| Hotline: 0983.970.780

Dốc sức ngăn bà hoả ‘nuốt’ rừng

Chủ Nhật 25/02/2024 , 11:10 (GMT+7)

Nắng nóng kéo dài khiến các cánh rừng Bắc Tây Nguyên khô khốc, chỉ cần mồi lửa có thể bốc cháy dữ dội. Các tỉnh đang căng mình phòng chống cháy rừng.

Tổ bảo vệ rừng xã Đăk Hà, huyện Tu Mơ Rông tuần tra, bảo vệ rừng. Ảnh: Đăng Lâm.

Tổ bảo vệ rừng xã Đăk Hà, huyện Tu Mơ Rông tuần tra, bảo vệ rừng. Ảnh: Đăng Lâm.

Căng mình tuần tra

Bắc Tây Nguyên có diện tích rừng lớn. Ba tháng nay, thời tiết nắng nóng. Các cánh rừng già trở nên khô khốc, nguy cơ bùng cháy rất cao. Với đặc điểm đồi dốc, nếu xảy ra cháy, rất khó để dập, cả cánh rừng sẽ chìm trong biển lửa.

Huyện Tu Mơ Rông, tỉnh Kon Tum hiện có khoảng trên 57.000ha rừng. Trong đó, diện tích tại xã Đăk Hà (huyện Tu Mơ Rông) là khoảng 2.000ha. Chúng tôi đặt chân đến Tiểu khu 265 (xã Đăk Hà) thì bắt gặp tốp bảo vệ rừng đi tuần tra trên những cánh rừng thông.

Tại đây, họ cùng nhau tổ chức phát dọn thực bì. Từng lớp cỏ khô dưới tán rừng được thu gom, xử lý triệt để. Dưới trời nắng khốc liệt, ai nấy đều mệt lả, mồ hôi chảy nhễ nhại. Họ ngồi bệt xuống đất, rồi tự tiếp sức bằng những túi nước mang theo. Chốc lát, khi sức lực đã phục hồi, những người bảo vệ rừng tiếp tục luồn núi đi tuần tra ở những cánh rừng lân cận.

Chủ tịch UBND xã Đăk Hà Dương Đăng Khoa cho biết, tại địa bàn, thời tiết nắng nóng, cộng với diện tích rừng lớn nên nguy cơ cháy rừng cao. Địa phương đang căng mình để ngăn cháy rừng. Ngoài phát dọn thực bì, tổ bảo vệ rừng của xã thường xuyên đi tuần tra. Trước, trong và sau tết, cán bộ xã phải thay nhau đi kiểm tra, trực phòng cháy rừng. Nhờ bám đất, bám rừng, đến nay, các cánh rừng vẫn an toàn, không bị lửa thiêu cháy.

Ngược về huyện Kon Rẫy (tỉnh Kon Tum), trời nắng như đổ lửa. Các cánh rừng thông mới trồng ở xã Đắk Kôi (huyện Kon Plông) có nguy cơ cháy cao. Tốp bảo vệ rừng bám theo các con đường mòn để tuần tra. Gặp người dân làm rẫy, nhân viên bảo vệ rừng hướng dẫn dân có biện pháp đảm bảo an toàn cho các cánh rừng khỏi bị bà hoả ghé thăm.

“Thời gian qua, do nguy cơ cháy rừng cao nên nhân viên bảo vệ rừng tuần tra cả ngày lẫn đêm để sớm phát hiện kịp thời. Xã cũng đã yêu cầu các hộ dân sản xuất nông nghiệp gần các cánh rừng ký cam kết đảm bảo các tiêu chí phòng chống cháy rừng”, ông Nguyễn Ngọc Đông, Chủ tịch UBND xã Đắk Kôi thông tin.

Tại Gia Lai, nguy cơ cháy rừng cũng rình rập khắp nơi. Đến nay, đã có 13/17 huyện, thị xã, thành phố có mức cảnh báo cháy rừng ở cấp V, cấp cực kỳ nguy hiểm. Đi dọc tỉnh lộ 665 đoạn qua các xã Ia Ga, Ia Mơ, (huyện Chư Prông, tỉnh Gia Lai), chúng tôi thấy những vạt rừng trơ trụi lá. Dưới tán cây, lá khô phủ kind mặt đất, nguy cơ cháy rất cao. Các cánh rừng xã Ia Lâu, Ia Piơr cũng chung tình cảnh tương tự. Từng tốp bảo vệ rừng thay nhau canh gác cửa rừng.

 Xem xét trách nhiệm để xảy ra cháy rừng

Để hạn chế thấp nhất thiệt hại do bà hoả gây ra, các tỉnh đang gồng mình phòng chống cháy rừng. Ông Võ Trung Mạnh, Chủ tịch UBND huyện Tu Mơ Rông cho biết, để phòng chống cháy rừng trong mùa khô, huyện đã yêu cầu các chủ rừng chú trọng việc phát dọn vật liệu cháy; tổ chức lực lượng trực, tuần tra canh gác lửa rừng, nhất là diện tích rừng mới trồng, đang trong giai đoạn chăm sóc. Bên cạnh đó, địa phương đã yêu cầu các chủ rừng cần đầu tư trang thiết bị cho công tác phòng cháy; luôn sẵn sàng về lực lượng, phương tiện, dụng cụ để tham gia ứng cứu khi có cháy rừng xảy ra.

Nhân viên bảo vệ rừng xã Đăk Hà phát dọn cây tranh dưới tán rừng. Ảnh: Đăng Lâm.

Nhân viên bảo vệ rừng xã Đăk Hà phát dọn cây tranh dưới tán rừng. Ảnh: Đăng Lâm.

Còn UBND tỉnh Gia Lai cho biết, để giảm thiểu tối đa cháy rừng và thiệt hại do cháy rừng gây ra, đơn vị đã yêu cầu các chủ rừng phân công lực lượng trực 24/24 giờ trong những ngày cao điểm mùa khô; kiểm soát chặt chẽ người ra vào các khu rừng có nguy cơ cháy cao. Bên cạnh đó, đơn vị yêu cầu Sở NN-PTNT chỉ đạo Chi cục Kiểm lâm thông tin kịp thời cấp dự báo cháy rừng để cảnh báo cho các địa phương, chủ rừng các điểm cháy hòng sớm kiểm tra, tổ chức lực lượng chữa cháy, hạn chế thấp nhất phát sinh vụ cháy rừng lớn trên địa bàn.

Ngoài ra, khi có cháy rừng xảy ra, Chủ tịch UBND cấp huyện cần trực tiếp chỉ đạo, huy động lực lượng, phương tiện để chữa cháy, hạn chế thấp nhất thiệt hại, đảm bảo an toàn về tính mạng con người khi tham gia chữa cháy rừng. Đồng thời, phải chỉ đạo điều tra, xác định nguyên nhân các vụ cháy rừng; kiên quyết xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm cũng như làm rõ trách nhiệm quản lý của người đứng đầu khi để xảy ra cháy rừng.

Theo UBND tỉnh Kon Tum, địa phương đã yêu cầu Giám đốc Sở NN-PTNT, Chủ tịch UBND các huyện, thành phố, các chủ rừng chỉ đạo tăng cường kiểm tra tại các khu vực rừng có nguy cơ cháy cao, kịp thời phát hiện và xử lý đám cháy ngay từ ban đầu. Bên cạnh đó, UBND tỉnh cũng yêu cầu các đơn vị trên khẩn trương đôn đốc việc phát, thu gom vật liệu cháy, bổ sung biển báo cấm lửa, biển báo cấm chặt phá.

Hàng nghìn ha cây trồng có nguy cơ thiếu nước

Khô hạn ngoài khiến các cánh rừng đối diện với nguy cơ cháy, còn khiến cây trồng đối diện viễn cảnh thiếu nước tưới. Theo UBND tỉnh Kon Tum, từ tháng 3 đến tháng 5, khô hạn, thiếu nước có nguy cơ cao xảy ra trên diện rộng, đặc biệt là các khu vực không chủ động được nguồn nước tưới thuộc TP Kon Tum và các huyện Sa Thầy, Ia H’Drai, Đăk Hà, Đăk Tô, Ngọc Hồi, Kon Rẫy, Nam Đăk Glei. Tổng diện tích cây trồng dự kiến có khả năng khô hạn, thiếu nước là hơn 1.700ha.

Xem thêm
Quảng Nam định hướng trở thành trung tâm công nghiệp dược liệu

Tỉnh Quảng Nam sẽ có cơ chế chính sách, nguồn lực, tạo điều kiện và thu hút doanh nghiệp lớn tham gia đầu tư để phát triển cây dược liệu trên địa bàn.

Tái thiết rừng Quảng Ninh sau bão Yagi: [Bài 1] Chờ chính sách để hồi sinh

Hơn 3 tháng bão Yagi đi qua, những cánh rừng tan hoang ở Quảng Ninh vẫn chết khô, chờ chính sách để được tái sinh, trồng mới.

Bình Thuận tăng cường bảo vệ, phòng cháy, chữa cháy rừng dịp giáp Tết

Người đứng đầu phải chịu trách nhiệm trước pháp luật khi trong phạm vi trách nhiệm và quyền hạn của mình mà không có biện pháp bảo vệ rừng, phòng cháy rừng hiệu quả.

Đặc sắc lễ cúng thần rừng của người Mông Nà Hẩu

Lễ cúng thần rừng là nghi lễ độc đáo được người Mông ở xã Nà Hẩu tổ chức vào ngày cuối cùng của tháng Giêng hàng năm.