Nằm trên địa bàn huyện Võ Nhai (tỉnh Thái Nguyên), Ban Quản lý Khu Bảo tồn thiên nhiên (BQLKBTTN) Thần Sa - Phượng Hoàng được giao quản lý, bảo vệ hàng chục nghìn ha rừng thuộc địa bàn 8 xã, thị trấn.
Với hàng ngàn hộ dân sống trong vùng lõi của khu bảo tồn, nhiệm vụ quản lý, bảo vệ, phát triển tính đa dạng sinh học của khu bảo tồn là một thử thách lớn.
Dự án phát triển cây dược liệu ba kích dưới tán rừng được triển khai tại khu bảo tồn đã và đang hứa hẹn một hướng đi mới nhằm tạo sinh kế bền vững cho người dân. Từ đó, giảm áp lực đối với việc xâm hại rừng.
Vạn sự khởi đầu nan
Dự án trồng cây ba kích dưới tán rừng tại KBTTN Thần Sa - Phượng Hoàng được Trung tâm học liệu (Đại học Thái Nguyên) hỗ trợ triển khai.
Ông Phan Quốc Thụ (Phó Giám đốc BQLKBTTN Thần Sa - Phượng Hoàng) cho biết, mô hình được triển khai từ giữa năm 2012. Để thực hiện mô hình, cán bộ của BQL khu bảo tồn cùng với đơn vị hỗ trợ thực hiện đã tiến hành họp dân, triển khai cơ chế chính sách cho nhân dân nắm và tham gia chương trình.
Theo đó, các hộ thực hiện trồng ba kích được hỗ trợ 100% giống, phân bón và tập huấn kỹ thuật. Người dân chỉ phải bỏ công, chuẩn bị tư liệu, hiện trường để sản xuất. Kết thúc quá trình, 100% sản phẩm thu hoạch được đều thuộc về nhân dân.
Cơ chế hỗ trợ đã rõ nhưng người dân lại băn khoăn, một số hộ dân sau khi được tập huấn kỹ thuật lại chần chừ, ý không muốn tham gia thực hiện chương trình.
Ông Hoàng Văn Hướng (xóm Bản Cái, xã Nghinh Tường, huyện Võ Nhai) bộc bạch, dân chúng tôi chỉ quen với tra ngô, mố sắn, chưa một lần được nhìn thấy ba kích mà nay lại trồng ba kích. Vả lại, mô hình chỉ mang tính thử nghiệm, được chăng hay chớ nên nhiều người sợ hỏng, không dám tham gia.
Tuy vậy, được sự khích lệ, động viên từ cán bộ BQLKBTTN, sự chỉ đạo mạnh mẽ từ lãnh đạo chính quyền địa phương, mô hình đã được triển khai với quy mô 20 ha thuộc 2 xóm Bản Cái và Thâm Thạo (xã Nghinh Tường). Diện tích chọn trồng ba kích là tận dụng những vạt rừng sản xuất nghèo kiệt, có giá trị kinh tế thấp.
Sau khi người dân cuốc hố, cán bộ kỹ thuật nghiệm thu từng vị trí hố trồng để cấp phát cây giống và phân bón.
Hứa hẹn cho thu nhập tốt
Ba kích tỏ ra thuận với đất rừng Thần Sa - Phượng Hoàng. Cây giống nhanh chóng bén rễ, bám vào thân những cây thân gỗ, leo lên quang hợp để nuôi củ. Cây lớn nhanh, xanh tốt và đặc biệt là số cây sống đạt tỷ lệ tuyệt đối 100%.
Ông Hoàng Văn Mót (xóm Thâm Thạo, xã Nghinh Tường) cho biết, tham gia mô hình, gia đình ông trồng 1 ha ba kích. Mới đây, qua kiểm tra thử thì đường kính thân củ ba kích đã to được 1 - 2 cm. Ước lượng mỗi khóm có thể cho sản lượng đạt khoảng 3 kg củ. Nếu tính trên toàn bộ 1.000 hom của diện tích 1 ha thì sản lượng đã đạt 3 tấn, tương đương với 600 kg củ khô.
Ba kích hứa hẹ nâng thu nhập cho đồng bào dưới tán rừng Thần Sa, Phượng Hoàng
Nhân với giá thị trường thu mua ba kích hiện nay là 400.000đ/kg thì ông Mót sẽ có 240 triệu đồng. Chia 3 năm, mỗi năm sẽ cho thu nhập 80 triệu đồng.
Trên thực tế, theo hướng dẫn kỹ thuật thì cuối năm 2015 mới là vụ thu hoạch ba kích. Như vậy, năng suất, sản lượng ba kích sẽ còn đạt cao. Những người tham gia mô hình hồ hởi, phấn khởi. Những người dân khác mong muốn sẽ được tham gia mô hình trong thời gian tới.
Ông Hà Văn Ninh (Chủ tịch UBND xã Nghinh Tường) cho biết, suất đầu tư để sản xuất cây dược liệu ba kích là không lớn. Cụ thể, người dân chỉ mất công đào hố, mỗi năm 2 lần bón phân, làm cỏ, vun gốc. Trong khi đó, nhu cầu thị trường thu mua ba kích lúc nào cũng lớn. Ngay tại Thái Nguyên, Bệnh viện viện y học cổ truyền đã sẵn sàng đặt hàng mua ba kích của nhân dân với sản lượng không hạn chế và thời gian trong nhiều năm tới.
Hiện tại, rất nhiều người dân đang hăng hái muốn tham gia chương trình trồng, phát triển cây ba kích. Xã Nghinh Tường hiện có trên 3.000 ha đất lâm nghiệp. Trong đó, diện tích tiềm năng để phát triển, sản xuất cây ba kích cũng còn khá nhiều.
Tuy nhiên, ông Ninh cho biết, sau vụ thu hoạch 2015, lãnh đạo địa phương cùng với các cơ quan triển khai và người dân thực hiện mô hình sẽ đánh giá tổng kết để có bước đi tiếp theo hợp lý.
Ông Phan Quốc Thụ (Phó Giám đốc BQLKBTTN Thần Sa - Phượng Hoàng) cho biết, dự án trồng ba kích tại KBTTN đã mở ra một hướng đi mới, một cách nhìn nhận mới về phát triển sinh kế cho người dân dưới tán rừng đặc dụng, phòng hộ. Dự án thành công sẽ là tiền đề để BQL KBTTN Thần Sa - Phượng Hoàng vững tin thực hiện một số mô hình tiếp theo như sản xuất chuối tây, một số loại cây ăn quả và cây dược liệu trong khu bảo tồn.