Bắc Giang lên nhiều phương án tiêu thụ vải thiều
Là địa phương có diện tích vải thiều lớn nhất cả nước, hiện nay Bắc Giang cũng đang là điểm nóng của dịch bệnh Covid-19. Trước tình hình đó, chính quyền địa phương đã thực hiện nhiều phương án để đảm bảo cho việc thu hoạch vận chuyển cũng như tiêu thụ vải thiều.
Theo ông Nguyễn Văn Phương, Phó Giám đốc Sở Công thương tỉnh Bắc Giang, đầu tiên, ngay sau khi phát hiện các ổ dịch, tỉnh Bắc Giang đã tập trung tổng lực để thần tốc truy vết, phát hiện các đối tượng có liên quan đến ổ dịch. Các đối tượng F1 là người của huyện Lục Ngạn, huyện Tân Yên, là những vùng trồng vải, đã được đưa vào cách ly tập trung tại các điểm cách ly ngoài vùng vải thiều.
Tỉnh Bắc Giang cũng vận động các đối tượng F2 khác không trở về địa phương và bố trí cách ly ở tại các khu nhà ở dành cho công nhân, các khu nhà trọ gần các khu công nghiệp.
Tiếp đó, tỉnh cũng đã tuyên truyền vận động người dân ở khu vực trồng vải không đi ra khỏi địa phương. Đối với khách vãng lai, Bắc Giang đã thành lập những điểm chốt để kiểm soát chặt chẽ người và phương tiện vào trong khu vực vải thiều, tiến hành kiểm tra y tế đối với các mã vùng trồng, chủ hộ sản xuất vải thiều, các điểm sơ chế, đóng gói. Phương tiện và người vận chuyển vải thiều phải được xét nghiệm, cấp giấy chứng nhận là âm tính với virus SARS-CoV2.
Bắc Giang cũng đã xây dựng 1 kế hoạch xúc tiến tiêu thụ vải thiều trong điều kiện dịch bệnh Covid-19 trong đó đặt ra 3 phương án, 3 kịch bản ứng phó với các cấp độ của dịch bệnh.
Ông Nguyễn Văn Phương cho biết hiện nay, lô vải thiều sớm của Bắc Giang đã xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc qua cửa khẩu Lào Cai, Tân Thanh – Lạng Sơn.
Đới với thị trường trong nước, tỉnh đã sớm kết nối với các hệ thống bán buôn, các chợ đầu mối như Thủ Đức, Bình Điền ở TP. HCM, Dầu Dây ở Đồng Nai, Hòa Cường ở Đà Nẵng, các chợ đầu mối của TP. Hà Nội cũng như các tỉnh thành khác.
Ngoài ra, Bắc Giang cũng đã liên hệ làm việc với các hệ thống siêu thị trung tâm thương mại lớn cũng như kết nối và hỗ trợ các doanh nghiệp các hợp tác xã, đăng kí và mở các gian hàng trên các sàn giao dịch thương mại điện tử như Alibaba, Amazon, Vỏ Sò, Sen Đỏ, Lazada.
Đối với thị trường xuất khẩu, Phó Giám đốc Sở Công thương cho hay: “Ngay từ đầu tháng 4, tỉnh Bắc Giang đã mời các đơn vị Cục, Viện của Bộ Công thương, Bộ NN-PTNT về làm việc. Qua đó trao đổi đề xuất các phương án xuất khẩu vải thiều sang các thị trường các nước, đặc biệt là Trung Quốc và các thị trường khó tính.”
Cùng với đó UBND tỉnh Bắc Giang đã có văn bản đề nghị Bộ Công thương và các tham tán thương mại của Việt Nam tại nước ngoài tích cực phối hợp với Bắc Giang hỗ trợ đẩy mạnh công tác xúc tiến xuất khẩu vải thiều sang thị trường các nước. Hiện nay Bắc Giang đã kết nối, làm việc trực tiếp cũng như trực tuyến với các đơn vị của Việt Nam tại Trung Quốc, Nhật Bản, MỸ, Úc, Singapore...
Bắc Giang cũng đã mời gọi các doanh nghiệp tham gia thu mua xuất khẩu vải thiều như Công ty Cổ phần Ameii Việt Nam, Công ty TNHH Xuất nhập khẩu trái cây Chánh Thu, Công ty TNHH Sản xuất Thương mại Dịch vụ Rồng Đỏ… Hầu hết các doanh nghiệp đã về Bắc Giang để khảo sát các vùng trồng và ký kết các hợp đồng nguyên tắc với các doanh nghiệp hợp tác xã sản xuất vải thiều, các hộ nông dân sản xuất vải thiều trong khu vực mã vùng trồng.
Tổ chức cho thương nhân Trung Quốc thu mua vải thiều
Theo ông Nguyễn Văn Phương, đối với thị trường Trung Quốc, Bắc Giang luôn xác định đây là một thị trường truyền thống và rất quan trọng trong việc xuất khẩu vải thiều. Chính vì vậy mà tỉnh đã sớm lên danh sách các thương nhân Trung Quốc đề nghị với Thủ tướng Chính phủ cho phép đến Bắc Giang để khảo sát và thu mua vải thiều.
“Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý cho 190 thương nhân Trung Quốc sang Bắc Giang để khảo sát thu mua vải thiều. Tuy nhiên, hiện nay tình hình dịch Covid-19 còn đang diễn biến phức tạp nên các thương nhân TQ vẫn chưa thể sang”, ông Phương thông tin.
Trong trường hợp dịch bệnh diễn biến phức tạp, thương nhân Trung Quốc không thể sang tận nơi thì Bắc Giang cũng đã có phương án trung chuyển vải thiều qua các cửa khẩu, hiện nay đã triển khai ở cửa khẩu tỉnh Lào Cai.
“Vải thiều Bắc Giang sẽ được đảm bảo việc phun khử khuẩn và vận chuyển đến một bãi tập kết gần khu vực cửa khẩu. Sau đó lái xe Trung Quốc họ sẽ sang nhận và đánh xe đến điểm thông quan. Sau khi đánh xe sang bến bãi của Trung Quốc sẽ tiến hành xuống hàng và lại đánh xe quay lại bến bãi, giao trả xe cho Việt Nam để hoàn tất thủ tục giao nhận hàng”, Phó Giám đốc Sở Công thương tỉnh Bắc Giang thông tin.