| Hotline: 0983.970.780

Héo hon vì muối rớt giá

Thứ Ba 04/06/2019 , 11:13 (GMT+7)

Niên vụ muối năm 2019, diêm dân xã Ninh Diêm, TX Ninh Hòa (Khánh Hòa) đã sản xuất được 2/3 chặng đường, song sản lượng đạt thấp, giá muối chỉ 600 nghìn đồng/tấn phải bù lỗ.

4 năm liên tiếp sản xuất thua lỗ

Những ngày này chúng tôi về TX Ninh Hòa – thủ phủ sản xuất muối ở Khánh Hòa. Trong đó, riêng phường Ninh Diêm, diện tích sản xuất muối thủ công của diêm dân đã gần 100 ha. Không khí sản xuất muối nơi đây khá uể oải, vắng vẻ; ít thấy muối thành phẩm.

Cánh đồng muối sản xuất thủ công ở Ninh Diêm, TX Ninh Hòa

Hỏi diêm dân Đặng Được (56 tuổi) mới biết, vụ muối năm 2019 bà con lại mất mùa. Tổ của ông Được có 11 lao động nhận khoán 1 ha muối của HTX muối 1/5 Ninh Diêm, với chỉ tiêu 15 tấn muối/người, tương đương 165 tấn muối/vụ. Tuy nhiên từ đầu năm đến nay tổ của ông chỉ mới sản xuất được hơn 10 tấn.

“Nguyên nhân là trời mưa liên tục khiến nước biển bị nhạt, chẳng làm được gì. Tháng trước chúng tôi phải nghỉ cả tháng nên hiện tổ nào sản xuất giỏi cũng chỉ cào được 5 mẻ muối là cùng”, diêm dân Được than vãn.

Không chỉ sản xuất khó khăn do ảnh hưởng thời tiết, mà giá muối hiện cũng thấp, dao động khoảng 600 nghìn đồng/tấn nên không kích thích được diêm dân ra đồng.

Diêm dân Ngô Minh Mộc buồn bã nói: “Với giá muối này chúng tôi càng sản xuất thì càng thua lỗ. Vì ở đây các tổ sản xuất muối đều người lớn tuổi nên phải mướn công gánh ngoài. Thực tế, nhiều tổ sản xuất phải bù lỗ, cụ thể mỗi người bỏ ra từ 20-30 nghìn, thậm chí lên đến 50 nghìn vì chi phí mướn công gánh muối tăng cao. Cụ thể, hiện gánh muối đã lên đến 240-250 nghìn đồng/công (PV-gánh 3 tiếng từ 2 giờ chiều đến 5 giờ chiều). Vì vậy chúng tôi không dám làm mạnh, cứ trên 5 ngày mới cào một mẻ. Còn trước đây muối có giá chúng tôi chịu khó chăm sóc ruộng thường xuyên thì chỉ 3-4 ngày đã cào một mẻ”.

Diêm dân Ngô Minh Mộc cho biết, 4 năm liên tiếp sản xuất muối thủ công thua lỗ

Cũng theo các diêm dân, đây là năm thứ 4 liên tiếp họ sản xuất muối thủ công thua lỗ. Vấn đề này được ông Trương Công Hiến, GĐ HTX muối 1/5 Ninh Diêm xác nhận và cho biết, toàn HTX  hiện có trên 80 ha ruộng muối SX thủ công, với khoảng 500 xã viên. Năm 2016, HTX lỗ nặng, không chỉ giá muối thấp (khoảng 380 ngàn đồng/tấn), mà tổng sản lượng cả vụ chỉ đạt 33% kế hoạch đề ra. Năm 2017, HTX bỏ ra hơn 300 triệu đồng cải tạo ruộng muối nhưng đành mất trắng hoàn toàn. Bởi cứ cải tạo xong, trời lại đổ mưa nên chẳng làm được gì. Đến năm 2018, sản lượng cả vụ HTX cũng chỉ đạt 37%. Còn vụ muối năm nay diêm dân chỉ mới sản xuất được trên 100 tấn, trong khi thời gian còn lại khung thời vụ không còn bao nhiều nữa.

“Nếu thời tiết thuận lợi may lắm chúng tôi sẽ sản xuất được khoảng 1.500 tấn nữa. Như vậy, sản lượng cả vụ muối chúng tôi chỉ đạt gần 2.000 tấn, trong khi chỉ tiêu là 8.500 tấn”, ông Hiến nói.

Lo diêm dân kế nghiệp

Nghề làm muối vất vả vô cùng, vậy mà tình trạng mất giá những năm gần đây cứ ám ảnh diêm dân. Bởi sau vụ thất bát có không ít diêm dân chán nản, bỏ đồng muối chuyển sang làm nghề khác.

Diêm dân Đặng Được tâm sự: Bây giờ không ai còn chú tâm làm nghề muối. Nếu bám nghề có mà chết đói, cho nên ngoài làm muối chúng tôi còn làm thêm nhiều nghề khác. Mặt khác, một thực trạng đáng báo động là nghề muối sản xuất thủ công nơi đây là trung niên trở lên, không có thanh niên kế nghiệp.

Diêm dân Đặng Được cho biết, làm muối nơi đây chỉ toàn người trung niên trở lên, không có thanh niên tkế nghiệp

Ông Trương Công Hiến, GĐ HTX muối 1/5 Ninh Diêm cũng xác nhận thành viên HTX nhỏ nhất cũng 45 tuổi, còn đa số từ 50-60 tuổi trở lên. Vì vậy các tổ làm muối phải thuê mướn công gánh nhiều là diêm dân phải bù lỗ vì giá muối thấp.

Trước thực trạng làm muối liên tiếp thua lỗ mà nguyên nhân chính là giá thấp, diêm dân nơi đây mong muốn, nhà nước có chính sách hỗ trợ, nhất là hỗ trợ đầu ra để giá muối ổn định hơn.

“Để sản xuất có lãi, giá muối ít nhất khoảng 1 triệu đồng/tấn. Nếu giá từ 800-900 nghìn đồng/tấn thì chúng tôi chỉ huề vốn, lấy công làm lời thôi”, một diêm dân bộc bạch.

Xem thêm
3 đề án bao trùm ngành chăn nuôi bắt đầu đi vào đời sống

Chiều 3/5, Bộ NN-PTNT tổ chức Hội nghị triển khai một số đề án ưu tiên thực hiện Chiến lược phát triển chăn nuôi giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2045.

Xúc động những bức tranh tuyên truyền bệnh dại của học sinh

Bà Đinh Thị Phương Khanh, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Long An chia sẻ: 'Khi nhận các bức tranh dự thi tuyên truyền bệnh dại của các em học sinh, chúng tôi rất xúc động'.

Hà Nội có 124 cơ sở được cấp mã số vùng trồng với 794 ha

Mã số vùng trồng được cho là phương pháp quản lý tận gốc chất lượng nông sản, tuy nhiên câu chuyện thực hiện và giám sát nó hiện vẫn còn nhiều khó khăn.

Độ mặn trên hệ thống thủy lợi Tả Trạch đảm bảo cho sản xuất

Các đơn vị quản lý, khai thác kiểm tra độ mặn ở các trạm bơm, cống lấy nước trước khi vận hành để đảm bảo yêu cầu sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thuỷ sản.