| Hotline: 0983.970.780

Anh hùng Lao động Thái Hương và 4 đề xuất phát triển kinh tế xanh cho Tây Nguyên

Thứ Hai 21/11/2022 , 16:04 (GMT+7)

Nhà sáng lập Tập đoàn TH đề xuất 4 định hướng đầu tư quan trọng, xuất phát từ thực tiễn và mong muốn đưa Tây Nguyên thành vùng kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn.

Theo đó, bà Thái Hương mong muốn Tây Nguyên trở thành vùng kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn trên nền tảng phát triển bền vững, tận dụng tối đa các nguồn lực - trên cơ sở đó mang lại công bằng xã hội và nâng cao mức sống cho người dân nơi đây.

Chiều 20/11/2022, tại Lâm Đồng diễn ra Hội nghị Triển khai chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 23/NQ/TW ngày 06/10/2022 của Bộ Chính trị về Phương hướng phát triển Kinh tế Xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh vùng Tây Nguyên đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và Xúc tiến đầu tư Vùng phát triển xanh, hài hòa, bền vững.

Toàn cảnh Hội nghị Triển khai chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 23/NQ/TW.

Toàn cảnh Hội nghị Triển khai chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 23/NQ/TW.

Tham dự Hội nghị và sau khi nghe các ý kiến góp ý, tham luận của các đơn vị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chỉ đạo mục tiêu phát triển vùng Tây Nguyên gói gọn trong 8 chữ “Đột phá – Bao trùm – Toàn diện – Bền vững” với giải pháp gồm 8 điểm, mục tiêu cuối cùng là thu hẹp khoảng cách phát triển, khoảng cách giàu nghèo, đảm bảo an sinh xã hội, không để ai bị bỏ lại phía sau. 

Trước đó, Thủ tướng đã nghe các tham luận, ý kiến của các đơn vị chức năng, doanh nghiệp, nhà đầu tư. Tham dự Hội nghị, Anh hùng Lao động Thái Hương đưa ra 4 định hướng phát triển kinh tế xanh, kinh tế tri thức, kinh tế tuần hoàn và đóng góp cho phát triển bền vững vùng Tây Nguyên, dưới lăng kính của một nhà tư vấn và đầu tư nhiều dự án trong nước và vươn ra quốc tế.

Từ cái nhìn bao quát thực tế...

Phát biểu tại sự kiện, bà Thái Hương chia sẻ, bà bước chân vào Tây Nguyên từ sớm, sau khi khởi dựng Tập đoàn TH từ năm 2008 đi theo mô hình kinh tế tuần hoàn, ứng dụng công nghệ cao. Riêng tại Kon Tum, tuy mới bắt đầu từ cách đây 2 năm nhưng đến giờ TH đã trồng 500ha sầu riêng giống mới và đang lập đề án triển khai tại tỉnh Kon Tum và vùng Tây Nguyên để phát triển kinh tế dưới tán rừng trên cơ sở đi theo mô hình kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn và kinh tế tri thức.

Anh hùng Lao động Thái Hương phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: Vietnam+.

Anh hùng Lao động Thái Hương phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: Vietnam+.

“Tây Nguyên vẫn còn chưa phát triển đúng tầm cỡ. Ở Tây Nguyên chưa có những doanh nghiệp, tập đoàn đủ lớn. Chính phủ cần có chính sách phù hợp với thực tiễn để lôi kéo tầng lớp này. Tây Nguyên có diện tích rất rộng nhưng nguồn lực đất đai để phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn lại là vấn đề nan giải”.

Bà nêu thực tế: Chúng ta cứ nói Tây Nguyên có lợi thế về đất đai nhưng hàng chục năm rồi không tận dụng được. Có nhiều khu vực xưa kia là rừng, hàng chục năm trước người dân đã chặt phá, lũ lụt cuốn trôi, không còn rừng nữa. Khi chúng tôi làm đề xuất phát triển kinh tế xanh, cần diện tích lâm nghiệp, chính quyền vẫn không dám đưa ra quyết định dù đó là khu vực người dân đã phá rừng, canh tác hàng chục năm với lý do "đó vẫn là đất rừng, không được động chạm đến." Bởi vậy, bà kiến nghị cần phải lập lại bản đồ hiện trạng đất ở Tây Nguyên.

Cùng với đó, bà nhấn mạnh việc cần áp dụng các thành tựu công nghệ và khoa học kỹ thuật của thế giới vào sản xuất ở khu vực này. Tại Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã đặt câu hỏi “làm thế nào để xây dựng được thương hiệu cho các sản phẩm của Tây Nguyên về cây ăn quả, thảo dược, cây hương liệu, gia vị…?”

Câu trả lời của bà Thái Hương là “chúng ta có thể phát triển rất nhiều thứ ở Tây Nguyên nhưng phải có được mô hình sản xuất lớn và tạo ra được những thương hiệu tầm cỡ quốc gia, sản xuất theo chuẩn quốc tế, phải sử dụng công nghệ cao, hướng tới kinh tế xanh, mang hàm lượng chất xám cao. Thế giới đã có rất nhiều thành tựu công nghệ, trí tuệ nhân tạo, điện toán đám mây, dữ liệu lớn, chúng ta thừa hưởng được những thành quả này để ứng dụng, tạo ra năng suất lao động, chi phí sản xuất và chất lượng sản phẩm đạt được chuẩn quốc tế”.

Điều này đã được bà áp dụng thành công tại các Dự án của Tập đoàn TH. Bà từng phân tích: Kinh tế xanh được hiểu đơn giản là một nền kinh tế sử dụng hiệu quả và tiết kiệm tài nguyên thiên nhiên, để lại nền tảng phát triển bền vững, đảm bảo công bằng xã hội chứ không gây hệ lụy môi trường cho các thế hệ tương lai.

Kinh tế xanh đã được TH áp dụng thành công tại các Dự án đang hoạt động của Tập đoàn.

Kinh tế xanh đã được TH áp dụng thành công tại các Dự án đang hoạt động của Tập đoàn.

Ví dụ như Tập đoàn TH đã xác định 6 trụ cột phát triển bền vững là: Dinh dưỡng-Sức khỏe, Môi trường, Cộng đồng, Giáo dục, Phúc lợi động vật và Con người là trụ cột cốt lõi, động lực quan trọng nhất. Từ 2018, Tập đoàn TH đã xây dựng Báo cáo Phát triển bền vững thường niên theo chuẩn quốc tế GRI (Global Report Initiative).

Để xây dựng được hệ sinh thái bền vững với các nền tảng trên, ngay từ năm 2008, Tập đoàn TH đã áp dụng những công nghệ xanh với hàm lượng chất xám lớn như công nghệ số, công nghệ đám mây, trí tuệ nhân tạo, khoa học quản trị… - tức là kinh tế tri thức - để có hiệu quả sử dụng tài nguyên tốt nhất, như sử dụng chip theo dõi tình hình sức khỏe cho từng con bò sữa, cho phép phát hiện bệnh viêm vú 4 ngày trước khi có biểu hiện bên ngoài, phát hiện động dục tự động chính xác để xác định thời điểm phối giống tối ưu, cảnh báo khi bò không được ăn uống đầy đủ dẫn đến sữa thiếu chất lượng… ứng dụng chương trình tự động hóa trong phối trộn thức ăn, quy hoạch trồng trọt, tưới tiêu…

Mô hình sản xuất của TH là mô hình kinh tế tuần hoàn khép kín: Toàn bộ vật chất hữu cơ và phế phẩm hữu cơ từ trang trại chăn nuôi được thu gom, xử lý thành chất đệm sinh học phục vụ trang trại và phân bón hữu cơ; nước thải chăn nuôi được sử dụng để cải tạo đất trồng trọt và trả lại môi trường tự nhiên sau khi được xử lý đạt chuẩn. TH cũng đã đầu tư và vận hành hiệu quả năng lượng mặt trời áp mái trang trại, vừa sản xuất điện năng vừa giảm hấp thụ nhiệt cho mái chuồng bò, tăng phúc lợi động vật và giảm stress nhiệt cho gia súc về mùa hè.

Công nghệ đầu cuối thế giới được TH ứng dụng tại Dự án chăn nuôi bò sữa và chế biến sữa tập trung công nghệ cao tại Nghệ An.

Công nghệ đầu cuối thế giới được TH ứng dụng tại Dự án chăn nuôi bò sữa và chế biến sữa tập trung công nghệ cao tại Nghệ An.

... tới định hướng 4 lĩnh vực chủ chốt phát triển vùng Tây Nguyên

Với những tiềm năng sẵn có của Tây Nguyên và kinh nghiệm thực tế, năng lực của mình, Anh hùng Lao động Thái Hương đã nhìn nhận 4 lĩnh vực giúp phát triển vùng Tây Nguyên.

Theo Nhà Sáng lập Tập đoàn TH, Tây Nguyên đủ điều kiện để phát triển mạnh lĩnh vực đại chăn nuôi (chăn nuôi quy mô lớn, quy mô công nghiệp ứng dụng công nghệ cao). “Tôi sẽ đưa mô hình chăn nuôi bò sữa tập trung công nghệ cao theo chuỗi (mà TH đang làm ở Nghệ An) lên Tây Nguyên. Hiện TH đã có kế hoạch triển khai tại Đắk Nông và các vùng phụ cận, đưa nông dân trở thành một mắt xích trong chuỗi sản xuất này; sau đó trồng cây ăn quả, cây hương liệu và gia vị,” bà Thái Hương nhấn mạnh.

Ông Vijay Kumar Pandey - Đại diện HĐQT Tập đoàn TH và ông Hồ Văn Mười - Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông trao biên bản ghi nhớ thỏa thuận hợp tác. Ảnh: Vietnam+.

Ông Vijay Kumar Pandey - Đại diện HĐQT Tập đoàn TH và ông Hồ Văn Mười - Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông trao biên bản ghi nhớ thỏa thuận hợp tác. Ảnh: Vietnam+.

Theo Anh hùng Lao động Thái Hương, với lĩnh vực khai khoáng, Tây Nguyên có trữ lượng bôxít rất lớn, Chính phủ cần quy hoạch sớm, ứng dụng triệt để khoa học công nghệ trong khâu khai thác. Phải đưa khoa học hiện đại vào thì mới phát triển được kinh tế xanh và không để lại hệ lụy khi khai thác tài nguyên. Ở những vùng đất có khoáng sản nhưng không đủ lớn thì nên trồng cây ăn quả, cây thảo dược có giá trị lớn hơn, không cố khai thác.

Ngoài ra, lĩnh vực khai thác nguồn nước ngầm cũng được Tập đoàn TH chú trọng đầu tư trong tương lai. Theo bà Thái Hương: “Tây Nguyên có nguồn nước ngầm tốt do có hệ sinh thái của núi lửa để lại. Thế nên tôi đã tư vấn Tập đoàn TH vào khai thác nước ngầm tại Đắk Nông. Người tiêu dùng Việt xứng đáng được hưởng nguồn nước tinh khiết và nguồn dinh dưỡng tốt nhất”.

Cuối cùng, Anh Hùng Lao động Thái Hương cho rằng Tây Nguyên có đủ điều kiện cho lĩnh vực du lịch. Vậy nên, nhà chức trách cần quy hoạch để tạo ra sự đa dạng du lịch văn hóa, du lịch ẩm thực, du lịch làng nghề chứ “không phải bê nguyên một công viên Disney ở Mỹ về”.

“Phải có hồn cốt dân tộc, phải cho thấy rõ nếp nhà nếp sống của thuở hồng hoang thế nào, tinh thần của thời kỳ Bà Trưng, Bà Triệu thế nào, của thời đại Hồ Chí Minh thế nào?” bà Thái Hương nói.

Để góp phần hiện thực hóa, cụ thể hóa, thực hiện nghị quyết của Bộ Chính trị, đổi thay mảnh đất đại ngàn Tây Nguyên – “phên dậu” phía Tây của Tổ quốc, Tập đoàn TH đã ký 2 thỏa thuận hợp tác với Ủy ban Nhân dân tỉnh Lâm Đồng và Ủy ban Nhân dân tỉnh Đắk Nông phát triển các dự án đầu tư áp dụng công nghệ cao ở nhiều lĩnh vực.

Hiện Tập đoàn TH đang đứng đầu thị trường sữa tươi tại Việt Nam, hàng năm doanh thu tăng trưởng hai con số, sản phẩm thường xuyên không đủ đáp ứng nhu cầu thị trường, nhưng lượng đất miền Bắc hạn chế, dẫn đến việc khó khăn trong mở rộng sản xuất. Tập đoàn TH nhận thấy Tây Nguyên, đặc biệt là tỉnh Đắk Nông và Lâm Đồng có khả năng trở thành thủ phủ bò sữa, thành đầu mối sản xuất chế biến sữa cho thị trường miền Nam Việt Nam.

Tại khu vực này, cách làm của TH vẫn là xây dựng mô hình sản xuất khép kín theo chuỗi đưa nông dân trở thành mắt xích trong chuỗi sản xuất của TH, Tập đoàn đưa quy trình và công nghệ sản xuất, khoa học quản trị, giống cho người nông dân, đồng thời bao tiêu sản phẩm, hỗ trợ hậu thu hoạch, nhờ đó, người nông dân nhận được lợi ích lớn về kinh tế.

Ông Arghya Mandal - Đại diện HĐQT Tập đoàn TH và ông Trần Văn Hiệp, Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng ký kết và trao biên bản ghi nhớ. Ảnh: Vietnam+.

Ông Arghya Mandal - Đại diện HĐQT Tập đoàn TH và ông Trần Văn Hiệp, Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng ký kết và trao biên bản ghi nhớ. Ảnh: Vietnam+.

Với Lâm Đồng, TH cũng sẽ tiếp tục phát triển dự án chăn nuôi bò sữa công nghệ cao, trồng cây ăn quả và các loại thảo dược theo hướng đa tầng (theo tiêu chuẩn Vietgap, Global Gap, Organic) ứng dụng công nghệ cao và chất lượng sản phẩm tốt, có truy xuất nguyên liệu đầu vào rõ ràng, kết hợp chế biến tại chỗ.

Bên lề Hội nghị, Anh hùng Lao động Thái Hương vẫn trăn trở và bày tỏ khát vọng: “Để phát triển Tây Nguyên theo hướng kinh tế xanh, tri thức, kinh tế tuần hoàn với định hướng phát triển bền vững sẽ rất cần sự vào cuộc của các doanh nghiệp đủ năng lực, đủ tâm và tầm để áp dụng công nghệ thế giới, đưa người dân cùng phát triển. Thế giới hiện đại có những thành tựu vô cùng to lớn về khoa học công nghệ, khoa học quản trị, trí tuệ nhân tạo… Để tận dụng những thành tựu này, chúng ta cần có một số quyết sách, những cơ chế chính sách phù hợp cho từng thời kỳ, cho từng ngành nghề để khích lệ, để biến khát vọng thành hiện thực để tạo ra sức mạnh to lớn cho dân tộc, để dân tộc ta sánh vai với các cường quốc năm châu như Bác Hồ từng mong muốn, để đất nước chúng ta giàu có, văn minh".

Xem thêm
Hội chợ xúc tiến thương mại khu vực kinh tế tập thể, hợp tác 2024

Hội chợ diễn ra từ 18-22/4 tại phố Trần Nhân Tông và công viên Thống Nhất, Hà Nội với sự tham gia của 120 HTX từ 44 tỉnh thành và 30 doanh nghiệp.

350 lao động Đồng Tháp sang Hàn Quốc làm nông nghiệp thời vụ

Đã có 350 người lao động Đồng Tháp trúng tuyển để xuất cảnh đi làm việc thời vụ tại Hàn Quốc trong tháng 3 và tháng 4/2024.

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm