| Hotline: 0983.970.780

Bà Vui gieo ươm niềm vui

Thứ Tư 20/10/2010 , 10:14 (GMT+7)

Lẩn khuất giữa những nếp nhà ngả màu rêu phong của mảnh đất trăm nghề Phú Xuyên (Hà Nội), thôn Ngọ Hạ, xã Chuyên Mỹ có một hợp tác xã khảm trai đặc biệt.

Bà Vui (Thứ 3 từ phải sang) trong lễ trao quà và giấy chứng nhận tốt nghiệp ra trường cho các em học sinh

Lẩn khuất giữa những nếp nhà ngả màu rêu phong của mảnh đất trăm nghề Phú Xuyên (Hà Nội), thôn Ngọ Hạ, xã Chuyên Mỹ có một hợp tác xã khảm trai đặc biệt. Ngoài việc học nghề để sau này lo cuộc sống, học viên của trung tâm còn được giao lưu, đồng cảm và sẻ chia những điều giản đơn thường ngày. Ở đây, tất cả các em mồ côi, khuyết tật đều có chung một người mẹ nuôi đã xấp xỉ tuổi 70.

Người đa cảm

Chúng tôi về HTX Sơn khảm trai Ngọ Hạ đúng thời điểm cơn bão lịch sử đang hoành hành tán phá khắp khúc ruột miền Trung. Cách tâm bão hàng trăm cây số mà mưa vẫn trắng xóa bầu trời Phú Xuyên. Trái với không khí lạnh buốt ngoài trời, bên trong lớp học của các em mồ côi, khuyết tật bao trùm một sự ấm cúng lạ thường. Tiếng đục va vào gỗ kêu lanh cách, tiếng ma sát của dũa mài vỏ trai vang lên xoèn xoẹt kết hợp với nhau như một bản nhạc giao hưởng nhiều cảm xúc.

Mái tóc lốm đốm hoa râm, nước da hồng hào, khuôn mặt hiền lành phúc hậu, bà chủ HTX Sơn khảm trai Ngọ Hạ Nguyễn Thị Vui tâm sự: “Tất cả các cháu ở đây đều bị khiếm khuyết cả! Hoàn cảnh của chúng tội nghiệp lắm. Thôi, mời anh lên phòng làm việc của tôi nói chuyện chứ ở đây ảnh hưởng đến học tập của các cháu, nhỡ chẳng may có đứa nào nghe thấy nó lại tủi thân thì tôi áy náy lắm!”. Tôi cùng bà Vui đứng dậy đi về phía căn nhà mái bằng đối diện lớp học, phía sau lưng là những ánh mắt tò mò kèm theo những tiếng cười khúc khích của mấy em nữ thi thoảng vẫn dừng tay nhìn trộm khi tôi ở đó.

Sinh năm 1943 ở một làng quê có nghề khảm trai truyền thống nên bà Vui rất hiểu và đam mê với nghề của cha ông. Bà bảo, ngày trước đi công tác ở các địa phương bắt gặp nhiều em khuyết tật, thiểu năng trí tuệ hay ảnh hưởng chất độc da cam khiến bà xót xa lắm. Lúc nào bà cũng nung nấu trong lòng một quyết tâm phải giúp được gì, dù là rất nhỏ thôi cho những mảnh đời khiếm khuyết thiệt thòi đó.

“Dường như ông trời thấu hiểu được nỗi lòng nên tôi được anh em tín nhiệm bầu làm chủ nhiệm HTX Sơn khảm trai Ngọ Hạ. Năm 1994, Sở Lao động - Thương binh & Xã hội Hà Tây (cũ) đã giúp đỡ cấp phép cho tôi mở các lớp dạy nghề sơn, khảm trai cho trẻ khuyết tật. Hơn nữa, sự hỗ trợ của tổ chức Tầm nhìn thế giới giúp tôi tự tin mạnh dạn hơn rất nhiều trong việc thực hiện tâm nguyện của cả cuộc đời mình”, bà Vui phấn khởi nhớ lại những ngày đầu khởi nghiệp.

Khi được hỏi tại sao lại chọn cái công việc chưa làm đã biết khó khăn ấy để gắn bó, bà Vui nở một nụ cười rồi lý giải đơn giản rằng: Tôi không cầm được lòng khi chứng kiến hình ảnh những em khuyết tật bò lê ngoài đường ăn xin hay những cô bé, cậu bé bị thiểu năng trí tuệ có những hành động mà ai nhìn thấy cũng phải tái tê lòng. Tại sao mình có nghề, có cơ sở vật chất nhân lực trong tay mình không giúp các em trở thành một công dân có ích cho xã hội? Khi có được một cái nghề trong tay dù các em khi ra trường nếu không giúp gì được cho gia đình nhưng ít nhất cũng tự lo được cho bản thân.

Nâng đỡ những mảnh đời yếm thế

Để mở được một trung tâm dạy nghề cho trẻ em khuyết tật, bà Vui đã gặp muôn vàn khó khăn, song công việc lấy đi của bà nhiều mồ hôi và nước mắt nhất chính là lúc bà Vui cùng đồng nghiệp lặn lội khắp nơi liên hệ, phát tờ rơi vận động các gia đình có con bị khuyết tật hay thiểu năng trí tuệ gửi con đến HTX để được học nghề và miễn phí hoàn toàn chi phí ăn ở.

Bà Vui cho hay, hầu hết các em khuyết tật hay thiểu năng trí tuệ đều bị gia đình nhốt ở nhà ít khi được tiếp xúc với bên ngoài nên khi gặp người lạ các em khóc và phá ngang dữ lắm. Có em còn chui biệt vào trong gầm giường nói thế nào cũng không chịu ra, em khác thì đập phá đồ đạc của HTX; phải mua kẹo bánh về dỗ dành từng tí một các em mới dần nguôi ngoai và không đòi về nhà nữa. “Nhưng cũng có nhiều em nghị lực và khát khao lắm anh ạ! Có em chân yếu nhưng tự bò lê đi học, có em đang đi tự dưng đổ kềnh ra như cây chuối tôi chạy đến đỡ thì chúng không cho, chúng bảo để chúng tự đứng dậy thế mới khâm phục chứ!”, bà Vui nhớ lại.

Trong lúc đợi bà chủ nhiệm HTX giao dịch với khách hàng, tôi được thầy Nguyễn Đình Tươi, người phụ trách dạy khâu tỉa cho các em khuyết tật tâm sự: “Nghề khảm trai đòi hỏi cần phải tỉ mỉ chuẩn xác nên người bình thường học còn khó huống chi là những em khuyết tật. Thú thật với anh nhiều lúc chúng tôi cảm thấy mệt mỏi và nản chí khi dạy các em hôm trước hôm sau chúng quên sạch. Có những em đã học 3 - 4 năm nay mà đã làm được gì đâu. Những lúc đó bà Vui gọi riêng chúng tôi ra một chỗ động viên khuyên nhủ phải nhẫn nại và thương yêu các em như chính con đẻ của mình thì mới có thể truyền nghề được. Chứ gây đựng được đến ngày hôm nay rồi chỉ vì một chút khó khăn đó mà bỏ cuộc thì uổng công lắm".

Thầy Tươi nói thêm: "Rồi các em ấy sau này biết bấu víu trông cậy vào ai nữa. Nếu em nào không thể học được nghề thì cho các em đến ngồi chơi để các em có bạn có bè dù sao thì vẫn hơn là việc nhốt các em ở nhà.”

Đang chuẩn bị bữa cơm trưa cho hơn 30 em khuyết tật tại trung tâm, cô Phạm Thị Vân tự hào khi nhắc đến điểm tự tinh thần vững chắc không chỉ của các em khuyết tật mà ngay cả cán bộ, giáo viên của trung tâm. Mặc dù một mình vừa lo giao dịch vừa lo đầu ra đầu vào cho sản phẩm khảm trai của HTX Ngọ Hạ nhưng hôm nào không bận bà Vui đều ít nhất 2 tiếng buổi sáng và buổi chiều xuống xưởng giám sát động viên các em cố gắng học tập tốt. Chính vì thế mà các em ở đây quý và coi bà Vui như người mẹ thứ hai vậy.

“Hôm nào không thấy mẹ Vui đến là các em lại nhao nhao hỏi và buồn không muốn học nữa. Lúc đó tôi phải dỗ dành chúng là mẹ Vui của các con đang đi công tác và mua kẹo về cho các con thì chúng mới chịu làm tiếp”, cô Vân nói.

11h trưa, hơn 30 em khuyết tật nói cười huyên náo rủ nhau đi ăn cơm. Với một bát thịt kho đậu, một đĩa rau muống xào cùng bát canh các em ăn uống rất từ tốn không có chuyện tranh giành nhau. Nhìn những đứa con của mình ăn uống say sưa tôi thấy mắt bà Vui ánh lên một niềm hạnh phúc sâu thẳm...
Bà Vui cho biết, dưới mái nhà HTX Ngọ Hạ đã có hơn 2.000 em khuyết tật ra trường và ổn định cuộc sống. Rất nhiều em đã trưởng thành ông này bà nọ sở hữu trong tay những Cty riêng như em Lương Văn Phánh ở thôn Cổ Trai, xã Bạch Hạ, Phú Xuyên bị tàn tàn tật, bố mẹ lại mắc bệnh tâm thần vậy mà học xong vào miền Nam làm đến nay Pánh đã lo được cho bố mẹ. Hay em Hương nhà ở ngoài Guột thấp lẹ kẹ như cái nấm nhưng được cái khéo tay. Giờ Hương đã có chồng và 2 con cùng một công việc ổn định thu nhập 2 triệu đồng/tháng từ nghề khảm trai…

Và còn rất nhiều những em đã trưởng thành dưới bàn tay che chở chăm sóc của HTX mà bà không nhớ hết tên. Bà chỉ biết rằng, vào ngày giỗ tổ làng nghề, bọn chúng ở khắp nơi trở về thắp hương mà đồ lễ bày kín cả ban thờ không còn chỗ đặt nữa. Với những cống hiến thầm lặng không mệt mỏi, bà Vui đã nhận được vô số bằng khen, giấy khen của Trung ương và địa phương, đặc biệt HTX của bà còn vinh dự được đón Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan về thăm.

Xem thêm
4,2 triệu Euro hỗ trợ nông dân ĐBSCL làm nông nghiệp sinh thái, thông minh

Trà Vinh Dự án được tài trợ bởi Liên minh Châu Âu và triển khai tại các tỉnh Đồng Tháp, Kiên Giang và Trà Vinh, với tổng vốn đầu tư 4,2 triệu Euro.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Thừa nắng, thiếu mưa, cả nước chuẩn bị đón mùa hè rực lửa

Nhiệt độ và nắng nóng thời điểm tháng 5/2024 trên phạm vi toàn quốc trung bình phổ biến cao hơn từ 1-2 độ C; tháng 6/2024, cao hơn từ 0,5-1,5 độ C.

Bình luận mới nhất