| Hotline: 0983.970.780

Người phụ nữ Tày đưa tinh túy rừng núi Na Rì ra thế giới

Thứ Ba 06/06/2023 , 06:11 (GMT+7)

Từ món ăn cứu đói thuở thiếu thời đến khi đóng kiện vào container xuất đi châu Âu là cả một câu chuyện dài về miến dong và người phụ nữ Tày Nguyễn Thị Hoan.

HTX Tài Hoan nằm giữa mênh mông núi rừng Na Rì, Bắc Kạn. Ảnh: Tùng Đinh.

HTX Tài Hoan nằm giữa mênh mông núi rừng Na Rì, Bắc Kạn. Ảnh: Tùng Đinh.

Na Rì nằm ở phía đông của Bắc Kạn, có phần tách biệt, giao thông chủ yếu qua 2 tuyến đường chính là quốc lộ 3 và quốc lộ 279. Với độ cao trung bình hơn 550m so với mực nước biển, đây là huyện vùng cao, đồi núi trập trùng, chia cắt các làng xã thành những vùng riêng biệt.

Bài liên quan

Ở Na Rì, đường đi lối lại đa phần luồn lách qua những thung lũng hẹp hoặc không thì vắt ngang núi mà tiến tới. Được cái mặt đường đều trải bê tông asphalt, rất đẹp, ô tô gầm thấp cũng lưu thông thoải mái.

Từ thành phố Bắc Kạn đi Na Rì, thuận nhất vẫn là lối vượt đèo Áng Toòng, con đèo dài chỉ 20km nhưng là nỗi ám ảnh của cánh tài xế vì dốc lớn, cua nhiều, tầm nhìn hẹp.

“11% luôn chú ạ, chưa thấy bao giờ luôn”, nghiêng người, cuộn nhanh vô lăng chiếc Ertiga, tay lái trẻ quê Hải Phòng thốt lên khi nhìn thấy tấm biển báo độ dốc cắm ở chân đèo. Lớn lên ở biển thật nhưng anh cũng có vài năm chinh phục các con đèo Tây Bắc chứ không phải dạng tài non, ấy thế mà gặp Áng Toòng vẫn có phần e dè.

Chắc có lẽ vì địa hình hiểm trở như thế nên thiên nhiên ban tặng cho Na Rì cả cảnh sắc núi non hùng vĩ lẫn những sản vật thơm ngon như cây dong riềng đỏ. Và cũng có lẽ những khó khăn của vùng đất này đã thôi thúc những người như chị Nguyễn Thị Hoan quyết tâm vươn lên làm giàu ngay tại quê hương mình, ngay bằng nông sản quê hương mình.

Đến bây giờ, những sợi miến dong Na Rì một thuở chỉ là vật phẩm cứu đói đã trở thành đặc sản tốp đầu cả nước, hiện diện trên khắp các siêu thị chưa kể còn vượt tàu viễn dương đi Séc, đi Mỹ, đi Australia…

Chị Nguyễn Thị Hoan và sản phẩm miến dong riềng đỏ đạt chứng nhận OCOP 5 sao. Ảnh: Tùng Đinh.

Chị Nguyễn Thị Hoan và sản phẩm miến dong riềng đỏ đạt chứng nhận OCOP 5 sao. Ảnh: Tùng Đinh.

Tuổi thơ bữa no bữa đói

Biết có khách đến thăm, chị Hoan gọi điện từ đầu sáng: “Các em cứ theo đường 3 đến xã Côn Minh nhé, hợp tác xã của chị nằm ngay mặt đường, đi cứ thấy biển Miến dong Tài Hoan màu xanh thì vào. Sáng nay chị ở xưởng, đến thì gọi chị nhé”.

Bài liên quan

Hơn 1 giờ đồng hồ sau, người phụ nữ Tày này đã đợi sẵn ở cổng hợp tác xã, chờ khách ghép xong chiếc ô tô sát vào tường, vừa mở cửa bước ra là chị đon đả hỏi thăm, mời vào nhà uống nước. Nói là hợp tác xã nhưng phải gọi là khu phức hợp mới đúng, mấy ngàn mét vuông có cả nhà xưởng, khu phơi phóng, khu đóng gói, nhà kho rồi không gian trưng bày sản phẩm mẫu kết hợp với điểm dừng chân bán đồ giải khát.

Trời vừa trôi sang nửa sau buổi sáng, nắng vẫn còn xiên, gió thổi hiu hiu, ngồi ở hiên của trạm dừng chân nhìn ra, núi non Na Rì trùng điệp trước mặt, con đường dốc thoai thoải lâu lâu mới thấy xe tải, xe limousine phóng vèo qua. Hai thanh niên miền xuôi vừa yên vị thì vị Giám đốc HTX cũng quay xong mấy cốc nước mía: “Các em uống đi cho mát rồi thong thả nói chuyện, trông thế này thôi mà lát nữa nắng lắm đấy, uống đi”.

Dáng người nhỏ nhắn nhưng rất nhanh nhẹn, bà chủ ngồi nói chuyện mà thi thoảng lại phải nghe điện thoại chuyển hàng hay quay ra đáp lời chào hỏi của khách vào xem hàng mẫu.

Sản phẩm miến dong OCOP 5 sao của HTX Tài Hoan. Ảnh: Tùng Đinh.

Sản phẩm miến dong OCOP 5 sao của HTX Tài Hoan. Ảnh: Tùng Đinh.

Tua ngược thời gian, tầm nửa thế kỷ trước, Nguyễn Thị Hoan sinh ra trong một gia đình nghèo ở Na Rì trong một gia đình có đến 7 chị em gái. Dù có bố làm xã đội trưởng nhưng thời đó nghèo khổ là không tránh được, nhà lại đông con, tuổi thơ của chị là những ngày bữa no bữa đói đan xen. “Ngày ấy ăn ngô thay cơm là chuyện bình thường. Hoàn cảnh gia đình rất khó khăn nên từ bé đã phải theo chân cha mẹ đi nương, đi bãi bươn chải kiếm sống từng ngày”, nói đến đây thì người phụ nữ này không kìm được cảm xúc nữa, chị khóc.

Chờ qua cơn xúc động, câu chuyện được tiếp tục. Khó khăn là thế nhưng cũng chẳng còn cách nào khác, cả nhà phải bảo nhau cố gắng, cào nương, cào bãi lấy đất trồng lúa. Trồng xong rồi thì phải chia nhau ra canh, nhất là khi sắp đến mùa thu hoạch. “Chị nhớ lúc ấy còn bé lắm, đi theo các chị lên bãi canh lúa. Đói quá mới đòi ăn ít cơm nắm mang đi nhưng các chị không cho, bảo vẫn còn sớm nên chưa được ăn”, cả gian hàng chỉ còn lại tiếng nấc nghẹn.

Có lẽ, lâu lắm rồi ký ức về cái đói đeo đuổi chị Hoan suốt thời thơ ấu mới được nhắc lại. Chắc cũng lâu lắm rồi chị mới hồi trưởng về ước mơ được ăn một bữa cơm no thôi mà cũng không có của cô bé người Tày theo gia đình đi nương, đi bãi.

Nhưng khó khăn đến mấy rồi cũng phải qua, nhất là với một người nghị lực và có năng khiếu kinh doanh như chị. Nhà gần quốc lộ nên khi mới chỉ lớp 3, lớp 4 Nguyễn Thị Hoan đã biết cách buôn bán, đơn giản nhất là đồ xôi, làm bánh cooc mò bán cho khách đi ô tô dọc đường 3.

“Bé thế nhưng đi buôn lúc nào cũng nghĩ phải cố gắng, lúc nào cũng khát khao thay đổi cuộc sống, để cho bố mẹ đỡ khổ”, chị nói khi khóe mắt đã khô, tiếng nấc nghẹn cũng không còn.

Hàng loạt chứng nhận, giải thưởng của HTX Tài Hoan về các sản phẩm miến dong. Ảnh: Tùng Đinh.

Hàng loạt chứng nhận, giải thưởng của HTX Tài Hoan về các sản phẩm miến dong. Ảnh: Tùng Đinh.

Bén duyên với sợi miến dong

Na Rì đầy rẫy các dãy núi đá vôi, cao cỡ 700 - 800m, nhấp nhô, trùng điệp ít chỗ bằng phẳng. Cả huyện có khoảng 40.000 người, gồm nhiều dân tộc như Mông, Tày, Nùng, Kinh, Dao… người dân chủ yếu phát triển kinh tế từ nông, lâm nghiệp. Trong đó, dong riềng đỏ là giống cây đặc hữu của Bắc Kạn nói chung và Na Rì nói riêng, thường được trồng rải rác trên các sườn đồi, soi bãi để làm nguyên liệu cho miến dong tráng tay. Như bao người dân khác ở đây, gia đình chị Hoan đã làm miến dong từ năm 1965, khi đó mới chỉ là đồ ăn chống đói.

Gắn bó với miến dong từ sớm, cho đến khi có nhận thức rõ ràng, giám đốc của HTX 16 thành viên xác định sẽ theo đuổi và làm giàu trên quê hương bằng chính nghề truyền thống của cha ông. Năm 1991, lập gia đình, hai vợ chồng chị bắt đầu tìm cách tự trồng dong riềng để chủ động nguồn nguyên liệu. “Chị đã làm là làm lớn luôn, thời điểm đó nhà chị trồng khoảng 1ha dong riềng trên mấy sườn đồi của xã Côn Minh”, bà chủ sản phẩm miến dong Tài Hoan nhớ lại.

Thời điểm đó, để đáp ứng nhu cầu sản xuất chị Hoan đã phải thuê 3 - 4 nhân công, vừa giúp việc nhà, vừa làm dong riềng. Thậm chí lúc cao điểm khi cào bãi hay thu hoạch trong nhà có đến chục nhân công. Ban đầu hai vợ chồng xác định tập trung làm bột dong, bán cho các cơ sở sản xuất miến trong vùng là chính vì nhanh thu hồi vốn, đỡ phải đầu tư đồ đạc làm miến. Dần dần độ 3 - 4 năm sau, khi đã có ít vốn dắt lưng thì chị Hoan mới sắm sửa các dụng cụ tráng miến, nhưng vẫn là thủ công, năng suất mỗi ngày loanh quanh 30 - 50kg miến là nhiều.

Sản phẩm miến dong của HTX Tài Hoan có 100 % nguyên liệu tự nhiên, không dùng chất bảo quản. Ảnh: Tùng Đinh.

Sản phẩm miến dong của HTX Tài Hoan có 100 % nguyên liệu tự nhiên, không dùng chất bảo quản. Ảnh: Tùng Đinh.

Làm ra sợi miến ngon rồi vẫn chưa đủ, trong kinh doanh điều quan trọng nhất vẫn là bán được hàng. Khi cả làng cả xã cùng làm thì chẳng có cách nào khác là phải đi xa hơn, biết vậy nên chị Hoan cứ một mình với cái xe máy, mò mẫm đủ nơi tìm nơi tiêu thụ.

“Ban đầu chỉ dám đi đến Thành phố Bắc Kạn là thấy xa lắm rồi. Cứ cầm gói miến lân la đi chào hàng thế thôi, có người thì thông cảm họ còn nghe mình nói, có người họ chẳng thèm tiếp. Nhưng vẫn phải kiên trì thôi”, người đứng đầu HTX 16 thành viên kể về những ngày đầu kinh doanh.

Thế là từ Bắc Kạn, chị sang cả Cao Bằng, Lạng Sơn để chào hàng, gửi miến cho các đại lý lớn ăn thử. Miến ngon nên dần dần đơn hàng cũng về, buôn bán khá lên 2 vợ chồng liền nghĩ đến việc mở rộng quy mô. Năm 2007, ngoài vốn tích cóp được, anh chị vay thêm 100 triệu, cắm thêm một sổ đỏ để vay vốn ngân hàng. Thế là một dây chuyền làm miến quy mô xuất hiện, năng suất từ 50 kg được đẩy lên cao điểm 500 kg/ngày.

Công việc kinh doanh suôn sẻ, xác định không chỉ làm giàu cho mình mà còn phải giúp đỡ được bà con địa phương, năm 2018 HTX Tài Hoan ra đời để chuyên nghiệp hóa trong hoạt động và mở rộng thêm quy mô. Mặc dù ý tưởng thành lập HTX cũng khiến 2 vợ chồng suy nghĩ rất nhiều, nhưng được sự ủng hộ của cán bộ nông nghiệp huyện nên mạnh dạn làm.

Đến nay, HTX đã có 16 thành viên và liên kết với khoảng 700 - 800 hộ dân trồng dong riềng đỏ, đa phần là ở Na Rì và một số huyện lân cận. Về nhà xưởng, chị Hoan có trong tay dây chuyền sản xuất khép kín, từ máy nghiền củ, máy tách bột, máy tráng, máy cắt và hệ thống đóng gói, bao bì. Cao điểm, HTX Tài Hoan có đến 35 - 40 nhân công làm việc trong các xưởng, năng suất có thể đạt đến 2 tấn/ngày. “Hàng có lúc chậm lúc nhanh, tùy thuộc vào thị trường nhưng cơ bản là vẫn tiêu thụ được. Đặc biệt là lúc cuối năm nhu cầu dùng miến dong cao lên thì hàng bán rất chạy”, bà chủ cơ ngơi người Tày tươi cười nói.

Miến dong Tài Hoan ngoài phân phối trong hệ thống siêu thị Coop Mart thì kênh chính là các cửa hàng giới thiệu đặc sản địa phương hoặc các đại lý, đầu mối ở các địa phương.

Một sản phẩm có bao bì ấn tượng, thích hợp làm quà biếu tặng của HTX Tài Hoan. Ảnh: Tùng Đinh.

Một sản phẩm có bao bì ấn tượng, thích hợp làm quà biếu tặng của HTX Tài Hoan. Ảnh: Tùng Đinh.

Về xuất khẩu, hiện nay các sản phẩm của HTX đang được xuất khẩu sang CH Séc, Australia và Mỹ. Bà chủ cũng tiết lộ thêm là đang đàm phán để đưa một số sản phẩm phù hợp với thị hiếu sang thị trường Hàn Quốc và Nhật Bản. Hiện nay, thêm một nhà xưởng nữa đang được xây dựng trên mặt bằng 4.000 m2, tập trung vào mặt hàng miến rút với hệ thống máy móc hiện đại, tự động hóa. Dự kiến, nếu đi vào hoạt động thì tổng sản lượng của HTX sẽ được nâng lên khoảng 2,5 tấn/ngày.

Những năm qua, HTX Tài Hoan đã tạo ra lượng công ăn việc làm ổn định cho hơn 40 người với mức lương từng 6 - 7 triệu đồng/tháng, góp phần nâng cao đời sống kinh tế cho bà con đồng bào ở miền núi Na Rì.

Câu chuyện qua lại cũng hơn một giờ đồng hồ, vừa lúc hết cốc nước mía và khi được hỏi bây giờ không lo đói, không thèm cơm nữa rồi thì mơ ước gì, chị Hoan nhẹ nhàng nói: “Tôi chỉ mơ ước làm sao sản phẩm ngày càng được nhiều người biết đến. Như thế là sản xuất ổn định, tiêu thụ ổn định, công việc của bà con cũng ổn định rồi thêm nhiều người nữa có việc làm. Đấy là mong muốn lớn nhất của tôi bây giờ”.

Xem thêm
Nghị quyết về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia

Tổng Bí thư Tô Lâm vừa ký ban hành Nghị quyết số 57-NQ/TW ngày 22/12/2024 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia. Báo Nông nghiệp Việt Nam xin trân trọng giới thiệu toàn văn Nghị quyết.

Nông nghiệp góp phần quan trọng thúc đẩy tăng trưởng cho Nghệ An

Năm 2024, ngành nông nghiệp Nghệ An tiếp đà thắng lợi toàn diện, đã hoàn thành và hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu, kế hoạch được giao.

Đồng Xoài sẽ là đô thị 'hiện đại, sinh thái, thông minh'

Đó là kỳ vọng của lãnh đạo Đảng, Chính quyền tỉnh Bình Phước tại lễ kỷ niệm 50 năm ngày giải phóng Đồng Xoài, tỉnh Bình Phước (26/12/1974 - 26/12/2024).