| Hotline: 0983.970.780

An cư cho vùng tái định cư [Bài 2]: Làng trũng 'chạy' lên cao

Thứ Tư 10/05/2023 , 06:42 (GMT+7)

Người dân những bản làng trũng thấp 'cứ mưa là ngập' ở huyện biên giới Chư Prông (tỉnh Gia Lai) đã đổi đời khi được tái định cư tại những vị trí đắc địa.

Những ngôi làng tái định cư của người đồng bào các dân tộc khu vực tây bắc ở xã Ia Piơr. Ảnh: Đăng Lâm.

Những ngôi làng tái định cư của người đồng bào các dân tộc khu vực tây bắc ở xã Ia Piơr. Ảnh: Đăng Lâm.

Làng người Dao ở Ia Piơr

Khoảng 25 năm trước, không ít người đồng bào dân tộc Mông, Tày, Nùng ở các tỉnh phía Bắc như Hòa Bình, Lạng Sơn, Cao Bằng di cư vào cánh đồng lúa ở thôn Đoàn Kết thuộc xã Ia Piơr, huyện Chư Prông, tỉnh Gia Lai sinh sống.

Những cánh đồng lúa nước đã đủ cung cấp lương thực cho bà con. Những cánh đồng cỏ mướt xanh của thảo nguyên mênh mang là nơi chăn thả lý tưởng cho đàn gia súc. Thế rồi, người nhà, và cả người làng của họ ở quê cũng vào theo, xem đây là quê hương thứ hai để lập nghiệp.

Dù đất đai màu mỡ, kinh tế có phần khấm khá hơn, nhưng nơi ở của các hộ còn thấp trũng, điều kiện sinh hoạt gặp không ít khó khăn. Với mong muốn giúp dân có chỗ ở ổn định, chính quyền địa phương nơi đây đã lần lượt đầu tư 2 khu tái định cư.

Vượt trên trăm cây số để đến với khu tái định cư cho dân di cư ở thôn Đoàn Kết, hiện ra trước mắt chúng tôi là một khu dân cư với địa hình bằng phẳng, lưng tựa núi, bao quanh là đồng lúa mênh mông. Những ruộng sắn rộng bao la được máy móc cơ giới lớn san ủi trước khi gieo trồng. Từng tốp người hớn hở đánh xe ra đồng thu hoạch nông sản…

Rời quê hương Cao Bằng, ông Triệu Văn On (dân tộc Dao) vào đây lập nghiệp từ năm 2003. “Đất đai cằn cỗi, làm không đủ ăn nên tôi đưa gia đình vào đây lập nghiệp. Ở đây đất rộng và màu mỡ, trồng lúa, trồng sắn đều tốt nên quanh năm không lo đến cái đói”.

Là người có đức độ, lại chăm chỉ làm việc nên ông On là một trong những người có uy tín trong vùng, do vậy ông được bà con bầu làm trưởng thôn Đoàn Kết. Ông kể: Ngày mới vào đây lập nghiệp, chưa quen thông thổ, tập tục, khí hậu nên một số người có vẻ nản lòng. Tuy nhiên ông ra sức thuyết phục bà con ở lại: “Chịu khó lao động rồi đất sẽ không phụ công mình”. Bà con nghe lời ông, ở lại bám đất bám vườn, bỏ sức lao động trên vùng đất mới.

Người dân ở khu tái định cư thôn Đoàn Kết (xã Ia Piơr) đang ngày càng an cư. Ảnh: Lê Khánh.

Người dân ở khu tái định cư thôn Đoàn Kết (xã Ia Piơr) đang ngày càng an cư. Ảnh: Lê Khánh.

Khi cuộc sống không còn lo đến miếng ăn, con người ta lại nghĩ đến những nhu cầu cao hơn, đó là chốn ở. Chẳng là khi mới vào, bà con chọn nơi gần sông suối, gần ruộng để định cư cho thuận tiện việc đồng áng.

Tuy nhiên hàng năm, cứ đến mùa mưa, làng bản lại ngập trong nước, thóc lúa không kịp kê cao là chìm, vài ngày nảy mầm. Không những thế, do hạ tầng yếu kém nên việc đi lại khó khăn, nhất là vào mùa mưa bão, rất nguy hiểm cho trẻ con, người già…

Thấy được mong mỏi của người dân nên năm 2004 và 2010, hai khu tái định cư đã được nhà nước đầu tư xây dựng. Với tiêu chí: Không xa nơi sản xuất, nhưng gần trường học, trạm y tế, có điện, có đường… hai khu tái định cư này là những điểm sáng của huyện biên giới Chư Prông.

“Bà con được di dời từ vùng trũng ở cánh đồng lúa lên đây ở. Khu tái định cư có đường, trường học, lại cao ráo, tốt hơn chỗ cũ nhiều. Nhờ ổn định chỗ ở nên bà con đã yên tâm làm ăn. Bà con đã biết dùng máy móc để sản xuất trên cánh đồng lớn, hiệu quả tăng lên rõ rệt”, Trưởng thôn Triệu Văn On không giấu được niềm vui.

Ngược về tỉnh Kon Tum, tin vui cho người dân các xã Đăk Long, Đăk Nhoong, Đăk Blô thuộc huyện biên giới Đắk Glei là tỉnh này đã duyệt chi 30 tỷ đồng, tập trung đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, nhằm ổn định di dân tự do tại xã 3 xã này. Riêng năm 2023, sẽ xây dựng mặt bằng 4ha, cùng công trình giao thông, điện, cấp nước sinh hoạt, nhà sinh hoạt cộng đồng.

Trả lời phóng viên Báo Nông Nghiệp Việt Nam, lãnh đạo Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng huyện Đăk Glei (chủ đầu tư dự án) cho biết: Với 30 tỷ đồng được cấp, dự kiến đơn vị sẽ xây dựng chỗ ở cho 63 hộ ở các thôn Dục Lang (xã Đăk Long), thôn Đăk Nớ (xã Đăk Nhoong) và thôn Buôn Kon (xã Đăk Blô). Những hộ này có nhiều nguồn gốc, trong đó có một số hộ di cư từ Lào sang và đã nhập quốc tịch Việt Nam. Cuộc sống của họ chưa ổn định. Dự án này sẽ giúp dân an cư lập nghiệp.

Thôn Cao Lạng ở vùng biên Ia Lâu

Tiếng là miền biên viễn, nhưng gần 90km từ TP Pleiku vào đến xã biên giới Ia Lâu của huyện Chư Prông đều là đường nhựa, đường bê tông phẳng lỳ. Lúc xuyên qua những khu dân cư sầm uất, khi vắt vẻo bên những sườn đồi, rồi bỗng dưng chui tọt vào vào trập trùng những khu rừng khộp miên man để rồi, thôn Cao Lạng dần hiện ra trước mắt.

Ông Ngạn (trái) và người dân trong vùng đã có cuộc sống ấm no, hạnh phúc. Ảnh: Đăng Lâm.

Ông Ngạn (trái) và người dân trong vùng đã có cuộc sống ấm no, hạnh phúc. Ảnh: Đăng Lâm.

Gọi là thôn Cao Lạng bởi trong thôn, chủ yếu là người Tày, Mường, Thái… ở các tỉnh Cao Bằng, Lạng Sơn di cư vào đây lập nghiệp. Gia đình ông Nguyễn Hữu Ngạn, Trưởng thôn Cao Lạng (người dân tộc Tày) vào vùng đất Ia Lâu lập nghiệp từ năm 2002. Trong ký ức của ông Ngạn thì thôn Cao Lạng lúc bấy giờ chỉ khoảng hơn chục hộ dân là người đồng bào dân tộc phía Bắc di cư vào đây lập nghiệp. 

Đến nay, trong thôn đã có 114 hộ với 1.015 nhân khẩu sinh sống. Cũng như nhiều hộ gia đình khác, mảnh đất vùng biên giới này đã đem đến cho gia đình ông Ngạn một cuộc sống ấm no, hạnh phúc. Tuy đã ngoài 80 tuổi, nhưng ông Ngạn vẫn cùng con cháu trong gia đình phát triển cây lúa nước kết hợp chăn nuôi gia súc, gia cầm. “Gia đình vừa bán 6 con heo nái và 1 con trâu, thu về gần 50 triệu đồng đấy”, ông Ngạn vui vẻ nói.

Để minh chứng cho lời nói của mình, ông Ngạn đưa chúng tôi đến thăm một số hộ trong thôn. Anh Nông Văn Bình (dân tộc Tày) đang chẻ tre đan lờ để bắt cá ngoài suối, gọi con trai pha nước tiếp khách. “Nhà tôi làm 3 sào ruộng (1 sào 1.000m2). Nhà có 5 người, gạo ăn không hết, chưa kể đến khoai, sắn, gần 2 sào cà phê. Cuộc sống tốt hơn nhiều so với ở ngoài quê”, anh Bình bộc bạch.

Đó là chuyện bây giờ, hay nói cách khác là câu chuyện vui từ khi nhà nước đầu tư xây dựng thôn định cư Cao Lạng này. Chứ như trong trí nhớ của ông Ngạn và người dân trong thôn thì cách đây khoảng 20 năm về trước, thôn Cao Lạng hoang sơ lắm. Người dân thưa thớt, kinh tế chủ yếu dựa vào cây lúa nước, khoai mì, cao su và một số loại cây nông nghiệp ngắn ngày khác.

Trước đây, bà con không mạnh dạn làm nông nghiệp mà chỉ sống dựa vào núi rừng. Nguyên nhân là trồng trọt phụ thuộc vào nước trời, những năm hạn hán, không có công trình phục vụ tưới, cây cối héo khô rồi chết dần chết mòn, bà con chán nản.

Nhưng từ khi hồ thủy lợi Pleipai được hình thành và đi vào hoạt động, nơi đây đã được khoác lên mình một màu xanh với ruộng lúa, vườn ngô, những nương khoai, những vườn cây ăn trái mang lại giá trị kinh tế cao.

Người dân trong thôn Cao Lang cùng dự bữa cơm mừng Tết Độc Lập. Ảnh: Lê Khánh.

Người dân trong thôn Cao Lang cùng dự bữa cơm mừng Tết Độc Lập. Ảnh: Lê Khánh.

“Bây giờ thu nhập của bà con muôn hình muôn vẻ, có anh thì tập trung vào cây điều, nhà thì cây lúa, nhà thì cây mì hay cà phê, cao su. Nói chung là cuộc sống bây giờ khá sung túc. Từ khi nhà nước đầu tư cho cái làng mới, người dân trong thôn không còn nỗi lo nước ngập mỗi khi đến mùa mưa, con trẻ được đến trường. Trạm ý tế, trường học cũng ngay bên cạnh. Cái gì cũng tiện”, ông Ngạn cho biết.

Ông Bùi Văn Dương, Phó Chủ tịch UBND xã Ia Lâu, cho biết: Trong năm qua, xã Ia Lâu đã tăng cường vận động, hướng dẫn các hộ nghèo phát huy các nguồn đầu tư từ cấp trên để tập trung đầu tư vào sản xuất có hiệu quả. Gần 500m kênh mương đã được sửa chữa nhằm đáp ứng nhu cầu tưới tiêu của người dân. Ngoài ra còn đầu tư làm mới nhiều con đường nông thôn trong các thôn. “Việc phát triển kinh tế - xã hội trong xã đã có nhiều chuyển biến tích cực. Xã huy động các ban, ngành đoàn thể cùng hợp sức chăm lo đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân. Nhờ đó, tình hình an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội luôn được bảo đảm”, ông Dương chia sẻ.

Bí thư Huyện uỷ Chư Prông, ông Đinh Văn Dũng, cho biết: Địa phương luôn quan tâm đến việc ổn định cho các hộ dân từ các tỉnh phía Bắc di cư vào. Nhiều dự án đã được đầu tư như làm đập dâng, kênh mương để tưới 500ha cây trồng; xây dựng trường học, nhà văn hóa… Mới đây, HĐND tỉnh Gia Lai cũng phê duyệt 45 tỷ đồng để đầu tư các hạng mục vào thôn Đoàn Kết.

Việc đầu tư này thể hiện sự quan tâm của Đảng, Nhà nước đối với đồng bào dân tộc, giúp bà con ổn định cuộc sống, nâng cao trình độ dân trí. Huyện sẽ triển khai sớm các hạng mục để phát huy hiệu quả, giúp dân an cư. Cũng theo ông Dũng, nhờ được đầu tư, mà đời sống người dân thôn Đoàn Kết ngày một nâng cao.

Xem thêm
Sống lại ký ức hào hùng trên tuyến đường 1C huyền thoại

KIÊN GIANG Tuyến đường 1C nối đường Hồ Chí Minh trên bộ nhằm vận chuyển hàng hóa, vũ khí, thuốc cứu thương, nhu yếu phẩm và đưa rước cán bộ chi viện cho chiến trường miền Nam.

Người dân ĐBSCL sáng tạo, thích ứng tốt với xâm nhập mặn

ĐBSCL Trải qua các đợt ảnh hưởng xâm nhập mặn, người dân ĐBSCL tích lũy nhiều kinh nghiệm, chủ động, sáng tạo các giải pháp ứng phó trong mùa khô 2023 - 2024.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Chuyện làm du lịch ở miền núi Phú Thọ: [Bài 1] Đồi chè Long Cốc, nàng tiên không ban cho dân được mấy tiền

'Không mấy ai nhìn ra giá trị của rừng Xuân Sơn, Tân Sơn nên bỏ lỡ cơ hội phát triển du lịch', TS. Ngô Kiều Oanh tiếc rẻ.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm