| Hotline: 0983.970.780

Ám ảnh thơ Hữu Loan

Thứ Hai 19/02/2018 , 09:01 (GMT+7)

Những năm học phổ thông, tôi chưa thuộc bài thơ nào của nhà thơ Hữu Loan. Chỉ nghe thầy giáo dạy văn của tôi bảo rằng: ông này là "nhà văn thuộc nhân văn giai phẩm", thơ ông bị "cấm"...

 

Nhà thơ Hữu Loan (1916 - 2010)

1. Nhân văn giai phẩm là gì, vì sao thơ của ông lại bị cấm? Một cậu học sinh mới qua tuổi quàng khăn đỏ là tôi không biết! Người và thơ ấy hẳn là nguy hiểm và không tốt. Chỉ đến khi đi bộ đội là anh lính giải phóng được sống một thời gian dài với những người lính quê ở xứ Thanh nghe họ kể về nhà thơ Hữu Loan, đọc thơ ông cho tôi nghe tôi mới biết những bài thơ "Mầu tim hoa sim", "Đèo Cả"...

Những người lính quê xứ Thanh của KX, thuộc Công trường 5, quân khu Trị Thiên Huế khi ấy vào chiến trường từ 1963. Khi đám tân binh chúng tôi vào đơn vị các anh ấy đã là cán bộ chỉ huy trung đội, đại đội, có người đã là cán bộ tiểu đoàn. Họ đã là những người lính chiến thực thụ, đánh vài chục trận lớn nhỏ, tham gia giải phóng các xã của huyện Phú Vang, Phú Lộc, Phong Quảng, Hương Thuỷ, Hương Trà. Đám lính trẻ chúng tôi nghe các anh kể chuyện đánh giặc ở đồng bằng, diệt Mỹ ở quán cơm Âm Phủ, bắn tàu chiến ngụy trên sông Hương, phá vây ở Phá Tam Giang, cắm cờ ở đỉnh Ngọ Môn trong đêm xuân 1968 vừa kính phục vừa coi họ là thần tượng.

Họ chỉ bảo cho chúng tôi kinh nghiệm sống ở chiến trường. Từ những việc nhỏ nhất như "đi không dấu, nấu không khói, nói không tiếng", cho đến cách bám địch, cách gài mìn, cách vào ấp không bị tụi bảo an dân vệ, tề nguỵ phát hiện. Tóm lại, tất cả các bài học về kẻ địch nhiều khi không có trong bài giảng ngày huấn luyện ở ngoài bắc.

Năm 1969, chiến trường Trị Thiên Huế thật ác liệt. Mỹ đổ quân càn lên miền Tây, chiếm các cao điểm phòng thủ ở Cô Ca Ba, Dốc Chè. Địch càn ra ngoài đường tuyến đánh vào các kho binh trạm. Khắp thung lũng A Sầu, A Lưới, trên đường tuyến máy bay Mỹ ném bom đánh chặn các đoàn xe của bộ đội suốt đêm ngày. Dưới đồng bằng, vùng đồi trọc giáp ranh Sư đoàn 1 nguỵ càn quét, lùng sục hậu cứ, chốt chặn cửa rừng không cho bộ đội du kích về bám dân.

Bộ đội, du kích, cán bộ huyện xã, thành phố, lính biệt động không về được dân đều đói, sốt rét, bị thương, hi sinh sau mỗi đêm đột kích về làng gặp địch. Nhưng không lẽ bỏ dân, bỏ giáp ranh lên miền Tây? Kỷ luật là cái chắc! Bộ đội Công trường 5, lính của ông Chi, của ông Thân Trọng Một đã thề "dù thành vượn, vượn thành duộc cũng phải bám giáp ranh, tìm đường về với dân. Còn dân, còn có ngày về giải phóng Huế”.

Huế đang vào mùa mưa. Đồng bằng trắng nước. Trong một trận đánh về ấp Phú Ổ, xã Hương Thái (quê hương anh Hữu Ngọc đội trưởng đôi biệt động thành phố, sau này là Phó Bí thư Tỉnh uỷ Thừa Thiên - Huế), bộ đội C3 KX phối hợp với biệt động thành phố về đánh liên đoàn Bảo an số 23. Trong trận đánh ấy chẳng may có anh Can "già" bị thương.

Một quả đạn cối cá nhân nổ gần khiến anh Can bị đứt năm khúc ruột. Máu thấm đỏ áo, võng cáng. Suốt chặng đường ba tiếng đi cáng từ làng lên hậu cứ trên rừng. Thêm một ngày trời đạp rừng, vượt qua dốc Đoác, khe Trái lên địa đạo 310 tới được trạm phẫu Nhô bên bờ nam sông Bồ. Anh Can lúc mê lúc tỉnh. Tỉnh khi nào là đòi uống nước.

Uống xong anh bảo: "Tụi bay cáng tao đi chi cho mệt. Tao sắp chết rồi. Trước khi xa tụi bay tao hát cho nghe bài hát quê tao. Bài “Áo anh sứt chỉ đường tà”! Tụi bay biết không?". Vừa khiêng cáng mệt, vừa đói, vừa sợ gặp địch phục kích, nghe anh Can nói chúng tôi không cầm được nước mắt. Bị thương mà tỉnh lại đòi uống nước chết là cái chắc! Không ai ngăn được tiếng hát của Can. Không phải anh hát mà anh đọc từng con chữ trong bài thơ "Mầu tím hoa sim" của Hữu Loan. Giọng anh Can khản đục, âm sắc giọng nói của người xứ Thanh chẳng lẫn vào đâu được."... nàng có ba người anh đi bộ đội... Chiều hành quân qua những đồi sim... những đồi sim... tím cả chiều hoang biền biệt..."

Chúng tôi lên tới trạm phẫu Nhô đã nhọ mặt người. Anh Can đã lạnh. Chúng tôi đã chôn người lính Thanh Hóa ấy ở một triền đồi lau bên sông Bồ.
 

2. Năm 1980, tôi dạy học ở Nha Trang, Tuy Hoà. Vào mùa đưa sinh viên đi thực tập, ngày hè tôi rảnh rỗi đi chơi khắp các vùng quê. Có một ngày tôi về Hoà Hiệp Nam, quê của một trò nằm dưới chân đèo Cả. Vùng Hoà Hiệp có ba xã. Đây là một địa bàn quân sự quan trọng. Người Mỹ đã xây dựng sân bay Đông Tác, căn cứ quân sự. Hai ngày trời tôi theo học trò đi chơi thăm làng cá, lặn ngụp ở Vũng Rô, leo lên Đá Bia coi thử bút tích của vua Lê Thánh Tông trong chuyến tuần du phương nam cách đây gần 600 năm.

Về làng biển các thầy cô giáo được cả gia đình trò quý mến. Bữa cơm nào trò cũng đãi thầy cua ghẹ. Có một buổi trưa bà giáo, mẹ của cậu học trò lấy ra từ trong tủ sách đưa cho tôi một cuốn vở học sinh bọc mấy lần giấy ni lông để tránh ẩm mốc. Bà giáo tuổi đã ngoài sáu mươi nhưng còn đẹp lão, cả đời gắn bó với nghề dạy học. Bà mở tập vở cho tôi coi một bài thơ viết tay. Lần đầu tiên tôi được đọc trọn vẹn bài thơ "Đèo Cả" của nhà thơ Hữu Loan. 

"Đèo Cả / Đèo Cả / Núi cao ngất / Mây trời Ai Lao / Sầu đại dương / Dặm về heo hút / Đá Bia mù sương /... Gian lao lòng không nhụt / Căm thù 100 năm xa / máu thiêng sôi dào dạt / Từ nguồn thiêng ông cha / xây chiến luỹ... Xâm lăng.../ súng thèm / gươm khát... Giặc từ Vũng Rô bắn tới / Đèo Cả vẫn giữ vững / chân đèo Nam máu giặc / mấy lần máu khô / suối mang bóng người... Soi những về đâu?

Bài thơ Hữu Loan viết trong những ngày ông tham gia bộ đội Vệ quốc đoàn "Nam tiến" 1946. Ngày ấy Mặt trận Nha Trang vỡ. Quân Pháp đang đánh ra Phú Yên. Bà giáo dạy tiểu học ở Phú Lâm, chả hiểu sao bà có được bài thơ ấy? Bài thơ có trong cuốn sách gia bảo của gia đình đã tồn tại ngót nửa thế kỉ. Nhà bà giáo đã ba lần bị cháy rụi, mấy lần chạy càn... Người mất, tiền của ra tro. Cuốn sách và bài thơ của Hữu Loan là còn nguyên. Bà giáo khoe: "Bài thơ ông nhà tôi tặng cho tôi ngày chúng tôi cưới nhau đấy thầy giáo ạ"! Cụ Hữu Loan ơi, ở một phương trời xa ngái, cụ có nghe được những lời này?

Thế gian biến cải. Người ở lại gắn bó với quê hương, kẻ vượt biên, người bỏ đi Sài Gòn làm thuê làm mướn. Người chết, nhà trôi... Mùa lúa vàng trên cánh đồng Tuy Hòa. Chỉ có núi Đá Bia thì vẫn còn đó, mưa nắng dãi dầu chung thuỷ với con người xứ này.

Ở đấy, mỗi độ xuân về trong dãy đại sơn hùng vĩ trên các triền núi, trảng cát, khe suối... Mai núi nở vàng. Đàn ong rừng theo gió xuân à à bay về hút mật.

Xem thêm
Đàm Vĩnh Hưng xác lập kỷ lục

Đàm Vĩnh Hưng nhận bằng kỷ lục 'Ca sĩ trình diễn nhiều tiết mục mashup nhất trong một chương trình ca nhạc' tại liveshow 'Ngày em thắp sao trời'.

Quảng Trị Marathon 2024: Chốt phương án bảo đảm an toàn cho vận động viên

Sau khi thực địa đường chạy, Ban tổ chức Quảng Trị Marathon 2024 - Hành trình về Đất lửa đã thống nhất các phương án đảm bảo an toàn cho vận động viên.

Cây phong lá đỏ 115 tuổi hút du khách ở Sa Pa

LÀO CAI Cây phong lá đỏ ở Sa Pa thu hút nườm nượp du khách đến chiêm ngưỡng, chụp ảnh.

Bình luận mới nhất

Trong bài này, tác giả (sau đây xưng là Nattoi) để cập chủ yếu 03 vấn đề, trong đó chủ yếu tập trung cho giải quyết vấn đề số 1, hai vấn đề còn lại chỉ được nhắc đến: Một: Phương pháp thiết kế điều tiết lũ hiện hành chưa đưa thông số mực nước an toàn ở hạ du vào tính toán nên yêu cầu phòng chống lũ cho hạ du chưa được đảm bảo và không có tiêu chí để xác định hiệu quả vận hành giảm lũ. Vấn đề này đã được Nattoi giải quyết cả về mặt lý thuyết và thực hành (trình bày ở mục 3.4). Hai: Tiêu chí xác định MNCNTL, MNTNĐL không được công khai, minh bạch, làm cho việc kiến nghị điều chỉnh hạ thấp 2 mực nước đối với các hồ chứa thủy điện nhằm tăng dung tích trống phòng lũ là điều bất khả. Về vấn đề này (trình bày tại Mục 3.1), Nattoi chưa nêu cụ thể phương án giải quyết là để tập trung nội dung vào vấn đề số 1 như đã nêu, nhưng hướng giải quyết là đã có. Ba: Vấn đề bán con trâu mà tiếc sợi dây thừng: Thiết kế xây dựng đập, hồ chứa nước được tính toán an toàn ổn định lật, trượt đến mực nước lớn nhất thiết kế và kiểm tra với mực nước lớn nhất kiểm tra, cho phép giữ mực nước hồ không vượt quá mực nước lớn nhất kiểm tra nhưng lại chỉ cho phép sử dụng dung tích trống phòng lũ đến mực nước dâng bình thường là sự lãng phí ghê gớm trong đầu tư xây dựng và quản lý an toàn đập, hồ chứa nước. Hướng giải quyết vấn đề số 3 (trình bày tại Mục 3.2) vốn là tự nhiên đã có nhưng không được sử dụng vì không nghĩ đến giảm lũ cho hạ du.
+ xem thêm