địa phương đặt nhiều nghi vấn về vấn đề xử lý chất thải. Trang trại lợn này được xây dựng trên 3.485m2 đất phi nông nghiệp, gần đó là trại gà (cùng chủ sở hữu) nằm trên 7.878m2 đất ở nông thôn.
Ông Vũ Viết Sơn - chủ trang trại cho rằng: "Sông ô nhiễm không phải do nước thải của trang trại. Chúng tôi có hệ thống xử lý biogas ba ngăn, nước thải chỉ xả ra khi đã qua xử lý. Hiện chưa có nước xả ra nên chưa thể kiểm tra, quan trắc được". Theo ông Sơn, hệ thống này do một đơn vị thứ ba lắp đặt từ năm 2021-2022, và lượng nước thải chưa đủ để xả ra sông do trang trại đã chuyển dần sang nuôi gà, chỉ còn lại một số ít lợn nái. Tuy nhiên, thực tế ghi nhận tại hiện trường lại phát hiện một đường ống từ trang trại chảy thẳng ra sông Trung với dòng nước thải màu đục đang âm ỉ chảy trong đường ống.

Nước thải đang âm ỉ chảy ra sông Trung theo đường ống. Ảnh: Minh Toàn.
Trang trại Vũ Viết Sơn có hai cơ sở. Cơ sở 1 hoạt động từ năm 2014 với quy mô 600 con lợn/năm, từng bị xử phạt 12,75 triệu đồng vào năm 2015 do xả nước thải vượt tiêu chuẩn. Hiện cơ sở này đã dừng chăn nuôi, chuyển sang kinh doanh tôn, sắt. Cơ sở 2 đi vào hoạt động từ năm 2017, nuôi khoảng 1.200 con lợn/năm nhưng chưa có hồ sơ, thủ tục về bảo vệ môi trường.
Chủ tịch UBND xã Yên Bình, ông Ma Văn Đạt cho biết: “Trang trại này về cơ bản đáp ứng đủ các tiêu chuẩn bảo vệ môi trường và chính quyền đã nhiều lần kiểm tra khi có phản ánh từ người dân”. Trong lần kiểm tra gần nhất, UBND xã kết hợp với cán bộ tài nguyên và môi trường và công an huyện Hữu Lũng, bể biogas không có nước thải xả ra nên không thể lấy mẫu quan trắc.
Trong khi các trang trại chăn nuôi được kiểm soát nghiêm ngặt đầu vào để phòng dịch bệnh, từ khử khuẩn, quần áo bảo hộ đến quy trình sát trùng chặt chẽ, thì vấn đề xử lý chất thải đầu ra vẫn chưa được làm rõ. Người dân địa phương đã phản ánh về tình trạng nước sông đổi màu, mùi hôi nồng nặc ảnh hưởng nghiêm trọng đến sinh hoạt.

Bên trong trang trại chăn nuôi lợn Vũ Viết Sơn ở xã Yên Bình, huyện Hữu Lũng, tỉnh Lạng Sơn. Ảnh: Minh Toàn.
Một người dân bức xúc: "Nếu họ làm ô nhiễm sông thì đúng là chỉ biết lợi mình mà không quan tâm đến môi trường hay những người chăn nuôi khác".
Vấn đề quan trọng không chỉ nằm ở kiểm soát đầu vào mà còn là sự minh bạch của đầu ra - nơi tác động thực sự của chăn nuôi đến môi trường được đo lường chính xác. Giữa bài toán phát triển kinh tế và bảo vệ môi trường, ai sẽ đảm bảo nước thải từ chăn nuôi không tiếp tục trở thành hiểm họa? Khi dòng sông dần biến thành “sông chết”, trách nhiệm quản lý này thuộc về chính quyền địa phương.