| Hotline: 0983.970.780

Ba huyện Nam Trung bộ cảnh báo cháy rừng cấp cực kỳ nguy hiểm

Thứ Năm 07/03/2024 , 15:52 (GMT+7)

Bước vào mùa khô nắng nóng diễn ra gay gắt, 3 huyện trên địa bàn tỉnh Bình Thuận bị cảnh báo nguy cơ cháy rừng cấp V (cấp cực kỳ nguy hiểm). 

Lực lượng của Ban Quản lý rừng phòng hộ Lê Hồng Phong liên tục tuần tra vào mùa khô. Ảnh: KS.

Lực lượng của Ban Quản lý rừng phòng hộ Lê Hồng Phong liên tục tuần tra vào mùa khô. Ảnh: KS.

Không lơ là tuần tra rừng

Hơn 1 tuần nay, những cánh rừng thuộc Ban Quản lý rừng phòng hộ Lê Hồng Phong, xã Hòa Thắng, huyện Bắc Bình liên tục bị cảnh báo nguy cơ cháy rừng cấp V.  Lãnh đạo Ban Quản lý rừng phòng hộ Lê Hồng Phong thường xuyên có mặt tại các trạm, chốt giữ rừng để nhắc nhở, chỉ đạo lực lượng của đơn vị triển khai các phương án phòng chống, cháy rừng đã được phê duyệt. Bởi nếu sơ suất để xảy ra cháy rừng thì dễ lan rộng, khó kiểm soát.

Nhận thấy mức nguy hiểm của cháy rừng, anh Võ Minh Đức, tổ trưởng cùng 3 người trong tổ cơ động thuộc Ban Quản lý rừng phòng hộ Lê Hồng Phong đã thường xuyên tuần tra, ngăn chặn những trường hợp tác động rừng, cũng như thực hiện công tác phòng chống cháy.

Anh Võ Minh Đức cho biết, ngoài được giao quản lý tiểu khu 162 khoảng 1.600 ha rừng, tổ của anh còn quản lý kiểm tra các trạm, chốt trực thuộc trên địa bàn lâm phận đơn vị quản lý. Hiện nay, rừng của đơn vị cảnh báo cháy rừng cấp V nên anh em trong tổ không dám lơ là. Từ sáng sớm, anh em trong tổ đã có mặt trong rừng để tuần tra, kiểm soát người ra vào rừng để nhắc nhở, ký cam kết phòng chống cháy rừng. Đối với những đối tượng vào rừng lấy tổ ong, anh em nhất quyết không cho vào rừng để tránh nguy cơ cháy rừng.

“Rừng dự báo cháy cấp V nên chỉ cần sơ suất rất dễ cháy. Do đó, chúng tôi rất cảnh giác, thường xuyên bố trí tuần tra các khu vực có nguy cơ cháy, để kịp thời phát hiện ngăn chặn đám cháy, không để cháy lan trên diện rộng”, anh Đức bày tỏ.

Ông Lê Châu Thành, Trưởng Ban Quản lý rừng phòng hộ Lê Hồng Phong cho biết, hiện đơn vị có khoảng 4.000 ha/15.300 ha nguy cơ cháy rừng cấp V, chủ yếu rừng trồng. Để ứng phó, đơn vị đã cho triển khai các giải pháp như làm đường băng trắng, tạo băng cản lửa và đốt trước có điều khiển để giảm vật liệu cháy ở các khu vực có nguy cơ cháy cao.

“Chúng tôi đã cho triển khai làm nhiều đường băng chống cháy, nhất là giữa lâm phần của đơn vị với đất sản xuất của dân. Đối với diện tích rừng trồng, đơn vị đều cho cày các băng cản lửa. Cùng với đó, chúng tôi chỉ đạo các lực lượng tăng cường kiểm tra các khu vực rừng tiếp giáp đất sản xuất nông nghiệp của người dân. Đồng thời yêu cầu các hộ dân sống gần rừng ký cam kết phòng chống cháy rừng”, ông Thành chia sẻ và cho biết thêm, hiện đơn vị đã ký cam kết gần 100 hộ dân sống ven rừng, tăng nhiều so với mọi năm. Nhờ sự nỗ lực trên nên đến thời điểm này, đơn vị chưa xảy ra cháy rừng.

Tương tự tại Ban Quản lý Khu Bảo tồn thiên nhiên Tà Kóu hiện toàn bộ diện tích 10.400 ha rừng cũng dự báo cháy rừng ở cấp V.

Ông Hà Văn Tuấn, Phó Giám đốc phụ trách Ban Quản lý Khu Bảo tồn thiên nhiên Tà Kóu cho biết, do thời tiết trên lâm phận của đơn vị xảy ra nắng nóng kéo dài đã khiến thực bì khô, lá cây rụng nhiều nên khả năng xảy ra cháy rừng rất cao.

Các hộ hộ nhận khoán của Ban Quản lý Khu Bảo tồn thiên nhiên Tà Kóu trực phòng cháy chữa cháy rừng xuyên đêm trong mùa cao điểm. Ảnh: KS.

Các hộ hộ nhận khoán của Ban Quản lý Khu Bảo tồn thiên nhiên Tà Kóu trực phòng cháy chữa cháy rừng xuyên đêm trong mùa cao điểm. Ảnh: KS.

Theo ông Tuấn, để ứng phó, trước đó, ngay từ đầu năm khi có dự báo cấp III (cấp cao), đơn vị đã triển khai các biện pháp phòng chống cháy như cày đường băng trắng cản lửa, đốt trước có điều khiển nhằm làm giảm vật liệu cháy để hạn chế cháy rừng. Phối hợp với kiểm lâm địa bàn, UBND các xã tuyên truyền đến mọi người dân không phá rừng, lấn chiếm đất rừng, sử dụng lửa trong rừng và gần rừng.

Đến khi có dự báo cấp V, đơn vị đã tăng cường thêm các biện pháp phòng chống cháy. Trong đó, đối với khu vực cực kỳ nguy hiểm, đơn vị tăng cường lực lượng tuần tra, kiểm tra, ứng trực tại các khu vực dễ xảy ra cháy rừng để kiểm soát không cho người và các phương tiện vào rừng. Chủ động lực lượng, phương tiện ứng trực 24/24h trong suốt thời kỳ cao điểm của mùa khô. Tiến hành dọn lại các băng cản lửa phòng, chống cháy rừng ở các khu vực dễ xảy ra cháy rừng. Trong trường hợp phát hiện xảy ra đám cháy, đơn vị sẽ huy động lực lượng cứu chữa, kịp thời theo phương châm “4 tại chỗ”.

Theo cảnh báo cấp cháy rừng của Cục Kiểm lâm tại trang Web quản lý cháy rừng, mất rừng và khai thác thông tin thì hiện Bình Thuận đang ở cảnh báo nguy cơ cháy rừng cấp III gồm các huyện Hàm Thuận Bắc, Hàm Tân, Tánh Linh, Đức Linh, đảo Phú Quý, thị xã La Gi và TP Phan Thiết. Riêng địa bàn các huyện Tuy Phong, Bắc Bình và Hàm Thuận Nam đang có cảnh báo nguy cơ cháy rừng cấp V.

Lưu ý các chủ rừng     

Theo ông Hồ Thiện Đang, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Bình Thuận, bước vào mùa khô diện tích rừng trên địa bàn tỉnh có nguy cơ cháy cao tập trung vào 2 đối tượng rừng. Một là diện tích rừng tự nhiên thuộc kiểu rừng khộp hay rụng lá vào mùa khô, tạo lớp thực bì dễ gây cháy rất dày. Kiểu rừng này chiếm khoảng 200.000 ha, chủ yếu tiếp giáp vùng đồng bằng trở lên vùng núi cao gồm các huyện Tuy Phong, Bắc Bình, Hàm Thuận Bắc, Hàm Thuân Nam, Hàm Tân- La Gi, nơi có diện tích rừng khộp chiếm trên 50%. Hơn nữa khu vực này cũng là nơi thường xuyên có các hoạt động của con người như giao thông đi lại, làm nông nghiệp nên tác nhân gây cháy do con người bất cẩn rất cao.

Các đơn vị ứng phó cháy rừng bằng cách đốt trước có điều khiển để giảm vật liệu cháy. Ảnh: KS.

Các đơn vị ứng phó cháy rừng bằng cách đốt trước có điều khiển để giảm vật liệu cháy. Ảnh: KS.

Hai là diện tích rừng trồng và rừng trồng chưa thành gồm các loài cây chủ yếu như keo, phi lao, bạch đàn…phân bố trên vùng có khí hậu khô, nóng nằm xen lẫn với các khu dân cư, đất nông nghiệp, nghĩa trang…có diện tích khoảng 33.000 ha. Diện tích rừng này có nguy cháy rừng rất cao cũng do hoạt động bất cẩn của con người, gồm các huyện Tuy Phong, Bắc Bình, Hàm Thuận Bắc, TP. Phan Thiết, Hàm Thuận Nam, Hàm Tân- La Gi.

Trước tình hình đó, để phòng, chống cháy rừng, ông Đang cho biết, Chi cục đã tham mưu cho Ban chỉ đạo Chương trình phát triển lâm nghiệp bền vững tỉnh Bình Thuận ban hành phương án số 375 ngày 5/2/2024 về bảo vệ rừng, phòng, chống phá rừng và phòng cháy chữa cháy rừng năm 2024. Phương án này đã chỉ rõ các vùng trọng điểm cháy, vùng có nguy cơ cháy cao đến từng địa phương, từng chủ rừng và biện pháp ứng phó khi xảy ra cháy rừng.

Tạo băng cản lửa để phòng cháy chữa cháy rừng. Ảnh: KS.

Tạo băng cản lửa để phòng cháy chữa cháy rừng. Ảnh: KS.

Bên cạnh đó, Chi cục Kiểm lâm cũng đã chỉ đạo các chủ rừng xây dựng phương án phòng cháy chữa cháy rừng năm 2024 của từng đơn vị. Rà soát, kiện toàn Ban chỉ huy các vấn đề cấp bách về phòng, chống phá rừng và phòng cháy chữa cháy rừng; xây dựng các tổ đội phòng cháy chữa cháy rừng ở các chốt, trạm bảo vệ rừng, phân công trực 24/24h suốt mùa cao điểm cháy; chuẩn bị đầy đủ về dụng cụ, phương tiện, hậu cần theo đúng phương châm “4 tại chỗ”. Đồng thời xây dựng kế hoạch đốt giảm vật liệu cháy, hoàn thành việc đốt giảm vật liệu cháy trước khi bước vào cao điểm mùa khô.

Đặc biệt, tăng cường hoạt động tuyên truyền về phòng cháy chữa cháy rừng, tu sửa các bảng biển cảnh báo tại các địa bàn trọng điểm. Thực hiện làm cam kết phòng cháy chữa cháy rừng đối với các hộ gia đình sinh sống trong và ven rừng, nghiêm cấm việc đốt dọn nương rẫy trong mùa cao điểm cháy; khuyến cáo người dân cẩn trọng trong việc đốt vàng mã khi viếng nghĩa trang gây cháy rừng. Cũng như thực hiện nghiêm chế độ thông tin báo cáo hàng ngày về tình hình cháy rừng về Ban chỉ huy cấp huyện và Chi cục Kiểm lâm để theo dõi.

Theo ông Hồ Thiện Đang, những năm qua được sự hỗ trợ kinh phí của Trung ương, tỉnh đã từng bước xây dựng và trang bị cơ sở vật chất cho công tác phòng cháy chữa cháy rừng. Tuy nhiên do kinh phí có giới hạn nên mức độ xây dựng cơ sở vật chất và mua sắm trang thiết bị chưa đầy đủ cho các địa phương, chủ rừng đúng theo phương án quản lý rừng bền vững của tỉnh và của từng chủ rừng đã được phê duyệt. Do vậy, Chi cục Kiểm lâm sẽ tiếp tục tham mưu Sở NN-PTNT kiến nghị UBND tỉnh, Trung ương tiếp tục quan tâm hỗ trợ kinh phí để đảm bảo trang thiết bị, cơ sở vật chất phục vụ công tác phòng cháy chữa cháy rừng đã được phê duyệt.

Xem thêm
Quảng Nam định hướng trở thành trung tâm công nghiệp dược liệu

Tỉnh Quảng Nam sẽ có cơ chế chính sách, nguồn lực, tạo điều kiện và thu hút doanh nghiệp lớn tham gia đầu tư để phát triển cây dược liệu trên địa bàn.

Tái thiết rừng Quảng Ninh sau bão Yagi: [Bài 1] Chờ chính sách để hồi sinh

Hơn 3 tháng bão Yagi đi qua, những cánh rừng tan hoang ở Quảng Ninh vẫn chết khô, chờ chính sách để được tái sinh, trồng mới.

Bình Thuận tăng cường bảo vệ, phòng cháy, chữa cháy rừng dịp giáp Tết

Người đứng đầu phải chịu trách nhiệm trước pháp luật khi trong phạm vi trách nhiệm và quyền hạn của mình mà không có biện pháp bảo vệ rừng, phòng cháy rừng hiệu quả.

Đặc sắc lễ cúng thần rừng của người Mông Nà Hẩu

Lễ cúng thần rừng là nghi lễ độc đáo được người Mông ở xã Nà Hẩu tổ chức vào ngày cuối cùng của tháng Giêng hàng năm.