| Hotline: 0983.970.780

Nụ cười trên đỉnh Pù Lầu

Thứ Sáu 09/06/2023 , 09:30 (GMT+7)

Từ bỡ ngỡ ban đầu, giờ thì cả 42 hộ dân thôn Phiêng Phàng đều ý thức làm du lịch. Nó tựa như một mạch suối ngầm, thức tỉnh đồng bào người Dao nơi đây.

Bản người Dao Quế Lâm trên đỉnh Pù Lầu. Ảnh: Tùng Đinh.

Bản người Dao Quế Lâm trên đỉnh Pù Lầu. Ảnh: Tùng Đinh.

Bài liên quan

Sau một hồi liên hệ qua cán bộ văn hóa xã Yến Dương, huyện Ba Bể, chúng tôi tìm được đầu mối vào thôn Phiêng Phàng là Bí thư Chi bộ Triệu Thị Mản. Không may hôm ấy, bà có công việc trong Tuần Văn hóa - Du lịch tỉnh Bắc Kạn và hẹn giữa buổi mới về.

Sợ bà đi lại vất vả, chúng tôi hẹn hôm khác quay lại nhưng vị cán bộ ngoài 50 tuổi cười rổn rảng ở đầu dây bên kia. Bà giục: “Các chú lên cho bà con trong thôn có dịp tiếp đón nhà báo Trung ương”.

Ấn tượng đầu tiên trong chúng tôi về Phiêng Phàng là nụ cười ấy. Tự hỏi, bản làng người Dao Quế Lâm nằm ở lưng chừng đỉnh Pù Lầu của dãy Phja Bjoóc này có gì đặc biệt mà bà Mản phải khẩn khoản đến vậy.

Đánh liều lên xe, tiếp tục hành trình dọc theo đường tỉnh 258, hướng từ TP Bắc Kạn đi hồ Ba Bể, khi đến chợ Yến Dương thì quẹo trái, chúng tôi bắt đầu nhận được câu trả lời.

Hai bên đường, cảnh vật nguyên sơ như thể chưa có bàn tay con người động đến. Thảng hoặc, tiếng chim líu lo trên đầu rặng trúc như thể muốn báo hiệu về một cuộc viếng thăm bất ngờ của người phương xa.

Từ cao độ 500m nhìn xuống, Phiêng Phàng chẳng khác nào một resort, tựa lưng vào núi, nhìn thẳng xuống ruộng bậc thang rộng bát ngát, còn những ngôi nhà như các căn bungalow. Mỗi căn lại có đường mòn riêng dẫn lối, chẳng khác gì cách bố trí trong những khu nghỉ dưỡng dưới xuôi.

Đến một tấm biển chỉ dẫn ghi HTX miến dong Yến Dương, chúng tôi dừng lại hỏi đường. Một người hỏi nhưng có đến ba, bốn mái đầu điểm bạc nhô ra khỏi những ngôi nhà sàn, áng chừng sốt sắng để vị khách đường xa khỏi bị lạc hay tụt hứng leo dốc dưới cái nóng tháng 5 gần 40 độ C.

Và rồi cũng như lúc điện thoại cho Bí thư Triệu Thị Mản, chúng tôi lại thấy những đồng bào người Tày, người Nùng sống ở vùng thấp nhoẻn cười. Họ không những tận tình chỉ đường mà còn mời chúng tôi những gáo nước mát lành, được cất kỹ từ khe suối chảy từ thượng nguồn.

Bí thư Chi bộ thôn Phiêng Phàng, bà Triệu Thị Mản không giấu được niềm vui khi chia sẻ về địa phương. Ảnh: Tùng Đinh.

Bí thư Chi bộ thôn Phiêng Phàng, bà Triệu Thị Mản không giấu được niềm vui khi chia sẻ về địa phương. Ảnh: Tùng Đinh.

Ấn tượng Phiêng Phàng

Giống nhiều bản người Dao khác, thôn Phiêng Phàng nằm chót vót trên đỉnh núi. Theo lời người dân, khí hậu nơi đây dễ chịu quanh năm. Những sớm mùa thu, thậm chí là đầu hè, cả bản làng chìm trong một làn sương mỏng. Đưa bàn tay ra nhấp một ngụm sương trời, thấy cả cơ thể sảng khoái như vừa được thưởng thức một món ăn quý từ đất trời.

Bài liên quan

Thôn có 42 hộ và 57 nhân khẩu, tất cả đều là đồng bào dân tộc Dao Quế Lâm, những người đã tìm ra vùng đất này và định cư hàng trăm năm trước. Trước đây, Phiêng Phàng là thôn vùng cao khó khăn bậc nhất của xã Yến Dương, giao thông đi lại bị cản trở, người dân sản xuất nông nghiệp chủ yếu theo hướng tự cung tự cấp nên tỷ lệ hộ nghèo cao. Những năm gần đây, với sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền địa phương, đồng bào Dao Quế Lâm ở Phiêng Phàng đã dần thay đổi cách nghĩ. Vẫn là cây lúa nếp tài, bánh chưng đen ấy, nhưng nếu biết tuyên truyền, quảng bá, người dân có thể bán trực tiếp cho khách du lịch tại bản mà không cần vận chuyển đi xa.

Không ai rõ sự thay đổi về nhận thức ấy diễn ra từ bao giờ, là một vài năm hay cả chục năm, chỉ biết là đến Phiêng Phàng bây giờ ai cũng nhiệt tình thết đãi khách. Không cần món quà cao sang, họ thể hiện tình cảm bằng trái dưa lê hái vội sau vườn hay ấm chè nóng vừa hãm còn đượm vị nồng.

Chúng tôi đã có dịp trải nghiệm nhiều bản du lịch cộng đồng, ngoài Bắc trong Nam đủ cả, và hầu hết thấy một điểm chung là “hướng dẫn viên” địa phương chủ yếu là tầng lớp thanh niên – những người được đào tạo cơ bản, biết ngoại ngữ, thông thạo phong tục, văn hóa miền xuôi và nhất là sự nhanh nhẹn, đủ để dẫn khách đi khắp buôn làng. Người Phiêng Phàng nằm trong số ít không thuộc tuýp này. Từ lúc đặt chân tới điểm đầu thôn là nhà văn hóa vừa được tu sửa khang trang đến lúc chào tạm biệt những nương lúa bậc thang, đón tiếp chúng tôi toàn là các cô, các bà. Nhìn cách họ mau mắn, đon đả mời khách, chúng tôi tự hỏi là Phiêng Phàng phải thay đổi dường nào mới có thể cởi bỏ được tâm lý e dè vốn có của người dân đồng bào.

Nhưng đặc biệt nhất, có lẽ vẫn là những nụ cười. Dù là khi ngồi trong bếp nóng canh nồi bánh đang luộc, hay lúc chỉ bảo kỹ thuật đan gùi, người Dao ở Phiêng Phàng vẫn từ tốn, nhẹ nhàng như đám mây đang lững lờ trôi qua đỉnh Pù Lầu. Họ tận tình, kiên nhẫn nói đi nói lại, kể cả nếu khách không hiểu thì nụ cười vẫn ở đó, như một lời hứa hàng trăm năm qua bên dãy Phja Bjoóc. Có lẽ bởi vậy mà đường lên Phiêng Phàng lúc nào cũng như hành trình vào cổ tích, thường được tô điểm bởi những thửa ruộng bậc thang lúa chín rộ, bên dưới là dòng suối trong xanh uốn lượn, mang đậm nét vùng cao.

Phụ nữ người Dao Quế Lâm giới thiệu bánh chưng đen với du khách. Ảnh: Tùng Đinh.

Phụ nữ người Dao Quế Lâm giới thiệu bánh chưng đen với du khách. Ảnh: Tùng Đinh.

Khu rừng trúc như phim kiếm hiệp

Từ khi tuyến đường liên thôn Nà Pài - Phiêng Phàng được bê tông, mở rộng, người dân trong thôn càng có điều kiện phát triển kinh tế, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần. Bên cạnh việc chăm sóc một vụ lúa, bà con còn tập trung phát triển trồng dong riềng để cung cấp nguồn nguyên liệu cho các HTX lân cận. Ti vi, xe máy trong thôn chưa có nhiều, nhưng nhà nào giờ cũng có của ăn, của để.

“Phải ấm cái bụng thì mới làm việc được các chú ạ”, bà Triệu Thị Đào bảo chúng tôi. Tất nhiên bà không nói chơi. Nhanh nhẹn trèo lên ghế phụ dẫn đường, bà kể về khu rừng trúc rộng hơn 2ha của bà trên đỉnh dốc, nơi đang liên kết chặt chẽ với ao nuôi cá tầm của con trai để tạo nơi nghỉ dưỡng cho khách du lịch.

Đường lên dốc hầu như toàn đất, trên mặt phủ lớp sỏi nhỏ và điểm xuyết những ổ gà đủ sức nuốt trọn bánh xe nếu chẳng may sa lầy. So với chân núi, nhiệt độ trên đây giảm đến 3 - 4 độ nhưng trong khoang cabin, anh tài xế của đoàn chúng tôi mướt mồ hôi. Có những khúc, bánh xe hết bám đường, quay tít trên lớp sỏi để tìm điểm tựa. Mùi khét của ma sát xộc thẳng vào mũi. Lại có đoạn, chiếc xe nhao sang một bên để bám vào viên đá lớn chìa ra giữa đường để tránh cảnh sạt gầm.

Bấm bụng ngồi lắc lư một cây số trên xe, nhưng mọi mệt mỏi dường như tan biến khi tận mắt thấy khu rừng trúc mọc thẳng tăm tắp như trong phim “Thập diện mai phục”. Nếu ngày nào đó, nước ta sản xuất dòng phim kiếm hiệp, khu rừng thôn Phiêng Phàng hẳn sẽ đỡ tốn cho đoàn làm phim một cơ số tiền dựng trường quay. Chúng tôi nghĩ và tin chắc như vậy, nhất là khi đi sâu vào khu rừng. Sau khoảng không xanh ngát là thác Pù Lầu như một dải lụa trắng vắt trên phiến đá phong rêu. Dù không hùng vĩ như thác Đầu Đẳng ở hồ Ba Bể, ngọn thác này vẫn dư nước để người dân địa phương dẫn vào các bể nuôi cá tầm, cá hồi gần đấy.

Khung cảnh trong rừng trúc trên đỉnh Pù Lầu. Ảnh: Tùng Đinh.

Khung cảnh trong rừng trúc trên đỉnh Pù Lầu. Ảnh: Tùng Đinh.

Mới độ vài năm trước, trúc ở khu rừng này chủ yếu được người dân sử dụng để bán thương phẩm. Tuy nhiên, giá bán không cao. Bà Đào tính nhẩm, thương lái thường vào tận rừng, chọn những cây to, chắc để chặt. Độ 3 - 4 năm mới thu hoạch một lần. Hơn 2ha của bà tính ra chỉ cho thu nhập trên dưới 10 triệu đồng mỗi lần chặt.

“Làm thế không bõ công chú ạ”, bà Đào bộc bạch. Và như để minh chứng, bà chỉ sang một đống trúc lớn mới chặt, chuẩn bị làm nhà, bàn ghế và tạo hình xích đu, cầu, trái tim… để khách du lịch tới chụp ảnh “check-in”. Với một người đã biết cách xây dựng chuỗi giá trị khi liên kết cùng con trai mở khu du lịch rừng trúc kết hợp thưởng thức cá tầm, cá hồi, bà Đào hiểu rõ, rằng không gì tốt bằng việc bản thân chủ động tìm đầu ra cho sản phẩm. Thay vì chờ thương lái đến cò kè bớt một thêm hai, bà giữ cây trúc lại với Phiêng Phàng. Cái bà bán giờ không còn là cây trúc nữa, mà bà bán luôn cả giá trị phi vật thể, bán luôn cả những nét văn hóa độc đáo cho du khách.

Ngoài làm cảnh quan thu hút khách du lịch, rừng trúc còn là nơi cung cấp nguồn nguyên liệu dồi dào cho nghề đan lát truyền thống của bà con người Dao Quế Lâm tại địa phương, tạo công ăn việc làm và thu nhập trong lúc nông nhàn, đặc biệt là cho phụ nữ. Những sản phẩm thủ công truyền thống như gùi, mẹt, nong, nia... của đồng bào dân tộc Dao ở các thôn Nà Pài, Phiêng Phàng hiện được khôi phục, trở thành hàng hóa, đem lại nguồn thu nhập đáng kể cho người dân.

Bà Đặng Thị Đường trổ tài đan lát các nông cụ từ cây trúc. Ảnh: Tùng Đinh.

Bà Đặng Thị Đường trổ tài đan lát các nông cụ từ cây trúc. Ảnh: Tùng Đinh.

Từng được Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch Bắc Kạn mời xuống biểu diễn tại Làng văn hóa các dân tộc, bà Đặng Thị Đường được coi là người đan trúc khéo nhất ở thôn Phiêng Phàng. Bà kể, từ khi mới mười mấy tuổi đã học mẹ, học chị tập đan các dụng cụ trong gia đình và đồ phục vụ nông nghiệp.

Nguyên liệu là yếu tố quyết định để có một sản phẩm ưng ý. Chọn cây trúc không được quá già hoặc quá non, gãy ngọn; nan dễ bị giòn, dễ gãy hoặc bị teo lại. Người thợ phải biết vót nan, chuốt nan sao cho có độ mềm, nhẵn, đều nhau để khi đan các nan khít vào nhau, không tạo khe hở thì sản phẩm mới bền, đẹp. Kỹ thuật đan lát không khó nhưng đòi hỏi tính cẩn thận, tỉ mỉ và chịu khó.

"Ai không nhẫn nại, khó làm được và gắn bó với nghề", bà Đường vừa nói vừa thoăn thoắt luồn các thanh trúc vào nhau. Cũng theo bà Đường, đan trúc thuận lợi nhất là vào những ngày mưa, khi đó vừa tận dụng thời gian rảnh rỗi do không phải đi ra đồng, thời tiết lại có độ ẩm lớn, thanh trúc dễ đan hơn.

Ngoài đan gùi, sọt để đi nương rẫy hoặc đựng ngô, thóc, hạt giống... người Dao Quế Lâm còn đan những chiếc giỏ lớn để đựng đồ thờ cúng. Sản phẩm dạng này đòi hỏi sự công phu và thêm nhiều họa tiết hoa văn. Để hoàn thiện một sản phẩm đan lát bền đẹp mất ít nhất 1 - 3 ngày. Khi sản phẩm làm xong, nếu chưa sử dụng thì được treo lên gác bếp hun khói, giúp giảm độ ẩm, tăng độ bền, đồng thời để sản phẩm ngả sang màu nâu đậm, vàng mật bắt mắt.

Những cánh đồng xanh mướt trên Pù Lầu. Ảnh: Tùng Đinh.

Những cánh đồng xanh mướt trên Pù Lầu. Ảnh: Tùng Đinh.

Lời nhắn nhủ cho tương lai

Thưởng ngoạn trọn vẹn vẻ đẹp Phiêng Phàng thì Bí thư Chi bộ thôn Triệu Thị Mản cũng vừa về. Hôm nay, bà diện trang phục truyền thống của đồng bào người Dao, gồm quần, áo, váy, yếm, khăn, mũ… với kiểu dáng, hoa văn, họa tiết cầu kỳ, tinh xảo, mang đậm hương sắc của thiên nhiên như hoa rừng.

Vừa cười nói chúng tôi thông cảm, bà vừa tranh thủ giới thiệu bộ trang phục đang mặc. Bà bảo, con gái người Dao ai cũng phải tự may một bộ trang phục truyền thống thật đẹp/ Ngay từ khi lên 6, 7 tuổi, các bé gái đã được dạy thêu thùa, khâu vá. Mỗi bộ váy của phụ nữ Dao phải bỏ công sức đến vài tháng để may thêu. Nếu đem bán ở chợ phiên hoặc các hội chợ giới thiệu sản phẩm, giá mỗi bộ có thể lên tới 10 triệu đồng.

Phấn khởi giới thiệu từng bức ảnh lưu niệm đặt trang trọng tại nhà văn hóa thôn, bà Mản tâm sự, rằng vui nhất bây giờ là ai trong thôn cũng có ý thức làm du lịch cộng đồng, đồng thời biết áp dụng khoa học kỹ thuật vào canh tác để nâng cao năng suất, cuộc sống ổn định, không còn cảnh bữa no bữa đói như trước. Những khu ruộng bậc thang không chỉ đem lại hạt thóc, hạt ngô mà còn là yếu tố quan trọng thu hút được khách tham quan, đem lại giá trị cao hơn cho người Dao trên đỉnh Pù Lầu.

Cầm trên tay chiếc bánh chưng đen nóng hổi vừa được vớt ra lò, chúng tôi không khỏi nao nao khi nhớ lời dặn của bà Mản lúc chia tay. “Các chú nhớ ghé Phiêng Phàng thường xuyên để thấy nơi đây thay đổi như nào”.

Thôn Phiêng Phàng nằm gần tuyến tỉnh lộ đến thắng cảnh nổi tiếng hồ Ba Bể. Đây là điều kiện rất thuận lợi để bà con nơi đây phát triển du lịch. Ông Trung Ngọc Mẫn, Phó Chủ tịch UBND huyện Ba Bể cho rằng, điều quan trọng hiện nay là tiếp tục tạo ra những sản phẩm du lịch độc đáo và hướng dẫn người dân làm du lịch một cách chuyên nghiệp, bài bản hơn.

Xem thêm
Kỷ luật ông Vương Đình Huệ, chưa xem xét kỷ luật ông Võ Văn Thưởng

Bộ Chính trị quyết định thi hành kỷ luật Cảnh cáo ông Vương Đình Huệ, chưa xem xét, xử lý kỷ luật ông Võ Văn Thưởng do đang điều trị bệnh.

Sở NN-PTNT 13 tỉnh, thành phố vùng Trung bộ ký giao ước thi đua năm 2025

Ninh Thuận Khối thi đua Sở NN-PTNT 13 tỉnh, thành phố vùng Trung bộ đã tổ chức hội nghị tổng kết công tác thi đua, khen thưởng năm 2024 và phương hướng, nhiệm vụ năm 2025.

Nhận quà khủng, chủ xe VF 6 chốt cọc với mức giá từ 579 triệu đồng

VF 6 đang là mẫu xe đáng mua nhất phân khúc khi chi phí bỏ ra cho chiếc xe chưa đến 600 triệu đồng nhưng giá trị nhận được thì vượt xa con số này.

Đảm bảo an toàn cho ngư dân mùa mưa bão: [Bài 1] Tính mạng trên hết

Phần lớn quãng đời của ngư dân gắn với biển. Biển cả mênh mông, trong khi bão tố rất bất thường, sinh mạng và tài sản của ngư dân luôn bị thiên tai đe dọa…