| Hotline: 0983.970.780

Ăn cám Con Cò, vịt đẻ quái trứng?!

Thứ Ba 19/04/2011 , 10:17 (GMT+7)

Theo các hộ nông dân nuôi vịt thì hiện tượng vịt rụng lông, đẻ quái trứng... chỉ xuất hiện sau khi ăn phải lô cám Con Cò kém chất lượng.

Trong những ngày đầu tháng 4, nhiều đàn vịt đẻ ở huyện Phổ Yên, tỉnh Thái Nguyên bỗng dưng bị rụng lông, đi ngoài phân trắng và đẻ trứng quái dị… Theo các hộ nông dân nuôi vịt thì hiện tượng này chỉ xuất hiện sau khi ăn phải lô cám Con Cò kém chất lượng.

Vịt đẻ trứng hai vỏ, không lòng đỏ

Ngày 28/3, ông Trần Đình Văn ở thôn Tảo Dịch, xã Tân Phú mua 20 bao cám nhãn hiệu Con Cò, mã C64 (40)v, loại dành cho vịt đẻ của Công ty Cổ phần Việt-Pháp để chăn đàn vịt gần 1.000 con của gia đình. Đàn vịt của ông Sơn ăn lô cám trên được một thời gian thì có nhiều dấu hiệu lạ như: rụng lông, đi ngoài phân trắng, kèm theo đó vịt cũng ngừng đẻ. Sản lượng trứng thu hoạch bị tụt xuống rất nhanh. Đàn vịt đang độ đẻ 70% trứng bỗng sụt còn 50% trong 3 ngày đầu, sau đó tiếp tục giảm dần xuống 40%, 20% rồi “tịt” hẳn.

Ban đầu ông Văn nghĩ là vịt bị bệnh đi ngoài nên mua thuốc phòng đi ngoài cho vịt uống. Theo kinh nghiệm của ông thì chỉ cần cho vịt uống khoảng 100 ngàn tiền thuốc là vịt sẽ khỏi nhưng lần này đàn vịt của ông đã uống tới vài trăm ngàn mà không hề có dấu hiệu thuyên giảm bệnh. Từ 7-10 ngày sau vịt bắt đầu lác đác bị chết, nhưng con còn lại trong đàn cũng ngắc ngoải, kém ăn. Kì lạ là vịt thi thoảng lại đẻ ra những quả trứng vẹo vọ rất khó coi. Thậm chí có quả trứng có tới hai lớp vỏ, lớp vỏ ngoài mỏng hơn lớp vỏ trong và hoàn toàn không có lòng đỏ.

 Ông Văn cho biết, không chỉ đàn vịt đẻ bị ốm mà cả 380 con vịt thịt và hơn 100 con ngan của gia đình cứ đàn nào được cho ăn loại cám này cũng rụng lông và chết. Riêng đàn ngan của ông đã chết tới quá nửa. E rằng đàn gia cầm đang mắc phải một chứng bệnh lạ, ông Văn điện thoại hỏi cán bộ thú y thì được cảnh báo phòng chống dịch bệnh H5N1 nên hốt hoảng rắc vôi bột khắp trang trại rồi bán tống bán tháo số ngan vịt còn lại. Vịt đang đẻ bán thành vịt thịt. Vịt chạy đồng chưa đủ lớn cũng phải bán tháo với giá rẻ như cho không.

Tính ra, mỗi con vịt nuôi đến chu kì đẻ ông Văn phải chi phí xấp xỉ 100.000 đồng nhưng nếu bán vịt thịt chỉ được giá 50-55 ngàn/kg. Như vậy riêng đàn 500 con vịt đẻ đã lỗ vốn mất hàng chục triệu đồng, cộng cả đàn vịt chạy đồng và đàn ngan thì vụ này ông Văn lỗ tới vài chục triệu. Đàn vịt của gia đình em vợ ông là Nguyễn Công Phúc ở thôn Hương Đình, được chăn 5 bao cám cùng mua chung một xe cũng mắc phải chứng bệnh tương tự. Nhưng do chăn ít vịt, không sợ lây bệnh sang những con khác nên ông Phúc cố cầm cự, đến khi đổi cám cho vịt ăn thì đàn vịt dần hồi phục, mọc lông trở lại và cho đến nay bắt đầu tiếp tục đẻ.

Tiền lệ xấu

Không xác định được nguyên nhân khiến vịt bị ốm nên ông Văn đã phải bán tháo đàn vịt đẻ của mình để chịu lỗ. Chỉ đến khi ông Trần Hồng Sơn một chủ nuôi vịt ở thôn Vân Trai 3 gọi điện đến thông báo rằng hiện tượng vịt rụng lông, tịt đẻ đã xảy ra ở Nghệ An, Hà Tĩnh và do cám Con Cò kém chất lượng thì ông Văn mới tìm đến gặp đại lí để “khiếu nại”. Cùng lúc đó ông Sơn cũng đã phải bán tháo đàn vịt đẻ và đề nghị chính quyền địa phương can thiệp.

Trao đổi với phóng viên, ông Sơn tâm sự: Tôi nuôi vịt 4 năm rồi. Cũng có kinh nghiệm. Tôi xác định chắc chắn không phải dịch bệnh vì nếu là dịch thì đàn vịt thịt của tôi cũng phải bị lây. Nhưng đằng này chỉ có đàn vịt đẻ được chăn bằng lô cám lấy ngày 28/3 bị hiện tượng này. Cách đó ít ngày tôi đi chùa với mấy người quen nuôi vịt ở xã khác các bà ấy bảo có hiện tượng lạ vịt rụng lông và nghi là do cám. Lúc ấy đàn vịt nhà tôi chưa bị nên tôi nghĩ có thể vịt nhà đó để bẩn nên bị nấm lông. Sau khi có hiện tượng trong đàn vịt nhà mình tôi mới điện thoại hỏi lại thì họ bảo đã đổi cám khác và vịt lại phát triển bình thường. Tôi lại điện thoại hỏi Cty TNHH MTV Chăn nuôi Thú y Thái Nguyên thì người ta bảo là có thể ở nơi khác có vấn đề nhưng lô cám cung ứng cho thị trường Phổ Yên không sao.

Hiện chưa có kết luận khoa học về nguyên nhân dẫn tới hiện tượng vịt rụng lông và đẻ trứng quái dị ở Phổ Yên, được biết cán bộ Phòng NN- PTNT huyện và Trạm Thú y đã về lấy mẫu lô cám trên để gửi đi xét nghiệm.

Tìm hiểu nhiều nơi thì ông Sơn có thêm thông tin ở huyện Thạch Hà, tỉnh Hà Tĩnh và huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An, nông dân cho vịt ăn cám Con Cò bị rụng lông, chết hàng loạt. Xác định được nguyên nhân rồi nhưng ông Sơn vẫn phải bán vì nếu đổi cám cũng phải nuôi thêm một tháng vịt mới hồi phục và tiếp tục đẻ trong khi đó mỗi ngày đàn vịt nhà ông ăn hết 600 ngàn tiền cám. Một tháng là 18 triệu đồng. Ông còn hơn 1.000 con vịt thịt nữa phải nuôi nên không thể quay nổi lượng cám lớn như vậy.

Làm nông nghiệp, đối mặt với dịch hại, lỗ lã là chuyện thường nhưng điều mà ông Sơn bức xúc là ở chỗ: “Cty sản xuất cám Con Cò không thể không biết về lô cám kém chất lượng vì nông dân ở nhiều tỉnh miền Trung đã bị thiệt hại. Bực nhất là đáng ra phải thu hồi cám tránh thiệt hại cho dân nhưng phía công ty lại cố tình làm ngơ”.

Xem thêm
Kon Tum ưu tiên thu hút các dự án chăn nuôi công nghệ cao

Tỉnh Kon Tum chú trọng thu hút các dự án chăn nuôi công nghệ cao, quy trình khép kín từ khâu sản xuất, con giống đến chế biến, phân phối sản phẩm ra thị trường.

Tiêu hủy hơn 15.000 con vịt giống không rõ nguồn gốc

Ngày 3/5, tại phường Hải Xuân, TP Móng Cái, Cục Quản lý thị trường tỉnh Quảng Ninh đã phát hiện và tiêu hủy hơn 15.000 con vịt giống không rõ nguồn gốc xuất xứ.

Độ mặn trên hệ thống thủy lợi Tả Trạch đảm bảo cho sản xuất

Các đơn vị quản lý, khai thác kiểm tra độ mặn ở các trạm bơm, cống lấy nước trước khi vận hành để đảm bảo yêu cầu sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thuỷ sản.