| Hotline: 0983.970.780

An cư cho vùng tái định cư: [Bài 3] Rạng rỡ Đăk Smar

Thứ Năm 11/05/2023 , 08:26 (GMT+7)

Gia Lai Hơn một thập kỷ sau cuộc đại di dời nhường đất thi công Thuỷ điện An Khê-KaNak, những nụ cười rạng rỡ luôn hiện hữu ở những khu tái định cư xã Đăk Smar.

Những cánh rừng cao su bạt ngàn nơi khu tái định cư. Ảnh: Đăng Lâm.

Những cánh rừng cao su bạt ngàn nơi khu tái định cư. Ảnh: Đăng Lâm.

Nhường đất làm hồ thủy điện

Khởi công công trình thủy điện An Khê-KaNak, không những phải hy sinh một số diện tích rừng, đất sản xuất của người dân, mà còn phải lấy đi không ít buôn làng của đồng bào một số xã của huyện Kbang, tỉnh Gia Lai. Xã Đăk Smar là một trong những xã có số hộ dân phải di dời nhường đất làm thủy điện nhiều nhất của huyện Kbang.

Phó Chủ tịch UBND xã Đăk Smar, anh Lê Duy Tân cho biết: Trước Tết Nguyên đán năm 2010, hàng trăm hộ dân ở các làng Cam, Krối và thôn 2 cũ di dời lên 3 khu tái định cư mới ở gần trụ sở UBND xã để nhường đất cho dự án Thủy điện An Khê-KaNak.

Hồi đó, vận động bà con bỏ làng cũ, về định cư ở khu tái định cư gặp không ít khó khăn. Điều này dễ lý giải bởi làng cũ là nơi họ đã sống qua nhiều thế hệ, là nơi gần như gắn bó máu thịt, còn là nơi thiêng liêng khi mà những người thân sau khi về với cõi Atau (chết) đang còn nằm đó…

Tuy nhiên, thông qua sự vận động, giải thích thấu tình đạt lý của chính quyền địa phương, của các đoàn thể, đồng thời thấy được cái lợi ích to lớn về sau nên dần dà, bà con cũng nghe theo, chia tay làng cũ về nơi ở mới.

Già Đinh Duih (dân tộc BahNar, trú thôn 1, xã Đăk Smar) nhớ lại: Hồi còn ở làng cũ, tuy cuộc sống có chật vật, thiếu thốn, nhưng khi nói bỏ làng lên sống ở khu tái định cư, ai cũng bùi ngùi. “Hơn nửa đời người sống ở ngôi làng cũ với bao buồn vui, sướng khổ, giờ nói bỏ làng ra đi thì nhớ lắm. Nhưng được cán bộ vận động, giải thích, thấy làm thủy điện mang lại nhiều lợi ích cho dân làng mình, do vậy mình cùng những người già khác trong làng vận động bà con về nơi ở mới”, già Đinh Duih nhớ lại.

Trước năm 2010, già Đinh Duih sống ở làng Cam. Theo trí nhớ của ông thì “hồi đó, ở làng cũ cuộc sống khó khăn lắm. Từ đường sá đi lại gập ghềnh đến nhà ở tạm bợ, canh tác thì chỉ mấy cây bắp, lúa tra hạt xuống đất rồi giao cho…trời. Đói triền miên. Lũ nhỏ thất học nhiều vì nhà ở xa trường…”.

Ông Đinh Duih bên căn nhà khang trang. Ảnh: Đăng Lâm.

Ông Đinh Duih bên căn nhà khang trang. Ảnh: Đăng Lâm.

Cũng theo già Đinh Duih thì sau khi nhà nước có chủ trương lấy đất làm hồ chứa cho Thủy điện An Khê- KaNak, cả làng dời lên khu tái định cư này ở. Từ đó đến nay, cuộc sống được lật sang trang mới.

Bà con được ở trong những ngôi nhà xây sạch sẽ, kiên cố, đường sá được bê tông hóa đến tận cổng mỗi ngôi nhà. Rồi còn được cán bộ huyện xuống tận làng hướng dẫn trồng loại cây cho thu nhập cao. “Mừng nhất là nhà nào cũng khấm khá. Nhà mình cũng thế”, già Duih móm mém cười.

Chương mới ở làng tái định cư Đăk Smar

Giờ, đã mười ba năm, kể từ khi những người BahNar rời làng cũ, nhường đất cho thủy điện An Khê- KaNak về sống ở khu tái định cư. Ở đây, đi đến đâu cũng có thể bắt gặp những nụ cười rạng rỡ bởi cuộc sống được yên ổn, no đủ.

Hơn sáu mươi tuổi, nhưng già Đinh Duih vẫn còn khỏe lắm. Chở chúng tôi trên chiếc xe u oát bon bon qua mấy con đường nội đồng dẫn ra khu đất sản xuất của gia đình, già Duih kể tiếp: “Mình có mấy sào lúa nước liền kề với vườn cao su đã khai thác được 5 năm. Còn 9 sào cà phê cách nhà ở chừng hai cây số.

Nhờ có đường sá thuận tiện nên việc sản xuất của bà con luôn thuận lợi, không còn bị tiểu thương ép giá nông sản như ngày xưa. Nhà mình năm rồi trừ hết chi phí còn được 100 triệu gửi ngân hàng. Ít bữa nữa đứa con ra ở riêng, sẽ lấy tiền này làm nhà cho nó. Mấy năm trước cũng thu được chừng đó, đã mua máy móc phục vụ công việc đồng áng, làm nhà sàn và mua sắm xe máy, ô tô hết rồi”.

Bà Mậu bên vườn cao su của gia đình. Ảnh: Đăng Lâm.

Bà Mậu bên vườn cao su của gia đình. Ảnh: Đăng Lâm.

Cách khu sản xuất của thôn 1 chừng 1km là vườn cao su rộng 1,9ha của gia đình bà Lê Thị Mậu (trú tại thôn 2). Bà Mậu quê ở Thanh Hóa. Vì cuộc sống khó khăn, năm 1996, gia đình bà vào Kbang định cư. Tích cóp được ít tiền từ làm thuê ở trong này, bà mua mảnh đất tại thôn 2 cũ và dựng căn nhà nhỏ để ở. Khi ấy dù không đến mức thiếu thốn lương thực lúc giáp hạt nhưng cũng bộn bề khó khăn.

“Đầu năm 2010, tôi chuyển lên khu tái định cư để ở. Từ đó đến nay, cuộc sống gia đình ngày càng tốt hơn nhờ 1,9ha cao su, 200 cây cà phê và hơn 1 sào lúa nước. 5 năm qua, sau khi trừ chi phí, gia đình đút túi chừng 100 triệu đồng/năm. Nhờ thế mà tôi có tiền nuôi con cái ăn học nên người. Nhà neo người, tôi đã lớn tuổi nên phải thuê người làm chứ nếu bỏ công thì thu nhập khá hơn”, bà Mậu cho biết.

Khu tái định cư thôn 2 nằm sát trụ sở UBND xã Đăk Smar, sầm uất như một khu phố thu nhỏ. Nhà cửa xây dựng sẵn khang trang. Đường giao thông được đổ bê tông phẳng phiu, sạch sẽ. Cây xanh trồng trên vỉa hè tỏa bóng che mát cho nhà dân. Buổi tối, ánh điện sáng rợp một góc rừng.

Mong được hưởng chính sách đặc thù về di dân

13 năm sau di dời, đời sống của các hộ dân ở các khu tái định cư ngày càng có những bước tiến theo chiều hướng tích cực. Nhiều hộ dân có thu nhập cao, mỗi năm hàng trăm triệu đồng. Đơn cử như ông Đinh Blốp có thu nhập 250 - 300 triệu đồng/năm. Ngoài ra, gia đình già Đinh Duih cũng là tấm gương sáng của các hộ dân trong thôn 1 về phát triển kinh tế gia đình với lợi nhuận 70 - 100 triệu đồng/năm.

Điều phấn khởi nhất là thu nhập của bà con người BahNar (chiếm 81% dân số của xã) được tăng lên qua từng năm. Hiện nay, bình quân thu nhập đầu người của 1.483 nhân khẩu trong xã là 34,49 triệu đồng/năm.

Những năm tới, chắc chắn thu nhập sẽ tăng lên bởi diện tích trồng cây mắc ca của người dân trong xã trồng mới khá nhiều. Quan trọng nhất là giúp người dân, nhất là người dân tộc thiểu số trên địa bàn thay đổi nếp nghĩ, cách làm và chú trọng phát triển kinh tế gia đình.

Ông Lê Thanh Sơn, Phó Chủ tịch UBND huyện Kbang cho biết: Năm 2009, thực hiện dự án thủy điện An Khê-KaNăk, trên địa bàn huyện có 6 thôn, làng với 345 hộ thuộc 2 xã Lơ Ku và Đak Smar phải tái định cư.

Riêng xã Đak Smar có 193 hộ tái định cư, đã được thụ hưởng hầu hết các chính sách hỗ trợ tái định cư theo quy định. Các hộ tái định cư được giải quyết đất ở, hỗ trợ nhà xây cấp 4 kiên cố và công trình phụ; đất sản xuất được hỗ trợ theo quy định.

Hầu hết diện tích đất tái định canh được hộ dân đưa vào sản xuất có hiệu quả. Trong đó, đối với làng Cam và thôn 2, huyện đã hỗ trợ nhiều hộ trồng cây cao su từ năm 2012, đến nay đã cho thu nhập ổn định, bình quân trên 10 triệu đồng/hộ/tháng.

Đối với làng Krối, huyện đã hỗ trợ sản xuất lúa nước, tiếp tục đầu tư kiên cố kênh mương công trình thủy lợi Đak Plen, hỗ trợ trồng cây hoa màu. Về cơ sở hạ tầng, đường trục xã, đường trục chính thôn, làng được đầu tư bê tông xi măng; đầu tư công trình cấp nước sinh hoạt tập trung, 1 công trình thủy lợi, các công trình hạ tầng thiết yếu khác như trụ sở xã, nhà văn hóa thôn, làng, trường học, trạm y tế… được đầu tư cơ bản đáp ứng yêu cầu tại thời điểm thực hiện tái định cư.

Về lâu dài, địa phương rất mong muốn được cấp có thẩm quyền xem xét, giải quyết để nhân dân được thụ hưởng chính sách hỗ trợ theo Quyết định số 64/2014/QĐ-TTg ngày 18/11/2014 của Thủ tướng Chính phủ ban hành chính sách đặc thù về di dân, tái định cư các dự án thủy lợi, thủy điện.

Phó Chủ tịch xã Đăk Smar, anh Lê Duy Tân, chia sẻ: “Nhờ được về ở nơi tái định cư, bà con BahNar đã có đời sống khấm khá hơn, cả về vật chất lẫn tinh thần. Người BahNar ở đây nay đã quá quen với việc trồng lúa nước, ngoài ra còn có các loại cây trồng khác cho thu nhập cao như cà phê, cao su, mắc ca… Bây giờ, đồng bào không còn phải lo đến cái đói, lo con cái thất học hay lo nghĩ đến vấn đề chăm sóc sức khỏe của cán bộ y tế như trước nữa”.

Xem thêm
Chiều 2/5, Quốc hội họp bất thường lần thứ 7

Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định triệu tập Kỳ họp bất thường lần thứ 7, Quốc hội khóa XV để xem xét nội dung về công tác nhân sự thuộc thẩm quyền.

ĐBSCL thiếu nước hay không biết giữ nước?

CẦN THƠ 'Sông có nước, trên trời có nước, vậy tại sao ĐBSCL lại thiếu nước?', vấn đề được các chuyên gia đặt ra để đi tìm giải pháp cho câu chuyện giữ nước của vùng.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Cò đã trắng trên miền cát mặn

Một bầy cò trắng tranh nhau dầm những đôi chân khẳng khiu trong hồ nước hiếm hoi giữa miền cát trắng. Nghe tiếng động, chúng nháo nhác bay lên, sải những đôi cánh trắng muốt...

Bình luận mới nhất