| Hotline: 0983.970.780

An toàn hồ đập ở Quảng Bình: Còn đó nỗi lo

Thứ Ba 10/12/2019 , 13:05 (GMT+7)

Quảng Bình có 150 hồ chứa, 211 đập dâng thủy lợi. Trong đó có 54 hồ chứa, 3 đập dâng được xếp loại hạng lớn và vừa. Hầu hết các hồ chứa đều có tràn tự do.

Công nhân Cty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi Quảng Bình chống hạn trong mùa khô.

Nhằm tăng cường công tác quản lý an toàn đập, năm 2017, UBND tỉnh đã quy định phân công, phân cấp trách nhiệm quản lý nhà nước về an toàn đập của các địa phương, đơn vị.
 

Quản lý tốt để phát huy hiệu quả

Hiện nay, những hồ chứa do Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi Quảng Bình quản lý đã thực hiện tương đối đầy đủ các khâu quản lý theo quy trình. Theo ông Trần Hồng Quảng, Giám đốc công ty thì đơn vị luôn kiểm tra tình hình các hồ chứa trước mùa mưa lũ.

“Chúng tôi lập quy trình vận hành hồ chứa, phương án bảo vệ hồ, phương án ứng phó thiên tai, bảo vệ đập, phương án ứng phó tình huống khẩn cấp. Đồng thời, xây dựng bản đồ ngập lụt, đăng ký an toàn đập, báo cáo hiện trạng an toàn đập và kiểm định an toàn đập theo quy định”, ông Quảng cho hay. Quảng Bình mới có 4 hồ chứa lớn do công ty này quản lý được lắp đặt hệ thống giám sát vận hành, lắp đặt thiết bị quan trắc khí tượng thủy văn chuyên dùng.

Nhờ có sự quan tâm và đầu tư đúng mức nên hệ thống hồ đập, kênh mương do công ty quản lý đã phát huy được hiệu quả tối đa. Các vụ HT năm ngoái và ĐX năm nay, Quảng Bình bị hạn nặng do nắng nóng kéo dài khiến các hồ đập dâng cạn kiệt nước. Nhờ nắm vững các thông số an toàn hồ đập nên công ty đã có phương án tối ưu trong việc chống hạn.

Ông Trần Hồng Quảng cho hay: “Chúng tôi khảo sát cụ thể tình hình hạn hán của 17 hồ quản lý và lên kế hoạch sát từng vùng, từng địa phương để điều tiết hợp lý nước tưới. Tận dụng các ao hồ, khe suối để bổ sung các tuyến mương chính dẫn về hệ thống tưới đồng ruộng. Dù hạn nặng, nhưng gần 30 ngàn ha ruộng lúa do công ty đảm bảo tưới tiêu vẫn có được nước tưới luân phiên".
 

Vẫn còn nhiều lổ hổng

Trong 133 hồ đập do địa phương quản lý, theo báo cáo của các huyện, thành phố, thì chưa có tổ chức nào được chính quyền huyện, xã bàn giao quản lý đích thực. Các HTX nông nghiệp, thôn chỉ làm dịch vụ chuyên khâu tưới, còn công tác quản lý đơn thuần chỉ là quản lý hành chính chung. Các hồ đập không có hồ sơ lưu trữ, thiếu các thông số về hồ chứa và cán bộ quản lý hồ không có trình độ chuyên môn nên những quy định về quản lý hồ, đập thực hiện không đầy đủ.

Theo ông Nguyễn Ngọc Phụng, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi tỉnh, đối với các hồ chứa do địa phương quản lý thì công tác quản lý an toàn đập vẫn chưa đảm bảo quy định. Việc báo cáo tình hình hư hỏng, hiện trạng an toàn đập các hồ chứa vẫn chậm. 

17-29-26__2-_nhieu_ho_dp
Nhiều hồ đập tại Quảng Bình cần được đánh giá về chất lượng.

Cũng thời gian qua, Chi cục Thủy lợi đã lập dự án triển khai thực hiện việc khảo sát, lập hồ sơ an toàn hồ đập. Tuy nhiên, do kinh phí quá khó khăn nên dự án lập hồ sơ an toàn hồ đập vẫn còn nằm …trên giấy, dẫn đến việc các hồ, đập do địa phương quản lý không có hệ thống quan trắc hoặc đã hư hỏng không còn sử dụng được.

Ông Đinh Thiếu Sơn, Phó Chủ tịch UBND thị xã Ba Đồn cũng xác nhận, việc quan trắc trong mùa mưa bão chủ yếu quan trắc mực nước hồ. Có nghĩa là, cán bộ xem, quan sát mực nước hồ bằng mắt thường để phục vụ công tác vận hành. Vì vậy có thể nói, nằm trong rốn bão lũ, nhưng Quảng Bình vẫn đang còn sơ sài trong quy trình vận hành hồ chứa nước.

Ông Phan Văn Khoa, Giám đốc Sở NN-PTNT Quảng Bình: “Hiện tại đã có 9 hồ chứa của tỉnh được đưa vào dự án WB8 để nâng cấp, sửa chữa. Quảng Bình cần được hỗ trợ thêm khoảng 170 tỷ đồng để sửa chữa, gia cố các công trình hư hỏng nặng, nguy cơ mất an toàn trong mùa mưa lũ”.

Do điều kiện nguồn vốn khó khăn, các chủ đập chủ yếu tập trung lập quy trình vận hành cho các hồ chứa lớn có tràn xả sâu. Toàn tỉnh hiện có 7 hồ có cửa van, trong đó 5 hồ đã có quy trình vận hành được UBND tỉnh phê duyệt.

Còn lại 2 hồ (hồ Phú Hòa và hồ Minh Cầm) chưa có quy trình vận hành. Riêng 143 hồ còn lại là tràn tự do chưa được lập quy trình vận hành.

Như vậy, trong mùa mưa lũ, phần lớn các hồ chứa tại Quảng Bình được vận hành theo cơ chế kinh nghiệm có sẵn.

Theo ông Nguyễn Ngọc Phụng thì việc này có ảnh hưởng rất lớn đến việc tích nước, xã lũ khi mưa lớn và trực tiếp ảnh hưởng đến việc ngập lụt vùng dân cư ở hạ du của công trình.

Một nhiệm vụ quan trọng là công tác kiểm định an toàn đập. Trừ các hồ chứa mới bàn giao đưa vào sử dụng như hồ Rào Đá (huyện Quảng Ninh), Sông Thai (huyện Quảng Trạch), Thác Chuối (huyện Bố Trạch) và một số hồ chứa được sửa chữa, nâng cấp trong những năm gần đây có hồ sơ chất lượng.

Quy trình vận hành hồ chứa lớn vẫn chưa được hoàn thành.

Hiện nay, chỉ mới có hồ chứa nước Vực Tròn đã được kiểm định (năm 2016) còn lại chưa thực hiện kiểm định an toàn đập. Theo Chi cục Thủy lợi tỉnh thì Quảng Bình có 5/9 hồ (dung tích trên trên 10 triệu m3 nước), đã tích nước trên 10 năm chưa được sửa chữa, nâng cấp cần kiểm định. Có 133/141 hồ (dung tích dưới 10 triệu m3) có thời gian tích nước trên 7 năm chưa được sửa chữa, nâng cấp.

Xem thêm
Trang trại heo Mavin đạt tiêu chuẩn toàn cầu Global GAP

Tháng 11/2024, 2 trang trại heo của Tập đoàn Mavin tại huyện Anh Sơn (Nghệ An) và huyện Kbang (Gia Lai) chính thức được cấp Chứng nhận Global GAP, phiên bản S.L.P.

Bí kíp nuôi công an toàn dịch bệnh tại các khu du lịch sinh thái

Hải Phòng Công hiện được nuôi làm cảnh tại nhiều khu du lịch sinh thái, do hằng ngày công tiếp xúc nhiều với khách du lịch nên công tác phòng chống dịch bệnh vô cùng quan trọng.

Lão nông tự tạo chế phẩm tăng độ bám dính thuốc bảo vệ thực vật

Trong bối cảnh nhiều hộ trồng cam tại Cao Phong, Hòa Bình đang lao đao vì dịch bệnh thì vườn cam của ông Phạm Văn Cường lại xanh tốt, gây ấn tượng mạnh cho tôi.