| Hotline: 0983.970.780

Bà con vùng cao ngày càng yên tâm với mắc ca

Thứ Ba 27/09/2022 , 08:02 (GMT+7)

ĐIỆN BIÊN Không chỉ phủ xanh nhiều diện tích đất trống, đồi trọc, cây mắc ca đang mang lại thu nhập ngày càng cao cho người dân ở vùng cao huyện Tuần Giáo (Điện Biên).

z3665509077144_11b8f9a2623299c3109e6807dee45bcc

Đồi mắc ca tại huyện Tuần Giáo, tỉnh Điện Biên. Ảnh: Phạm Hiếu.

Người tiên phong trồng cây mắc ca ở Quài Nưa

Quệt những giọt mồ hôi lăn dài trên khuôn mặt nhiều sương gió, ông Là Văn Chanh (xã Quài Nưa, huyện Tuần Giáo, Điện Biên) nở nụ cười mãn nguyện khi khu vườn mắc ca hơn 1ha của ông qua mỗi năm lại cho quả nhiều hơn, chất lượng cao hơn.

Nhớ lại thời điểm cách đây hơn 10 năm, ngoài việc làm nương rẫy, trồng sắn, trồng ngô, ông Chanh đã trồng thêm cây tre Đài Loan để có thêm thu nhập. Thế nhưng việc trồng tre không thuận lợi, khó thu hoạch và khó bán nên ông phải tìm hướng đi khác.

Tìm tòi thông tin qua sách báo, ông Chanh biết được cây mắc ca đã bắt đầu xuất hiện ở Điện Biên. Lúc đầu ông còn băn khoăn vì mắc ca là cây lâu năm, đến năm thứ 6 mới có thể thu hoạch quả nhưng sau đó cũng mạnh dạn mua giống và kiên trì trồng.

Empty

Ông Là Văn Chanh là người đi tiên phong trong việc trồng cây mắc ca tại địa phương. Ảnh: Phạm Hiếu.

Là người tiên phong trồng cây mắc ca tại địa phương, sau một thời gian dài, ông Chanh đã đúc rút ra nhiều kinh nghiệm quý báu trong việc trồng cây được mệnh danh là “nữ hoàng quả khô” này. 

“Hiện vườn mắc ca của tôi đã thu hoạch đến năm thứ 4. Năm đầu tiên thu hoạch, sản lượng chỉ được vài tạ nhưng đến nay đã được khoảng hơn 1 tấn. Trung bình mỗi cây cho khoảng 15kg quả, cây nhiều nhất 40 - 50kg. Giá trị kinh tế cây mắc ca mang lại cao gấp 5 - 6 lần trồng ngô trước đây, cũng như cao hơn rất nhiều so với cây trồng khác", ông Chanh phấn khởi chia sẻ.

Empty

Cây mắc ca trồng càng lâu năm sẽ càng nâng cao sản lượng. Ảnh: Phạm Hiếu.

Cũng theo ông Chanh, năm 2021, ông đã thu về gần 100 triệu đồng từ khu vườn mắc ca của mình. Năm 2022, thu nhập dự kiến sẽ cao hơn do số cây có quả cũng như số quả trên cây nhiều hơn. Năm nay, ông mạnh dạn đầu tư thêm loại phân bón chuyên dùng cho cây mắc ca nên quả to, đẹp hơn, chất lượng quả tốt hơn.

Với việc cây mắc ca cho thu hoạch ổn định, ông Chanh chia sẻ chỉ cần học thêm kỹ thuật tỉa cành, bón phân, chăm sóc, bảo quản sâu bệnh thì càng lâu năm, cây mắc ca sẽ càng nâng cao sản lượng.

“Những năm trước khi chưa trồng mắc ca, đời sống gia đình tôi rất chật vật. Do chỉ trồng ngô, khoai, sắn nên gần như không có tiền dôi dư.

Sau khi trồng mắc ca, thu nhập đã dần ổn định hơn. Bà con nơi đây mỗi hộ chỉ cần có thu nhập khoảng 50 triệu đồng/năm là đã có thể ổn định đời sống chứ chưa cần đến 100 triệu đồng”, ông Là Văn Chanh chia sẻ.

1.400ha mắc ca phủ xanh đồi trọc

Nhờ lợi thế khí hậu và đất đai, tỉnh Điện Biên đã tập trung phát triển cây mắc ca phủ xanh nhiều diện tích đất trống, đồi trọc. Với tốc độ sinh trưởng và cho quả tốt như hiện nay, loài cây này đang hứa hẹn sẽ trở thành cây trồng đa mục đích chủ lực của tỉnh trong xóa đói giảm nghèo, phát triển kinh tế, tăng độ che phủ rừng.

Empty

Cây mắc ca hứa hẹn sẽ trở thành loại cây trồng đa mục đích chủ lực của tỉnh trong xóa đói giảm nghèo, phát triển kinh tế. Ảnh: Phạm Hiếu.

Tuần Giáo là một trong những huyện tiên phong trong phát triển cây mắc ca và hiện là địa phương có diện tích trồng mắc ca lớn nhất tỉnh Điện Biên. Được trồng thử nghiệm từ năm 2013, đến nay, diện tích cây mắc ca của huyện đã đạt hơn 1.400ha, trồng chủ yếu tại xã Quài Nưa và Quài Cang, qua đó đã phủ xanh nhiều đất trống, đồi trọc trên địa bàn huyện.

Những năm qua, huyện Tuần Giáo đã tích cực tuyên truyền, vận động người dân tham gia hợp tác cùng doanh nghiệp để phát triển cây mắc ca thay thế những cây trồng truyền thống hiệu quả thấp.

Theo ông Lò Văn Tuấn, Phó Chủ tịch UBND xã Quài Nưa, hiện trên địa bàn xã có 1.435 hộ, trong đó có hơn 400 hộ trồng cây mắc ca.

Trước khi tham gia trồng cây mắc ca, đa số bà con nông dân chủ yếu canh tác trồng trọt và chăn nuôi, làm nương rẫy, trồng ngô, sắn. Sau thời gian thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng, xã đã tuyên truyền bà con chuyển đổi sang trồng cây mắc ca.

Empty

Ông Lò Văn Tuấn (phải) cho biết, việc chuyển đổi trồng cây mắc ca đã cho hiệu quả, cho thu nhập cao hơn nhiều loại cây trồng khác. Ảnh: Phạm Hiếu.

“Chủ trương chuyển đổi cơ cấu cây trồng cũng như triển khai trồng cây mắc ca đều là chủ trương mới. Sau quá trình trồng thử nghiệm từ năm 2013 đến nay, cây mắc ca đã được bà con ủng hộ. So với thời điểm trước, đời sống của bà con đã được cải thiện hơn nhiều. Việc chuyển đổi trồng cây mắc ca đã cho hiệu quả cao hơn những cây trồng khác, qua đó nâng cao thu nhập cho người dân”, ông Lò Văn Tuấn cho hay.

“Vấn đề tiêu thụ sản phẩm mắc ca là nỗi lo của người dân và là trăn trở của chính quyền địa phương. Trong thời gian tới, xã sẽ tiếp tục kết nối với các đơn vị, doanh nghiệp, đồng thời kiến nghị có định hướng, chủ trương cụ thể đối với việc trồng cây mắc ca trên địa bàn để tìm được đầu ra thuận lợi, giúp bà con ổn định, yên tâm sản xuất”, ông Lò Văn Tuấn nói.

Xem thêm
Đàn ngựa bạch của người hùng cứu trạm bơm Cống Bún

Bắc Giang Ít người biết, cha con ở Bắc Giang cứu trạm bơm Cống Bún trong trận bão Yagi hôm nào đang sở hữu đàn ngựa bạch có nguồn gốc từ Mông Cổ…

Thanh, kiểm tra đột xuất các cơ sở giết mổ động vật dịp Tết Ất Tỵ

Thời gian qua, các phương tiện thông tin truyền thông liên tục phản ánh về việc phát hiện các cơ sở giết mổ trong quá trình hoạt động vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường và an toàn thực phẩm.

Chọn tạo thành công hàng chục dòng thuần giống cà chua Beef

Việc nghiên cứu thành công các dòng thuần cà chua Beef có ý nghĩa rất lớn để từng bước chủ động sản xuất hạt giống cà chua Beef F1 cho sản xuất trong nước.

Bình luận mới nhất