| Hotline: 0983.970.780

An toàn dịch bệnh nhờ chăn nuôi công nghệ cao: [Bài 1] Nuôi vịt trên sàn lạnh

Thứ Ba 03/10/2023 , 08:52 (GMT+7)

BÌNH DƯƠNG Chi phí đầu tư thấp, hạn chế rủi ro dịch bệnh, hiệu quả kinh tế cao là ưu điểm của mô hình chăn nuôi vịt công nghệ cao trên sàn trong môi trường lạnh.

Trang trại vịt trên sàn lạnh của anh Thành tại ấp Tân Bình, xã An Thái. Ảnh: Trần Trung.

Trang trại vịt trên sàn lạnh của anh Thành tại ấp Tân Bình, xã An Thái. Ảnh: Trần Trung.

Bước ngoặt khi thử sức hướng đi mới

Khi nói tới nghề nuôi vịt, nhiều người thường nghĩ ngay tới vùng đồng bằng sông nước, nơi có những cánh đồng lúa thẳng cánh cò bay. Tuy nhiên, khi đến với những cánh rừng cao su bạt ngàn tại Bình Dương, mọi người không khỏi bất ngờ chứng kiến nuôi vịt trên sàn trong môi trường lạnh công nghệ cao.

Theo chân cán bộ hội nông dân xã An Thái (huyện Phú Giáo) đến thăm mô hình chăn nuôi vịt công nghệ cao trên sàn trong môi trường lạnh gần 20.000 con của gia đình anh Phạm Ngọc Thành tại ấp Tân Bình, điều ấn tượng nhất là các dãy nhà bạt nuôi vịt được dọn dẹp tươm tất, không có mùi hôi thối. Bên trong mỗi nhà bạt được làm sàn lưới mắt cáo bằng nhựa, cách mặt đất khoảng chừng 50cm để vịt ở trên sàn cao ráo, thoáng mát, sạch sẽ. 

Trên trần nhà bạt được thiết kế xốp cách nhiệt, hai bên hông được gắn máy quạt phun nước để tạo không khí mát mẻ, luôn luôn bảo đảm nhiệt độ dao động từ 20 - 22 độ C. Ngoài ra, hệ thống nước uống và dây chuyền máng ăn hoàn toàn tự động cũng giúp cho người lao động đỡ công sức và thời gian cho vịt ăn uống.

Nuôi vịt trên sàn lạnh hạn chế rủi ro, hiệu quả kinh tế cao. Ảnh: Trần Trung.

Nuôi vịt trên sàn lạnh hạn chế rủi ro, hiệu quả kinh tế cao. Ảnh: Trần Trung.

Cầm trên tay con vịt săn chắc nặng hơn 3kg chuẩn bị xuất chuồng, anh Thành phấn khởi cho biết, từ lâu Phú Giáo được xem là thủ phủ chăn nuôi heo, bò, gà của tỉnh Bình Dương, hầu hết người dân địa phương có bề dày kinh nghiệm trong sản xuất.

Nhận thấy, vịt là loại thủy cầm dễ nuôi, tốc độ sinh trưởng nhanh, cách phòng trừ dịch bệnh tương tự như các loại gia cầm khác, năm 2012 anh quyết định thử sức với loại vật nuôi này để tìm hướng đi mới trong phát triển kinh tế của gia đình cũng như địa phương.

Theo đó, bước đầu bắt tay vào chăn nuôi, cũng như bao người dân khác, tận dụng diện tích lô cao su sẵn có, anh xây dựng mô hình nuôi vịt trên cạn dưới tán cây cao su. Thời gian đầu, do mật độ chăn nuôi ít, nên hiệu quả khá cao.

Tuy nhiên, khi số đàn vật nuôi lớn, việc quản lý từ thức ăn đến dịch bệnh rất khó khăn, tỷ lệ hao hụt đầu con nhiều. Sau khi học hỏi kinh nghiệm từ các trang trại nuôi vịt trên sàn trong chuồng lạnh, năm 2018 anh bắt đầu chuyển hướng sang nuôi vịt công nghệ cao.

Vịt sống trong môi trường trại lạnh ít tiếp xúc với bên ngoài cũng như con người nên hạn chế được dịch bệnh, sinh trưởng phát triển tốt. Ảnh: Trần Trung.

Vịt sống trong môi trường trại lạnh ít tiếp xúc với bên ngoài cũng như con người nên hạn chế được dịch bệnh, sinh trưởng phát triển tốt. Ảnh: Trần Trung.

“Chuồng nuôi vịt công nghệ cao có đầy đủ hệ thống sàn, điện lạnh, hầm biogas xử lý chất thải để tận dụng khí gas tạo nhiệt, úm vịt con khi mới mua về cùng hệ thống ăn uống tự động điều khiển qua phần mềm trên điện thoại...

Chi phí đầu tư cho 1000 con vịt tất tần tật khoảng 200 triệu đồng, sử dụng trong vòng 5-7 năm, đổi lại nhờ ăn uống hoàn toàn tự động, vịt ít tiếp xúc với bên ngoài cũng như con người nên hạn chế được dịch bệnh, vịt sinh trưởng đồng đều và phát triển tốt”, anh Phạm Ngọc Thành chia sẻ.

Anh Thành chủ động các biện pháp phòng chống dịch bệnh cho đàn vật nuôi. Ảnh: Trần Trung.

Anh Thành chủ động các biện pháp phòng chống dịch bệnh cho đàn vật nuôi. Ảnh: Trần Trung.

Hiệu quả kinh tế cao

Anh Phạm Ngọc Thành cho biết thêm, cùng với ứng dụng công nghệ cao, việc chủ động phòng ngừa dịch bệnh có yếu tố quyết định thành bại của mô hình. Trong đó, tiêm đúng và đủ các loại vắc xin là điều tiên quyết.

Theo đó, khác hẳn với mô hình chăn nuôi vịt truyền thống, trước khi nuôi 15 ngày cần tiêu độc khử trùng chuồng trại, vịt con sau khi nhập về sẽ được úm 5 ngày trước khi thả vào nhà sàn. Ngoài ra, để nâng cao phẩm chất thịt, vịt phải có sân chơi, nghỉ ngơi, ăn uống và được tiêm phòng các bệnh như dịch tả, cúm vào thời điểm từ 14 - 30 ngày…

“Vịt vừa là thủy cầm và gia cầm nên lo ngại nhất là bệnh cúm, E.coli, nấm nội tạng cùng một số bệnh lý khác. Tuy nhiên, vịt nuôi trên sàn trong môi trường lạnh khép kín, có kiểm soát nhiệt độ, độ ẩm, không bị ảnh hưởng bởi thời tiết nên chỉ cần tiêm đầy đủ các loại vắc xin sẽ kiểm soát được dịch bệnh. Vịt nuôi trên sàn lưới được hoạt động cơ bắp nhiều hơn nên chất lượng thịt thơm, chắc, tỷ lệ thịt đùi và ức cao, được thị trường ưa chuộng”, anh Phạm Ngọc Thành chia sẻ. 

Sau 3 năm đầu nuôi thử nghiệm, từ 1.000 vịt giờ đây trang trại đã mở rộng lên gần 20.000 con. Nếu trước đây 1 lứa vịt phải nuôi mất 52-55 ngày và tiêu tốn khoảng 300 bao cám/1.000 con vịt/lứa, hiện tại chỉ cần 45 ngày, tiêu tốn 270 bao cám vịt đã xuất chuồng với trọng lượng bình quân 3,5kg/con (tăng 200gram so với nuôi truyền thống). Với giá vịt hiện tại dao động từ 50.000 - 52.000 đồng/kg đem lại lợi nhuận cho gia đình anh hàng trăm triệu đồng/lứa.

Hội nông dân xã An Thái đang khuyến khích và nhân rộng mô hình nuôi vịt trên sàn lạnh. Ảnh: Trần Trung.

Hội nông dân xã An Thái đang khuyến khích và nhân rộng mô hình nuôi vịt trên sàn lạnh. Ảnh: Trần Trung.

Theo Hội Nông dân xã An Thái, những năm gần đây, nuôi vịt trên sàn trong môi trường lạnh công nghệ cao là một trong hướng đi mới, hiệu quả đang được nhiều người dân tại địa phương ứng dụng triển khai. Hội nông dân xã cũng phối hợp với các ngành chức năng cũng như là Phòng Kinh tế của huyện Phú Giáo thường xuyên mở các lớp chuyển giao khoa học kỹ thuật cho các nông hộ, các hội viên, nông dân.

“Mô hình của anh Thành là một trong những mô hình tiêu biểu của địa phương, không chỉ làm giàu cho bản thân, anh Thành còn trực tiếp hỗ trợ cho 5 hộ dân tại địa phương từ giống, kỹ thuật đến bao tiêu đầu ra giúp bà con cải thiện sinh kế.

Thời gian tới, Hội cũng tiếp tục vận động các hội viên nông dân tham gia mô hình và đồng thời kêu gọi các cơ quan chức năng hỗ trợ về kỹ thuật cũng như về nguồn vốn để nhân rộng mô hình, góp phần đưa địa phương về đích nông thôn mới kiểu mẫu hướng tới nông thôn mới thông minh theo Nghị quyết Đảng bộ xã đề ra”, ông Trần Phi Long, Chủ tịch Hội Nông dân xã An Thái nhấn mạnh.

Xem thêm
Nuôi bò 3B thâm canh, tăng trọng gần 1kg/ngày

QUẢNG TRỊ Qua theo dõi, bò lai BBB nuôi theo hình thức thâm canh tăng trọng trung bình 0,9kg/con/ngày, tương ứng 27kg/con/tháng.

Độc đáo trồng dâu tây treo tường

GIA LAI Đam mê làm nông nghiệp sạch, chàng kỹ sư máy tính Nguyễn Văn Quý đã mạnh dạn chuyển hướng, thành công với mô hình trồng dâu treo tường độc đáo đầu tiên ở Gia Lai.

Chọn tạo thành công hàng chục dòng thuần giống cà chua Beef

Việc nghiên cứu thành công các dòng thuần cà chua Beef có ý nghĩa rất lớn để từng bước chủ động sản xuất hạt giống cà chua Beef F1 cho sản xuất trong nước.